Anh Sáu Thọ và Nam Bộ mến yêu
Năm 1948, tôi được gọi về Chiến khu Việt Bắc để đi vào Nam Bộ, trong phái đoàn quân - dân - chính - đảng, có đồng chí Lê Đức Thọ, Thường vụ Trung ương Đảng dẫn đầu. Đại diện quân đội là tôi lúc đó đang làm Chính uỷ Liên khu 1, đại diện Chính phủ là đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Phủ Thủ tướng. Chúng tôi đi vào dịp trung thu. Cả đoàn hẹn nhau tập kết ở Đặng Giang. Tôi đi chưa đến Vân Đình thì địch nhảy dù xuống đây tàn phá dữ dội. Chúng tôi đi bộ xuống Ninh Bình, từ đó đến bến cầu Yên vào Thanh Hóa. Đến Thanh Hóa, đoàn tổ chức lễ thụ phong quân hàm thiếu tướng cho đồng chí Nguyễn Sơn, một trong mười tướng đầu tiên của nước ta. Thiếu tướng Nguyễn Sơn có vẻ tâm tư, đồng chí Lê Đức Thọ gặp động viên tướng Nguyễn Sơn hãy cố gắng xây dựng quân đội cho tốt. Đảng và quân đội sẽ không bao giờ quên công lao của đồng chí. Đồng chí Lê Đức Thọ và chúng tôi gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh, lúc đó là Bí thư Khu 4. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh báo cáo tình hình Khu 4 chuẩn bị kháng chiến. Chúng tôi góp ý kiến và truyền đạt ý kiến của Bác và Thường vụ Trung ương.
Làm việc ở Thanh Hóa xong, chúng tôi đi Nghệ - Tĩnh, ở đây cả đoàn lên thăm đền thờ Phan Đình Phùng, thăm đồn Linh Cảm, nơi có cơ sở Chu Lễ, vừa in tiền vừa thử nghiệm sản xuất bom bay. Anh em thử bom bay cho đoàn xem, nhưng thử nghiệm lần ấy không thành công lắm.
Đoàn tiếp tục đi vào Quảng Bình đang bị địch tạm chiếm. Cả đoàn vượt dải Trường Sơn hùng vĩ. Mọi người đi trên đường khá vất vả. Đồng chí Lê Đức Thọ có sáng kiến là làm một tờ báo lấy tên là Băng Ngàn. Mỗi người làm một bài gửi cho chủ bút Lê Đức Thọ. Qua mỗi chặng nghỉ, anh em ngồi lại đọc báo và cười vui. Có điều đáng lưu ý là đến tỉnh nào, đoàn cũng nghe báo cáo về tình hình kháng chiến của quân, dân, chính và góp ý kiến về các mặt. Những vấn đề của Đảng và chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ góp ý kiến rất tỉ mỉ.
Qua Quảng Trị, đoàn đi khá gian khổ. Địch đã mang một tiểu đoàn ra phục kích cả tháng trời ở đường 9 để diệt phái đoàn ta, nhưng đoàn vẫn vượt qua một cách an toàn. Đồng chí Lê Nam Thắng, lúc đó là chỉ huy ở Quảng Trị mang quân đi đón đoàn ở đường 9. Bắt đầu từ chặng đường này là chặng đường gian khổ. Địch đã chiếm hoàn toàn Quảng Trị, ta đóng ở chiến khu Ba Lòng. Muối, rồi thực phẩm không có để ăn. Chúng tôi quyết định mua một con bò để làm ruốc cho đoàn, nhưng thực ra là để bồi dưỡng cho anh em Quảng Trị.
Trên đường đi, anh Thọ yếu nhất, có lẽ 9-10 năm tù đày đã ảnh hưởng đến sức khỏe của anh. Lúc đó anh Thọ mới 37 tuổi. Anh Phạm Ngọc Thạch và tôi khỏe hơn, có lúc cũng bị ốm đau quật ngã. Đến Phong Điền, tôi bị ốm phải nằm lại. Anh Thọ rất quan tâm nên cử đồng chí Phạm Ngọc Thạch là bác sĩ, và một sinh viên y khoa ở lại chăm sóc tôi, còn đoàn đi trước. Đoàn qua Thừa Thiên, các anh Trần Sâm, Hoàng Anh, Trần Quý Hai ra đón. Đến Quảng Nam - Đà Nẵng, anh Trần Đình Tri ra đón, sau đó chúng tôi đi Tam Kỳ bằng một toa xe nhỏ trên đoạn đường sắt còn lại. Nhiệm vụ của đoàn trong chuyến đi vào Quảng Ngãi là trao quyết định thành phần Uỷ ban Kháng chiến Khu 5 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Chúng tôi đến ăn Tết tại nhà riêng đồng chí Phạm Văn Đồng, Bí thư Khu uỷ Khu 5. Lúc này đồng chí Nguyễn Duy Trinh là Phó Bí thư khu, cụ Lê Đình Thám là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến khu. Bữa cơm ở nhà anh Đồng giản dị nhưng ấm cúng. Sau đó anh Thọ và tôi đi thăm triển lãm tơ lụa. Lúc này thủ đô tơ lụa đã chuyển về Khu 5. Anh Thọ động viên anh em. Tết năm 1949, anh em trong đoàn tập kịch, học nhạc sau đó biểu diễn cho đồng bào ở Quảng Ngãi xem. Có một người Nhật ở lại theo ta kháng chiến chống Pháp, tôi chỉ nhớ tên Việt của anh ta là Hồ Chí Long, thiếu tá Nhật. Anh Thọ gặp anh Đồng, sau đó bàn bạc với tôi có nên nhận Hồ Chí Long hay không. Đồng chí Thọ gặp Hồ Chí Long hỏi:
- Tại sao anh muốn đi Nam Bộ?
Hồ Chí Long tâm sự hết với đoàn ta, cuối cùng Khu uỷ đồng ý cho đi. Sau này Hồ Chí Long hy sinh ở chiến trường Nam Bộ.
Qua Bình Định đến Phú Yên, đoàn gặp Phòng liên lạc miền Nam do anh Khâm phụ trách. Đoạn đường này là đoạn đường gay go gian khổ. Anh Thọ rất chú ý đến việc phân công, bố trí để bảo đảm an toàn cho đoàn đi. Trên đường đi từ trạm nọ đến trạm kia có ký hiệu sẵn là một bó lá xanh buộc lên cây, nếu mất, không dừng lại mà cứ đi thẳng lên trạm trước. Sáu anh em liên lạc đã bị giết dọc đường từ cực Nam Trung Bộ vào Nam Bộ. Có lần anh Lê mang vàng chui vào một hầm có nắp đá, địch đi lại trên nóc hầm mà không phát hiện ra anh. Một đêm vượt qua sông Cần Giuộc, nước sông rút đi, chúng tôi bị sa lầy vì con nước chưa lên. Chúng tôi lội xuống bùn mà đi, hai người xốc nách kéo anh Thọ lết qua bùn. Đến Đồng Tháp Mười đúng vào tháng 5-1949, gặp các đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ, anh Phạm Hùng phụ trách Công an Nam Bộ, anh Phạm Bạch, Chủ tịch, đoàn làm lễ trao bức thư của Bác Hồ cho cụ Cao Triều Phát là Trưởng phái Cao Đài mười hai, phái hợp nhất. Thư động viên đồng bào đạo Cao Đài kháng chiến. Sau khi đoàn vào, Nam Bộ tổ chức hai hội nghị: Hội nghị quân sự miền Nam và Hội nghị quân - dân - chính. Anh Lê Duẩn và anh Lê Đức Thọ chủ trì hội nghị. Sau đó đồng chí Lê Duẩn điện ra Việt Bắc đề nghị với Bác và Trung ương để đoàn được ở lại tăng cường cho miền Nam. Trung ương đồng ý. Tôi được điều về làm Chính uỷ Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Anh Phạm Ngọc Thạch được điều về làm Chủ tịch Sài Gòn - Chợ Lớn. Anh Lê Đức Thọ làm Phó Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ.
Năm 1951, do tình hình kháng chiến có nhiều khó khăn, Liên khu Nam Bộ được chia ra làm hai phân liên khu: phân liên khu Đông và phân liên khu Tây. Đồng chí Lê Duẩn phụ trách phân liên khu Đông, đồng chí Lê Đức Thọ phụ trách phân liên khu Tây hay còn gọi là Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc đó phụ trách tuyên huấn Liên khu uỷ đóng tại miền Tây cùng với đồng chí Lê Đức Thọ. Năm 1951, ở chiến khu Việt Bắc diễn ra Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí Lê Duẩn và cả anh Sáu Thọ đều không ra được. Đến năm 1953, khi miền Bắc tiến hành cải cách ruộng đất thì đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Lê Đức Thọ chủ trương Nam Bộ không cải cách ruộng đất như miền Bắc vì ở Nam Bộ, bọn địa chủ, phản động đều đã chạy. Đất đai đã được chia cho nông dân một phần quan trọng. Trong khi đó, ở miền Bắc, địa chủ vẫn còn ở trong lòng kháng chiến. Năm 1955, khi tập kết ra Bắc, đồng chí Lê Đức Thọ đã được bổ sung vào Bộ Chính trị và được phân công làm Trưởng ban sửa sai cải cách của Đảng.
Đồng bào Nam Bộ trong những ngày kháng chiến gọi anh Thọ là anh Sáu Búa - Sáu Thọ mến yêu vì anh là người hay nói thẳng và đã nói cái gì là làm đến cùng. Anh hết lòng thương yêu đùm bọc đồng chí cũng như đồng bào.
Vĩnh Quang Lê ghi
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực