Trung Quốc là một trong những chiếc nôi của nền văn minh toàn nhân loại. Với diện tích đất đai rộng lớn, nhiều dân tộc cùng chung sống, người Trung Quốc ngay từ thời cổ đại đã gây dựng và bồi đắp được một nền văn minh văn hóa rực rỡ, là thành phần chủ yếu tạo nên “văn hóa phương Đông”. Nền văn minh này có ảnh hưởng lớn đến khu vực châu Á, ảnh hưởng và lưu dấu ấn đậm nét trong nền văn hóa của nhiều quốc giá châu Á đến tận ngày nay. Trung Hoa cổ đại nổi tiếng với tứ đại phát minh với tơ lụa, với Vạn Lý Trường Thành... Có rất nhiều học giả nổi tiếng đánh giá về văn minh Trung Hoa với những luồng ý kiến giống và khác nhau, Voltaire cho rằng: “Chúng ta nhận thấy rằng quốc gia ấy tồn tại một cách rực rỡ từ trên bốn ngàn năm rồi mà luật pháp, phong tục, ngôn ngữ, cách ăn mặc vẫn không thay đổi bao nhiêu...”. Học giả Keyserling thì kết luận: “Chính ở Trung Hoa thời thượng cổ người ta đã tạo ra được những mẫu mực nhân loại thông thường hoàn toàn nhất... Trung Quốc đã tạo được một nền văn hóa cao nhất từ trước tới nay...”. Vì lẽ đó, nền văn minh Trung Hoa chứa đựng vô vàn những ẩn số, thôi thúc chúng ta tìm hiểu và thêm am tường về nó.
Cuốn sách Văn minh Trung Hoa của Nhà xuất bản Dịch Lâm thuộc Tập đoàn Xuất bản và Truyền thông Phượng Hoàng, Giang Tô, Trung Quốc với tập thể tác giả là 60 chuyên gia, học giả nổi tiếng, từ nhiều lĩnh vực khác nhau như: Lý Học Cần, Diêm Bộ Khắc, Trần Bình Nguyên,... đã chung tay họa nên một bức tranh đầy đủ, toàn diện về nền văn minh Trung Hoa, gồm 13 chủ đề như: tín ngưỡng và triết học, xã hội và giai cấp, đô thị và kiến trúc, thủy lợi và giao thông, văn học và nghệ thuật, y học và dưỡng sinh, ẩm thực và văn hóa, binh pháp và võ thuật,...