Ấm áp Tết Việt ở Ôxtrâylia

Ngày đăng: 19/01/2012 - 02:01

Tại Ôxtrâylia, người Việt là một trong những cộng đồng đông đúc nhất. Bởi thế, ở các khu vực có đông người Việt sinh sống như Sydney, Mallbourne, Tết của người Việt diễn ra ấm áp và sôi động, làm nên nét văn hóa độc đáo tại địa phương


amap1


Với nhiều người Việt ở Ôxtrâylia, kỳ nghỉ đón năm mới có thể kéo dài từ dịp lễ Noel cho tới Tết Nguyên đán. Cũng giống như người Ôxtrâylia bản xứ, trong dịp đón Noel và Tết Dương lịch, người Việt ở đây không quá chú trọng việc mua sắm đồ ăn, thăm hỏi. Một số người tranh thủ dịp nghỉ dài này về thăm quê. Những người không về quê hay đi du lịch thì hòa cùng dòng người nườm nượp đón năm mới ở các bãi biển tràn nắng ấm hay điểm vui chơi trong thành phố của Sydney, hoặc Mallbourne. Vào những ngày này, trên các chuyến tàu ra bãi biển hay các trung tâm mua sắm, nơi công cộng, dễ dàng nhận thấy nhiều nhóm người Việt đi chơi Tết và nghe được tiếng Việt thân thương ngay tại xứ sở Căngguru. Ở nhiều điểm công cộng, ngoài tiếng Anh, còn có cả các bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt.

Dù người Việt khá hòa đồng cùng tập quán đón năm mới của dân bản xứ, song Tết Nguyên đán vẫn chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống của cộng đồng. Theo thống kê, tại Ôxtrâylia có gần 300 nghìn người gốc Việt sinh sống. Nhiều người trong số họ giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền địa phương hoặc các hội đồng khoa học uy tín. Vì lý do ngôn ngữ, liên hệ gia đình, việc làm và nhất là do tình đồng hương, đa số người Việt sống quây quần với nhau và thường tập trung tại các thành phố lớn như Sydney, Mallbourne. Vào ngày cuối năm, đến những nơi có đông người Việt sinh sống, có thể cảm nhận rất rõ không khí Tết Việt rộn ràng, ấm cúng ngay tại Ôxtrâylia.

Những ngày giáp Tết, đa số bà con Việt kiều đều đóng cửa hàng để chuẩn bị đón năm mới theo phong tục truyền thống. Đến Cabramatta còn mệnh danh là “Saigonmatta”, ngoại ô phía tây thành phố Sydney, nơi có đông người Việt sinh sống nhất, chúng tôi cũng bắt gặp những bà nội trợ người Việt đang đắn đo chọn thực phẩm cho mâm cỗ cúng hay vài bó hoa để bày biện bàn thờ tổ tiên.

Bà Lê Thị Hoa, đã mười năm theo chồng định cư ở Sydney cho biết, ở đây có đủ các món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam như dưa hành, bánh chứng, bánh tét…Tuy nhiên các loại bánh , bánh tét bà con thường không mua nhiều, mỗi nhà chỉ mua vài cặp để thắp hương và làm quà biếu. Vì Tết Việt vào thời điểm giữa mùa hè Ôxtrâylia, trời nóng dễ làm hỏng bánh. Hơn nữa, giá bánh khá đắt, khoảng 20 đến 25 USD/cặp.

Cũng như các gia đình ở Việt Nam, người Việt ở Ôxtrâylia, rất chú trọng mâm cỗ cúng giao thừa, trang trí bàn thờ và trang hoàng nhà cửa, đón khách nhân dịp Tết Nguyên đán. Vì thế, hoa là thứ không thể thiếu. Ở đây, hoa mai, hoa đào tươi là của hiếm và rất đắt, song đã được thay thế bằng các loại hoa mai, hoa đào giả được sản xuất từ Trung Quốc với giá phải chăng. Loại hoa tươi ngày Tết được ưa chuộng nhất là cúc và vạn thọ, với giá lên tới trên dưới 50 USD/bó, song vẫn bán rất chạy.

Một điều khá đặc biệt nữa là đón Tết ở các khu dân cư người Việt tại Ôxtrâylia vẫn được nghe tiếng pháo rộn rã lúc giao thừa và dư âm pháo Tết nhiều khi kéo dài cả tuần lễ. Dũng, một lưu học sinh Việt Nam tại Đại học New South Wales cho biết, năm nào lưu học sinh Việt Nam ở Sydney cũng rủ nhau xuống “Saigonmatta” chơi Tết và khoái nhất là được đốt pháo Tết. Dũng kể, năm ngoái, các hội, đoàn người Việt và hội đồng địa phương còn đứng ra tổ chức Lễ hội Tết Nguyên đán của người Việt rất vui; có cả các trò chơi dân gian như múa lân, thu hút hàng chục nghìn dân địa phương và du khách tham gia.

Mỗi khi Tết đến, người Việt là sinh viên, học sinh hay dân làm ăn ở khu vực khác như Sydney, Mallbourne thường đổ về các trung tâm có đông Việt kiều sinh sống để trải nghiệm Tết Việt và tìm chút không khí ấm áp cho vơi bớt nỗi nhớ nhà. Hòa vào dòng người chơi Tết Việt giữa mùa hè Ôxtrâylia năm nay, dẫu xa Tổ quốc tới 8 giờ bay; dẫu không được ngắm mai vàng trong nắng Sài Gòn và quất đào Nhật Tân hồng thắm trong mưa xuân Hà Nội, chúng tôi vẫn cảm nhận một mùa xuân mới Nhâm Thìn ấm áp đang về đâu đó thật gần gũi, thân thương.

Trần Bích

Bình luận