Văn học về đề tài lịch sử: "Của để dành" cho... hậu thế

Ngày đăng: 18/10/2012 - 09:10

Văn học Việt Nam đang ngày càng có nhiều tác phẩm viết về đề tài lịch sử nhưng vẫn thiếu những tác phẩm xứng tầm với lịch sử dân tộc. Viết về lịch sử được nhiều cây viết xem như “nghĩa vụ” chủ yếu của nhà văn, nhưng lịch sử lại quá thiếu tư liệu, chất liệu để nhà văn “gột nên hồ”…

Văn chương mắc nợ lịch sử

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Trong những năm gần đây, nhiều tác phẩm viết về đề tài lịch sử được trao những giải thưởng uy tín như Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam hằng năm. Hơn nữa, càng ngày bạn đọc càng quan tâm hơn những tác phẩm văn học viết về đề tài này với ý thức sâu sắc về dân tộc và bày tỏ một thái độ đầy trách nhiệm về các tác phẩm đó”.

Van hoc ve de tai lich su

Không thể phủ nhận, những tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử những năm gần đây đã xuất hiện nhiều hơn và có nhiều tác phẩm gây được tiếng vang, thu hút sự quan tâm, đón đọc của nhiều thế hệ độc giả. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh liên tục trình làng những tiểu thuyết giá trị về đề tài lịch sử như Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa. Nhà văn Hoàng Quốc Hải kỳ công đầu tư viết hai bộ tiểu thuyết về đời Trần, đời Lý dày hàng nghìn trang sách: Bão táp triều Trần, Lý triều bát đế…

Mới đây, tiểu thuyết Dị hương của nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng gây xôn xao văn đàn khi đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010. Nói vậy để thấy, các thế hệ nhà văn luôn quan tâm đến mảng đề tài được bạn đọc kỳ vọng này. Thế nhưng, sáng tác văn học về đề tài lịch sử vẫn được xem là chưa cân xứng với tầm vóc lịch sử dân tộc và đặc biệt là sự kỳ vọng lớn lao của bạn đọc và cả chính các nhà văn.

Nhà văn Bùi Bình Thi thẳng thắn chỉ ra căn nguyên “món nợ” của nhà văn với đề tài lịch sử: “Viết về đề tài lịch sử là nghĩa vụ chủ yếu của nhà văn, là đề tài sáng tác đáng quan tâm hàng đầu. Nhưng hiện nay đa số nhà văn sống xa và thấp với hiện thực thì không thể có tác phẩm xứng tầm với đề tài này”. Quả thực, so với chiều dài của lịch sử Việt Nam thì số lượng tác phẩm văn học viết về lịch sử quá bé nhỏ.

Lịch sử mắc nợ văn chương?

Là một cây bút viết về đề tài lịch sử trẻ tuổi nhất được mời tham gia Hội thảo này, nhà văn Lưu Sơn Minh cho rằng viết về đề tài lịch sử là “của để dành” cho hậu thế, cho tương lai. Thế nhưng vài năm lại đây chỉ có NXB Kim Đồng phát hành tác phẩm văn học cho các em độc giả nhí còn phần lớn các NXB khác không mấy đoái hoài đến mảng sách này.

Điều đáng suy ngẫm là quan niệm của nhiều người vẫn cho rằng văn chương viết về lịch sử phải chuyển tải những sự kiện, bài học của lịch sử nên nhiều tác phẩm văn học viết về đề tài này nặng nề, khô cứng đến mức nhà văn trẻ Nguyễn Anh Vũ phải thốt lên: “Đừng biến lịch sử thành ông ngáo ộp cho trẻ em”.

Thực tế, viết về đề tài lịch sử là một bài toán khó đối với nhà văn Việt Nam khi nguồn chính sử cũng như ngoại sử quá ít tư liệu, tài liệu để những người phu chữ có thể gột nên tác phẩm hay. Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân nhìn nhận: “Ở nhiều nước trên thế giới, chính sử có nhiều tư liệu viết về sự kiện, con người… khá chi tiết, đồ sộ tạo nên nền tảng cho các nhà văn sáng tác. Trong khi Việt Nam quá thiếu sách, tư liệu về lịch sử để nhà văn phóng tác, sáng tác, hư cấu”. Lại nữa, ngay cả những tài liệu, tư liệu về ngôn ngữ, trang phục… suốt dọc dài lịch sử nước nhà cũng không có nhiều nên nhà văn thực sự khó khăn khi viết về đề tài lịch sử. Ngay cả triều Nguyễn gần nhất, lịch sử thực hiếm những “chất liệu” về cách sử dụng ngôn ngữ, trang phục… của các đời vua. Đó là những “món nợ” của lịch sử đối với các nhà văn, đặt ra thách thức rất lớn cho các nhà văn sáng tác.

Hơn nữa, viết về đề tài lịch sử có những trở ngại nhất định vì tâm thế, quan niệm đã rập khuôn của nhiều thế hệ người đọc về đề tài này. Dị hương suốt nhiều tháng liền bị mổ xẻ, đối chiếu về tính xác thực của các chi tiết lịch sử trong tác phẩm này dù ngay trang bìa đã được đề rõ là “tiểu thuyết”. Bộc bạch thẳng là sau cuộc mổ xẻ, tranh cãi ấy, nhiều bạn văn đã không còn chơi với tác giả của Dị hương, nhà văn Sương Nguyệt Minh khẳng định: “Người làm sử khách quan khoa học, còn nhà văn là người lao động sáng tạo”. Hẳn nhiên, lịch sử không phải là hòn đá vô tri để nhà văn có thể lật ngang, lật dọc trên con đường sáng tạo tác phẩm. Nhưng nói như nhà văn Hoàng Quốc Hải thì nhà văn có quyền hư cấu không giới hạn khi sáng tác, dù đó là đề tài lịch sử.

Phúc Nghệ

Theo Văn hóa online

Bình luận