Giáo sư Dương Quảng Hàm - Nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo dục nổi tiếng

Ngày đăng: 19/08/2014 - 10:08

Giáo sư Dương Quảng Hàm là một nhà nghiên cứu văn học, một nhà giáo dục nổi tiếng đã có nhiều đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Trong hơn 20 năm làm việc không mệt mỏi, vừa giảng dạy, vừa viết sách giáo khoa văn học và sử học cho nhà trường từ bậc tiểu học đến bậc trung học, vừa bằng tiếng Pháp vừa bằng tiếng Việt, ông đã để lại nhiều công trình có giá trị về văn học, sử học. Hai cuốn sách có giá trị nhất của ông là Việt Nam văn học sử yếu xuất bản năm 1941 và Việt Nam thi văn hợp tuyển, xuất bản năm 1942.

nhà giáo nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng Hàm

Giáo sư Dương Quảng Hàm

Ông sinh ngày 14-7-1898, trong một gia đình trí thức Nho học tại làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu (nay là huyện Văn Giang), tỉnh Hưng Yên. Cụ nội là Dương Duy Thanh (1804-1861) từng làm Đốc học Hưng Yên, sau đó là Hà Nội (tương đương với Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo bây giờ). Thân phụ là nhà Nho yêu nước Dương Trọng Phổ, đã tham gia tích cực vào phong trào Nghĩa thục, đặc biệt là những hoạt động của Đông Kinh Nghĩa thục đầu thế kỷ XX.

Ông lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương theo “khuôn vàng thước ngọc” của Nho gia. Dù Nho giáo đã ở buổi xế chiều, nhưng theo truyền thống, đến tuổi đi học, ông được gia đình cho đi học chữ Hán, “chữ của thánh hiền”. Đó là thời kỳ Nho học đang lay lắt, nhưng chưa chết hẳn, còn tân học, tức nền giáo dục theo văn minh phương Tây, bút sắt thay thế cho bút lông đã được khẳng định. Chữ Quốc ngữ cho dù được người Pháp ủng hộ, đã thay thế chữ Hán ở xứ Nam Kỳ thuộc địa từ nửa cuối thế kỷ XIX, nhưng trên đất Trung Kỳ và Bắc Kỳ là hai xứ bảo hộ hầu như chưa hề biết tới, mãi đến đầu thế kỷ XX, mới được các nhà duy tân phổ biến rộng rãi.

Đông Kinh Nghĩa thục ra đời nhằm xác lập một mô hình giáo dục mới của người Việt bên cạnh mô hình giáo dục Pháp - Việt được chính quyền thực dân thiết lập. Gia đình họ Dương có hai người thuộc hai thế hệ cha - con là Dương Trọng Phổ (cha) và Dương Bá Trạc (con cả) đã tham gia tích cực trong phong trào này. Lập ra từ đầu năm 1907 nhưng đến cuối năm đã bị người Pháp chấm dứt hoạt động vì lo ngại sự lan truyền tư tưởng cách mạng của nó.

Trong bối cảnh giao thoa văn hóa Đông - Tây, Pháp - Việt đó đã sản sinh ra một thế hệ người Việt được mệnh danh là thế hệ vàng, những người trên nền tảng Hán học đã tiếp nhận và bồi đắp những giá trị mới rút tỉa từ trong kho tàng kiến thức nhân loại mà người Pháp mang tới, biến chúng thành vũ khí tinh thần để kháng cự thành công sự đô hộ của họ.

Sau một thời gian học chữ Hán, Dương Quảng Hàm theo học nền giáo dục Pháp - Việt từ tiểu học, lên trung học rồi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Nhưng đang học tại Hà Nội thì ông được gia đình gọi về quê làm lễ thành hôn với một người con gái chưa từng biết mặt, lớn hơn mình 2 tuổi, theo đúng quan niệm hôn nhân truyền thống: “Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”. Một gia đình được lập nên theo lễ giáo phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, dẫu không có tình yêu vẫn mang lại hạnh phúc. Cưới xong, hai người tạm biệt nhau, ông lên Hà Nội tiếp tục học hành, vợ ở quê làm ruộng phụng dưỡng bố mẹ chồng.

vc dqhVợ chồng Giáo sư Dương Quảng Hàm và các con (1937)

Năm 1920, Dương Quảng Hàm tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội với tiểu luận có tựa đề Khổng Tử và học thuyết Khổng - Mạnh trong nền giáo dục cũ và được Ban giám khảo ngợi khen. Với tấm bằng thủ khoa sư phạm đó, ông được bổ về dạy tại Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ, tức Trường Bưởi), một trường trung học nổi tiếng được Pháp lập ra đầu tiên ở Đông Dương. Lúc đầu ông dạy Pháp văn, lịch sử và Việt văn ở bậc cao đẳng tiểu học. Năm 1931, trường chính thức có bậc trung học, ông được chuyển lên dạy Việt văn ở bậc học này, cùng với những giáo sư đáng kính như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Xiển…

Với tiền lương rất cao mà người Pháp trả cho một giáo sư trung học, Giáo sư Dương Quảng Hàm tự tay mình thiết kế một ngôi nhà 3 tầng trên phố Hàng Bông, một trong 36 phố phường Hà Nội xưa để chuyển gia đình từ dưới quê lên sinh sống. Tại ngôi nhà này, 8 người con (4 trai và 4 gái) của vợ chồng Dương Quảng Hàm ra đời và lớn lên trong sự yêu thương và dạy dỗ chu đáo của gia đình.

Có một hậu phương vững chắc, ông vững tâm lao vào hai công việc chính trong cuộc đời: giảng dạy và viết sách giáo khoa cho hai bậc học của Trường Trung học Bảo hộ. Cuốn sách đầu tiên ông biên soạn là Quốc văn trích diễm (1927), tiếp đến là Việt văn giáo khoa thư (1940) dùng cho bậc cao đẳng tiểu học. Từ khi được cất nhắc lên dạy Việt văn ở bậc trung học, ông tiếp tục nghiên cứu mảng văn học sử. Từ những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình giảng dạy văn học Việt Nam cho học sinh hai cấp và đọc những công trình nghiên cứu văn học Việt Nam của các tác giả người Pháp, ông dấn thân vào một lĩnh vực nghiên cứu còn hết sức mới mẻ đối với người Việt chúng ta - văn học sử. Sau nhiều năm miệt mài giảng dạy và nghiên cứu, năm 1941, ông cho công bố bộ sách gồm 2 quyển cho bậc trung học: Việt Nam văn học sử yếuViệt Nam thi văn hợp tuyển. Đây là hai cuốn sách có giá trị nhất trong di cảo của ông, đặc biệt là quyển Việt Nam văn học sử yếu. Hai cuốn sách này hợp thành bộ sách hoàn chỉnh, hỗ trợ nhau trong quá trình nghiên cứu, học tập về văn học Việt Nam trên hai bình diện: sáng tác và nhận thức diện mạo, tiến trình và các quy luật của lịch sử văn học Việt Nam. Nhiều thế hệ học trò nhờ bộ sách đó mà hiểu được sự phong phú và đa dạng của nền văn học nước nhà. Còn các nhà nghiên cứu coi đó là cuốn cẩm nang trong nghiên cứu lịch sử văn học. Cho đến nay, công trình đó được tái bản trên 10 lần, được các nhà nghiên cứu văn học hiện thời đánh giá cao.

Cùng với biên soạn sách, Dương Quảng Hàm, với những bút hiệu như Hải Lượng, Uyên Toàn, viết rất nhiều bài cho các tạp chí danh tiếng hồi đó, như Hữu Thanh, Nam Phong, Tri Tân

Đang lúc cuộc đời và sự nghiệp của Dương Quảng Hàn đang thăng hoa và viên mãn, bỗng đâu thời thế xoay vần. Pháp quỳ gối dâng Đông Dương cho phát xít Nhật. Dân ta chịu kiếp một cổ đôi tròng. Hà Nội không còn bình yên, Trường Bưởi trở thành trại lính của Nhật, học sinh phải chạy loạn về Hà Đông, Ninh Bình, Thanh Hóa để tiếp tục học tập. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, trường mới quay lại nơi cũ. Ngày 12-6-1945, Khâm sai Bắc Bộ Phan Kế Toại ra quyết định đổi tên trường thành Quốc lập trung học hiệu Chu Văn An và Giáo sư Nguyễn Gia Tường làm Hiệu trưởng. Đó là hiệu trưởng người Việt đầu tiên của ngôi trường danh tiếng này. Rồi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tháng 9-1945, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe ký quyết định cho phép Trường trung học Chu Văn An hoạt động trở lại. Giáo sư Dương Quảng Hàm được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường dưới chế độ mới. Mới triển khai chưa được một niên khóa thì thực dân Pháp quay trở lại thay quân Tưởng gây hấn ở Hà Nội. Ngày kháng chiến tới gần, dân Hà Nội lục tục sơ tán. Với cương vị là hiệu trưởng, Giáo sư Dương Quảng Hàm ở lại bám trụ theo sát tình hình. Rồi ngày 19-12-1946, người Hà Nội hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh nhất tề đứng dậy cầm súng đánh Pháp ở Thủ đô. Trong những ngày chiến sự diễn ra ác liệt trên các đường phố Hà Nội đó, nhiều người Hà Nội đã ngã xuống, trong số đó có Giáo sư Dương Quảng Hàm đã ngã xuống vì mái trường Chu Văn An giàu truyền thống yêu nước, hưởng dương 48 tuổi, cái tuổi đang đầy năng lực sáng tạo và cống hiến dưới chế độ mới (sau này ông được truy phong là liệt sĩ).

Lịch sử của ngành giáo dục, của địa hạt nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam và lịch sử của Trường Bưởi - Chu Văn An mãi mãi ghi nhận những đóng góp tuyệt vời của Giáo sư Dương Quảng Hàm.

PGS.TS. Phạm Xanh

Đại học Quốc gia Hà Nội



 

Bình luận