An ninh hàng hải khu vực trước những thách thức lớn

Ngày đăng: 13/06/2014 - 11:06

Với 2/3 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển qua Biển Đông, vùng biển này có vai trò vô cùng quan trọng đối với thương mại quốc tế. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các yêu sách chủ quyền vô lý tại Biển Đông và tranh chấp chủ quyền biển, đảo quyết liệt với các nước ASEAN như Việt Nam, Philíppin, Malaixia, Inđônêxia, an ninh hàng hải tại khu vực này đang ngày càng đối mặt với nhiều thách thức, gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.

an ninh 2

Căng thẳng leo thang đe dọa an ninh hàng hải

Biển Đông là biển duy nhất trên thế giới nối liền hai đại dương lớn Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, với nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng, cung cấp từ 70-80% lượng dầu lửa nhập khẩu từ Trung Đông cho các nước có nền công nghiệp hiện đại như: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc... Các tuyến đường này cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm xuất nhập khẩu của khối các nước ASEAN. Từ góc độ kinh tế, đây là biển quan trọng nằm trong chiến lược phát triển kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phát triển năng động nhất của thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, an ninh hàng hải ở khu vực này đang ngày càng trở thành vấn đề cấp bách trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh cả về kinh tế, quân sự và tuyên bố chủ quyền một cách vô lý với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Theo đó, các cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước ASEAN trên Biển Đông diễn ra ngày càng nghiêm trọng và có nguy cơ biến thành xung đột vũ trang. Trong thời gian gần đây, sự ổn định và an ninh của các nước dọc theo bờ Biển Đông đang chịu đựng những thử thách mới nghiêm trọng. Chính sách của Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn, kể từ khi họ chính thức đòi chủ quyền Biển Đông với yêu sách “đường 9 đoạn” năm 2009.

Sau vụ chiếm bãi cạn Scarborough mà Philíppin tuyên bố chủ quyền, từ tháng 4-2012, Trung Quốc nhiều lần công khai thực hiện các hành động xâm phạm trái phép các vùng biển của Việt Nam, mà đỉnh điểm là việc triển khai giàn khoan dầu nước sâu Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou-981) hồi đầu tháng 5-2014 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trước đó, Trung Quốc đưa tàu đến vùng biển tuyên bố chủ quyền của Malaixia, cùng với những phản ứng quá khích trong nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn máy bay mất tích MH370, chở theo 153 hành khách người Trung Quốc. Cũng chính Trung Quốc đã gây rối với Inđônêxia khi khẳng định chủ quyền trên vùng biển gần Inđônêxia, đẩy Jakarta ra khỏi vị trí trung lập và rơi vào cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông...

Ngoài việc gây lo ngại cho an ninh Biển Đông bởi các vụ việc nêu trên, chính quyền Trung Quốc quyết định đưa vào áp dụng những quy định đặc biệt đòi tàu của các nước phải xin cấp phép đặc biệt của họ khi vượt qua “giới hạn” lãnh hải theo “đường 9 đoạn” mà không quốc gia nào thừa nhận. Sau nhiều quyết định vô lý, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ một số tàu đánh cá của Việt Nam, từ xưa tới nay vẫn đánh bắt trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam mà nay Trung Quốc tự quyết định là của họ. Đáng lo ngại là việc Trung Quốc cản trở an ninh hàng hải thông qua yêu sách chủ quyền Biển Đông một cách vô lý, đã dẫn đến đối đầu căng thẳng giữa các chiến hạm của Trung Quốc với các tàu của Mỹ và Nhật Bản, khi những chiến hạm này vào vùng nước mà Trung Quốc đặt lệnh cấm. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngày 13-12-2013 cho biết, một chiếc tàu hải quân của Trung Quốc đã cố tình tiến thẳng đến và suýt đâm vào một chiếc tàu tuần dương mang tên lửa của Hải quân Mỹ đang hoạt động trên Biển Đông. Các lính thủy Mỹ khẳng định, chiến hạm của Trung Quốc nằm trong đội hình các tàu chiến đang hộ tống tàu sân bay duy nhất Liêu Ninh đã lao thẳng vào tàu tuần dương tên lửa “Cowpens” có lượng giãn nước 9.600 tấn. Mặc dù người Mỹ đã liên tiếp cảnh báo, tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục lao thẳng tới “Cowpens” trên khoảng cách đến 500 mét, đối với các hạm tàu lớn đó là khoảng cách nguy hiểm, tại thời điểm cuối cùng này các chiến hạm mới thực hiện cơ động tránh né sang hai bên.

Nguy cơ gián đoạn lưu chuyển dòng hàng hóa

Việc căng thẳng trên Biển Đông leo thang thời gian qua, đặc biệt vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5-2014, đã khiến cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại về an ninh hàng hải nói riêng và nguy cơ với hòa bình, ổn định của khu vực nói chung. Sau vụ việc nói trên, cả Mỹ, Nhật Bản, các nước ASEAN, Ấn Độ đều đã lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng, căng thẳng ở Biển Đông do Trung Quốc gây ra đã đe dọa quyền tự do lưu thông trên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 12-5 nói, hành động hạ đặt giàn khoan trái phép nói trên của Trung Quốc là “hiếu chiến và đặc biệt gây quan ngại”. Ông Kerry nhấn mạnh: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại, tất cả các quốc gia có hoạt động giao thông hàng hải ở Biển Đông và vùng biển Hoa Đông đều rất lo ngại về hành động hiếu chiến này. Chúng tôi muốn được chứng kiến việc tạo lập một bộ quy tắc ứng xử, muốn chứng kiến vấn đề này được giải quyết một cách hòa bình thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, thông qua trọng tài, thông qua mọi phương tiện khác chứ không phải đối đầu trực tiếp và những hành động hiếu chiến”.

an ninh

Trước đó, một nhóm các nghị sĩ của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc liên tục có những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông; đồng thời, hối thúc các nghị sĩ khác thông qua nghị quyết của Thượng viện Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với tự do giao thông, hàng hải trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại việc Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí vào thềm lục địa của Việt Nam. Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Ấn Độ kêu gọi các bên “giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với nguyên tắc phổ quát được luật pháp quốc tế công nhận”. Đối với Ấn Độ, quyền tự do hàng hải ở Biển Đông không thể bị cản trở và cần phát huy hợp tác trong việc bảo đảm an toàn cho các lưu thông hàng hải và tăng cường an ninh biển.

Cùng mối quan ngại như các quốc gia trong khu vực, phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014 ở Manila, Philíppin vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Thủ tướng chia sẻ quan ngại mà Giáo sư Klaus Schwab đưa ra tại WEF Davos về “nguy cơ bất ổn đang tăng lên”. Đồng thời cảnh báo rằng, với trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông, bất ổn hay xung đột xảy ra tại đây sẽ làm gián đoạn lưu chuyển dòng hàng hóa to lớn này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều gánh chịu hậu quả khôn lường, thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới.

Mối quan ngại của các quốc gia, các chính trị gia về an ninh hàng hải trên Biển Đông là hoàn toàn có cơ sở, nhất là trong bối cảnh những mối nguy tiềm tàng ngày càng lớn, trong khi các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông vẫn đang bế tắc trong giải quyết các bất đồng, các “điểm nóng”. Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong việc đòi chủ quyền vô lý và muốn chiếm đoạt Biển Đông bằng sức mạnh quân sự. Đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên biển đông (COC), vốn được kỳ vọng tạo ra khung khổ pháp lý có tính ràng buộc ngăn chặn các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và ASEAN, hiện vẫn không tiến triển.

Trong khi đó, giới phân tích đã cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực, với việc Trung Quốc liên tiếp tăng ngân sách quốc phòng (hiện đã lên mức hơn 100 tỷ USD/năm) và hiện đại hóa hải quân. Chi phí mua sắm vũ khí của các nước ASEAN cũng đang tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhu cầu năng lượng, nhu cầu phát triển kinh tế hướng ra biển; cạnh tranh Trung - Mỹ cùng việc điều chỉnh chiến lược của các nước lớn cũng góp phần làm cho tình hình Biển Đông phức tạp hơn. Tất cả các yếu tố nêu trên khiến Biển Đông luôn trong trạng thái như “thùng thuốc súng” và điều này đe dọa trực tiếp an ninh hàng hải khu vực.

Quốc Trường


 

Bình luận