Chung tay hành động vì nạn nhân chất độc da cam

Ngày đăng: 10/08/2012 - 10:08
Ngày 10-8-1961, máy bay Mỹ rải chất độc hóa học xuống đường 14 từ thị xã Kon Tum đến Ðác Tô, mở đầu cho cuộc chiến tranh hóa học quy mô lớn nhất, kéo dài ngày nhất (từ 1961 đến 1971), gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người.

nan-nhan-da-cam
Cán bộ y tế Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật - nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Gio Linh (Quảng Trị) luyện tập, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật.   Ảnh: DƯƠNG NGỌC  
 
Ðã có hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn ba triệu người là nạn nhân, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, hàng trăm nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật...
Thực hiện Thông báo của Ban Bí thư Trung ương Ðảng, ngày 10-6-2011 Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động phong trào "Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam", sơ kết hằng năm vào ngày 11-8.

Năm qua, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đã thường xuyên quan tâm đến việc chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trong cuộc sống cũng như trong cuộc đấu tranh đòi công lý, đòi phía Mỹ phải có trách nhiệm trước những thiệt hại to lớn do cuộc chiến tranh hóa học mà họ đã gây ra trên đất nước Việt Nam. Hơn 3.500 lượt/tổ chức, cá nhân những nhà hảo tâm ở trong nước và nước ngoài ủng hộ bằng tiền mặt và quà tặng vật chất, cùng với 402 nghìn lượt người tham gia Chương trình Nhắn tin "Nỗi đau da cam" qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia, đã nâng số tiền vận động quyên góp lên hơn 150 tỷ đồng. Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Trung ương và các địa phương đã chi gần 130 tỷ đồng để làm 545 căn nhà tình nghĩa, cấp 3.650 suất học bổng, hơn 150 suất tìm việc làm, tặng 135 nghìn suất quà dịp lễ, Tết, 24 nghìn suất quà thăm hỏi đột xuất... Ðáng chú ý là đã cấp tiền để xây dựng 17 trung tâm bán trú nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam ở các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, đang triển khai kế hoạch xây dựng ba trung tâm vùng ở Hà Nội, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh để các nạn nhân được tiếp nhận nhiều hơn, có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Ðặc biệt, trong năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Thái Bình đã mở trung tâm tẩy độc, giúp hàng trăm nạn nhân được tăng cường sức khỏe sau các đợt điều trị. Ðược Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng, Thái Bình vừa khánh thành Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề mới với quy mô lớn hơn, có khả năng tiếp nhận nạn nhân của nhiều tỉnh bạn. Bộ Quốc phòng cũng đang xây dựng hai Trung tâm tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam tại Viện Quân y 103 (Hà Nội) và Viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh).

Trong dịp 10-8-2012, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam ở Trung ương và các tỉnh, thành phố tôn vinh hàng trăm tấm gương tiêu biểu cho tinh thần "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách" trong phong trào "Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam". Ðó là Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đã ủng hộ 3,5 tỷ đồng, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam ba tỷ đồng, Trường đại học Quốc tế Sài Gòn 1,085 tỷ đồng, Siêu thị Nội thất Ðài Loan tại Ðà Nẵng 1 tỷ đồng, Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup 600 triệu đồng, Tổng công ty Dầu - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 500 triệu đồng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam 500 triệu đồng, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 200 triệu đồng... GS, TSKH, Nhà giáo Nhân dân Phương Lựu đã dành toàn bộ số tiền 200 triệu đồng của Giải thưởng Hồ Chí Minh để tặng các nạn nhân; sư cụ Thích Ðàm Ánh (chùa Phụng Thánh, Hà Nội) ủng hộ nạn nhân tỉnh Bắc Giang 350 triệu đồng; Ðại đức Thích Thanh Vinh (chùa Triều Khúc, Hà Nội) ủng hộ 200 triệu đồng; gia đình ông bà Phạm Ðình Nhân, Trịnh Thị Liên ở ngõ 158 Ngọc Hà, Hà Nội ủng hộ 300 triệu đồng; bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam ủng hộ 500 triệu đồng...

Việc xây dựng, củng cố tổ chức hội cũng được chú trọng, làm nòng cốt thúc đẩy công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Tính đến tháng 7-2012, tổ chức hội đã được thành lập ở 58/63 tỉnh, thành phố, 490/698 huyện, quận, 5.012/11.112 xã, phường, với hơn 250 nghìn hội viên. Ðã có quyết định công nhận 55 hội đặc thù, quyết định thành lập 32 Quỹ Nạn nhân chất độc da cam cấp tỉnh, thành phố; hầu hết các hội tỉnh, thành phố được cấp kinh phí hoạt động...

Cũng trong năm qua, bạn bè trên thế giới đã có nhiều nghĩa cử, hành động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2012) và 51 năm Ðài Truyền hình MBC (Hàn Quốc) phát sóng, Ðài Truyền hình MBC phối hợp Hội Cựu chiến binh thương tật da cam Hàn Quốc (KAOVA) đã mời 80 nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sang Hàn Quốc tham gia "Chương trình chào đón nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" từ ngày 4 đến 8-6. Các nạn nhân đều được tổ chức khám bệnh, ba nạn nhân được lắp chân, tay giả và phẫu thuật chỉnh hình. Ngày 28-6, Hội Luật gia dân chủ thế giới (IADL) đã bảo trợ cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đưa vấn đề quyền sống của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ra khóa  họp lần thứ 20 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở thành phố Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. IADL cũng ra lời kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Ngày 22-7, Hội đồng Hòa bình thế giới họp tại Cát-man-đu, Thủ đô Nê-pan, đã ra nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nhắc lại lời kêu gọi và cam kết mạnh mẽ của Hội nghị Quốc tế lần thứ hai của các nạn nhân chất độc da cam được tổ chức tại Hà Nội ngày 8 và 9 tháng 8-2011, và tại đó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới đã trịnh trọng ký tên, về sự cần thiết phải xây dựng tình đoàn kết và tăng cường nỗ lực quốc tế lớn hơn để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10-8 và tưởng niệm 51 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2012), các tỉnh, thành phố trong cả nước có nhiều hoạt động sôi nổi hướng về nạn nhân chất độc da cam, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân trong cuộc sống và ủng hộ nạn nhân đấu tranh đòi công lý.

Tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam cam/đi-ô-xin Việt Nam phối hợp Báo điện tử Ðảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam", truyền hình trực tiếp tối 10-8 trên sóng VTV2, VTV4 của Ðài Truyền hình Việt Nam...

Trong dịp này, lãnh đạo Ðảng, Nhà nuớc đi thăm, tặng quà và nhà tình nghĩa cho nhiều nạn nhân chất độc da cam. Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng đã sản xuất phim vi-đê-ô "Chất độc da cam - Nỗi đau còn đó" và cuốn sách ảnh "Nửa thế kỷ một nỗi đau" để phát hành trong cả nước.

Nhân kỷ niệm 51 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, thay mặt toàn thể nạn nhân, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam xin bày tỏ lòng biết ơn Ðảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài đã quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Hội trân trọng đề nghị Ðảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm bổ sung và hoàn thiện các chế độ, chính sách đối với nạn nhân; mong muốn nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè khắp năm châu hãy tiếp tục "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam", ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý, đòi những người đã gây ra thảm họa này phải bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam nói chung và các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin nói riêng.

Theo Báo Nhân dân điện tử

Bình luận