Đề tài biển đảo trong thơ ca Việt Nam

Ngày đăng: 16/06/2014 - 10:06

Những ngày này từ cuộc sống thường nhật đến các diễn đàn chính trị, khoa học, văn chương- nghệ thuật; từ người dân lao động đến các chính khách, nhà khoa học, nghệ sĩ… tất cả những người mang trong mình dòng máu Việt Nam đều hướng ra Biển Đông, nơi ấy có một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu đang bị ngang nhiên xâm phạm.

 

13.02 ngay Tho VN 3Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 (2014)

Những vần thơ từ 1954-1975

Như một lẽ thường tình, sau những năm tháng dài đánh đuổi giặc ngoại xâm, tâm tưởng người dân đất Việt lại hướng về phía Biển Đông. Giới nghệ sĩ nói chung và đặc biệt là các nhà thơ vốn là những người rất nhạy cảm trước những cơn ba đào của lịch sử nên họ không thể đứng ngoài, mà nhiều khi họ còn là những người đi trước đón đầu, tiên lượng về những điều sẽ xảy ra.

Sau chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu, trong quãng 10 năm từ 1954-1964, các nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đã lấy biển đảo quê hương làm nguồn cảm hứng cho các sáng tạo thi ca của mình. Hàng loạt các nhà thơ tên tuổi đều đã có những vần thơ hay về biển đảo quê hương. Nhà thơ Huy Cận có bài Đoàn thuyền đánh cá, Xuân Diệu có Biển, Văn Cao có Đảo, Hoàng Trung Thông có Biển

Ở bài thơ Biển, nhà thơ Xuân Diệu đã thực sự thăng hoa khi ngợi ca biển Việt Nam trong vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Biển và bờ như một cặp tình nhân đắm say trong tình yêu đầu đời:

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

Bờ cát dài phẳng lặng

Soi ánh nắng pha lê

Bờ đẹp đẽ cát vàng

Thoai thoải hàng thông đứng

Như lặng lẽ mơ màng

Suốt ngàn năm bên sóng...

Anh xin làm biển biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi

Đã hôn rồi hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt...

Những vần thơ trên đã mang đến cho người đọc, nhất là thế hệ trẻ một tình yêu nồng nàn, đằm thắm đối với biển đảo quê hương. Biển và bờ như hình với bóng, luôn gắn quyện vào như cặp tình nhân. Hình thức nhân hóa biển và bờ một cách tài tình của ông vua thơ tình Xuân Diệu thực sự đã đem đến cho bài thơ một sức sống mới, sức sống của tuổi thanh xuân.

Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận như một bức tranh thủy mặc mô tả cảnh lao động của ngư dân ngày đêm bám biển đánh bắt cá tôm, làm giàu cho quê hương trong thời kỳ dựng xây đất nước:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Không khí lao động hăng say và sáng tạo của ngư dân đã mang lại nguồn thi hứng để Huy Cận viết nên những vần thơ này. Hai bài thơ Biển của Xuân Diệu và Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận cùng với bài thơ Thuyền và biển của nữ sĩ Xuân Quỳnh đã nhiều năm được đưa vào sách giáo khoa từ các cấp học phổ thông đến bậc đại học.

 

 

Những vần thơ từ sau 1975

Sau ngày đất nước sạch bóng quân xâm lược, đề tài biển đảo Tổ quốc như mạch ngầm trong mát, khiến các nhà thơ vừa bước ra từ cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử dân tộc không thể không bị choáng ngợp. Hàng loạt nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh… đến các nhà thơ hậu chiến như: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Phan Quế Mai… đều có những vần thơ hay về biển đảo.

Nếu ở thời kỳ 1954-1964 chỉ có những bài thơ lẻ, thì đến thời kỳ sau 1975 đã xuất hiện thêm nhiều trường ca, một thể loại anh hùng ca thiên miêu tả cuộc sống và những người anh hùng trong chiến đấu. Tiêu biểu cho thể loại này có: Những người đi tới biển (1977) của Thanh Thảo, Trường ca biển (1994) của Hữu Thỉnh, Hạ Thủy những giấc mơ (2013) của Nguyễn Hữu Quý... Những bài thơ tiêu biểu giai đoạn này như: Biển nỗi nhớ và em của Hữu Thỉnh, Tháng tư, Trường Sa của Nguyễn Khoa Điềm, Thuyền và biển của Xuân Quỳnh, Thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, Tổ quốc gọi tên của Nguyễn Phan Quế Mai, trong đó nhiều bài đã được phổ nhạc.

Nhà thơ Hữu Thỉnh vốn là anh lính xe tăng vừa thoát ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của toàn dân tộc, rất nhạy cảm và giàu suy tư khi ông bỏ ra tới 13 năm liền (1981-1994) vắt kiệt sức để viết nên những vần thơ hay đến cháy lòng trong Trường ca biển, tác phẩm được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, 2012. Ở phần Lời của sóng 4, ông viết:

Trên bãi cát những người lính đảo

Ngồi ghép nhau bao nỗi nhớ nhà

Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững

Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa

Đảo tái cát

Khóc oan hồn trôi dạt

Tao loạn thời bình

Gió thắt ngang cây.

Đất hãy nhận những đứa con về cội

Trong bao dung bóng mát của người

Cây hãy gọi bàn tay về hái quả

Võng gọi về nghe lại tiếng à ơi...

À ơi tình cũ nghẹn lời

Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh.

Biển không chỉ có vẻ đẹp nên thơ ngày lặng sóng cho ngư dân dong buồm, buông chài, thả lưới đánh bắt cá tôm và những lứa đôi hò hẹn chốn bãi bờ, mà biển còn có cả Tao loạn thời bình/ Gió thắt ngang cây. Để cuối cùng là À ơi tình cũ nghẹn lời/ Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh. Quả là đau, đau thật, khi người hàng xóm khổng lồ miệng lúc nào cũng hảo hảo mà lòng dạ đổi thay chỉ vì tham vọng bá quyền muốn thôn tính Biển Đông mà họ nỡ tham vàng bỏ ngãi tình nghĩa bấy lâu. 

Nguyễn Hữu Quý trong trường ca Hạ thủy những giấc mơ viết về biển đảo, lại có một cái nhìn khác đối với những người lính canh chừng biển đảo như giữ làng. Bởi trong cái làng - biển ấy, luôn có mẹ ở bên. Mẹ dõi theo từng bước chân ta. Mẹ lẩn khuất vào từng cọng mồng tơi, rau dền, bông muống, quả ớt chín ngoài ô cửa sổ, vào từng câu dân ca ngọt ngào từ thuở ấu thơ, nên các anh nào đâu quản ngại:

dẫu biết đi không về

lòng không nao núng

hồn thiêng

vằng vặc biển Đông...

Trường Sa

đồng đội tôi

những người lính

mặt trẻ

tóc già

những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi

tóc lấm tấm bạc...

Và để có thể đứng vững ngoài đảo xa canh giữ đất trời Tổ quốc, các anh buộc phải thích nghi, tìm ra một phương cách riêng để sống và chiến đấu chống lại kẻ thù:

Tồn tại ở Trường Sa

phải bằng những tầm kích hợp lý

phải biết cắm sâu

cũng phải biết dẻo dai

biết dồn tụ chắt chiu

biết gồng mình chống đỡ

thuộc biển

thuộc trời

nghe mây

nhìn gió

để không phải trả giá đắt hơn!

Sức bền người có tính được không

mà Trường Sa muôn lớp người trụ vững

bão

ta sống chung với bão

hạn

ta sống chung với hạn

bạn

còn gì hạnh phúc hơn khi sống có bạn bè

thù

không phải điều ta muốn...

Bởi các anh ý thức rất rõ rằng, hơn ai hết nơi đảo xa, biển rộng, mẹ hiền Tổ quốc đang cần các anh làm lá chắn, cột mốc và chốt chặn cuối cùng để khẳng định ranh giới, địa phận của làng và cũng là chủ quyền của quốc gia:

...vì Tổ quốc

chúng tôi là cột mốc

chúng tôi là trận địa tiền duyên

chúng tôi là lá chắn

chúng tôi là bệ phóng

chúng tôi là chốt chặn xâm lăng...

Nữ nhà thơ trẻ Nguyễn Phan Quế Mai cảm thấy quặn lòng đau khi xương thịt của Tổ quốc mình bị kẻ thù cắn xé. Trong bài thơ Tổ quốc gọi tên chị đã thực sự xúc động khi viết những dòng thơ trĩu nặng, ám ảnh bao người:

Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình

Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá

Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả

Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây

Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi

Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ

Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã

Máu của người nhuộm mặn sóng Biển Đông

Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình…bien dong ghep

 


Trước đấy, Nguyễn Việt Chiến cũng đã có một bài thơ khá hay về biển đảo. Anh nhìn biển đảo Việt Nam từ thẳm sâu lịch sử anh hùng chống giặc ngoại xâm của ông cha qua bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển:

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa…

Anh ý thức rất rõ ràng là Tổ quốc Việt Nam có thể được nhìn sáng rõ từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng dù ở góc độ nào thì Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là của Việt Nam:

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo

Lạc Long cha nay chưa thấy trở về

Lời cha dặn phải giữ từng thước đất

Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể

Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù

Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ

Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi than

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình…

Có thể nói bất cứ lúc nào và với bất kỳ ai, biển đảo luôn là tiếng gọi thiêng liêng của non sông Việt Nam. Mỗi khi biển đảo “dậy sóng” làm cho lòng ta nhói đau, là một lần hun đúc thêm sức mạnh đoàn kết quyết giữ cho bằng được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Đỗ Ngọc Yên

(Theo Báo điện tử Tổ quốc)




Bình luận