Xung quanh việc xuất bản truyện tranh nước ngoài

Ngày đăng: 22/11/2011 - 08:11
Ba năm trở lại đây, trong khi vấn đề phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi đang được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm cũng là lúc thị trường truyện tranh Việt Nam xuất hiện tràn lan những bộ truyện man-ga với kiểu in khác biệt, đòi hỏi độc giả phải đọc từ cuối lên trên, từ trái sang phải theo đúng phong cách Trung Quốc, Nhật Bản, khác biệt hoàn toàn lối đọc truyền thống của người Việt Nam.

Trước tiên, phải khẳng định và thừa nhận, sự sinh động trong minh họa, sự tương đồng văn hóa trong nội dung chuyển tải và sự lôi cuốn trong cách kể chuyện đã giúp truyện tranh Nhật Bản chiếm được cảm tình lớn của đông đảo độc giả trẻ Việt Nam. Song nếu trước đây, truyện tranh Nhật Bản được các nhà xuất bản (NXB) Việt Nam Việt hóa 100% thì đến nay, hầu như được in ngược theo đúng văn bản gốc, làm thay đổi và ảnh hưởng không nhỏ tới thói quen và kỹ năng đọc truyền thống của độc giả trẻ tuổi Việt Nam. Tiên phong là NXB Kim Ðồng với sự xuất hiện của bộ Ninja loạn thị năm 2004. Tiếp đó, từ giữa năm 2008 đến nay, NXB Trẻ và các NXB địa phương khác như Ðà Nẵng, Thanh Hóa, Ðồng Nai,... đồng loạt cho ra đời những bộ truyện tranh đọc ngược: Conan, Doraemon, Hương tình yêu, Tội lỗi và hình phạt, Trò chơi Vampire,... Những bộ truyện này phát hành theo tuần hoặc tháng, mỗi tập luôn dừng lại ở tình huống gay cấn nên những "fan" hâm mộ thường xuyên rơi vào tình trạng "đói" truyện. Tâm lý nôn nóng đó là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ Việt Nam dễ bằng lòng với những thay đổi dù cuốn truyện được in ngược, buộc họ phải đọc ngược, mất thời gian hơn, mỏi mắt hơn, tâm lý căng thẳng hơn. Cũng bởi vậy mà những bộ truyện tranh in ngược vẫn bán chạy.

Với đối tượng độc giả là học sinh THCS, THPT hay đại học, những người ít nhiều đã có thời gian đủ dài để quen với lối đọc truyền thống của người Việt Nam, sự thay đổi này có vẻ không ảnh hưởng quá nhiều bởi đơn giản họ chỉ cần thay đổi cách đọc khi tiếp cận dòng truyện man-ga Nhật Bản. Song với những em nhỏ học mẫu giáo, tiểu học, lối đọc ngược này chắc chắn sẽ làm hình thành thói quen đọc không tốt và ảnh hưởng đến tư duy của trẻ, khi mà tất cả sách truyện Việt Nam đều được thiết kế để đọc xuôi từ trên xuống dưới, từ trái qua phải theo nguyên tắc đọc truyền thống. Các bậc phụ huynh ngày nay không hiếm gặp cảnh con mình đọc truyện cổ tích, sách văn học mà cũng giở ngược từ dưới lên, bắt đầu với trang cuối cùng trước,... ấy là một trong những hệ quả xấu chi phối kỹ năng khai thác văn bản trong văn hóa đọc. Cách đọc lướt, đọc theo cấu trúc từ trái sang phải, tóm lược và nhớ ý chính là kỹ năng khoa học nhất khi tiếp cận hệ chữ la-tinh, tạo tác động tới tư duy não bộ người tiếp nhận. Nhưng với những bộ truyện in ngược, độc giả đang phải đọc chữ la-tinh theo quy cách đọc của những dân tộc sử dụng chữ tượng hình.

Trước vấn đề này, các NXB Việt Nam lý giải rằng việc in ngược theo đúng văn bản gốc là yêu cầu từ phía đối tác Nhật Bản trong quá trình nhượng quyền, cũng là cách tôn trọng vấn đề bản quyền khi Việt Nam tham gia ký kết Công ước Berne. Hơn nữa, khi Việt hóa các truyện tranh Nhật Bản thường mắc phải một số lỗi kỹ thuật như: các tay kiếm Nhật Bản đấu bằng tay phải thì thành đấu tay trái; hay một đội bóng có chân sút trái tài ba lại trở thành chân sút phải..., làm sai ý đồ tác giả và ảnh hưởng đến tinh thần tác phẩm. Song thiết nghĩ, liệu việc đàm phán với đối tác có quá khó khăn không khi trước đây họ vẫn đồng ý để ta Việt hóa? Liệu các NXB Việt Nam đã thật sự dứt khoát khi thuyết phục đối tác? Và việc chỉnh lại các lỗi kỹ thuật có quá phức tạp không khi Việt Nam đang chú trọng đào tạo các chuyên gia thiết kế đồ họa?

Văn hóa đọc được xây dựng dựa trên ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế, bất kỳ một ấn phẩm văn hóa nào khi được quảng bá tới một quốc gia khác cũng cần được chỉnh lý, cải biên cho phù hợp với truyền thống đọc và phong tục tập quán của quốc gia đó.

Theo Báo Nhân dân

Bình luận