Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong xây dựng Đảng, từ C.Mác, V.I. Lênin đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đều coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và coi đó là nguyên tắc số một. Trong điều kiện đảng cầm quyền, biểu hiện cụ thể của nguyên tắc đó chính là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Việc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong Đảng thống nhất với việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong bộ máy nhà nước và trở thành một phong cách làm việc cần thiết của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, đó là "cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách"[1]. Việc thực hiện đúng đắn nguyên tắc và phong cách làm việc này có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh.
1. Sự cần thiết và nội dung của "tập thể lãnh đạo"
Tập thể lãnh đạo cần thiết cho toàn Đảng cũng như cho mỗi cấp ủy, bởi Đảng cũng như mỗi cấp ủy có trách nhiệm định hướng chính trị cho sự tồn tại và phát triển của đất nước, của mỗi địa phương, đơn vị mà Đảng lãnh đạo. Muốn hoàn thành tốt bổn phận, trách nhiệm đó, Đảng cũng như mỗi cấp ủy phải mở rộng dân chủ trong bàn bạc, thảo luận, phát huy trí tuệ tập thể để tìm ra chân lý, phương hướng cách mạng đúng đắn, sáng tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm"[2].
Do đó, nhất định cần thực hiện tập thể lãnh đạo trong việc vạch ra đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kế hoạch công tác của mỗi địa phương, đơn vị. Hơn nữa, sức mạnh của Đảng, trí tuệ của người lãnh đạo bắt nguồn từ chỗ thâu tóm, tổng hợp được trí tuệ của tập thể, của toàn Đảng và của quần chúng nhân dân. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải xây dựng được phong cách làm việc dân chủ, tập thể nhằm khai thác được trí tuệ sáng tạo trong các tập thể lãnh đạo và của quảng đại quần chúng, coi đó là "chiếc chìa khóa vàng" tháo gỡ khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong cách làm việc dân chủ, tập thể yêu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý cần: "Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm. Như thế hơi phiền một chút, phiền cho những người biếng học hỏi và giải thích. Nhưng việc gì cũng nhất định thành công"[3].
- Nếu không tập thể lãnh đạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: "Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc"[4]. Người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý không có phong cách làm việc tập thể, dân chủ, mà độc đoán, chuyên quyền sẽ dẫn đến kìm hãm tính tích cực, sáng tạo của đảng viên và Nhân dân. Người phân tích: Mặc dầu họ ra sức kêu gọi phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái, nhưng đến nay, cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái. "Đó là vì lẽ gì? Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực. Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế"2.
Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra. Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị "trù" là khác. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói "không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng", "trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều lời", sinh ra thói "thậm thà thậm thụt" và những thói xấu khác.
Làm việc theo cách quan liêu, cái gì cũng dùng mệnh lệnh, ép nhân dân làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ nhân dân, bắt nhân dân theo. Có nhiều cán bộ theo cách đó. Họ còn tự đắc rằng: Làm như thế, họ vẫn "làm tròn nhiệm vụ", làm được mau, lại không rầy rà. Họ quên rằng: Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho Nhân dân. Việc gì cũng vì lợi ích của dân mà làm. Làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại. Chính độc đoán chuyên quyền, mất dân chủ là một nguyên nhân dẫn đến sự phân liệt, chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng, vi phạm quyền dân chủ của Nhân dân, làm Đảng xa dân, một nguy cơ làm suy yếu, sụp đổ của một đảng cầm quyền.
- Tập thể lãnh đạo là dân chủ.
Người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần có phong cách làm việc tập thể, dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: Lực lượng của nhân dân nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước đều chứng tỏ: “có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[5].
Kinh nghiệm các địa phương cho biết: nơi nào công việc kém, là vì cán bộ cách xa Nhân dân, không cùng Nhân dân bàn bạc, không giải thích. Nơi kha khá, là vì cán bộ biết giải thích, biết cùng Nhân dân bàn bạc, nhưng chưa hoàn toàn. Nơi nào khá lắm là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng biết giải thích, biết cùng Nhân dân bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào Nhân dân.
Muốn Nhân dân thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị của Nhân dân là lẻ tẻ, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng nhân dân ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của Nhân dân, vừa nâng cao kinh nghiệm của mình.
Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt cũng tự sửa chữa được nhiều.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nguyên tắc và phong cách làm việc dân chủ, tập thể là: "Chúng ta cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng. Khi họ đã có ít nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ cho họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái. Như thế, thì những tính lười, tính "gặp chăng hay chớ" ngày càng bớt, mà sáng kiến và tính hăng hái ngày càng nhiều thêm"[6].
- Tránh giáo điều khi thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Không phải vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người vẫn có thể giải quyết được, cũng đưa ra bàn - mới là tập thể lãnh đạo. Nếu làm như vậy, là hiểu tập thể lãnh đạo một cách máy móc. Kết quả là cứ khai hội mà hết ngày giờ"[7]. Mặc dù tập thể lãnh đạo là cần thiết, song trong tổ chức thực hiện nghị quyết, trong công tác quản lý mà không có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, người nào việc nấy sẽ dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc, nhiều sãi không ai đóng cửa chùa, nên Hồ Chí Minh khẳng định: "Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau"3.
2. Sự cần thiết và nội dung của "cá nhân phụ trách"
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung"[8]. Trong thực tế, chỉ nhấn mạnh mặt dân chủ, tập thể lãnh đạo, mà không chú ý đến tập trung, cá nhân phụ trách, hoặc ngược lại chỉ nhấn mạnh mặt tập trung, cá nhân phụ trách mà không thực hiện dân chủ, tập thể lãnh đạo đều dẫn đến sai lầm. Sai lầm đó biểu hiện thành hai căn bệnh trái ngược nhau: Một là, quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, xa dân; Hai là, dân chủ quá trớn, vô chính phủ, "trên bảo dưới không nghe"; "phép vua thua lệ làng".
- Nội dung cá nhân phụ trách
+ Cá nhân phụ trách là khi công việc của Đảng, của cấp ủy, của tập thể, sau khi đã được bàn bạc thấu đáo đi đến ra nghị quyết hoặc quyết định thì phải được phân công cho từng người phụ trách thi hành. Việc gì một người không làm nổi phải giao cho một tập thể thực hiện thì cũng phải có người đứng đầu tập thể đó chịu trách nhiệm chính.
+ Bản lĩnh cá nhân phụ trách, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nghĩa là người đứng đầu, hoặc là cán bộ lãnh đạo, quản lý của đất nước, một địa phương, bộ, ngành hoặc đơn vị, phải là: "Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn"[9].
+ Cá nhân phụ trách trước ai?
Người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có trách nhiệm cao trước Tổ quốc, Nhân dân, trước Đảng, trước cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ: Có người nói rằng mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước Nhân dân. Mà phụ trách trước Nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ, vì dân mà làm các việc và cũng phụ trách trước Nhân dân. Vì vậy, nếu cán bộ không phụ trách trước Nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa Nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ.
+ Cá nhân phụ trách trước Đảng, Chính phủ và Nhân dân cần làm gì?
Nếu trong những chính sách, những chỉ thị, những khẩu hiệu của cấp trên có khiếm khuyết, cán bộ phải có tinh thần phụ trách trước Nhân dân mà đề nghị những chỗ nên sửa đổi. Không làm như vậy, tức là cán bộ không phụ trách trước Nhân dân, mà cũng không phụ trách trước Đảng và Chính phủ.
Việc gì cũng bàn bạc với Nhân dân, giải thích cho Nhân dân. Thế là phụ trách trước Nhân dân. Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm.
Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì cá nhân phụ trách phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, cá nhân phụ trách phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc. Đó cũng là tinh thần dám đổi mới và cách mạng.
+ Trách nhiệm và quyền hạn của cá nhân phụ trách với tập thể
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cá nhân phụ trách cũng có nghĩa là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý có một quyền uy nhất định, nhưng đồng thời cũng phải có tinh thần tập thể cao nhất, có trách nhiệm với tập thể cao nhất và phải có chính kiến trong tập thể để giải quyết công việc của tập thể, đơn vị, địa phương và đất nước. Người khẳng định rõ: "Người nào có chân trong một ủy ban nào mà làm biếng không đến dự mọi cuộc hội nghị của ban ấy, hoặc không cân nhắc suy nghĩ kỹ lưỡng những vấn đề cần phải bàn bạc và giải quyết hoặc không phát biểu hết ý kiến của mình đối với vấn đề ấy, là trái với nhiệm vụ của mình, và không xứng đáng là một người lãnh đạo"[10].
Cá nhân phụ trách trên cơ sở tập thể lãnh đạo nghĩa là phải quyết tâm tổ chức thực hiện đúng việc tập thể đã bàn, đã quyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Người nào phụ trách thi hành, mà không làm đúng kế hoạch do đa số đã quyết định, là làm trái với nhiệm vụ của mình, và cũng không xứng đáng là một người lãnh đạo"2.
- Thế nào là không phụ trách?
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra hai căn bệnh cần tránh là thói không phụ trách quá hữu và thói không phụ trách quá tả. Đó là khi: "cán bộ ta chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới. Đó là vì thói không phụ trách "quá hữu", gặp sao hay vậy.
Song lại có thái độ xa quần chúng, thói không phụ trách "quá tả" là không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang"[11].
3. Kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, dám nghĩ, dám làm và quyết đoán
Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là hai mặt đối lập và thống nhất của một phong cách làm việc biện chứng khoa học của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phong cách làm việc này cũng là biểu hiện của nguyên tắc dân chủ tập trung theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Người cho rằng: Dân chủ là nền tảng của tập trung. Tập trung phải được hình thành trên nền tảng dân chủ. Dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung. Cho nên, trong phương pháp làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thì tập thể lãnh đạo là nền tảng cho cá nhân phụ trách. Cá nhân phụ trách dựa trên cơ sở tập thể lãnh đạo. Song cá nhân phụ trách có thể chỉ đạo tập thể lãnh đạo và phải có tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm khi cần thiết, đặc biệt trong những thời điểm then chốt.
Có ý thức tập thể cao, biết tạo ra bầu không khí làm việc dân chủ tập thể, nhưng lại không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, thì không thể có những quyết định kịp thời đáp ứng yêu cầu của cách mạng, của đất nước, của địa phương, bộ, ngành, đơn vị. Do đó, phong cách làm việc của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo, quản lý, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là phải biết kết hợp lãnh đạo tập thể với cá nhân phụ trách, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Tổ quốc, Nhân dân, trước Đảng và Nhà nước để chớp đúng thời cơ, quyết định công việc cần làm ngay khi thực tiễn yêu cầu.
4. Thực trạng việc thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”
Nhận thức chưa đầy đủ về nguyên tắc và phong cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách dẫn đến những bất cập, lạm dụng, cực đoan trong vận dụng nguyên tắc và phong cách làm việc đó. Cho nên vừa có hiện tượng gia trưởng, độc đoán, coi nhẹ trách nhiệm tập thể cấp ủy, vừa có tình trạng cấp trên không kỷ luật được cấp dưới, không quản lý được cấp dưới; người lãnh đạo, quản lý thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã nhấn mạnh: "Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân"[12]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng tiếp tục chỉ ra: “việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng”[13]. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát.
Mỗi cán bộ, đảng viên, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ theo cương vị công tác. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống.
Đảng cần "quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị. Ban hành quy chế để hằng năm Ban Chấp hành Trung ương góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ban chấp hành đảng bộ các cấp góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên ban thường vụ cấp ủy cấp mình"[14].
Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đề ra cũng nêu rõ cần “phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”[15].
Những quy định cụ thể cần được tiếp tục xây dựng trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về các nguyên tắc xây dựng Đảng và phong cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Do vậy, việc nghiên cứu vận dụng sáng tạo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách vào phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình là việc làm hết sức cần thiết đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu, với các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng hiện nay.
[12]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.22-23.
[13]. Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.22.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực