Vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh bí mật trên mặt trận gián điệp, tình báo ở miền Bắc Việt Nam?
Lý giải cho câu hỏi trên, là một câu chuyện có thật về hoạt động của đội quân gián điệp, biệt kích, tình báo đông đến hàng trăm người do Mỹ, trong đó chủ yếu là do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) huấn luyện và sử dụng nhằm chống lại và phá hoại miền Bắc Việt Nam trong suốt thời gian từ năm 1956 đến năm 1972. Câu chuyện đó được kể lại tường tận trong cuốn sách Gián điệp và biệt kích: Nước Mỹ đã thất bại như thế nào trong cuộc chiến tranh bí mật ở miền Bắc Việt Nam của hai tác giả Kenneth Conboy và Dale Andradé1, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.
Cuốn sách Gián điệp và biệt kích: Nước Mỹ đã thất bại như thế nào trong cuộc chiến tranh bí mật ở miền Bắc Việt Nam của hai tác giả Kenneth Conboy và Dale Andradé, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.
Trong hơn 460 trang của cuốn sách, các tác giả đã tường thuật chi tiết, cụ thể những âm mưu và cách thức tổ chức tuyển chọn, đào tạo hệ thống gián điệp, biệt kích; các hoạt động xâm nhập bằng đường biển và trên không; hoạt động cài cắm điệp viên nằm vùng, mạng lưới chống đối; hoạt động phá hoại, đánh lạc hướng, thu thập tin tức tình báo, giải cứu phi công bị bắn rơi… mà Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa đã tiến hành trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Những nội dung này được xây dựng dựa trên những tài liệu thu thập được từ các bên và các cuộc phỏng vấn nhân chứng có mặt trong cuộc chiến, do vậy đã phản ánh chân thực, khách quan và cũng vô cùng hấp dẫn về cuộc chiến tranh bí mật hầu như không ai biết đến được tiến hành phía sau hậu trường. Cuốn sách cũng cho độc giả thấy rõ sự thất bại, bế tắc của đế quốc Mỹ khi tiến hành đưa các đội, nhóm gián điệp, biệt kích xâm nhập ra miền Bắc nhằm thực hiện chiến thuật “đánh cộng sản trong lòng cộng sản”, tương ứng với đó là sự phản ứng linh hoạt, khéo léo, kịp thời và hiệu quả trong hoạt động phản gián của lực lượng an ninh miền Bắc Việt Nam, qua đó có được câu trả lời cho việc vì sao Mỹ - quốc gia được xem là có lực lượng gián điệp, tình báo lớn mạnh, chuyên nghiệp hàng đầu thế giới - lại thất bại trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam và thất bại ngay trên chính mặt trận tình báo, gián điệp.
Có nguồn gốc từ những ngày tàn của cuộc chiến tranh Đông Dương thứ nhất, tổ chức gián điệp của Mỹ đã tiến hành một chiến dịch bí mật chống lại Hà Nội và cũng là một trong những chiến dịch hoạt động bán quân sự bí mật kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Dựng lại truyền thuyết Long Vương dâng gươm thiêng cho vua Lê đánh đuổi kẻ thù xâm lược và đưa vào xây dựng kế hoạch chiến tranh tâm lý, gọi là Mặt trận gươm thiêng ái quốc để khơi gợi lại trong người dân Việt Nam những ký ức về quá khứ khi bị người nước ngoài áp bức, CIA hy vọng sẽ thuyết phục người dân miền Bắc tin rằng chính phủ hiện nay của họ là tay sai của Trung Quốc và Liên Xô. Năm 1961, chiến dịch tập trung vào việc tung các toán biệt kích ra miền Bắc Việt Nam với tổng cộng 27 toán biệt kích do CIA bảo trợ gồm hơn 200 người. Năm 1964, khi nhiệm vụ của CIA chấm dứt và Bộ Quốc phòng Mỹ đảm nhiệm công việc này, Mỹ đã đưa thêm 24 nhóm biệt kích nữa vào miền Bắc dưới sự điều hành của tổ chức có tên Nhóm Quan sát và Nghiên cứu (SOG). Tuy nhiên, xác định Mặt trận gươm thiêng ái quốc là một mặt trận kháng chiến “thực sự”, làm cho nhiều người thay đổi thái độ chính trị, xây dựng lực lượng nổi dậy và cuối cùng đe dọa các nhà lãnh đạo Hà Nội; hay đây chỉ là một mặt trận giả tưởng để buộc Hà Nội phải nghĩ rằng có một cuộc cách mạng thật sự đang diễn ra ở sân sau của mình; hoặc chiến dịch cần đạt được mục tiêu cụ thể, rõ ràng như thế nào lại không được Washington nêu rõ. Do vậy, cuộc tranh luận xung quanh vấn đề nên sử dụng “gươm thiêng” như thế nào đã trở thành chủ đề xuyên suốt các chiến dịch hoạt động bí mật chống lại miền Bắc và trên thực tế những hoạt động gián điệp, biệt kích đã không đạt được kết quả như mong đợi; trong khi đó Washington ngày càng dính líu sâu hơn vào cuộc xung đột leo thang và Mỹ ngày càng sa vào “vũng lầy” Việt Nam, để rồi cuối cùng họ đã phải nhận một kết cục thảm bại.
Mặc dù trong cuốn sách có một số thông tin, nhận định xuất phát từ góc nhìn cá nhân, mang tính chủ quan của các tác giả, nhưng nội dung sách đã làm rõ những toan tính, âm mưu, diễn biến và kết quả của phía Mỹ trong chiến dịch tình báo được coi là chiến dịch quy mô và tốn kém nhất mà Chính phủ Mỹ thực hiện trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, đồng thời một lần nữa khẳng định sự thất bại tất yếu của đế quốc Mỹ khi phát động cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược Việt Nam. Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam - cuộc chiến 10.000 ngày dài nhất trong lịch sử nước Mỹ dưới một góc độ đặc biệt - chiến tranh “gián điệp, tình báo” thì đây là cuốn sách mà mọi độc giả đều nên đọc.
1. Người dịch: Dương Văn Đoàn - Trần Ngọc Thạch. Hiệu đính: Trần Ngọc Thạch.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”