90 năm sự phát triển nhận thức của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 29/04/2020 - 15:04

Giai đoạn trước Đại hội VII 
Các văn kiện trong Hội nghị thành lập Đảng cách đây 90 năm kết tinh tư tưởng Hồ Chí Minh, mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lúc bấy giờ, Đảng ta chưa có nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sau Cách mạng Tháng Tám, các nhà lãnh đạo như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… có những bài viết về đạo đức, tác phong, đường lối chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh1. Đó là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong bài Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 02/1951), đồng chí Tôn Đức Thắng đã khẳng định: “Đường lối chính trị, nền nếp làm việc và đạo đức cách mạng của Đảng ta hiện nay là đường lối, tác phong và đạo đức Hồ Chủ tịch… Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch; sự học tập ấy, là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”2. Đây là lần đầu tiên Đảng ta đề cập mối quan hệ mật thiết giữa đường lối chính trị, nền nếp làm việcđạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó đường lối chính trị là nội dung chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh. 
Trong dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5/1960), lần đầu tiên khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh nêu ra: “Nhân dịp này, chúng ta hãy ôn lại tiểu sử và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch, tìm hiểu và học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân được tốt hơn”3. Tuy nhiên, khi đó chưa có tài liệu nào trình bày nội hàm tư tưởng Hồ Chí Minh.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) nhấn mạnh: “Thắng lợi to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước cũng như những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam ngót nửa thế kỷ nay mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người khai sinh nền Cộng hòa Dân chủ Việt Nam, người vun trồng khối đại đoàn kết dân tộc và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân ta, người anh hùng dân tộc vĩ đại, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế... Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân, thống nhất tổ quốc, cho sự nghiệp của Đảng và của dân tộc, làm rạng rỡ non sông đất nước ta, để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau những di sản bất diệt”4. Tuy nhiên, văn kiện này mới chỉ dừng lại ở di sản, sự nghiệp, chưa làm rõ được nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), Đảng ta xác định: “phải đặc biệt coi trọng việc tổ chức học tập một cách có hệ thống tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn Đảng”5. Đây là lần đầu tiên tư tưởng Hồ Chí Minh được chính thức ghi trong văn kiện Đại hội Đảng, đồng thời Đảng ta yêu cầu tổ chức học tập tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có hệ thống.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) là Đại hội mở đầu sự nghiệp đổi mới, có nhiều nội dung liên quan đến tư tưởng, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một là, Đại hội thành kính hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, tư tưởng và đạo đức của Người sống mãi trong sự nghiệp của Nhân dân ta, có sức giáo dục và động viên đặc biệt. Hai là, Đại hội đã rút ra những bài học quý giá từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, thực chất đó cũng là bốn bài học quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh. Ba là, Đảng khẳng định cần đổi mới tư duy, theo đó “muốn đổi mới tư duy, Đảng phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”6. Bốn là, “Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam biểu thị quyết tâm của Đảng giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin, tiến bước theo con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu hết mình vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội”7.
Năm 1987, trong khi tình hình chính trị thế giới đang có những biến động bất lợi cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, lực lượng xã hội chủ nghĩa, lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, tại phiên họp lần thứ 24 ở Pari (Pháp), Đại hội đồng UNESCO ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nghị quyết ghi nhận Hồ Chí Minh là một trong những vĩ nhân đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại, góp phần vào cuộc đấu tranh vì mục tiêu chung của nhân loại, vì nhân phẩm của loài người là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật. Ở Hồ Chí Minh, sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của Nhân dân Việt Nam đã tạo ra một sức mạnh văn hóa mới - sức mạnh văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Người là hiện thân cho khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và thúc đẩy sự hiểu biết, giao lưu văn hóa giữa các nước. 
Tháng 3/1990, tại Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn” được tổ chức tại Hà Nội, các bài phát biểu, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam8 và các đại biểu quốc tế9 đều khẳng định Hồ Chí Minh là một trong những vĩ nhân của thời đại chúng ta. Các ý kiến cho thấy một hệ thống những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đặt vấn đề tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người để đổi mới toàn diện đất nước theo hướng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, góp phần vào tiến bộ chung của nhân loại. Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để đến Đại hội VII, Đảng ta có một bước tiến mới trong nhận thức về nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Nhận thức của Đảng ta về tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đại hội VII
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991) là một dấu mốc quan trọng trong việc khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh. Các văn kiện được thông qua tại Đại hội có một số điểm cần chú ý: Một là, cái mới trong các văn kiện Đại hội lần này là cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh. Hai là, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Ba là, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta. Bốn là, trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của dân tộc. Năm là, tư tưởng Hồ Chí Minh là phù hợp với thực tế cách mạng nước ta, phù hợp với tình cảm và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta10. Trong đó, nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh là điểm có ý nghĩa đột phá.
Như vậy, cùng với việc đưa ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội VII là một mốc son quan trọng trong nhận thức của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đây, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh được đẩy mạnh cả về bề rộng và chiều sâu. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Chương trình khoa học - công nghệ cấp Nhà nước nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh (mã số KX.02) được triển khai từ năm 1991 đến năm 1995 với 13 đề tài. Trong công tác lãnh đạo, các nghị quyết của Đảng từ sau Đại hội VII, ở các mức độ và cách tiếp cận khác nhau, đều giới thiệu tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 18/02/1995 của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay nhấn mạnh: “Việc Đại hội VII khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động là một bước phát triển hết sức quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta”11; “chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết cách mạng và khoa học, là vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc ta”. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh không những vận dụng một cách sáng tạo mà còn “góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc”12. Nghị quyết nhấn mạnh tư tưởng của Người đã và đang soi đường cho cuộc đấu tranh của Nhân dân ta giành thắng lợi, trở thành những giá trị bền vững của dân tộc Việt Nam và lan tỏa ra thế giới.
Nghị quyết cũng chỉ rõ: “Khi các thế lực thù địch ra sức tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm đẩy chúng ta đi chệch hướng thì đấu tranh để bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh càng là vấn đề quan trọng, trở thành nhiệm vụ hàng đầu trong công tác chính trị, tư tưởng và lý luận của toàn Đảng, toàn dân ta”13.
Nhận thức của Đảng ta về tư tưởng Hồ Chí Minh sau Đại hội VII đến nay
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996), tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới (1986-1996), Đảng ta rút ra bài học kinh nghiệm: “Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”14. Trong định hướng phát triển giáo dục và đào tạo, Đảng ta nhấn mạnh: “tăng cường giáo dục công dân, giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức và nhân văn, lịch sử dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc; ý chí vươn lên vì tương lai của bản thân và tiền đồ của đất nước”15
Đại hội VIII đã có những định hướng tương đối cụ thể về nghiên cứu, bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh và được tiếp tục duy trì ở một số nghị quyết trong chương trình toàn khóa của Đại hội VIII. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khẳng định: “Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người...”16. Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII nêu 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ thứ ba nhấn mạnh “đổi mới công tác giáo dục trong Đảng và trong xã hội về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước”17.
Trên cơ sở khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”18, Đại hội IX có bước phát triển nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”19, từ đó nêu ra chín nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hội nghị Trung ương 5 khóa IX nêu rõ: “Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng đến nay, trình độ lý luận của Đảng ta đã có bước phát triển rõ rệt. Đảng đã không ngừng đổi mới phương pháp tư duy lý luận, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh…; nhận thức đầy đủ hơn nội dung, giá trị và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng”20.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”21. Nhận thức này của Đảng cơ bản dựa trên nhận thức ở Đại hội IX, không trình bày những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là hướng mở để các nhà khoa học có điều kiện mở rộng khả năng tìm tòi, nghiên cứu nhiều nội dung phong phú trong di sản Hồ Chí Minh.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xác định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một công việc thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng..., là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Từ gia tài lý luận của Hồ Chí Minh, có thể khẳng định có một triết lý Hồ Chí Minh về phát triển Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, bước lên đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu. 

1. Các tài liệu có được hiện nay cho thấy Trường Chinh là người viết sớm nhất về đường lối chính trị, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các tác phẩm: Cách mạng Tháng Tám (1946), Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947), “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” (1948). Phạm Văn Đồng có cuốn Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc (tháng 8/1948). Lê Duẩn có bài “Lãnh tụ của giai cấp công nhân Việt Nam và của dân tộc Việt Nam” (tháng 01/1950).
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 12, tr. 9.
3. Trường Chinh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1991, tr. 20.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 10.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, t. 3, tr. 61.
6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 125, 229.
8. Đó là các phát biểu của các đồng chí: Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Võ Chí Công - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Nguyễn Dy Niên - Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam.
9. Hội thảo có 70 đại biểu từ 34 nước, thuộc các dân tộc khác nhau tham dự.
10. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 127-128.
11, 16, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 54, tr. 219; t. 57, tr. 304; t. 58, tr. 60.
12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 54, tr. 220.
14, 15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 70, 109.
18, 19. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 83, 84.
20. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 131.
21. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 88

PGS.TS. Bùi Đình Phong

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả