Văn học thiếu nhi miền Tây Nam bộ: Thử thách phía trước
Văn học thiếu nhi miền Tây Nam bộ từng tạo nên dấu ấn sâu đậm với những tên tuổi như nhà văn Nguyễn Quang Sáng với Dòng sông thơ ấu, nhà văn Đoàn Giỏi với Đất rừng phương Nam, nhà văn Anh Đức với Giấc mơ ông lão vườn chim. Hội Sách thành phố Cần Thơ lần thứ 3, diễn ra từ ngày 25 đến 31/3 tới đây, là dịp để chúng ta cùng đánh giá về nền văn học thiếu nhi ở khu vực này về sự kế thừa và tiếp nối thế hệ đi trước.
Nhà văn Võ Diệu Thanh ký tặng sách cho độc giả tại Hội sách TP Cần Thơ lần thứ 2. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Chưa có bứt phá
Nhà xuất bản Kim Đồng vừa giới thiệu đến độc giả 2 tác phẩm về miền Tây là Con cò mồ côi của Nguyễn Thị Thanh Huệ và Thủ lĩnh vịt đồng của Lê Quang Trạng. Nếu như tác giả Nguyễn Thị Thanh Huệ là nhà văn gạo cội ở Cần Thơ, từng được biết đến với các tác phẩm Chim đỗ quyên khóc hát, Mùa yêu, Ngàn xanh, Nhận phố làm quê thì Lê Quang Trạng lại là tác giả trẻ, thuộc thế hệ 9X đầy triển vọng của An Giang. Anh là tác giả của tập truyện Dòng sông không trôi và tập thơ Áp tai vào đất, cùng một số giải thưởng văn chương. Hai tác phẩm trên thuộc thể loại đồng thoại, với những đặc tính lý thú của loài vật. Những trang viết cũng khắc họa rõ nét cuộc mưu sinh phóng khoáng của con người và khung cảnh đặc sắc miền Tây sông nước.
Cách đó không lâu, nhà văn Trần Tùng Chinh cũng ra mắt bộ sách Ba kể con nghe do NXB Phụ nữ ấn hành, anh hiện là giảng viên Đại học An Giang. Bộ sách ghi dấu lần đầu tiên Trần Tùng Chinh chuyển sang viết cho thiếu nhi sau rất nhiều tác phẩm dành cho tuổi mới lớn như: Mùa thu vàng mưa nắng, Mùa mưa ở lại, Bâng quơ trên núi, Thủ khoa, Trại mùa xuân…
Ba kể con nghe gồm 4 cuốn: Món quà sinh nhật, Cái mũi dài của voi con, Bài hát trong giấc mơ của sâu bướm và Bí mật của Na và mẹ. Mỗi cuốn sách mang đến nhiều câu chuyện khác nhau, được viết bằng giọng văn giản dị, trong sáng và gần gũi, xứng đáng là những bài học góp phần nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn cho các em.
Một gương mặt khác đến từ miền Tây, thành danh với văn học thiếu nhi là nhà văn Võ Diệu Thanh với những tác phẩm: Bảng đỏ dành cho xứ Bìm Bìm, Những cậu bé mặt trời, Chúng mình bay đầy trời, Siêu nhân Cua, Tiền của thần cây… Ngoài những tên tuổi trên, văn học thiếu nhi ở miền Tây còn có sự tham gia của một số tác giả như: Mai Bửu Minh, Hoàng Mai Quyên, Lê Minh Nhựt, Nghiêm Quốc Thanh…
Dù xuất hiện lực lượng viết hùng hậu với nhiều thành phần và lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên theo nhà văn trẻ Lê Quang Trạng: “Khác với văn học thiếu nhi ở nhiều miền đất khác, văn học thiếu nhi ở miền Tây hình như vẫn còn khiêm tốn, nhất là những năm gần đây. So với những tác phẩm của các nhà văn viết cho thiếu nhi đi trước, hình như miền Tây vẫn chưa có tác phẩm văn học thiếu nhi mang tính bứt phá”. Nhà văn Trần Tùng Chinh đồng tình: “Theo tôi, văn học thiếu nhi ở miền Tây hiện nay vẫn còn khá khiêm nhường, bởi vẫn còn thiếu những tác phẩm mang dấu ấn vùng miền có tầm vóc lớn như Đất rừng phương Nam, thiếu hẳn đội ngũ tên tuổi những nhà văn lớn chuyên tâm viết cho thiếu nhi và viết về thiếu nhi”.
Nhà văn Võ Diệu Thanh còn đưa đến một thực tế: “Trong một trại sáng tác ở Cần Thơ, có nhà văn lớn tuổi, tài năng lại không biết gì về văn học thiếu nhi!”.
Thiếu hơi thở đương đại
Có một thực tế đang tồn tại ở văn học thiếu nhi nói chung, đó là thiếu hẳn những người chuyên tâm viết cho thiếu nhi, việc sáng tác cho thiếu nhi đang dừng ở sự ngẫu hứng mà chưa được chú trọng từ chính bản thân các tác giả cũng như cách nhìn nhận của xã hội. Nhà văn Trần Tùng Chinh chỉ ra thực tế: “Miền Tây vẫn có tác phẩm thiếu nhi nhưng đó là lúc nhà văn tạm buông các đề tài khác dành cho người lớn để đến với đề tài thiếu nhi như tìm một sự thăng bằng, thậm chí một sự thư giãn. Có vẻ như họ muốn xin một vé trở lại tuổi thơ trong trẻo hồn nhiên của chính mình hơn là có một chiến lược, một kế hoạch nghiêm chỉnh, dài hơi để dồn sức tập trung viết cho thiếu nhi. Điều này cũng cho thấy, khi viết về thiếu nhi, nhà văn miền Tây thường viết về tuổi thơ của chính mình hơn là viết cho thế hệ trẻ em đương đại”.
Làm thế nào để văn học thiếu nhi ở miền Tây có nhiều khởi sắc hơn nữa, tận dụng được những lợi thế mà nhiều vùng miền khác không có? Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng chia sẻ: “Dường như văn học thiếu nhi vẫn chưa có một chỗ đứng xứng đáng trong dòng văn học hiện nay. Ít nơi nhận hỗ trợ, hiếm có giải thưởng cho văn học thiếu nhi, cũng là một trong số những rào cản giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc. Tôi nghĩ, không chỉ in ấn văn học thiếu nhi, mà công tác quảng bá cũng không kém phần quan trọng”. Còn nhà văn Võ Diệu Thanh cho rằng: “Phản hồi của độc giả và công tác quảng bá phát hành hơi nhẹ nên những tác giả đang hào hứng cũng sớm bị rơi vào trạng thái chán nản và chậm những dự án tiếp theo”.
Thế mạnh của văn học thiếu nhi miền Tây vẫn là đặc trưng của con người và vùng đất, bởi ở đó vừa có sự bí ẩn xưa cũ của những lớp trầm tích văn hóa cổ, vừa có cái mới mẻ của vùng đất phương Nam được cha ông khai phá đang chuyển mình và đối diện với những vấn đề của cuộc sống hiện đại. “Bạn đọc là thiếu nhi ở miền Tây sẽ cảm thấy thú vị khi nhận ra cuộc sống của mình trong tác phẩm vừa quen thuộc, vừa mới mẻ; còn bạn đọc ở nơi khác sẽ có cơ hội phiêu lưu, khám phá vùng đất đặc biệt độc đáo này cùng với hoàn cảnh số phận của nhân vật, thường là trẻ con ở miền Tây, qua trang sách”, nhà văn Trần Tùng Chinh nhận định.
Từ thực tế những gì mà văn học thiếu nhi ở Tây Nam bộ đang tồn tại, có thể thấy, để đưa văn học ở vùng đất đầy chất liệu cuộc sống này trở lại “thời hoàng kim” như mấy chục năm trước, là điều không dễ dàng.
BT: Nguyễn Chắt
(nguồn: sggp.vn)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên