Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Ngày đăng: 28/11/2013 - 17:11

Giáo dục luôn là vấn đề quan trọng nhất đối với một quốc gia, xã hội hay mỗi gia đình. Vì vậy, chỉ một điều chỉnh dù lớn hay nhỏ trong phương pháp giáo dục cũng trở thành mối quan tâm của tất cả mọi người. Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã thông qua Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Nhưng những đổi mới căn bản này sẽ được thực hiện như thế nào là vấn đề được dư luận đang hết sức quan tâm. Trong Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 24-11-2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã giải đáp những băn khoăn xung quanh vấn đề này.

bo truong Pham Vu Luan

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (Nguồn: chinhphu.vn)

Trước băn khoăn về những sai sót phi lý, không thực tiễn trong một số sách tham khảo hiện nay như các bài toán: Bố 12 tuổi, con 4 tuổi, hay tính số ngón tay còn lại sau khi đã bị chặt bớt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định: Tài liệu lưu hành chính thống trong nhà trường không có sai sót này. Những tài liệu tham khảo có sai sót đều do những người không đủ kiến thức về khoa học giáo dục, không có kiến thức thực tiễn và thiếu trách nhiệm, được những nhà in, nhà xuất bản chạy theo đồng tiền đưa ra thị trường, và thâm nhập mức độ nhất định vào nhà trường. Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động triển khai và ban hành những văn bản quy phạm pháp luật để dựng nên một hàng rào kỹ thuật trước cổng trường, một mặt đưa được tài liệu tham khảo tốt của trong nước cũng như quốc tế vào nhà trường với liều lượng thích hợp, đồng thời chặn đứng những tài liệu, những sách không khoa học, phản giáo dục, không phù hợp với thực tiễn cũng như lứa tuổi học sinh. Điều này sẽ giúp các nhà trường có cơ chế lựa chọn sách, tài liệu và ngăn chặn tài liệu không tốt. Đồng thời chúng tôi cũng bàn bạc với Bộ Thông tin - Truyền thông ra thông tư liên tịch nhằm xác định trách nhiệm của các nhà xuất bản trong việc phát hành những tài liệu liên quan tới giáo dục ngoài thị trường mà Bộ Giáo dục và Đào tạo không có thẩm quyền kiểm định trực tiếp.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng chia sẻ sự bức xúc của các phụ huynh liên quan tới những sai sót phi lý, không thực tiễn này và cho biết, đây là biểu hiện của tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục. Bộ trưởng mong các bậc phụ huynh cần có sự lựa chọn, thẩm định kỹ trước khi mua, ngăn chặn không cho lọt vào gia đình.

Giải thích rõ hơn về nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: Sẽ có sự thay đổi cả trong quan điểm, mục tiêu, phương pháp, nguyên tắc chỉ đạo, điều hành hoạt động giáo dục của nhà trường. Phương pháp dạy học sẽ chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, chuyển từ phương pháp dạy các kiến thức khoa học hiện nay sang tự học, từng bước tập dượt nghiên cứu. Chương trình học ở những lớp dưới sẽ tích hợp nhiều và phân hóa mạnh, kết hợp tự chọn ở các lớp học, bậc học cao, chú trọng phương thức hướng dẫn để học sinh sáng tạo, thay vì dạy để các cháu trở thành nhà văn, nhạc sĩ, sẽ chuyển sang việc giúp học sinh có năng lực cảm thụ cái hay, cái đẹp những bài thơ, bài văn của Việt Nam cũng như quốc tế. Từ đó, giúp tạo dựng một thế hệ tự chủ, tự tin, biết trình bày diễn đạt và bảo vệ ý kiến của mình, đồng thời có khả năng tiếp thu cái hay, cái tốt của bạn bè, những người xung quanh, để làm giàu trí tuệ và khả năng làm việc của mình. Chuyển từ việc đánh giá các cháu tính toán nhanh, tính toán đúng, tính toán nhiều là giỏi sang phương thức hướng dẫn để các cháu sáng tạo.

Về khái niệm “Tích hợp”, trước những băn khoăn liệu có dẫn đến "bình mới rượu cũ", thay vì 3 môn sẽ góp thành một, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: Dạy “tích hợp” không phải cóp nhặt tùy tiện kiến thức mà là lựa chọn có chủ đích những kiến thức khoa học của cuộc sống, những kiến thức nào góp phần hình thành năng lực, phẩm chất của học sinh theo lộ trình từ nhỏ tới lớn thì sẽ đưa vào. Cụ thể hơn, phương pháp này sẽ không còn tách bạch, chia thành từng môn văn, sử, địa riêng biệt, mà khi giảng dạy liên quan địa lý sẽ kết hợp cùng với việc giới thiệu những sự kiện, những anh hùng, nhà văn hóa có công với vùng đất đó hay chính những tư liệu lịch sử cũng có thể góp phần giúp học sinh cảm nhận về văn chương. Như vậy, từng kiến thức sẽ được lựa chọn và truyền tải, giúp học sinh tự học, tự tìm hiểu để có kiến thức tổng hợp cả về văn, sử, địa, giáo dục công dân và tất cả các kỹ năng khác.

Thực tế vẫn còn nhiều băn khoăn từ chính các giáo viên, những người là nhân tố chính của quá trình đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Lần đổi mới này là sự thay đổi căn bản, cách thức tư duy khác, vị trí người thầy sẽ khác, vai trò nhiệm vụ người học khác, phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá sẽ khác. Như vậy phải từ bỏ cách nghĩ, cách làm vốn gắn bó từ trước tới nay đối với những người làm giáo dục sang cách làm mới. Tuy nhiên, đây là con đường đúng mà hầu hết các nước, trong đó có những nước phát triển cả kinh tế - xã hội, khoa học giáo dục đang thực hiện. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Giáo dục đã phối hợp thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương, trong đó có nhiều nơi khó khăn như Lào Cai, Bắc Kạn, Cà Mau. Việc thí điểm đã diễn ra ở hàng chục trường, với cả chục ngàn học sinh, trong đó nhiều nơi có học sinh dân tộc thiểu số, thậm chí cả phụ huynh không nói được tiếng Kinh. Tại những nơi này, Bộ đã triển khai thí điểm trên cơ sở vật chất tại thực tế của chính địa phương đó, cũng như giáo viên bản địa được tập huấn đào tạo lại và việc đổi mới diễn ra hoàn toàn suôn sẻ, thành công.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, để triển khai đổi mới ở mức độ rộng rãi, đại trà là một công việc liên quan tới tổ chức và quản lý. Do vậy, ngoài sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chú trọng viết sách hướng dẫn giáo viên để các nhà giáo có tài liệu tìm hiểu, tự nghiên cứu, thay đổi từng bước. Với những cơ sở vật chất kỹ thuật đã được trang bị, Bộ sẽ cho in những đĩa hình, băng chuyển đến từng thầy, cô giáo, dù ở vùng khó khăn cũng có cơ hội tiếp xúc, học hỏi, trao đổi với những nhà giáo có kinh nghiệm nhất. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng dự kiến sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin, điều kiện kỹ thuật để các chuyên gia có thể giải đáp trực tuyến được từng vướng mắc của các thầy, cô giáo./.

Ngọc Anh

Theo TTXVN

 

Bình luận