Ngoài phần mở đầu và Phần phụ lục, cuốn sách gồm ba chương. Chương I: Những vấn đề lý luận về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chương II: Quá trình thực hiện công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ trong lịch sử Đảng ta và thực trạng công tác này trong tình hình hiện nay; Chương III: Quan điểm, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo các tác giả, trong công tác cán bộ hiện nay, có thể xác định: đánh giá cán bộ là khâu tiền đề, quy hoạch cán bộ là khâu nền tảng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vừa là yêu cầu trước mắt vừa là nhiệm vụ lâu dài. Để đánh giá đúng cán bộ, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền phải thật sự “có tầm, có tâm”. Một trong những giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ chính là nâng cao chất lượng của các chủ thể đánh giá.Các phân tích về cơ sở khoa học và thực tiễn của công tác quy hoạch cán bộ đã tập trung làm rõ vai trò “nền tảng” của quy hoạch trong công tác cán bộ, phát hiện nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch cán bộ ở các cấp, các ngành. Trên cơ sở các phân tích về nguyên tắc “động và mở” trong quy hoạch cán bộ, các tác giả chỉ ra những cách thức đối với việc thực hiện có hiệu quả nguyên tắc động và mở trên cả phương diện nhận thức và vận dụng thực tiễn. Từ đó, đề xuất các kiến nghị về tạo nguồn quy hoạch; về các hình thức phát hiện nhân tài, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; về nhận thức và quán triệt ý nghĩa tác dụng của quy hoạch trong quá trình bố trí, sử dụng cán bộ ở các cấp, các ngành…