Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực. Người đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm về văn hóa có vị trí quan trọng, hàm chứa những giá trị to lớn, định hướng, dẫn dắt cho việc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam. Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa chính là cơ sở, nền tảng cho Đảng ta xây dựng đường lối phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy vai trò và nguồn lực văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện nay.
Cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi" nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam
Với kết cấu 4 phần, nội dung cuốn sách chọn lọc một số bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm định hướng xây dựng nền văn hóa của nước Việt Nam độc lập, tự chủ, sánh vai cùng các quốc gia khác trên thế giới; đồng thời là những chỉ dẫn cụ thể về các lĩnh vực của văn hóa, như: văn hóa nghệ thuật, báo chí, xuất bản; đạo đức, lối sống, thực hành đời sống mới; cách tuyên truyền, huấn luyện, cách nói, cách viết; giáo dục nền văn hóa mới; nâng cao kiến thức văn hóa cho nhân dân…
Người khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng”, “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Cuốn sách là tài liệu giá trị, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Đối với văn hóa nghệ thuật, Người chỉ rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”; “Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Trên lĩnh vực văn hóa giáo dục, Người nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, do vậy cần phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Theo Người, những giáo viên “chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc” là những “anh hùng vô danh” của đất nước. Người yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh nắm vững quan điểm: “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế” và lưu ý: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Đối với báo chí, xuất bản, Người yêu cầu cán bộ viết báo và xuất bản cần “phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng”. “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”. Người đặt ra câu hỏi: “Viết cho ai xem?”, “Viết để làm gì?”, “Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”. Theo Người, viết sách, viết báo cũng cần phải lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân.
Cuốn sách là tài liệu giá trị, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; đồng thời là cẩm nang để mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập đạo đức, văn hóa, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc, khát vọng xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh và anh hùng.
***
Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), đáp ứng nhu cầu bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng đã tái bản một số ấn phẩm quý: Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi; Vừa đi đường vừa kể chuyện; Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (02 tập)...
Bạn đọc cũng có thể tìm thấy rất nhiều những câu chuyện cảm động, những phác họa chân thực, những phẩm chất cao đẹp từ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều tác phẩm khác của Người và các tác phẩm viết về Người đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và tái bản nhiều lần trong những năm qua.
***
MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, VIẾT VỀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH DO NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT ẤN HÀNH
1. "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", tác giả: Hồ Chí Minh.
2. "Nhật ký trong tù" (bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn), tác giả: Hồ Chí Minh.
3. "Truyện về Hồ Chí Minh", tác giả: Trần Dân Tiên.
4. "5 tác phẩm bảo vật quốc gia (Đường cách mệnh, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Di chúc)", tác giả: Hồ Chí Minh.
5. "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", tác giả: Hồ Chí Minh
6. "Về văn hóa", tác giả: Hồ Chí Minh.
7. "Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ", tác giả: Hồ Chí Minh.
8. "Bông sen vàng", tác giả: Sơn Tùng.
9. "Trái tim, quả đất", tác giả: Sơn Tùng.
10. "Hồ Chí Minh - Vĩ đại một con người", tác giả: GS. Trần Văn Giàu.
11. "Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh", tác giả: GS. Đặng Xuân Kỳ (chủ biên).
12. "Đạo đức Bác Hồ - Tấm gương soi muôn đời", tác giả: TS.Trần Viết Hoàn.
13. "Đi theo con đường của Bác", tác giả: Đại tướng Văn Tiến Dũng.
14. "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", tác giả: Trần Dân Tiên.
15. "Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học", tác giả: TS. Chu Đức Tính.
16. "Bác Hồ trong trái tim bạn bè quốc tế", tác giả: Bùi Phúc Hải (Sưu tầm, tổ chức biên soạn).
17. "Hồ Chí Minh - Quá khứ, hiện tại và tương lai", tác giả: Phạm Văn Đồng.
18. "Bác Hồ với các tổng thống Mỹ", tác giả: Võ Văn Lộc.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên