Lương tâm người cầm bút*
Viết bằng lương tri trong sáng, viết vì đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, không viết chỉ để phục vụ mục đích cá nhân, đó là các phẩm chất làm nên uy tín của mỗi người cầm bút trong xã hội. Chính vì thế, với một số cá nhân sử dụng internet để phổ biến những bài viết có tính chất vi phạm pháp luật cần điều chỉnh suy nghĩ để có hành vi nghiêm túc...
Lao động trí óc khác với lao động chân tay, tuy nhiên với mục đích lành mạnh thì mong muốn về sản phẩm làm ra giữa lao động trí óc và lao động chân tay lại không khác nhau. Người nông dân muốn đem tới cho xã hội gạo ngon, quả ngọt; người thợ xây hướng về các ngôi nhà đẹp, bền; còn người cầm bút hướng tới các tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật được người đọc yêu thích,... Dù ít hay nhiều thì vẫn tác động tới sự phát triển của xã hội và con người, cho nên ở đâu cũng vậy, người lao động trí óc hay lao động chân tay vẫn cần làm việc nghiêm túc, xem xét vấn đề khách quan, xác định khả năng cụ thể, đặt mình trong mối quan hệ với xã hội và người tiếp nhận,... từ đó xác lập kế hoạch để triển khai. Nếu không, sẽ như ông cha ta thường nói "sai một ly đi một dặm". Đó là hành động với mục đích lành mạnh, còn khi mục đích thiếu trong sáng thì hậu quả với xã hội và con người là không thể lường hết. Ai đó chỉ vì lợi nhuận ích kỷ mà làm hàng giả, ngâm tẩm hóa chất độc hại vào rau quả mang ra thị trường thì thật có tội với xã hội. Xây dựng nhà cửa mà bớt xén nguyên liệu, thay thế vật tư chất lượng cao bằng vật tư kém chất lượng người thợ sẽ có lỗi với người sử dụng. Nếu vì tham vọng mà cá nhân viết bài vô trách nhiệm thì hậu quả nguy hại hơn nhiều vì nó tác động tiêu cực đến suy nghĩ, hành động của người đọc. Đáng tiếc là thời gian qua ở Việt Nam, sản phẩm của một số người viết đã bị xã hội phê phán, mà đáng buồn hơn, có người phải ra trước vành móng ngựa vì đưa lên internet bài viết vi phạm pháp luật. Những người đó biện bạch cho hành vi vi phạm pháp luật đó là "tự do ngôn luận, tự do báo chí". Ở Cộng hòa Liên bang Đức có câu ngạn ngữ: "Eigenlob stinkt", tạm dịch là "Tự khen thì chẳng thơm tho". Theo đó, họ thật sự tôn trọng tự do ngôn luận, tự do báo chí. Họ thật sự yêu nước hay không, hãy để xã hội đánh giá, vì không thể nói hễ đăng bài trên internet phê phán Nhà nước sẽ là người yêu nước. Tôi tâm đắc câu ngạn ngữ nêu trên, song tôi biết không thể sử dụng trong mọi trường hợp.
Mấy người biện bạch rằng việc làm của họ là tự do báo chí lại được một số người hùa theo, làm rùm beng là Nhà nước "vi phạm nhân quyền". Tôi biết ở nhiều nước khác cũng như ở Cộng hòa Liên bang Đức, theo pháp luật thì người dân có quyền thể hiện quan điểm của mình qua hình ảnh, lời phát biểu, bài viết trên sách báo, hay phát tán qua phát thanh, truyền hình. Vì tự do báo chí là một phần của tự do ngôn luận. Ở Cộng hòa Liên bang Đức, điều này quy định tại Điều 5, Đạo luật cơ bản (tức Hiến pháp). Nhưng cần lưu ý là Điều 5 đó cũng quy định, quyền cơ bản này bị giới hạn bởi các bộ luật, các văn bản pháp lý khác để bảo vệ thanh, thiếu niên và quyền được tôn trọng danh dự cá nhân. Nghệ thuật, khoa học và giảng dạy cũng tự do, nhưng theo khoản 3 Điều 5 Đạo luật cơ bản thì "Tự do giảng dạy không được miễn trừ trách nhiệm phải trung thành với Hiến pháp". Để cụ thể hóa giới hạn về quyền tự do báo chí, các quy định được ban hành trong các bộ luật, thí dụ quy định từ Điều 11 đến Điều 25 Bộ luật bảo vệ thanh thiếu niên. Ngoài ra, trong Bộ luật hình sự Cộng hòa Liên bang Đức cũng có các quy định nhằm giới hạn quyền tự do ngôn luận cũng như tự do báo chí, nếu tự do đó là hành động vi phạm pháp luật: Với Điều 185 là tội xúc phạm người khác có thể phạt đến hai năm tù giam hoặc phạt tiền; với Điều 186 là tội nói xấu người khác có thể phạt đến hai năm tù giam hoặc phạt tiền; với Điều 187 là tội vu khống người khác có thể bị phạt đến 5 năm tù giam hay phạt tiền.
Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng có các quy định tương tự. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân được khẳng định tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992, Điều 26 Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết theo Điều 50 Hiến pháp năm 1992, Điều 15 Hiến pháp (năm 2013). Để cụ thể hóa sự giới hạn về quyền tự do báo chí, các quy định đã được ban hành trong các bộ luật, thí dụ Bộ luật Hình sự năm 1999. Trong đó cũng có các quy định như: Điều 121 về tội làm nhục người khác, Điều 122 về tội vu khống người khác, Điều 258 về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân... So sánh quy định của Hiến pháp, luật pháp Cộng hòa liên bang Đức về quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí với các quy định của Hiến pháp, luật pháp Việt Nam thì cơ bản là giống nhau. Từ các quy định pháp lý và đạo đức nghề nghiệp, các nhà báo ở Đức luôn phải cố gắng làm việc theo tiêu chí "tôn trọng sự thật và phẩm giá con người". Tuy thế, vẫn có người phải hầu tòa vì tội lạm dụng quyền tự do ngôn luận nói chung, quyền tự do báo chí nói riêng. Một vụ án hình sự trong quá khứ vẫn được nhắc tới liên quan đến sự lạm dụng quyền tự do báo chí, là vụ một tạp chí danh giá của Đức đã in và phát tán "Nhật ký Hitler", mặc dù trước khi phát hành đã có những nghi ngờ chính đáng cho rằng đây là sách làm giả. Tòa soạn đã phải xin lỗi bạn đọc sau khi các chuyên gia giám định và chứng minh văn bản này thực ra là tác phẩm của một người chuyên làm giả vì lợi ích tài chính.
Thời gian qua, một số nước, một số tổ chức, cá nhân phê phán Nhà nước Việt Nam "vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí". Tuy nhiên, theo thông tin từ các phương tiện truyền thông chính thức của Việt Nam, sau khi cơ quan công an đã điều tra và Viện Kiểm sát Nhân dân đã đưa ra các bằng chứng xác đáng theo luật định thì tòa án mới mở thủ tục xét xử theo trình tự của Bộ luật Tố tụng hình sự. Qua các phiên tòa đều cho thấy các bị cáo vi phạm các điều khoản trong Bộ luật Hình sự (thí dụ: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79; tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 88; tội phá rối an ninh theo Điều 89, v.v.). Nhưng một số người lại đánh tráo vấn đề để cho rằng họ bị xét xử vì "mục đích chính trị", vì họ là "người bất đồng chính kiến". Rất tiếc là một số nước, một số tổ chức và cá nhân lại dựa trên sự đánh tráo này để phê phán Việt Nam! Một số vụ gây mất trật tự công cộng, để duy trì trật tự, chính quyền phải sử dụng tới lực lượng cảnh sát, và lực lượng này tác nghiệp trong khuôn khổ pháp luật. Nhưng sau khi sự việc xảy ra, một số tổ chức, cá nhân lại thay đổi bản chất sự việc để đòi hỏi Nhà nước Việt Nam bỏ điều luật này, điều luật khác. Theo tôi, phê phán và đòi hỏi đó là phi lý, không khách quan. Theo luật quốc tế, một nhà nước độc lập có chủ quyền được phép đưa ra các quy định để duy trì chế độ xã hội của mình. Việc đưa ra các quy định đó được gọi là "công việc nội bộ của quốc gia". Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên bố của Liên hợp quốc về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế năm 1970, Tuyên bố của Liên hợp quốc về nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác (công bố năm 1982), trong đó khẳng định "nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác". Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đưa ra những quy định pháp lý, có biện pháp tương tự để duy trì chế độ pháp lý và chính trị của mình, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân sống trong cùng điều kiện chính trị, xã hội. Thí dụ, Bộ luật hình sự Cộng hòa Liên bang Đức có Điều 81 về "tội phản bội lại Liên bang"; Điều 82 về "tội phản bội lại một Tiểu bang"; Điều 90 về "tội phỉ báng Tổng thống"; Điều 90a về "tội phỉ báng cơ quan nhà nước, cơ quan Hiến pháp". Ngoài lực lượng công an hình sự của Liên bang và Tiểu bang, Cộng hòa Liên bang Đức còn có lực lượng của các cơ quan bảo vệ Hiến pháp ở cấp Liên bang và Tiểu bang - mà thực ra đây là cơ quan tình báo đối nội, chuyên thu thập tin tức, bằng chứng phục vụ cho các thủ tục xét xử hình sự. Chính vì thế, các cơ quan nhà nước Đức cũng luôn giải thích cho nhân dân rằng: Các quy định pháp lý và biện pháp pháp lý của Nhà nước Đức là rất minh bạch, chân chính.
Một số nước và một số tổ chức, cá nhân đưa ra đòi hỏi rất phi lý đối với việc thực thi pháp luật ở Việt Nam. Nhưng họ vẫn không đưa ra được lời giải thích thỏa đáng, vì sao họ lại phê phán, thậm chí họ không chấp nhận các nguyên tắc cơ bản, các quy định của luật pháp Việt Nam - thành viên chính thức và tích cực của Liên hợp quốc, trong khi các nguyên tắc, quy định đó không khác biệt so với luật pháp quốc tế và luật pháp của rất nhiều quốc gia khác? Sống ở Cộng hòa Liên bang Đức, tôi được biết, theo người Đức, việc một số nước, một số tổ chức, cá nhân phê phán Việt Nam là hành động được gọi là "Doppelmoral" (có thể dịch: đạo đức hai mặt); nghĩa là cùng một hành động, mình làm thì không sao, nhưng người khác làm thì chê bai, phê phán, lên án. Theo tôi, nếu những người đăng tải bài viết trên internet là người cầm bút thật sự có lương tri với đồng bào, với Tổ quốc Việt Nam, trước khi quan tâm đến quy định pháp lý hãy tự hỏi mình viết cho ai, viết vì ai và viết để làm gì? Một người cầm bút có lương tâm sẽ tự trả lời rằng viết cho đồng bào mình, viết vì Tổ quốc mình, viết vì tương lai tốt đẹp của quê hương và con cháu mình,... Làm được như thế sẽ không bị xã hội lên án, không bị ra trước vành móng ngựa và không bị tòa nào tuyên án.
HỒ NGỌC THẮNG
Bài viết trích trong cuốn Bình luận - phê phán do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực