Anh và tôi

Ngày đăng: 28/03/2012 - 10:03

Read More

NGUYỄN THỊ BÍCH THUẬN

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, anh là người cộng sản bị án tù chung thân, đày ở Côn Đảo, từ năm 1933. Khi ấy tôi mới hơn 10 tuổi. Cách mạng Tháng Tám thành công, anh được Đảng và Chính phủ đón về cùng với các đồng chí trong đó có bác Tôn Đức Thắng. Anh và tôi còn là hai người xa lạ tuy cùng đi trên con đường giải phóng dân tộc.

LeVawbluong2

Đồng chí Lê Văn Lương và Nguyễn Thị Bích Thuận

Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy anh tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ nhất (năm 1946) họp ở trụ sở Thành uỷ Hà Nội, phố Trần Hưng Đạo. Anh ngồi cách tôi một dãy bàn phía cuối phòng họp. Anh là đại biểu của đoàn cán bộ báo Sự thật. Tôi trong đoàn cán bộ Phụ nữ cứu quốc Hà Nội.

Vào một ngày đầu hè năm 1945 anh H. gặp tôi và nói với tôi tìm ngay vải để khâu một lá cờ đỏ sao vàng sẽ treo ở Hồ Hoàn Kiếm (Lá cờ giải phóng dân tộc, theo tin tức nội bộ cho tôi biết, đã phấp phới bay trên chiến khu). Tôi nhận lời.

Muốn làm cờ, phải có vải đỏ, vải vàng, phải biết kích thước của cờ, của sao vàng. Ra chợ mua hai loại vải này rất dễ bị lộ. Tôi suy nghĩ và nhìn lên bàn thờ gia tiên. Trên ngai thờ tổ, có phủ một mảnh vải đỏ còn đẹp, tươi màu, khổ vải cũng rộng.

Tôi cầm kéo cắt vải để làm cờ, lòng thanh thản. Khổ vải cắt khoảng 40 x 50 cm. Phần vải còn lại, tôi đặt lên ngai thờ. Nếu có biết, chắc bố tôi sẽ hiểu việc tôi làm. Ít hôm sau, tôi giao vải cho H không tìm hiểu tiếp ai hoàn chỉnh cờ, ai treo cờ, ngày treo cờ vì nguyên tắc bí mật.

Cờ được treo trên Tháp Rùa Hồ Hoàn Kiếm. Tiếng vang xa, ca tụng hoạt động xuất quỷ nhập thần của Việt Minh. Toàn bộ sự việc được giữ bí mật. Riêng tôi, cũng phấn khởi có phần đóng góp nhỏ bé vào sự hiện diện vẻ vang của lá cờ đỏ sao vàng giữa Thủ đô Hà Nội, trước sự canh phòng cẩn mật của quân Nhật. Vinh quang thuộc về các đồng chí đã dũng cảm bơi qua hồ, lên Tháp Rùa, quyết tâm treo bằng được lá cờ đỏ sao vàng và rút lui an toàn, đảm bảo bí mật cả đường dây cách mạng hoạt động trong lòng Thủ đô.

Chẳng bao lâu, cờ đỏ sao vàng lộng gió rợp trời Hà Nội. Vẫn mãi mãi trong tôi những ký ức về Cách mạng Tháng Tám.

Ngày 17-8-1945, trên quảng trường nhà Hát Lớn, tôi cầm cờ đỏ trong tay với nhiệm vụ được giao: Tham gia biểu tình tuần hành thị uy, giữ vững hàng ngũ, quan sát tình hình. Từ trên bao lơn nhà Hát Lớn, tôi thấy một lá cờ đỏ sao vàng rất to, toả xuống. Từ trên diễn đàn, vang lên lời kêu gọi của Việt Minh trước loa phóng thanh với hai giọng nói - một giọng miền Bắc - một giọng miền Trung. Đó là chị Từ Ngọc Trang và chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng. Không khí sục sôi cách mạng đã lôi cuốn chúng tôi theo đoàn biểu tình đi cướp chính quyền. Một số chị theo đoàn rẽ về phủ Khâm sai nay là Bắc Bộ phủ. Tôi đi trong đoàn tiến về trại Bảo an binh. Trại Bảo an binh do quân Nhật chiếm đóng. Chúng phản ứng không chịu đầu hàng, đưa quân đội có xe tăng yểm trợ đến can thiệp. Chúng tôi được lệnh giữ vững, siết chặt hàng ngũ, chờ kết quả thương thuyết. Nhưng đến chiều khoảng 15 giờ, tôi được lệnh do anh Mai Văn Mạc tới báo là cần đưa mấy chị em về ngay Ty Liêm phóng Bắc Bộ (tên gọi lúc bấy giờ - nay là Công an Hà Nội) vì lực lượng khởi nghĩa đã chiếm Ty Liêm phóng Bắc Bộ. Chúng tôi gồm toàn nữ sinh, tại gia đình chẳng phải "chầu vua bếp", nay làm thế nào thổi được những nồi cơm to để cơm chín không khê; nấu được những nồi canh thơm ngon. Nhưng rất may, chúng tôi được các anh giúp đỡ cùng làm; tới khuya lại cho xe đưa chúng tôi về nhà vì sợ chúng tôi bị bắt cóc. Một số anh tôi gặp lúc đó sau này lại gặp nhau trên con đường công tác hoặc ngay trong cơ quan Bộ Nội vụ.

Một bất ngờ là tôi gặp lại chị Hà Giang vừa đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào trở về. Hai chị em cùng tổ Việt Minh từ cuối năm 1944, giờ đây gặp lại nhau tại Ty Liêm phóng lấy bàn làm giường kể cho nhau nghe những ngày tôi ở Hà Nội, chị lên chiến khu. Tôi đã ghép tên bí danh Bích mà chị đặt cho tôi để liên lạc sau này với tên khai sinh Nguyễn Thị Thuận thành tên Nguyễn Thị Bích Thuận - một tên giữ mãi cho đến ngày nay sau một thời gian hơn nửa thế kỷ. Nghe chị tường thuật chị lên Tân Trào được trông thấy Bác Hồ, tôi vô cùng ân hận. Thời gian đó anh Sĩ còn gọi là anh Thân (chồng chị Khôi) và anh Nguyễn Khang đã gặp tôi trực tiếp giao nhiệm vụ cùng ra chiến khu với chị Hà Giang. Tôi do dự một chút chưa dám lặng lẽ thoát ly vì sợ tai tiếng "bỏ nhà đi theo trai". Ngay đi gặp anh Sĩ tại đền Voi Phục cũng còn lo, vì sợ gặp người quen. Các anh hiểu và điều chị Lê - cùng một tổ Việt Minh với chị Hà Giang và tôi - đi thay. Mặc dù khi gặp lại anh Sĩ (nơi tránh tàu điện phố Quán Thánh) tôi xin đi cùng với chị Hà Giang. Anh Sĩ cũng cho tôi biết đây là một dịp đặc biệt anh ấy không được điều đi. Một phút do dự đã làm tôi mất thời cơ độc nhất vô nhị của ngày tiền khởi nghĩa mà Cách mạng đã tin tôi. Tôi ở lại nhận công tác ở Hà Nội…

Ngày 2-9-1945, tôi đi trong đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội. Đoàn được bố trí tập kết ngay gần lễ đài, cạnh bức tường thuộc khu vực cổng phụ phủ Toàn quyền cũ. Đứng hàng đầu trong đoàn mít tinh, tôi quan sát được rất rõ lễ đài; nhìn được rõ Bác Hồ đứng trước "micro", người gày, mặc bộ kaki giản dị. Một tiếng truyền ra từ lễ đài: "Đề nghị các chị phụ nữ cử một đại biểu lên kéo cờ". Người kéo cờ trên lễ đài sau này tôi được biết là người đã được chỉ định. Đó là chị Đàm Thị Loan - nữ giải phóng quân từ chiến khu Việt Bắc về được anh Đàm Quang Trung giao trọng trách. Người thứ hai được cử lên theo lời yêu cầu là chị Lê Thi.

Nước Việt Nam độc lập tự do chấm dứt hoàn toàn 80 năm đô hộ của đế quốc Pháp. Vua Bảo Đại thoái vị giao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng, nhận lời ra Hà Nội làm cố vấn chính phủ lâm thời. Cố đô Huế không còn là thành trì cha truyền con nối của gia tộc triều vua nhà Nguyễn.

Đầu quý IV năm 1946, chị Ban (một đồng chí lão thành cách mạng) và tôi được anh Lê Đức Thọ giao nhiệm vụ vào Huế dự Đại hội phụ nữ Trung Bộ với danh nghĩa đoàn cán bộ phụ nữ Bắc Bộ. Đồng thời là đoàn cán bộ được Trung ương Đảng phái vào gặp bà Nam Phương (vợ Bảo Đại) thông báo về tình hình của Bảo Đại. Các đồng chí lãnh đạo ở Trung Bộ: đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, chị Hoàng Thị Ái… đều tạo điều kiện cho chúng tôi dự hội nghị và sang Cung An Định (tên gọi lúc bấy giờ). Bà Khải Định và bà Nam Phương tiếp chúng tôi tại dinh Khải Định. Bà Khải Định đã có tuổi nhưng vẫn còn khoẻ. Bà Nam Phương vẫn còn đẹp - nét đẹp của hoàng hậu - tuy đã ở vào thời thất thế. Bà Khải Định và hai chúng tôi đều ngồi ghế. Bà Nam Phương không dám như chúng tôi ngồi ngang hàng với bà Khải Định mà đứng phía sau bà Khải Định. Tôi hiểu bà Nam Phương phải tuân theo lễ giáo phong kiến trong hoàng cung, con dâu không được phép ngồi ngang hàng với mẹ chồng.

Chị Ban với tư cách là trưởng đoàn thông báo về sự quan tâm của Bác Hồ, của Trung ương đối với Bảo Đại. Chúng tôi vấn an hai bà, mong muốn hai bà yên tâm. Bà Khải Định lắng nghe trầm lặng. Bà Nam Phương thốt nên lời: "Thôi, bây giờ thì ông ấy sung sướng lắm rồi". Chắc bà Nam Phương hiểu rõ chồng mình.

*
*     *

Tháng 11-1946, tôi được đồng chí Lê Quang Đạo, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đến gặp tại Sở Bưu điện thành phố truyền lệnh của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Thường vụ Xứ uỷ điều động tôi ra ngoại thành. Tôi chỉ kịp bàn giao nhanh chóng công tác tại khu Lò Đúc cho đồng chí Thuần về làm Bí thư Chi bộ thay tôi và đi nhận công tác mới. Đó là công tác "Mật mã". Chính đồng chí Trần Quốc Hoàn đã giao "Luật" và hướng dẫn tôi.

Cơ quan đóng tại một nhà gần pháo đài Láng. Thời kỳ đó Pháp cũng đã nhiều lần khiêu khích, nổ súng vào các ụ kháng chiến của ta. Không thể lùi được - Phải bảo vệ đến cùng độc lập cho Tổ quốc. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ.

Chiều ngày 19-12-1946, đồng chí Trần Quốc Hoàn sang chỗ tôi báo cho biết trước là cần phải quân sự hoá. Tối nay pháo của ta nhả đạn vào trong thành. Vì vậy tiếng súng đầu tiên do pháo đài Láng giáng vào nơi đóng quân của Pháp không làm tôi ngạc nhiên. Niềm tin vào kháng chiến thắng lợi đã nảy nở trong tôi ngay từ đó.

Rồi cơ quan rời vào Tây Mỗ - Đại Mỗ. Trung đoàn Thủ đô trụ tại Liên khu I. Tôi vẫn làm công tác "Mật mã". Chính trong thời điểm này - tuy thời gian có ít tháng - nhưng đã để lại trong tôi những kỷ niệm không thể nào quên.

Hôm đó vào một ngày đầu tháng 1-1947, đồng chí Trần Quốc Hoàn giao cho tôi mã bức điện mật của Bác gửi vào Trung đoàn Thủ đô. Lời Bác điện "Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" làm tôi vô cùng xúc động. Tôi đã được mấy lần gặp Bác - anh Trường-Chinh, anh Lê Duẩn cho học một lớp tại Bắc Bộ phủ - Tôi cảm nhận nỗi đau người dân mất nước. Tôi suy nghĩ nhiều về sự quyết tâm vô hạn của Bác giữ bằng được độc lập cho Tổ quốc.

Và khi Trung đoàn Thủ đô do anh Lê Trung Toản điện ra hứa với Bác "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Tôi không thể kiềm lòng được. Vừa mở mã dịch điện, vừa nước mắt trào ra. Tôi đã khóc và đã thao thức. Tôi nghĩ lời Bác yêu cầu thể hiện một sự hy sinh tột cùng ở vào một giai đoạn bức thiết để Tổ quốc nhất định quyết sinh. Bác dùng từ ngữ rất chuẩn xác, rất tình nghĩa và khi Bác hạ bút với lòng yêu thương chiến sĩ vô vàn, chắc chắn Bác vô cùng cân nhắc giữa mạng sống của chiến sĩ để duy trì sức chiến đấu với vận mệnh sống còn của Tổ quốc. Yêu nước thương nòi khi cần vẫn phải có sự hy sinh cao cả để tồn tại. Tôi nghĩ tới đồng chí, đồng đội với tình cảm khâm phục mến thương chân thành đã tự nguyện vâng lời Bác hy sinh đời mình ở tuổi thanh niên bám trụ chiến đấu đến cùng để Tổ quốc quyết sinh, vĩnh viễn sinh tồn.

*
*     *

Giữa năm 1947, khi Trung ương mở lớp đào tạo cán bộ, tôi được gọi về đi học lớp Ngô Gia Tự (khoá 5). Trường ở Văn Lãng, chân đèo Khế, phía Thái Nguyên. Đến đây tôi gặp lại anh và lần này mới thật sự quen biết. Anh là giảng viên. Tôi là học viên. Cùng dạy lớp khoá này còn có các anh Trường - Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp. Anh Lương cao gày, nước da trắng, mặc bộ quần áo nâu, chân đi guốc nhưng trông rất thư sinh. Đến lớp là giảng, giảng xong là về, không hề trò chuyện với nữ học viên chúng tôi. Anh giảng về công tác cách mạng. Bài giảng đã khô khan, giảng viên lại ít nói và hầu như không gặp gỡ chúng tôi trong suốt thời gian tổ chức lớp học nên chẳng để lại cho chúng tôi ấn tượng thân tình như chúng tôi đã tìm thấy ở anh Trường - Chinh, anh Lê Đức Thọ. Thời gian học suốt một tháng vậy mà một chị bạn cứ thích trêu tôi "Tờ, Lờ" và tôi hiểu, vẫn cứ thản nhiên.

Thế rồi một buổi chiều, trên căn nhà sàn của đồng bào ngay cạnh Trường, anh Lê Đức Thọ gọi tôi lên nói chuyện. Anh khen anh Lương về nhiều mặt và giới thiệu anh Lương với tôi. Anh Lương và tôi đều chưa ai có người yêu. Nhưng ý định chưa muốn lập gia đình vội để dành thời gian cho công tác cách mạng của tôi đã bị anh Thọ phê phán là thiếu thực tế. Anh Thọ nói: "Anh chỉ muốn Lương và em, những đồng chí tốt gặp được nhau". Chính câu nói này của anh Thọ đã có sức thuyết phục tôi, làm tôi phải suy nghĩ.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng ven đô - làng Lãng Yên, ngay cuối phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bây giờ, thường gọi là Ô Đống Mác nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng. Bố tôi học Trường Bách Nghệ. Thời Pháp, ông làm công nhân Bưu điện Hà Nội (atelier des P.T.T). Mẹ tôi mất sớm. Nhà nghèo nhưng tôi chăm chỉ học hành nên bố tôi quyết lo cho tôi ăn học đến nơi đến chốn. Còn nhỏ, tôi là học sinh Trường Lò Đúc (école Armand Rousseau), nay là Trường Lê Ngọc Hân. Tiếp tục học thi đỗ vào Trường nữ học Đồng Khánh (College des jeunes filles annamites), nay là Trường Trưng Vương. Lúc đó Trường chỉ tuyển 40 nữ học sinh trên toàn miền Bắc. Sau bốn năm học, tôi đỗ bằng Thành chung năm 1941 (Diplôme). Không có tiền để học cao hơn, tôi đi dạy học tư ở Trường nữ học Hoài Đức với quan niệm nghề dạy học là nghề cao quý và cũng là để có tiền giúp đỡ gia đình. Tôi sống trong khu dân cư lao động; nên sớm trông thấy cảnh đời nghèo nàn, chồng vợ cãi nhau, đánh chửi nhau, con cái nheo nhóc. Trong xã hội thì trọng nam khinh nữ. Đàn ông năm thê bảy thiếp hoặc lấy vợ con nhà giàu để đào mỏ. Đâu là tình yêu? Đâu là hạnh phúc gia đình? Hai chữ thuỷ chung là từ ngữ ngoài miệng? Vì vậy ở tuổi hai mươi, tôi thiếu tin tưởng vào tình yêu của mấy anh đã đến với tôi mà chỉ giữ giới hạn là tình bạn.

Còn bây giờ đối với anh Lương, anh vừa nhiều tuổi hơn tôi, vừa là cán bộ hoạt động cách mạng từ khi tôi còn là cô học trò nhỏ. Gắn cuộc đời mình vào cuộc đời anh, có hợp không? Tin được anh không? Từ lâu tôi đã xác định, ai đủ tư cách làm chồng, tôi mới chuyển từ tình bạn sang tình yêu.

Tôi sinh ra trong một gia đình lấy sự răn dạy là con gái đoan trang làm gốc. Nếu xét về "công, dung, ngôn, hạnh" thì tôi chỉ có thể kém về dung; còn công, ngôn, hạnh có lẽ không kém.

Sau khi bế giảng lớp học chính trị, trước lúc chia tay, anh và tôi gặp nhau nói chuyện tại "quán ông già". Anh nói ít và không yêu cầu tôi "cung khai" lý lịch. Còn tôi không hỏi anh về quá trình công tác. Tôi cũng chưa biết anh đã kinh qua Xứ uỷ Nam Bộ và cuộc đời trong "xà lim án chém" của anh. Tôi không kể chuyện về tôi. Anh và tôi nói những chuyện chẳng đâu vào đâu. Khi ra về, anh đưa tôi đi một đoạn đường rồi hỏi xin tôi địa chỉ để anh viết thư. Tôi bảo anh đừng viết thư vì thư về cơ quan, các chị biết lại chế. Anh không phản ứng gì. Anh biết là tôi nói thật. Anh Thọ gặp lại tôi, trách tôi sao lại làm thế và nói: "Thôi, để anh bảo Lương viết thư cho em". Sau này, một vài lần tôi đã gặp anh khi tại cơ quan giao thông Trung ương ở Quảng Nạp, khi tại La Hiên lúc cơ quan rời Định Hoá sang Võ Nhai, thời kỳ Pháp nhảy dù Bắc Kạn.

Tất cả chỉ để lại trong tôi, hình ảnh một người anh rất hiền, rất ít nói, rất chân thành. Anh ở lại an toàn khu ở Định Hoá. Tôi về cơ quan phụ nữ khu Việt Bắc. Anh vẫn viết thư cho tôi, chân tình, khiêm tốn, không bay bướm. Thư nào cũng tận cùng bằng "mong thư em" vì sợ tôi không viết thư trả lời. Điều này đã cảm hoá dần tôi, làm cho tôi cũng có lúc nhớ anh, mến thương anh và tự nhủ rằng có thể tin anh được.

Cuối năm 1947, chị Lê Thu Trà giao cho tôi trực tiếp phụ trách lớp huấn luyện cán bộ nữ cấp huyện của hai tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn. Bài giảng tôi đã chuẩn bị xong, chờ ngày đi Bắc Kạn thì nhận được thư anh, mong tôi sớm về cơ quan Trung ương nhận công tác và nhờ tôi xin lỗi chị Trà đã tách một cán bộ được chị tin yêu khỏi chị. Đồng thời chị Lê Thu Trà cũng nhận được điện của Trung ương yêu cầu điều động tôi về Trung ương công tác và tìm người khác đi Bắc Kạn thay tôi.

Tôi về cơ quan Trung ương công tác tại Ban Tổ chức Trung ương do anh Lê Đức Thọ phụ trách. Anh ở cơ quan Văn phòng Trung ương. Hai cơ quan lúc đó vẫn ở nhà dân tại Bản Bắc, cách nhau một thửa ruộng và một ngọn đồi thấp. Chiều chiều anh sang bên anh Thọ ngồi nói chuyện chung với mọi người. Có lần, anh trở về Văn phòng muộn, vừa trèo thang lên nhà thì nghe tiếng hổ vồ bò ở dưới sàn. Tôi lo cho anh không để anh ở chơi khuya. Có lần anh hỏi tôi: "Em có biết làm ăn gì không?". Tôi ngạc nhiên về câu hỏi quá chất phác của anh, bèn tìm cách nói dối: "Em đi học, giác ngộ cách mạng đi hoạt động, chẳng biết làm ăn gì cả". Sau này hỏi lại tôi mới biết anh và một số anh em ở cơ quan Văn phòng Trung ương đều có thành kiến với cán bộ nữ; cho cán bộ nữ không biết nội trợ, không giữ được những đặc điểm tiêu biểu của người phụ nữ. Cũng có lúc tôi muốn làm anh tự ái nhưng anh rất thuần tính. Anh tâm sự để tôi hiểu anh hơn. Anh không đơn thuần tin vào lời giới thiệu của anh Thọ mà còn tham khảo ý kiến của anh Cả (anh Nguyễn Lương Bằng). Anh Cả rất tán thành qua câu hài hước: "Món ấy tốt lắm đấy". Anh cười hồn nhiên để chứng tỏ anh cũng có nhận xét của riêng mình với những tình cảm chân thành đối với tôi. Anh cũng thành thật nói với tôi rằng, có người giới thiệu cho anh chị C, chị H, nhưng anh từ chối khéo. Khi gặp tôi, anh cảm nhận được ở tôi những điều mà anh mơ ước: Là đảng viên, có sức khoẻ, có văn hoá. Anh tin hạnh phúc sẽ đến với anh.

Quả thật, chúng tôi - anh và tôi - đã gặp nhau và hiểu nhau, trọng nhau và tin nhau, rồi yêu nhau, tự nguyện xây dựng hạnh phúc gia đình; không hề bị thuyết phục, bị sức ép nào. Chúng tôi cùng là đảng viên cộng sản, cùng chung lý tưởng cách mạng. Thời chúng tôi, tình yêu đến như vậy đấy. Đơn sơ, chân thật, vậy mà bền vững suốt đời.

Ngày 28-3-1948, chúng tôi thành hôn. Đám cưới được tổ chức ở nhà anh Mạc, nơi chị Hai Sóc đóng cơ quan hậu cần (lúc đó gọi là tiếp tế). Bác Tôn Đức Thắng làm chủ hôn. Bác Hồ gửi đến một mảnh giấy nhỏ "Chúc Lương - Thuận đoàn kết chặt chẽ". Anh Trường-Chinh, anh Lê Đức Thọ và anh Hoàng Quốc Việt cũng dự. Còn có cả các anh trong cơ quan. Chị Hai Sóc chuẩn bị cho mấy mâm cơm là "cỗ cưới" ở rừng sâu, bản Điềm Mạc và một bó hoa rừng được anh em hái về tặng. Anh Lương vẫn mặc bộ quần áo nâu. Tôi còn giữ được cái áo dài lanh nâu để mặc. Bác Tôn phát biểu công nhận chúng tôi thành hôn. Anh đứng lên hứa "Chúng tôi xin hứa yêu nhau suốt đời". Anh Vũ Năng An chụp cho chúng tôi mấy bức ảnh. Hình ảnh bác Tôn, anh Trường - Chinh, anh Lê Đức Thọ, anh Hoàng Quốc Việt, anh và tôi cách đây gần nửa thế kỷ vẫn còn rõ nét, rõ hình; chúng tôi suốt đời bên nhau.

Cưới xong, anh và tôi về ở nhờ nhà cụ Ái, bản Điềm Mạc. Anh giải thích cho tôi: "Anh chỉ hứa yêu nhau suốt đời vì chắc chắn anh và em phục vụ cách mạng suốt đời". Đồng thời, anh còn giới thiệu cho tôi biết nhược điểm của anh trong cuộc sống đời thường. Cả tuổi trẻ bị giam cầm trong nhà tù, hằng ngày phải đối mặt với kẻ thù, nên cách sống của anh có phần nào cứng cỏi. Nếu có điểm nào làm tôi không vừa ý, cứ bảo anh, anh sẽ sửa. Lời nói mộc mạc, chân thành của anh làm tôi cảm động mà nhiều lần sau này tôi không hờn giận anh. Còn tôi chỉ dặn anh: "Đừng bao giờ làm mất lòng tin của em đối với anh. Chỉ một lần thôi, lấy lại lòng tin rất khó". Anh giữ lời hứa, nói ngay với tôi: "Anh có phúc mới lấy được em".

Gần nửa thế kỷ sống bên nhau qua các giai đoạn lịch sử cách mạng: Kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, anh và tôi đã luôn bên nhau, cống hiến cuộc đời mình cho đất nước.

Ngày 25-4-1995, tức ngày 26-3 năm Ất Hợi, anh đã yên nghỉ hồi 7 giờ 25 phút với 84 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng.

Tôi vẫn có anh bên tôi, đi cùng với các con các cháu. Tôi vẫn nghe lời anh nhắc nhỏ mỗi khi tôi gặp đoạn đường khó khăn, vất vả của nhiệm vụ làm mẹ, làm bà. "Chúng tôi vẫn mãi mãi bên nhau".

*
*       *

Nhớ anh, ngày 12 đến 15-7-1997, tôi cùng con gái đầu Minh Thu và con gái út Minh Tâm đến Côn Đảo, thăm nơi anh đã từng sống và chiến đấu suốt quãng đời tuổi trẻ của anh với tên người cộng sản Phạm Văn Khương - số tù 6214 - án chém hạ xuống án chung thân.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Côn Đảo và Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo tạo điều kiện và tổ chức cho chúng tôi đi thăm khu di tích nhà tù thuộc hai thời kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.

Trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, trước cảnh di tích lịch sử khu nhà tù, khu nghĩa trang Hàng Dương, nhất là khi đến thăm Banh I, hầm xay lúa, xà lim cấm cố, nơi anh đã chiến đấu bền bỉ và dũng cảm chống lại sự hà khắc giết người của bọn cai ngục; nơi anh đã cùng các đồng chí bí mật mở các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ, dịch tài liệu từ tổ chức cộng sản quốc tế chuyển bí mật đến bác Tôn ở Sở lưới - để chép vào những mẩu giấy bằng nét chữ li ti, chuyển về đất liền - những cuộc đấu tranh tuyệt thực… Mẹ con tôi nhận ra bóng dáng anh; nghe tiếng vọng từ các kỳ tích với tấm lòng biết ơn sâu sắc và kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các bậc tiền bối cách mạng kiên cường, bất khuất, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để Tổ quốc vĩnh viễn trường tồn.

Mẹ con tôi thầm nguyện suốt đời tiếp bước cha anh kiên định mục tiêu cách mạng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

*
*     *

Sau khi thăm và được nghe chị Nguyễn Thanh Vân - cán bộ Ban Quản lý di tích giới thiệu toàn cảnh khu di tích, đặc biệt một số nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng kiên cường đã từng là cán bộ lãnh đạo của Đảng tại nhà tù Côn Đảo thời Pháp. Tôi đã cung cấp một số tư liệu biết được qua anh kể cho nghe những lúc hai vợ chồng nói về Côn Đảo. Không có bút tích ghi chép lại, cũng không có hình ảnh ghi lại cảnh hiện trường xưa, chỉ là những mẩu chuyện kể.

I. TẠI BANH I

Phòng số 7 là nơi anh Lê Văn Lương bị cùm chân cùng với anh Phạm Hùng nằm sát ngay với cầu tiêu. Hai anh chịu chung cảnh sinh hoạt, thậm chí đi cầu cũng phải đi cùng với nhau.

Tại đây anh Lương được giao viết tài liệu để gửi ra ngoài, về đất liền. Anh viết bằng ngòi bút rất nhỏ nét (loại bút incomparable), viết 8 dòng chữ giữa hai dòng kẻ của loại giấy viết học trò, rồi leo cột cất giấu trên sà nhà. Trong phòng này đã ghi lưu giữ tên anh Phạm Hùng và anh Lê Văn Lương.

II. TẠI HẦM XAY LÚA

Theo anh Lương kể lại, thì anh Lương bị đày xuống hầm xay lúa cùng bác Tôn. Bọn cai ngục muốn sử dụng bọn ác ôn trong hầm xay lúa thủ tiêu các anh. Nhưng bác Tôn với danh nghĩa cặp rằng đã cùng với các anh tổ chức lại lao động trong hầm xay lúa: Làm việc có giờ, cho ăn gạo, được nghỉ ngơi trong giờ lao động, dặn tù nhân quạt thóc rối để còn lại ít gạo và tấm nhằm cung cấp thêm lương thực cho anh em bên ngoài ăn thêm và dành làm lương khô cho anh em vượt đảo. Vì làm việc khổ sai trong hầm xay lúa nhiều bụi cám, mắt anh bị mờ tưởng chừng như bị mù không trông thấy gì khi ra khỏi hầm. Anh viết thư về gia đình cho anh trai là Nguyễn Công Hoan. Chị Hoan đã làm thuốc bắc, viên dưới dạng là kẹo thì bọn xếp đảo mới cho nhận. Và bản thân anh tìm cách luyện tập lại cho mắt trông được bằng cách tung lên một cái kim con để kim rơi xuống rồi bằng mắt, bằng tay tìm lại kim và lại tiếp tục.

Trên biển bằng đá gắn ngoài hầm, tôi đề nghị khắc thêm tên đồng chí Ngô Gia Tự và đồng chí Lê Văn Lương.

III. XÀ LIM CẤM CỐ

Chuyện anh bị cùm chân riêng biệt trong xà lim cấm cố anh kể cho tôi nghe trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Bắc.

Năm 1978, sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, anh ra thăm Côn Đảo do đồng chí Xuân Thuỷ, Phó Bí thư đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo tổ chức. Tôi cũng đi theo anh. Tới xà lim cấm cố anh nhớ lại và thao tác lại cảnh bị cùm tù trước sự có mặt của anh Xuân Thuỷ.

Sau này khi anh bị ốm ở tuổi đã cao ngoài 80 tuổi, tại Bệnh viện 108, bác sĩ phải buộc chân, cột tay anh để truyền huyết thanh. Vậy mà cảm giác bị giam cùm trước đây vẫn trỗi dậy, anh đã nói với tôi: "Anh vẫn còn cảm giác ớn lạnh nhớ lại cảnh bị giam cùm ở Côn Đảo".

Đối với tôi và các con cháu trong gia đình, anh không chỉ là người chồng, người cha, người ông đôn hậu rất mực thương yêu gia đình, mà còn mãi mãi là tấm gương một người cộng sản kiên cường bất khuất - người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, liêm khiết, chí công vô tư, người đồng chí nhân hậu, chí tình - người con chí hiếu của mẹ cha mà chúng tôi vô cùng kính yêu và nguyện noi theo.

Trích trong cuốn Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng,

Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2012, tr. 164-166

Bình luận