Tác giả: Trần Trọng Trung
Số trang: 492 trang
Giá tiền: 90.000đ
Cuốn sách Bộ Tổng tham mưu những năm chiến đấu trong vòng vây của tác giả Trần Trọng Trung – một trong những nhân chứng hiếm hoi còn lại trong số những cán bộ đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu, từ thời cơ quan mới ra đời ở phố Nguyễn Du, Hà Nội và cũng là một trong những người công tác ở cơ quan tham mưu Tổng hành dinh lâu nhất trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã đề cập một giai đoạn lịch sử đầy cam go của cơ quan tham mưu chiến lược, khi đất nước còn bị bao vây tứ bề, mọi cái đều bắt đầu từ con số không,.
Ra đời trong bối cảnh đất nước vừa giành được độc lập, tự do, thù trong giặc ngoài đang uy hiếp sự tồn vong của chế độ mới, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn mọi bề, từ kiến thức sơ đẳng về công tác tham mưu đến cơ sở vật chất tối thiểu, Bộ Tổng tham mưu đã làm gì và làm như thế nào để vừa xây dựng cơ quan vừa đáp ứng yêu cầu nóng bỏng của chiến trường miền Nam sau khi quân Pháp trở lại nổ súng xâm lược lần thứ hai. Hơn một năm sau, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trong điều kiện chỉ mới chập chững những bước đi đầu tiên của cơ quan tham mưu chiến lược, Bộ Tổng tham mưu đã làm thế nào để thể hiện bản lĩnh và năng lực nghiệp vụ khi tình thế đòi hỏi phải đối mặt với một bộ máy chiến tranh đã có hàng trăm năm kinh nghiệm xâm lược thuộc địa.
“Vừa học vừa làm, có chí thì nên”, tiếp thu lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên Hoàng Văn Thái và các đồng sự của ông đã vượt qua khó khăn, từng bước trưởng thành, đủ sức đương đầu với bộ máy quân sự viễn chinh của một đế quốc già đời như thực dân Pháp. Chỉ có lòng căm thù quân xâm lược, quyết tâm vươn lên của tuổi trẻ, tinh thần ham học, dám nghĩ – dám làm – dám chịu trách nhiệm mới giúp cho mỗi thành viên và cả bộ máy chỉ đạo chiến lược hoàn thành nhiệm vụ trước mọi thử thách.
Chiến đấu trong vòng vây của các thế lực đế quốc, trong điều kiện so sánh lực lượng quân sự, kinh nghiệm chiến đấu và cơ sở vật chất rất chênh lệch giữa ta và địch – Bộ Tổng tham mưu với vị thế là cơ quan chiến lược –đã từng bước vượt lên chính mình để giúp Bộ thống soái chỉ đạo, chỉ huy toàn quân trên từng chặng đường đấy thử thách quyết liệt trong suốt 5 năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính qua thực tế đối mặt với những thử thách ở tầm chiến lược mà Bộ Tổng tham mưu – dưới sự dìu dắt của Quân ủy Trung ương – đã cũng toàn quân trưởng thành từng bước. Đó là thử thách trong cuộc tổng giao chiến trong thành phố những ngày đầu, tiếp đến là những khó khăn khi xuất hiện hiện tượng “vỡ mặt trận” ở nơi này nơi kia do địch dùng bộ binh cơ giới mở rộng vùng chiếm đóng, rồi ngay sau đó là cuộc đọ sức trong mùa khô đầu tiên khi hàng vạn quân Pháp, với máy bay, pháo binh, cơ giới tấn công ồ ạt lên căn cứ địa Việt Bắc hòng tóm gọn Chính phủ kháng chiến và tiêu diệt đội quân cách mạng non trẻ. Chính nhờ đã đứng vững trước những thử thách ban đầu đó mà Bộ Tổng tham mưu trưởng thành từng bước vững chắc để cùng toàn quân tiếp tục vươn lên nhằm đáp ứng yêu cầu huy động sức mạnh của toàn dân nhằm khắc phục những khó khăn mới do cục diện chiến tranh mở rộng đặt ra trong hoàn cảnh kinh tế hết sức hạn hẹp, bộ đội chiến đấu trong điều kiện thiếu ăn, thiếu súng. Ý chí tự lực tự cường cùng toàn dân, toàn quân vượt qua những khó khăn trong hai năm 1948 – 1949 đã tôi luyện và đào tạo cho Bộ Tham mưu thêm vững vàng về bản lĩnh chính trị và trưởng thành thêm một bước về nghiệp vụ tham mưu chiến lược.
Lịch sử Bộ Tổng tham mưu là lịch sử những năm chiến đấu trong vòng vây là lịch sử những sự kiện về công tác tham mưu diễn ra xen kẽ giữa những bước mò mẫm tìm tòi với những kiến thức sơ đẳng “chưa thành văn”, dẫn đến những kết quả nhờ tinh thần cách mạng và bản lĩnh chính trị nhiều hơn là lý luận cơ bản về nghiệp vụ công tác tham mưu. Do đó, thành công và trưởng thành là căn bản và vấp váp thiếu sót cũng không phải là không có.
Nhìn lại một chặng đường đã qua để thấy đóng góp to lớn của những con người mà tên tuổi của các anh gắn bó với lịch sử khai nền đặt móng của Bộ Tổng tham mưu. Và cuốn sách cũng là lời tri ân sâu sắc của tác giả và thế hệ cách mạng đời sau đối với cha anh nói chung, đối với những chiến sĩ của Bộ Tổng tham mưu ngày ấy nói riêng. Trong lời tựa của cuốn sách, tác giả Trần Trọng Trung viết: “Cuốn sách nhỏ này là nén hương thơm tưởng nhớ anh Hoàng Văn Thái, bác Hoàng Đạo Thúy và các anh Nguyễn Văn Trang, Vũ Văn Hà, Vũ Văn Thềm, Trần Văn Lư, Hoàng Minh Đạo, Nguyễn Văn Nấp, Đỗ Xuân Sảng và rất nhiều anh khác, các anh là những người đã đặt những viên gạch đầu tiên làm nền móng vững chắc cho Bộ Tổng tham mưu toàn quân, để cùng toàn dân đi tới đích cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
Cuốn sách được kết cấu gồm 10 chương:
Chương I: Những ngày trứng nước
Chương II: Tình thế đòi hỏi phải vươn lên
Chương III: Từ thời bình sang thời chiến
Chương IV: Những bài học vỡ lòng
Chương V: Chặng đường lên căn cứ địa
Chương VI: Chuẩn bị bước vào thu đông
Chương VII: Mùa khô đầy thử thách
Chương VIII: Thêm một bước trưởng thành
Chương IX: Chuẩn bị đón thời cơ chiến lược
Chương X: Ra quân đánh lớn khai thông biên giới.