Về vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền người đứng đầu trong công tác cán bộ hiện nay

Ngày đăng: 09/04/2018 - 08:04

Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị là một vấn đề lớn, thể hiện nhiều nội dung và nhiều mối quan hệ.

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Đảng ta xác định: phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Công tác xây dựng Đảng gồm nhiều mặt, nhiều nội dung và nhiều khâu khác nhau, trong đó công tác cán bộ được xác định là khâu có ý nghĩa then chốt, vì “cán bộ là gốc của công việc” và “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[1]. Như vậy, có thể nói rằng, công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và là "khâu then chốt" của "nhiệm vụ then chốt".

Xuất phát từ vai trò, vị trí quan trọng của công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Điều lệ Đảng đã xác định: "Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ". Quy định nêu trên được hiểu: Công tác cán bộ là công tác của Đảng, mà đã là công tác của Đảng thì phải được thực hiện theo nguyên tắc tổ chức của Đảng, đó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Như vậy, mọi quyết định về cán bộ và công tác cán bộ đều phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Tuy nhiên, để các quyết định về công tác cán bộ bảo đảm khách quan, chính xác, Đảng phải phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm, lắng nghe ý kiến của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu của các tổ chức ấy.

1. Vai trò, vị trí của người đứng đầu

Trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, khi có từ hai người trở lên cùng tham gia đã đòi hỏi phải có người chỉ huy. Trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng hoặc địa phương, cơ quan, đơn vị... có thể có nhiều thành viên trong ban lãnh đạo, nhưng người đứng đầu thì chỉ có một, không thể có hai. Người đứng đầu tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị được xác định là người lái tàu để đưa đoàn tàu tới đích nên có vai trò định hướng, chi phối quan trọng và trong những thời điểm cụ thể, đóng vai trò quyết định đến chiều hướng phát triển cũng như kết quả hoạt động của tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị đó. Vì vậy, việc lựa chọn và bố trí đúng người đứng đầu ở mỗi cấp ủy, tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng của công tác cán bộ.

Thực tiễn cho thấy, khi một tổ chức hoặc địa phương, cơ quan, đơn vị yếu kém, mất đoàn kết nội bộ, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, nếu lựa chọn và bố trí đúng người đứng đầu thì sẽ làm cho tổ chức, địa phương, đơn vị đó từng bước đi vào ổn định và phát triển. Song, nếu lựa chọn và bố trí người đứng đầu không đúng tầm, không tương xứng với vị trí công việc và yêu cầu của nhiệm vụ được giao, thì tổ chức, địa phương, đơn vị đó không những không phát triển được mà chắc chắn tình hình còn phức tạp thêm, để lại hậu quả xấu và việc khắc phục mất nhiều thời gian và công sức.

2. Mối quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với tập thể cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị

Trong những năm gần đây, nhiều quan điểm, chủ trương, giải pháp lớn của Đảng về công tác cán bộ đã từng bước được thể chế hóa thành pháp luật, cụ thể hóa thành các nghị quyết, quy định, quy chế, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thực hiện, đem lại một số kết quả quan trọng và tạo được sự chuyển biến tích cực bước đầu. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách, phương pháp, quy trình tiến hành trong một số khâu của công tác cán bộ chậm đổi mới và còn hình thức; trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa được quy định cụ thể; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chưa được xác định một cách rõ ràng, rành mạch. Do đó, thực tế ở không ít nơi vừa xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cá nhân, đổ lỗi cho tập thể; vừa có tình trạng độc đoán, gia trưởng, lạm dụng quyền hạn, lợi dụng tập thể để hợp thức hóa ý chí của một người hoặc một nhóm người, làm cho những quyết định về cán bộ và công tác cán bộ thiếu công tâm, khách quan, thậm chí bị sai lệch và cuối cùng dẫn đến việc lựa chọn, bố trí cán bộ thiếu chính xác, không phù hợp với năng lực, sở trường, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo và sự phát triển của ngành, địa phương và đất nước.

Giải quyết mối quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ thực chất là giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách; giữa thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng với thực hiện chế độ thủ trưởng trong quản lý của cơ quan nhà nước.

Người đứng đầu có vai trò rất to lớn, quan trọng trong tổ chức và hoạt động của mỗi tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có công tác cán bộ. Song, công tác cán bộ có rất nhiều nội dung và bao gồm nhiều khâu khác nhau: từ nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm đến khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Các khâu của công tác cán bộ có quan hệ mật thiết, biện chứng với nhau, kết quả của khâu này là tiền đề của các khâu khác. Vì vậy, việc phát huy vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu trong công tác cán bộ vừa phải quán triệt quan điểm: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; vừa phải đề cao, phát huy vai trò, trách nhiệm các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu các tổ chức đó.

3. Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ

Để xác định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, cần xác định rõ trong các khâu, các nội dung của công tác cán bộ, những khâu nào, nội dung nào liên quan thường xuyên, trực tiếp nhất đến trách nhiệm của người đứng đầu để có quy định cho phù hợp. Người đứng đầu tuy có vai trò rất quan trọng trong tổ chức và hoạt động của địa phương, đơn vị, trong đó có công tác cán bộ, nhưng cũng không thể quyết định được tất cả các nội dung của công tác cán bộ. Họ chỉ có vai trò quyết định, trực tiếp trong quản lý và sử dụng đối với cán bộ thuộc phạm vi phụ trách, trước hết là cấp phó và cán bộ dưới quyền trực tiếp của mình.

Về thẩm quyền, người đứng đầu một tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị là người quản lý, theo dõi, sử dụng cán bộ dưới quyền và trực tiếp giao việc cho cấp phó của mình và cán bộ dưới quyền trực tiếp. Do đó, người đứng đầu có căn cứ để nhận xét, đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ thông qua kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao. Như vậy, người đứng đầu cũng là người hiểu, nắm chắc nhất cấp phó của mình và cán bộ dưới quyền trực tiếp; có cơ sở để đề xuất việc bố trí, sử dụng cán bộ đó như thế nào cho phù hợp với năng lực, sở trường nhằm phát huy mặt mạnh, khắc phục những mặt hạn chế của họ. Vì vậy, người đứng đầu cần được giao thẩm quyền và có trách nhiệm trong việc đề xuất, giới thiệu với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, bố trí, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ là cấp phó của mình và cán bộ dưới quyền trực tiếp.

Cụ thể là, khi tập thể lãnh đạo xem xét và biểu quyết các phương án về cán bộ, nếu phương án cán bộ do người đứng đầu đề xuất được tập thể nhất trí từ 50% trở lên thì thực hiện theo phương án đó. Nếu phương án cán bộ do người đứng đầu đề xuất mà tập thể lãnh đạo đồng ý dưới 50% thì thực hiện như sau: nếu chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì người đứng đầu được bảo lưu ý kiến của mình và báo cáo lên cấp trên xem xét, quyết định; nếu chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền của tập thể lãnh đạo cấp đó thì người đứng đầu kiến nghị tập thể lãnh đạo thảo luận, biểu quyết lần thứ hai; nếu lần thứ hai biểu quyết vẫn dưới 50% thì người đứng đầu đề xuất nhân sự khác; nếu không có nhân sự khác thì tập thể lãnh đạo giao cho người đứng đầu quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Về trách nhiệm, đi đôi với thẩm quyền đề xuất, giới thiệu, quyết định bổ nhiệm đối với cán bộ là cấp phó của mình và cán bộ dưới quyền trực tiếp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới khi cấp phó của mình và cán bộ dưới quyền trực tiếp vi phạm khuyết điểm, phải bị xử lý kỷ luật theo các quy định của Đảng và Nhà nước.

Người đứng đầu phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của mình khi cấp phó hoặc cán bộ dưới quyền trực tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao, hai năm liền mức độ tín nhiệm thấp hoặc phải cho thôi chức; bị khiển trách khi cấp phó của mình hoặc cán bộ dưới quyền trực tiếp vi phạm khuyết điểm phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.

Người đứng đầu bị cảnh cáo khi cấp phó của mình hoặc cán bộ dưới quyền trực tiếp bị kỷ luật cách chức, buộc thôi việc hoặc bị phạt tù; bị cách chức hoặc cho thôi chức khi cấp phó hay cán bộ dưới quyền trực tiếp của mình bị phạt tù do tham nhũng, vi phạm về nghiệp vụ công tác, hoặc để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng lớn, ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước.

Nguyễn Đức Hà

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương

Bài viết trích trong cuốn Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức,

phong cách Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.309, 313.

Bình luận