“Đảng ta là đạo đức, là văn minh”: cội nguồn, hiện thực và tương lai
Cách đây tròn 60 năm, ngày 05/01/1960, tại Lễ kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói chuyện với các đại biểu, trong đó Người nhấn mạnh và khẳng định: “Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”, “vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”1. Kết thúc bài nói chuyện, Người đọc mấy vần thơ: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao/Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình/Đảng ta là đạo đức, là văn minh/Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no/Công ơn Đảng thật là to/Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”2. Những câu thơ trên đã tạc vào trong trái tim, trí óc của mỗi đảng viên của Đảng, lan tỏa trong toàn xã hội và là mục đích, phương châm chính trong hành động của Đảng, xuyên suốt trong 90 năm qua.
Cội nguồn đạo đức, văn minh của Đảng ta
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán rằng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Ngay từ khi bước chân lên tàu ở bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, trong dòng máu Anh Ba tràn đầy nhiệt huyết của văn hóa con Lạc, cháu Hồng. Trong suốt 30 năm hoạt động ở nước ngoài (1911-1941), Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ mọi thời gian, điều kiện, hoàn cảnh để tiếp nhận những điều cần thiết cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc mình cũng như cho các dân tộc khác cùng cảnh ngộ. Người đến với phương Tây, sớm am hiểu và có cảm tình với nền văn hóa này, trước hết là lý tưởng cách mạng dân chủ, tự do, tiến bộ, văn minh. Thông qua những lần tiếp xúc, gặp gỡ với các nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động chính trị - xã hội tiến bộ thời bấy giờ; những buổi tham gia sinh hoạt văn học, triết học, chính trị, kinh tế tại các câu lạc bộ; những chuyến tham quan nhà máy, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; những buổi miệt mài đọc sách trong thư viện và nhất là cuộc sống hòa nhập với thợ thuyền lao khổ ở các nước châu Âu... đã đem lại cho Nguyễn Ái Quốc sự hiểu biết, tích lũy những giá trị văn hóa văn minh của nhân loại như: chủ nghĩa nhân văn; khát vọng tự do; tinh thần không khoan nhượng chống chế độ nô lệ và sự áp bức bóc lột. Cuối năm 1917, Nguyễn Ái Quốc quay trở lại nước Pháp trong thời điểm Chiến tranh thế giới thứ nhất đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, với lòng nhiệt thành cách mạng, Người hăng hái tham gia các phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Pháp đang dâng cao dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga và thông qua những người cùng khổ nhất nước Pháp, Người đã bắt gặp chân lý cứu nước trong Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin và chủ nghĩa Mác - Lênin. Sau đó, những năm tháng sinh sống, học tập và hoạt động trên đất nước Xôviết, cùng với việc được trang bị, trải nghiệm thêm về kiến thức, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, cuộc sống thực tiễn trên đất nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc còn được đắm mình trong nền văn hóa Nga - Xôviết vĩ đại, giàu truyền thống nhân văn. Với vốn văn hóa phong phú cùng những trải nghiệm từ thực tiễn phong trào công nhân, nhân dân lao động, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, một sản phẩm lý luận và tinh thần, tinh hoa của nhân loại và thời đại vào trong nước, lập nên một chính đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam.
Lẽ dĩ nhiên, những tinh hoa của văn hóa nhân loại chỉ có thể được tiếp nhận trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước và truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Đó chính là cái nôi nuôi dưỡng và thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc. Chỉ trên nền tảng bền vững đó, sự tiếp nhận văn hóa bên ngoài mới được thực hiện một cách khoa học, hiệu quả, từ đó tạo điều kiện tiến xa hơn, vươn tới một thế giới hòa bình, ổn định, trong đó mỗi quốc gia có quyền sống trong dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển. Quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại của Nguyễn Ái Quốc nói riêng và của Đảng ta nói chung không diễn ra một cách thụ động, xuôi chiều mà luôn có sự trao đổi, chọn lọc, áp dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”3.
Đạo đức được coi là giá trị cốt lõi trong nền văn hóa của mỗi dân tộc. Xây dựng “Đảng là đạo đức” là kết hợp giữa giá trị truyền thống với giá trị đạo đức cách mạng, phù hợp với xu thế và những giá trị nhân văn mà nhân loại tiến bộ hướng tới. Đạo đức của Đảng ta là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở quan điểm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, với mục tiêu cao nhất và xuyên suốt là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, là tự do, hạnh phúc của Nhân dân. “Đảng ta là đạo đức” trước hết phải được thể hiện ở những phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Đức là “gốc” của người cán bộ cách mạng. “Gốc có vững cây mới bền”4. Chính vì vậy, từ khi Đảng ta chưa ra đời, trong các lớp huấn luyện cán bộ, “bài học đầu tiên” luôn là bài học về đạo đức cách mạng. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), ngay trang đầu, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập “Tư cách một người cách mệnh”, trong đó có 27 điều răn đối với cán bộ: “Tự mình phải”, “Đối người phải” và “Làm việc phải”5. Trong suốt những năm tháng trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện phẩm chất đạo đức. Vào dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1969), Người đã viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Trong đó, Người nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”6. Trong Di chúc của mình, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”7.
“Đảng là văn minh” nghĩa là Đảng tiêu biểu cho trí tuệ, là lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam, là lý tưởng hướng tới những giá trị tốt đẹp của một xã hội tiến bộ, hiện đại và không ngừng vươn lên. “Đảng là văn minh” được thể hiện ở việc Đảng phải tập hợp trong hàng ngũ của mình những quần chúng tiên phong, những người tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức, trí tuệ, năng lực lãnh đạo và uy tín trong các giai cấp, tầng lớp, quần chúng nhân dân. Đất nước, dân tộc không thể phát triển, tiến lên phía trước nếu thiếu một đảng giữ vai trò tiên phong cùng những đảng viên kết tinh trong mình sự hiểu biết sâu sắc về lý luận và thực tiễn, biết thích ứng kịp thời, đúng đắn trước mọi diễn biến của cuộc sống, đồng thời có tầm nhìn xa trông rộng, đề ra những quyết sách giải quyết được những vấn đề nảy sinh trong thực tại và tương lai của đất nước, dân tộc, thích nghi với thời đại. Vai trò tiên phong, tính chất văn minh của một đảng cầm quyền là phải biết dựa vào quần chúng nhân dân, phát huy được trí tuệ, sức mạnh của họ, chuyển hóa thành sức mạnh của Đảng để phục vụ mục tiêu, lợi ích của dân tộc, đất nước và Nhân dân. Sự thống nhất giữa tính giai cấp, tính dân tộc, tính nhân loại và tính thời đại là một đặc trưng nổi bật trong văn hóa của Đảng ta.
Người đưa ra 12 điều căn cốt làm tiêu chí thước đo tư cách của một Đảng chân chính cách mạng: 1. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng; 2. Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau; 3. Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương; 4. Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không; 5. Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; 6. Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng...; 7. Mỗi công việc của Đảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát...; 8. Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên; 9. Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo; 10. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài; 11. Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng; 12. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào...8.
Để thực hiện được 12 điều căn cốt trên, Đảng phải thường xuyên sửa đổi lối làm việc để bảo đảm xứng danh tư cách của một Đảng chân chính cách mạng. Một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập (02/9/1945), trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong sáu nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra là “phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”9. Người đề nghị “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”10. Hàm ý sâu xa ở đây là trước khi giáo dục lại Nhân dân và muốn giáo dục được Nhân dân, trước hết đội ngũ lãnh đạo (các Bộ trưởng trong Hội đồng Chính phủ, các cán bộ, đảng viên) phải tự giáo dục, nêu gương, là tấm gương sáng cho người dân noi theo.
Văn hóa dân tộc kết hợp với văn hóa của thời đại là cơ sở cho sự hình thành, củng cố, phát triển văn hóa của Đảng; đồng thời văn hóa của Đảng quay trở lại làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc. Khi nói về văn hóa của một đảng cầm quyền, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặt đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên lên hàng đầu, coi đây là vấn đề cốt lõi. Điều này lý giải vì sao trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ngay từ trước khi thành lập Đảng cho đến trước khi “đi xa”, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề đạo đức của người cán bộ cách mạng.
Đạo đức cách mạng cao cả được thể hiện ở phẩm chất của từng cán bộ, đảng viên suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân, của dân tộc lên trên hết; có cuộc sống giản dị, trong sạch, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Một trong những điều quan tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “sao cho được lòng dân” với tinh thần “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”11. Chúng ta phải tin dân, yêu dân, kính dân. Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là “công bộc của dân”12. Người liên tục cảnh báo sự hủ hóa của cán bộ với những biểu hiện “lên mặt làm quan cách mạng”, độc hành, độc đoán, dĩ công dinh tư, dùng pháp công báo thù tư, trái phép, cậy thế, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, địa phương chủ nghĩa, quân phiệt quan liêu, hẹp hòi, ích kỷ,… Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “Đảng cầm quyền” viết trong Di chúc được Hồ Chí Minh đặt trước đoạn viết về đạo đức. Điều này cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa quyền lực và đạo đức. Cán bộ cách mạng phải lấy “đạo đức làm gốc”. Để gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa trong mọi hoạt động của Đảng ta, Đảng phải thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn. Việc giữ gìn và nâng cao, bổ sung các giá trị văn hóa vừa có tính quy luật, vừa là một việc làm thường xuyên, là trách nhiệm của mỗi tổ chức, cấp ủy đảng và mọi cán bộ, đảng viên.
Xu hướng phát triển tất yếu của thời đại
Trong những năm qua, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần làm cho Đảng ta ngày càng “là đạo đức, là văn minh”. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh đến công tác xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có rèn luyện phẩm chất đạo đức, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng được coi là bước đột phá và được chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt, đạt nhiều kết quả rõ rệt, để lại dấu ấn, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực. Đến nay, có thể khẳng định rằng, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta tiếp tục được đẩy mạnh theo tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Nhiệm kỳ Đại hội XII là nhiệm kỳ Đảng ta đã điểm mặt, chỉ tên, đưa ra ánh sáng nhiều cán bộ, đảng viên trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực”. Tính từ đầu Đại hội XII của Đảng đến tháng 6/2019, Đảng ta đã xử lý kỷ luật 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 19 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng Công an, Quân đội; một Ủy viên Bộ Chính trị. Đó là những con số chưa từng có trong suốt 90 năm kể từ khi Đảng ta ra đời. Từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng sẽ còn những vụ án tham nhũng lớn tiếp tục được đưa ra ánh sáng. Với tình hình, xu thế không thể lùi của công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung, Đảng ta đã, đang và sẽ tiếp tục là hình ảnh tiêu biểu của đạo đức, văn minh mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một biểu tượng sáng ngời.
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 402, 403-404.
3. Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr. 350.
4, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 502, 289-290.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 280-281.
6, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 547, 611-612.
9, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 7.
11, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 51, 21.
Tạp chí Nhịp cầu Tri thức
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực