Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục

Ngày đăng: 10/12/2013 - 10:12

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”. Trong tư tưởng của Người, sự nghiệp giáo dục luôn ở vị trí hàng đầu. Xây dựng một nền giáo dục cách mạng, tiên tiến, “mở mang trí tuệ và phát triển tư tưởng”, học đi đôi với hành, là nhiệm vụ của Đảng, nhà nước và toàn xã hội.

bac-ho-voi-thieu-nhi-53

Quan điểm về giáo dục

Ngay từ những năm 20 thế kỷ XX, tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, Hồ Chí Minh đã nói đến một trong những nỗi đau lớn của người Đông Dương là không được học tập. Vì vậy, khi chứng kiến những gì diễn ra ở Đại học phương Đông và nền giáo dục Xôviết, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người ta có thể nói không ngoa rằng Trường đại học Phương Đông ôm ấp dưới mái trường mình tất cả tương lai của các dân tộc thuộc địa”1 và “nước Nga là một thiên đường của trẻ con”. Trong khi phê phán chính sách ngu dân của thực dân Pháp “gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát”2, Hồ Chí Minh đã nghĩ tới “một nền học vấn tốt đẹp và chân thực, mở mang trí tuệ và phát triển tư tưởng”3 cho thanh niên. Người kêu gọi thanh niên Việt Nam phải sớm hồi sinh theo gương sinh viên Trung Quốc là “chấn hưng nền kinh tế nước nhà” theo châm ngôn: “Sinh sống bằng lao động của bản thân và vừa học hỏi vừa lao động”4.

Hồ Chí Minh là người có tư tưởng cải cách từ rất sớm. Từ năm 1919, Người đã nói đến “cải cách nền pháp lý ở Đông Dương”5 và năm 1921 nói đến “cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại”6, nhắc lại tư tưởng của Mạnh Tử về “sự giáo dục cưỡng bức đối với người lớn”. Tiếp tục mạch tư duy cách tân đó, khi bàn về giáo dục, Người đã nêu ý kiến về “công tác “cải cách” về chương trình, chủ trương và cách thi hành, để tìm thấy những khuyết điểm mà sửa đổi, những ưu điểm mà phát triển thêm”7. Cải cách giáo dục để tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả nên “phải sửa chương trình làm sao để học thì hành được ngay”8. Trong Di chúc, Người viết: “Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động”9. Người chỉ rõ: giáo dục phải “liên kết với đời sống của nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc”10.

Hồ Chí Minh nêu rõ vấn đề có tính quy luật là “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và “dốt thì dại, dại thì hèn”. “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Theo Hồ Chí Minh, “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”11. Chất lượng và hiệu quả giáo dục không phải ở chỗ học nhiều, học vẹt, học thuộc lòng từng câu từng chữ, mà là giáo dục người học trở nên “những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”12. Ngay từ năm 1945, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ giáo dục không chỉ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mà còn làm cho non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam bước tới “đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”13. Hồ Chí Minh khuyên rằng “chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”14.

Điều thú vị là Hồ Chí Minh đã đề cập đến nhiệm vụ “xây dựng xã hội học tập” từ rất sớm, khi cho rằng xóa bỏ nạn mù chữ là tạo nên một phong trào giáo dục đại chúng, giáo dục cho tất cả mọi người. Người chỉ ra rằng học đọc và học viết có thể được tiến hành bất cứ ở đâu, ai cũng có thể học được. “Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình. Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử”15.

Mục tiêu, phương châm, phương pháp giáo dục

Lúc sinh thời, Người nhấn mạnh: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại16. Tóm lại, mục đích giáo dục là “phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới”17 .

Về phương châm, phương pháp giáo dục, Hồ Chí Minh nhấn mạnh kết hợp giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội. Chú trọng tự học, học suốt đời, học thực tiễn, học nhân dân, học lẫn nhau, học ở sách vở, học ở trường, càng tiến bộ càng phải học. Việc học không bao giờ cùng. Dạy và học không phải chạy theo kiến thức theo kiểu nhồi sọ, mà chú trọng tư duy sáng tạo, tự do tư tưởng, thực hành dân chủ, đặc biệt là giáo dục trẻ em. Theo Người, trẻ em phải được tự do làm theo ý thích của chúng, “kết quả của lối giáo dục tự do này rất tốt”18. Phải mạnh dạn “bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế”19. Dạy trẻ “phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng”, chớ nên làm cho chúng hoá ra những “người già sớm”20. “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”21 .

Về tính hệ thống và sự tương thích giữa nội dung với từng loại đối tượng và cấp học, Hồ Chí Minh quan tâm đến cả ba cấp học - tiểu học, trung học, đại học, và mỗi cấp học phải góp phần giải quyết nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử. Nội dung phải toàn diện về văn hóa, trí dục, đức dục, mỹ dục, thể dục. Nhiệm vụ từng cấp giáo dục cụ thể là: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”22.

Trong khi chỉ ra nội dung của từng cấp học, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các cấp học phổ thông và vỡ lòng. Người viết: “Muốn phát triển đại học và chuyên nghiệp, phải chú trọng cấp 2, cấp 1 và cấp vỡ lòng”23. Đây chính là tầm nhìn xa về ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nhân cách, học để làm người từ những cấp học phổ thông mà suốt đời Hồ Chí Minh rất quan tâm.

Theo bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, từ khi được thành lập vào năm 1946, UNESCO đã đi đầu trong nỗ lực xóa bỏ nạn mù chữ trên toàn cầu với những chương trình như Giáo dục cho mọi người. Bà nhấn mạnh mối tương liên giữa ý nghĩ của Hồ Chí Minh rằng “mục tiêu cuối cùng của việc học là trở nên con người theo đúng nghĩa của từ này với bốn trụ cột của việc học đã được Ủy ban về Giáo dục cho thế kỷ XXI xác định trong báo cáo của họ trình lên UNESCO trong thập kỷ 1990 như là những nguyên tắc cơ bản cho việc định hình lại giáo dục”. Bốn trụ cột của giáo dục đã có trong di sản Hồ Chí Minh là:

“Học để biết, ngụ ý cung cấp những công cụ nhận thức cần có để hiểu biết thế giới và những điều phức tạp của nó một cách tốt hơn, và để có nền tảng đủ và phù hợp để học tập trong tương lai.

Học để làm, có nghĩa là cung cấp các kỹ năng giúp các cá nhân tham gia một cách có hiệu quả vào nền kinh tế và xã hội toàn cầu.

Học để làm người, có nghĩa là cung cấp những khả năng tự phân tích và kỹ năng xã hội để giúp các cá nhân phát huy đầy đủ nhất tiềm năng của mình về mặt tâm lý - xã hội, về tình cảm cũng như thể chất, để trở thành một “con người toàn diện” về mọi mặt.

Học để chung sống ngụ ý là hướng các cá nhân vào những giá trị tiềm ẩn trong các nguyên tắc dân chủ, sự hiểu biết giữa các nền văn hóa, tôn trọng và hòa bình ở mọi cấp bậc xã hội và quan hệ giữa người với người nhằm giúp cho các cá nhân và các xã hội cùng sống trong hòa bình và hòa thuận”24.

Cũng với tinh thần này, ông Hans D’Orville, Phó Tổng giám đốc UNESCO cho rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng hoàn toàn phù hợp với vai trò của UNESCO, luôn hoạt động theo phương châm: thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục toàn dân và truyền bá văn hóa”. Ông nhấn mạnh: “Hồ Chí Minh đã đưa ra thông điệp này cách đây hơn 60 năm, nhưng đến nay nó vẫn giữ nguyên giá trị. Đặc biệt sự chú trọng của Người đối với tình trạng bất bình đẳng về điều kiện sống và về thế giới cho đến nay vẫn mang tính toàn cầu và đúng với mọi lứa tuổi. chúng ta phải công nhận rằng thông điệp của Hồ Chí Minh mang giá trị toàn cầu và nó luôn có giá trị thời đại, bởi vì nó hướng tới tương lai. Cũng như chính Người đã từng nói: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”25.

PGS. TS. BÙI ĐÌNH PHONG

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

***

1, 2, 3, 5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr. 323, 424, 424, 441, 47.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.142.

7, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.139, 139.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.617.

8, 11, 14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 74, 120, 217.

12, 13, 15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.34, 35, 41.

16, 20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 208, 250.

17, 19, 22, 23. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.344, 186, 186, 273.

18. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.54.

21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 99.

24. Bài phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay tổ chức trong hai ngày 12 và 13-5-2010, tại Hà Nội. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

25. Tuanvietnam.net, ngày 20-5-2010.

 

Bình luận