Xuất bản 108 triệu sách giáo khoa cho năm học 2019-2020

Ngày đăng: 15/03/2019 - 08:03

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không tăng giá sách, trang 1 mỗi cuốn sẽ có thêm lời nhắn “Hãy giữ gìn sách dành tặng cho học sinh lớp sau”.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa thông báo kế hoạch phục vụ năm học 2019-2020. Để chuẩn bị phát hành 108 triệu bản sách giáo khoa (bằng với năm ngoái), từ tháng 11/2018, doanh nghiệp đã tổ chức đấu thầu in với sự tham gia của gần 70 nhà in cả nước, kết quả 55 nhà in trúng thầu.

Doanh nghiệp cũng làm việc với 72 đối tác phát hành ở 63 tỉnh thành, tổ chức hệ thống cửa hàng đảm bảo đầy đủ sách giáo khoa tại tất cả tỉnh thành, khắc phục tình trạng đại lý, cửa hàng sách ở một số địa phương không nhập thêm sách giáo khoa để bán trước ngày khai giảng để tránh tồn kho. Từ tháng 4/2019, sách giáo khoa bắt đầu được chuyển về địa phương.

Nhà xuất bản Giáo dục khẳng định giá sách năm học 2019-2020 được giữ nguyên như 8 năm qua, dù các khoản chi phí xuất bản tăng cao. Để bù đắp, doanh nghiệp cắt giảm chi phí liên quan đến vận chuyển, kho bãi...

Danh mục sách giáo khoa của từng lớp được in trên bìa 4 của mỗi cuốn sách để phụ huynh và học sinh có thể căn cứ vào đó chọn mua đúng tên, số lượng sách theo danh mục quy định. Trên trang 1 của mỗi cuốn sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục in dòng khuyến cáo: "Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau". Động thái đưa ra sau phản ứng của xã hội khi sách giáo khoa in phần bài tập, không tái sử dụng được.

Đầu năm học 2018-2019 nhiều tỉnh thành xuất hiện tình trạng thiếu sách giáo khoa. Nhiều phụ huynh chật vật nhờ cậy khắp nơi mới gom đủ đầu sách cho con học. Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng đã khảo sát một số nội dung trong thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017.

Báo cáo nêu rõ việc có duy nhất đơn vị được tổ chức xuất bản, phát hành sách giáo khoa trong suốt 60 năm (1957-2017) dẫn đến nguy cơ lạm dụng vị trí độc quyền, hạn chế cạnh tranh và thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán. Cơ quan này chỉ ra nhiều bất cập khác trong phát hành sách, như chiết khấu cao, giá một số loại sách VNEN, Công nghệ Giáo dục cao gấp 3-4 lần sách thông thường.

Chính phủ sau đó chỉ đạo 'không để độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa'.

BT: Kiều Trang

Theo VnExpress

Bình luận