Việt Nam trên đường phát triển
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ mốc son lịch sử này, 70 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thử thách, hy sinh, chiến đấu kiên cường, dũng cảm giữ vững nền tự do và độc lập; giành được những thành quả to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Nhằm góp phần khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong bảy thập kỷ qua; làm rõ thêm những định hướng và tiềm năng phát triển của đất nước trong thời gian tới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật cho ra mắt bạn đọc ấn phẩm Việt Nam trên đường phát triển. Đặc biệt, cuốn sách vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết lời giới thiệu. Các bài viết được sắp xếp theo chủ đề từ lịch sử đến hiện tại, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Tác giả các bài viết trong cuốn sách là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, cùng nhiều nhà khoa học có uy tín.
Phần Mở đầu cuốn sách, Giáo sư sử học Phan Huy Lê trình bày khái quát về Việt Nam - đất nước, con người, lịch sử và văn hóa.
Trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, các nền văn hóa tiền sử bắt đầu từ khi con người xuất hiện các ngày nay khoảng trên dưới 50 vạn năm cho đến khi nhà nước sơ khai vào thời kim khí. Thời cổ đại, Việt Nam đã xuất hiện và tồn tại ba trung tâm văn minh gắn với những nhà nước sơ khai đầu tiên của Văn Lang - Âu Lạc, Lâm Ấp (Chămpa), Phù Nam. Giữa các nền văn hóa đó có quan hệ giao lưu với nhau trên cơ tầng chung của văn hóa Nam Á (Australo-Asiatic Culture) và mỗi nền văn hóa có quan hệ giao lưu với văn hóa Trung Quốc ở phía Bắc cũng như Ấn Độ ở phía Nam. Trong lịch sử Việt Nam, văn hóa Đông Sơn với nước Văn Lang - Âu Lạc giữ vai trò chủ lưu, văn hóa Sa Huỳnh với nước Chămpa, văn hóa Óc Eo với nước Phù Nam như những dòng chảy qua nhiều biến thiên lịch sử dần dần hội nhập vào dòng chủ lưu để tạo nên lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Trong hơn một nghìn năm đấu tranh chống Bắc thuộc (thế kỷ II Tr.cn đến thế kỷ thứ X), người Việt đã nhiều lần vùng lên khởi nghĩa, tiêu biểu là khởi nghĩa hai chị em Bà Trưng (40), khởi nghĩa Bà Triệu (248), khởi nghĩa Lý Bý (542), khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713), khởi nghĩa Phùng Hưng (766 - 779)... Người Việt không những đứng lên khởi nghĩa đánh đổ nền đô hộ Trung Quốc mà còn đấu tranh chống lại các mưu đồ đồng hóa của nước ngoài, bảo tồn cuộc sống và nền văn hóa dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền, với chiến thắng Bạch Đằng năm 1938 đã chấm dứt nền đô hộ của Trung Quốc kéo dài trên 10 thế kỷ, người Việt Nam giành lại độc lập dân tộc.
Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XV là thời kỳ giữ vững nền độc lập dân tộc và phục hưng dân tộc với các triều đại: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê sơ. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX là thời kỳ phát triển với nhiều biến động lịch sử: triều Hậu Lê sụp đổ, triều Mạc thay thế; chiến tranh Lê - Mạc, chiến tranh Trịnh - Mạc, chiến tranh Trịnh - Nguyễn và sự phân định Đàng Trong - Đàng Ngoài...
Ngày 1-9-1858, quân Pháp tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau 25 năm, quân Pháp lần lượt chiếm Nam Kỳ rồi Bắc Kỳ và năm 1883 tấn công kinh đô Huế buộc triều Nguyễn ký Hòa ước 1883 và năm 1884 công nhận nền thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhiều phong trào yêu nước kháng Pháp như phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, cuộc vận động Duy Tân,.. đã diễn ra nhưng đều thất bại. Cho đến năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một thời đại mới ở Việt Nam - thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
Phần thứ nhất: Lịch sử sang trang mới với thế và lực mới, giới thiệu quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, trong đó tập trung nêu bật những thành tựu đạt được trong 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Bài viết của các tác giả: GS. Đặng Xuân Kỳ: “Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hóa”; PGS.TS Nguyễn Tri Thư: “Cuộc trường chinh giành độc lập, tự do, thống nhất trọn vẹn (2-9-1945 - 2-9-2015); đồng chí Hoàng Tùng: “Một cuộc hành trình mới”; GS. Trần Nhâm: “Mười năm trăn trở, suy tư để tìm con đường đổi mới”; GS.TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương: “Việt Nam - Đổi mới và phát triển”; PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương: “Ổn định chính trị - xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương: “Ba mươi đổi mới kinh tế - Thành tựu và triển vọng”; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội”; đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững dất nước”; đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương: “Hai vấn đề cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam”; TS. Đặng Xuân Hoan, Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực: “Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”,...
Theo GS. Đặng Xuân Kỳ, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một thời đại mới ở Việt Nam. Thời đại ấy đã ghi thêm những mốc son mới trong sự nghiệp đấu tranh và xây dựng của nhân dân Việt Nam. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám vẫn sống mãi với dân tộc Việt Nam cho đến ngày nay với những thắng lợi to lớn hơn nữa. Với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước giành lại trọn vẹn nền độc lập, thống nhất trên toàn lãnh thổ mà tổ tiên đã khai phá, mở mang và bảo vệ... Tất cả những âm mưu chia cắt, lập vùng tự trị hay quốc gia riêng biệt của chủ nghĩa thực dân đều bị thất bại.
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cách mạng Việt Nam bước sang thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Bài viết “Mười năm trăn trở, suy tư để tìm con đường đổi mới” của GS. Trần Nhâm đã chỉ ra những khó khăn, thách thức mà đất nước gặp phải, đồng thời, nêu bật những thời cơ và động lực phát triển. Cụ thể: trong suốt 10 năm từ 1976 đến năm 1986, thời kỳ mô hình cũ được mở rộng. Những sai lầm của mô hình ấy là trở lực lớn đối với sự phát triển, đẩy cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đến mức gay gắt, đất nước đứng trước chồng chất những khó khăn, thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua được, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã bình tĩnh, sáng suốt, quyết tâm khởi xướng và lãnh đạo cả hệ thống chính trị cùng toàn dân, toàn quân ta tiến hành công cuộc đổi mới...
Sau 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, hình thành được hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bài viết “Việt Nam - Đổi mới và phát triển”, GS, TS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh: Những thành tựu đó đã tạo nên thế và lực lớn mạnh, đưa đất nước ta vượt qua cuộc khủng khoảng kinh tế - xã hội trầm trọng trong những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX...
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phân tích: 30 năm đổi mới kinh tế của đất nước là quá trình Đảng ta đã từng bước đổi mới nhận thức, mà trước hết là nhận thức rõ hơn về chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế, đồng thời cũng đã chứng kiến vai trò tích cực của các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế quốc dân, các chủ thể kinh tế tự do kinh doanh và cạnh tranh theo quy định của pháp luật... Bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được của quá trình đổi mới kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, an sinh xã hội cũng đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Dựng nước phải đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Bên cạnh việc đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển đất nước, nhân dân ta vẫn luôn đề cao cảnh giác, chăm lo, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đặc biệt là đứng trước những âm mưu “diễn biến hòa bình”, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là rất nặng nề, song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong điều kiện thế và lực của đất nước không ngừng được tăng cường, sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thường xuyên được củng cố, cùng những thuận lợi mới từ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này.
Bên cạnh giữ vững nền quốc phòng toàn dân, công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng công an nhân dân cũng được đặc biệt chú trọng. Theo Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an: Trong những năm qua, thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố, nhất là trên các địa bàn chiến lược, xung yếu, phức tạp. Lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc...
Bài viết “Vị thế quốc tế của Việt Nam trên con đường phát triển” của đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Vị thế quốc tế của đất nước ta là kết quả 70 năm phấn đấu, hy sinh của toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, là tài sản quý báu mà các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau phải gìn giữ và phát huy...
Phần thứ hai: Tiềm năng phát triển, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh cần tập trung khai thác để đẩy mạnh phát triển đất nước trong thời gian tới.
Từ những thành tựu đã đạt được trong gần 30 năm đổi mới, ở phần hai của cuốn sách, các tác giả phân tích những tiềm năng, thế mạnh cần tập trung khai thác để đẩy mạnh phát triển đất nước trong thời gian tới. Từ “Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới - khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân” cho đến “Phát huy vai trò của các đầu tàu kinh tế của các doanh nghiệp thuộc Khối doanh nghiệp Trung ương”; “Phát huy thế mạnh từ hội nhập quốc tế”; “Phát huy vai trò động lực phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước”...
Bài viết “Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới - khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân” của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ ra những mâu thuẫn trong nền nông nghiệp nước ta. Từ đó, đề ra các giải pháp cơ bản cho các mâu thuẫn này, trong đó có đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng của hợp tác xã và khẳng định rằng xây dựng các hợp tác xã kiểu mới là khâu đột phá.
Bài viết của đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đề cập việc phát huy vai trò của các đầu tàu kinh tế của các doanh nghiệp thuộc Khối doanh nghiệp Trung ương trong phát triển kinh tế quốc gia...
Trong bài viết “Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch”, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh: Du lịch Việt Nam trong những năm qua đã có sự phát triển nhanh chóng, tăng trưởng mạnh về lượng khách nội địa và tăng liên tục về số lượng khách quốc tế. Có thể nói, Việt Nam là quốc gia giàu tiềm năng du lịch cả về tự nhiên và nhân văn. Các tài nguyên du lịch có sự phân bố đồng đều trên mọi lãnh thổ trong sự đa dạng về địa hình và các nền văn hóa, tạo nên sự hấp dẫn và đặc trưng riêng của các vùng, miền trong cả nước. Những thế mạnh, tiềm năng này đang được khai thác hiệu quả để phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, khám phá thiên nhiên... Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch phục vụ phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương, đường lối, mục tiêu nhất quán: phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Cuốn sách Việt Nam trên đường phát triển là một trong những công trình thiết thực chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Thu Hằng
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Công đoàn Khối thi đua số VII tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa phóng viên các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản trong công tác truyền thông
- Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024
- Tọa đàm khoa học “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”
- Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”
- Gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố các quyết định mới về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 223-QĐ/TW
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cuốn sách truyền cảm hứng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và gặp mặt trước khi chuyển giao chức năng, nhiệm vụ
- Công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật