10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2013

Ngày đăng: 25/01/2014 - 14:01

 

1. Nguy cơ chiến tranh lớn "từ điểm nóng" Xyri được hóa giải

Nguy cơ chiến tranh lớn ở khu vực Trung Đông sau quyết định phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Xyri của Tổng thống Mỹ Barack Obama mà không cần sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã được hóa giải với sáng kiến đưa kho vũ khí hóa học vào quyền giám sát của LHQ của Nga. Trên cơ sở sáng kiến này, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 2118 về Xyri - nghị quyết được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới, trong đó khẳng định lộ trình hủy bỏ vũ khí hóa học của Xyri vào cuối năm 2014 và loại bỏ nguy cơ can thiệp quân sự vào quốc gia này dưới bất cứ hình thức nào, với bất cứ lý do gì. 

1.Đoàn xe phái đoàn LHQ tới thủ đô Damascus ngày 25-9-2013. Ảnh AFP TTXVN

Đoàn xe phái đoàn LHQ tới Thủ đô Damascus ngày 25-9-2013. Ảnh: AFP/TTXVN

2. Bán đảo Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh

Năm 2013 chứng kiến hai sự kiện đưa khu vực Đông Bắc Á đến bên bờ vực chiến tranh. Đó là sự leo thang căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên và giữa Triều Tiên với Mỹ, khiến Bình Nhưỡng tuyên bố đưa đất nước vào “tình trạng thời chiến”. Cũng ở Đông Bắc Á, vào ngày 23-11-2013, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm không phận trên các nhóm đảo đang tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh chiến lược của Mỹ, đẩy quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước còn lại lên mức cẳng thẳng mới đáng lo ngại. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố không chấp nhận ADIZ của Trung Quốc và đã cho máy bay quân sự bay vào khu vực này.

2. quan doi va nhan dan trieu tien

Quân đội và nhân dân Triều Tiên biểu dương sức mạnh (nguồn: phunuonline.com.vn)

3. Bí mật về hệ thống do thám toàn cầu của Mỹ bị tiết lộ

Năm 2013 chứng kiến vụ bê bối tình báo lớn nhất trong lịch sử liên quan tới hệ thống do thám toàn cầu của Mỹ do cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ. Theo Edward Snowden, toàn bộ hệ thống máy chủ của các tập đoàn truyền thông khổng lồ ở Mỹ đã bị CIA và NSA trực tiếp xâm nhập nhằm kiểm soát mọi động thái kinh tế, chính trị - xã hội và quân sự - an ninh trong và ngoài nước Mỹ. Sự kiện này đưa Mỹ lâm vào tình thế bị gần như cả thế giới lên án, đẩy quan hệ giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới vào sự nghi kỵ, mất tin tưởng chưa từng có trong lịch sử, làm suy giảm vai trò của nước Mỹ. 

3.Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden

Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden

4. Thỏa thuận  đột phá mang tính lịch sử WTO

Ngày 7-12, Hội nghị bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 9 họp tại Inđônêxia đã đạt được sự đồng thuận về gói cam kết thương mại Bali. Đây là bước đột phá mang tính lịch sử đối với WTO nhằm khai thông các vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu từng bị bế tắc suốt 12 năm qua. Thỏa thuận bao gồm những cam kết nhằm tạo thuận lợi cho thương mại bằng việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan và dỡ bỏ các rào cản thương mại. Nếu thỏa thuận này được thực thi, nó có thể đem lại 1.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới và tạo ra 21 triệu việc làm.

4.Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đánh cồng khai mạc Hội nghị bộ trưởng WTO lần thứ 9. Ảnh Reuters

Tổng thống Inđônêxia, Susilo Bambang Yudhoyono đánh cồng khai mạc Hội nghị bộ trưởng WTO lần thứ 9. Ảnh: Reuters

5.  Thỏa thuận đột phá của Nhóm P5+1 với Iran

Năm 2013 ghi nhận thỏa thuận tuy là tạm thời nhưng có ý nghĩa đột phá của Nhóm P5+1 với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran vào ngày 24-11. Theo đó, cộng đồng quốc tế công nhận Iran có quyền làm giàu urani chỉ nhằm mục đích hòa bình; Iran không có tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân, còn Mỹ và các nước phương Tây từng bước dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Tehran. Thỏa thuận lịch sử này mở ra triển vọng giải quyết một trong những hồ sơ quốc tế phức tạp nhất hiện nay và tạo ra cục diện chính trị mới ở Trung Đông.

5.Đoàn đại biểu Iran và các nước Nhóm P51 tại Geneve ngày 15-10-2013

Đoàn đại biểu Iran và các nước Nhóm P5+1 tại Geneve ngày 15-10-2013

6. Khủng bố lan rộng trên khắp thế giới

Vụ khủng bố ở Mali buộc Pháp phải can thiệp quân sự; vụ khủng bố đẫm máu tại Đại hội thể thao điền kinh ở Boston (Mỹ) ngày 15-4; hàng loạt vụ khủng bố ở Irắc và Ápganixtan; và đặc biệt nghiêm trọng là 3 vụ đánh bom khủng bố ở thành phố Volgograd (Nga) vào cuối tháng 12... là những minh chứng cụ thể cho thấy, làn sóng khủng bố đã và đang lan rộng trên khắp thế giới.

6.Hiện trường vụ khủng bố ở Xyri. Ảnh AP

Hiện trường vụ khủng bố ở Xyri. Ảnh: AP

7. Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2013

Hội nghị thường niên của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 19) diễn ra từ ngày 11 đến 22-11 tại Warsaw (Ba Lan), lần đầu tiên đạt được sự nhất trí về một số nguyên tắc chính cho thỏa thuận mới chống lại sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu dự kiến sẽ được ký kết vào năm 2015 và có hiệu lực sau năm 2020. Đây là thỏa thuận đầu tiên ràng buộc tất cả các quốc gia hạn chế lượng khí thải độc hại thải ra bầu khí quyển Trái đất và nhất trí thiết lập cơ chế giúp các nước dễ bị tổn hại vì những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

7.Hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu COP 19

Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP 19)

8. Chính biến ở Ai Cập và làn sóng bạo loạn chính trị ở Ucraina

Cuộc khủng hoảng chính trị ở hai quốc gia tại hai khu vực khác nhau nhưng đều xuất phát từ cùng một căn nguyên, đó là cạnh tranh và xung đột địa - chính trị lớn trong thế kỷ XXI. Cuộc chính biến dẫn tới lật đổ Tổng thống M. Morsi ngày 3-7 ở Ai Cập là dấu hiệu phá sản chủ trương chiến lược Trung Đông Lớn của Mỹ. Còn ở Ucraina, việc Tổng thống Yanucovich bất ngờ đưa ra quyết định tạm ngừng ký Hiệp định liên kết giữa Ucraina với Liên minh châu Âu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh “Đối tác phương Đông”, đã châm ngòi cho làn sóng bạo loạn mạnh mẽ ở Ucraina, làm bộc lộ bản chất ván cờ địa - chính trị lớn của Mỹ và nhiều nước phương Tây trên lục địa Á - Âu, không để Nga phục hồi vị thế siêu cường như Liên Xô trước đây.

8. bieu tinh

Biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tại Thủ đô Cairo ngày 12-7-2013

9. Khóa họp mang dấu ấn lịch sử của Đại hội đồng Liên hợp quốc

Khóa họp lần thứ 68 của Ðại hội đồng LHQ khai mạc ngày 24-9 với chủ đề “Đặt nền tảng xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015”, đã để lại dấu ấn lịch sử với những quyết định quan trọng được thông qua. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu với thông điệp “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” tại Phiên thảo luận chung, được dư luận quốc tế đánh giá cao bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc và tính thời đại mà Việt Nam muốn gửi tới cộng đồng quốc tế.

9.Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

10. Siêu bão Haiyan

10.Cảnh tan hoang ở Philíppin sau siêu bão haiyan

Cảnh tan hoang ở Philíppin sau siêu bão Haiyan

Tháng 11, siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philíppin với tốc độ gió giật lên đến 378 km/g, với độ rộng phạm vi ảnh hưởng lên tới 595km. Đây là cơn bão mạnh nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua, gây ra thiệt hại khủng khiếp đối với Philíppin. Theo ước tính của LHQ, có 9,8 triệu người dân Philíppin đã bị ảnh hưởng; hơn 5 nghìn người chết; hàng nghìn người mất tích sau bão; hơn 1 triệu ngôi nhà bị phá hủy... Thiệt hại kinh tế do bão Haiyan gây ra đối với Philíppin lên tới hàng tỷ USD.

Hương Ly

Bình luận