Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Ngày đăng: 15/03/2018 - 10:03

IMG 20180321 101245Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh mới của đất nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền là điều kiện tiên quyết để giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Cuốn sách Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam của PGS. TS. Vũ Trọng Lâm biên soạn, được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản là cuốn sách tiếp tục đi sâu nghiên cứu sự đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức, hoạt động của Nhà nước dưới góc độ luật học.

Cuốn sách kết cấu gồm ba chương, trình bày cơ sở lý luận về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phân tích thực trạng sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên cơ sở đó, đưa ra các quan điểm và giải pháp chủ yếu về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với hơn 300 trang, được kết cấu một cách lôgíc, ngay trong chương I, tác giả đã phân tích một số nội dung lý luận cơ bản liên quan đến vấn đề đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: sự hình thành các đảng chính trị, khái niệm, chức năng của các đảng chính trị, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Đồng thời, làm rõ tính tất yếu khách quan, những nội dung cơ bản của việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng để giữ vững, phát huy vai trò, uy tín, sức mạnh của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tác giả đã khái quát thành 6 nội dung cơ bản về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong cuốn sách.

Cũng liên quan đến vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cuốn sách đề cập đến một số vấn đề cơ bản nhất trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm cơ sở lý luận trong nghiên cứu về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng hiện nay với các nội dung: quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của Đảng với Nhân dân, dân tộc, về công tác kiểm tra trong tổ chức đảng, giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức đảng. Trên cơ sở đó, phần cuối của chương I tác giả đã khẳng định: đổi mới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là yêu cầu cấp thiết. Đồng thời, trong chương này, tác giả cũng làm rõ nội dung: tại sao phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, những tiêu chí để đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, những yêu cầu cơ bản để đổi mới sự lãnh đạo của Đảng.

Có thể nói, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội vì lợi ích của dân tộc là một thực tế khách quan đã được khẳng định trong suốt quá trình cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh như hiện nay, sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đạt được những thành tựu cũng như gặp phải những hạn chế như thế nào? Bằng những phân tích cụ thể, trên một số mặt, Chương II sẽ làm rõ thực trạng sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nêu rõ những thành tựu và hạn chế cơ bản xét theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ đó giúp độc giả thấy được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là nhân tố quyết định sự phát triển của Vệt Nam trên đường hội nhập, là điều kiện bảo đảm thành công trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong chương này, ngoài việc làm rõ thành tựu lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, với các cơ quan tư pháp, tác giả tập trung đề cập thành tựu lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và thành tựu về sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng trình bày, phân tích khá rõ những hạn chế trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trên các mặt: phương thức lãnh đạo của Đảng; công tác cán bộ; nhận thức và thể chế hóa nguyên tắc, cơ chế tổ chức quyền lực nhà nước; xây dựng, thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước...

Trên cơ sở phân tích thực trạng sự lãnh đạo của Đảng, chương III đã đưa ra sáu quan điểm và tám giải pháp về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đáp ứng các nguyên tắc, mục tiêu của Nhà nước pháp quyền; làm rõ trách nhiệm của Đảng trong việc xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân. Tác giả cho rằng: Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trên cơ sở phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Nhà nước và của Đảng, tôn trọng, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, nhằm bảo đảm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham những. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng để bảo đảm thực hiện quyền lực Nhân dân, quyền con người, quyền công dân, củng cố long tin của Nhân dân vào uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng và năng lực quản lý xã hội của Nhà nước, xây dựng Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Được viết dưới góc độ nghiên cứu khoa học, cuốn sách Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã phân tích, trình bày nhiều nội dung mang ý nghĩa lý luận, thực tiễn về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy, đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích trong nghiên cứu, giảng dạy, học tập, tìm hiểu lý luận và thực tiễn của các cơ quan Đảng, chính quyền, các viện nghiên cứu và trường đại học.

Bình luận