Bàn thêm về Ngày ký Hiệp định Giơnevơ

Ngày đăng: 06/09/2020 - 13:09

Đã 66 năm trôi qua kể từ ngày Hội nghị Giơnevơ (Genève) về đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Đông Dương kết thúc. Việc ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử Việt Nam hiện đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi sau 9 năm kháng chiến kiên cường của nhân dân Đông Dương chống lại chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn ý kiến và thông tin khác nhau về ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ là ngày 20/7/1954 và ngày 21/7/1954. Vậy, đâu là ngày các Hiệp định đình chiến ở Đông Dương tại Hội nghị Giơnevơ được ký kết?

Hiệp định Giơnevơ bao gồm các văn bản chủ yếu sau: Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị GiơnevơHiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt NamHiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào và Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Campuchia. Đây là những văn kiện vô cùng quan trọng đã được các bên tham gia ký kết tại Hội nghị Giơnevơ, đặc biệt là bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị. Việc ký kết các Hiệp định này phản ánh tương quan lực lượng đối sánh của các bên trên chiến trường Đông Dương và lực lượng các nước lớn trên trường quốc tế, đồng thời phản ánh mối quan hệ quốc tế phức tạp lúc đó. Song, điều quan trọng là, việc ký kết các Hiệp định đã chấm dứt tình trạng chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Các bên tham gia Hội nghị đều công nhận và cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia1. Tại Việt Nam, Hiệp định này đã tạo điều kiện để miền Bắc được độc lập, tự do hoàn toàn, đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để cùng quân và dân miền Nam tiến hành kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tiến tới thống nhất đất nước.

Đồng chí Tạ Quang Bửu - phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tướng Pháp Henri Delteil - Quyền Tổng Tư lệnh Lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, Phái đoàn Pháp đang ký Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam.

Cho đến nay, ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ vẫn là vấn đề thu hút những ý kiến khác nhau bởi có sự trình bày khác biệt trong nhiều văn bản và công trình nghiên cứu.

1. Thông tin ký Hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954

Trong nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị ở cả trong và ngoài nước ghi ngày ký Hiệp định Giơnevơ là ngày 20/7/1954, trong đó có cả những công trình do các cơ quan nhà nước công bố. Trong cuốn sách Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học do Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị xuất bản năm 1996 viết: “Trải qua tám phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng và phức tạp, nhưng với tinh thần chủ động và cố gắng của phái đoàn ta, ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết”2. Tương tự như vậy, trong cuốn Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học cũng do Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị biên soạn, xuất bản năm 2000 tiếp tục cho rằng: “Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết”3. Trong Tập 5 của bộ sách Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946-1975, xuất bản năm 2018 có Chỉ thị số 37/CT-TWC, ngày 25/7/1954 của Trung ương Cục miền Nam về nội dung tóm tắt của Hiệp định Giơnevơ, trong đó chỉ rõ: “Ngày 20/7/1954, các nước tham dự Hội nghị Giơneo, trừ Mỹ và bù nhìn Việt Nam, đã ký 3 bản hiệp nghị đình chiến ở Việt Nam, Lào và Miên và đã ra 1 bản tuyên bố chung của Hội nghị”4. Trong bài viết “Diễn biến Hội nghị và nội dung chính Hiệp định Geneva” đăng trên trang Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 16/7/2014 có viết: “Hiệp định Geneva về đình chiến sự ở Việt Nam được ký tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 20/7/1954. Đây là văn kiện quốc tế đầu tiên, với sự tham dự của 5 cường quốc thế giới, tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cùng hai nước Lào và Campuchia”5. Tác giả Đinh Phương trong bài viết “Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương” đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 26/01/2018 cũng viết: “Hiệp định Giơnevơ (Thụy Sĩ) được ký ngày 20/7/1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương”6.

Như vậy, có thể thấy trong nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước đều đưa thông tin Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào ngày 20/7/1954. Điều này đã được một số nhà nghiên cứu tiếp thu, sử dụng trong các bài viết của mình. Hiện nay, ngày 20/7 hằng năm vẫn được coi là ngày kỷ niệm Ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ.

Tuy nhiên, trong một vài công trình khác thì ngày ký kết các Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia tại Hội nghị Giơnevơ có sự không đồng nhất do quan điểm của mỗi bên. Cuốn sách 50 năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995,Tập 1: Ngoại giao Việt Nam (1945-1975) của tác giả Lưu Văn Lợi cho biết: “Đêm ngày 20 rạng ngày 21 Tạ Quang Bửu và Delteil ký Hiệp định đình chỉ chiến sự về Việt Nam, Hiệp định đình chỉ chiến sự về Lào. Sáng 21 Delteil và Nhiếp Tiêu Long ký Hiệp định đình chỉ chiến sự về Campuchia”7. Điều này cũng được đề cập đến trong Chỉ thị số 1/CT-TWC, ngày 26/7/1954 của Trung ương Cục miền Nam về Tuyên truyền giải thích và vận động nhân dân, cán bộ, quân đội phấn khởi chào mừng thắng lợi vĩ đại Genevơ và cương quyết phấn đấu để bảo đảm thực hiện các hiệp định đình chiến: “ngày 20/7/54 Hiệp định đình chiến ở Việt Nam và Lào ký kết và ngày 21/7/54 đến lượt Hiệp định đình chiến ở Khmer được ký kết”8. Trong cuốn sách Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945-1975), tác giả Nguyễn Hữu Luân cho rằng: “Đêm ngày 20, rạng ngày 21/7/1954 Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết”9.

Đồng quan điểm với những công trình trên, các tác giả cuốn sách Lịch sử Việt Nam, Tập 11 (từ năm 1951 đến năm 1954),do Viện Sử học biên soạn cho biết: “Ngày 13 tháng 7, trong cuộc gặp Mendès France, Phạm Văn Đồng vẫn đề nghị giữ vĩ tuyến 16, nghĩa là Việt Nam làm chủ con đường 9 từ Savanakhẹt đi Quảng Trị là con đường duy nhất cho Lào đi ra biển. Phải đến cuối phiên họp buổi chiều ngày 20 tháng 7, đại diện Việt Nam Phạm Văn Đồng mới chấp nhận vĩ tuyến 17. Thời hạn hai năm tổ chức tổng tuyển cử cũng như những vấn đề khác của hiệp định đều phải giằng co, đặc biệt hiệp định về Campuchia phải ký vào cuối buổi sáng ngày 21 tháng 7. Để giúp Mendès France giữ đúng lời hứa với Quốc hội Pháp các văn bản đều ghi ngày 20 tháng 7 năm 1954”10. Cùng quan điểm này, các tác giả cuốn sách Lịch sử Việt Nam phổ thông, Tập 7 (từ năm 1945 đến năm 1954) cũng do Viện Sử học ấn hành viết: “Sau một thời gian làm việc căng thẳng, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Mặc dù phải đến cuối buổi chiều ngày 20/7/1954, đại diện phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Phạm Văn Đồng mới chấp nhận vĩ tuyến 17 để ký kết Hiệp định và Hiệp định về Campuchia phải ký vào lúc 3 giờ sáng ngày 21/7/1954”11. Cuốn sách này đã lý giải nguyên do của việc sau này tất cả các tài liệu đều ghi Hiệp định Giơnevơ được ký ngày 20/7/1954 là vì: “Để giúp Thủ tướng Pháp Pie Mandec Phrăngxơ (Pierre Mendès France) giữ đúng lời đã hứa với Quốc hội Pháp khi nhậm chức là sẽ đạt được ngừng bắn ở Đông Dương, nên các văn bản đều được ghi vào thời điểm 24 giờ ngày 20/7/1954 và ngay cả chiếc đồng hồ tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Giơnevơ ai đó cũng đã cố tình cho dừng lại ở lúc 12 giờ đêm 20/7/1954”12.

Như vậy, những công trình nghiên cứu trên đều cho rằng Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào được ký vào đêm ngày 20/7/1954. Chỉ có Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Campuchia được ký kết vào ngày 21/7 và sau đó là việc ký kết các văn bản khác của Hiệp định Giơnevơ.

2. Thông tin ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21/7/1954

Bên cạnh những ý kiến cho rằng Hiệp định Giơnevơ được ký vào ngày 20/7/1954 thì trong một số công trình nghiên cứu, ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ được cho là ngày 21/7/1954:

Trong cuốn sách Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, xuất bản năm 2015, tác giả Nguyễn Đình Bin và các cộng sự của ông viết: “Sáng ngày 21 tháng 7, ba Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, ở Lào và ở Cao Miên được ký kết”. Chú thích về sự kiện này, các tác giả của cuốn sách cho biết thêm: “Các Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam và Lào được ký lúc 2 giờ 45 phút sáng ngày 21 tháng 7; Hiệp định đình chiến tại Campuchia đến 11 giờ 21 phút mới ký xong, nhưng thời gian được ghi ở cuối các Hiệp định: ký lúc 24 giờ ngày 20 tháng Bảy, để giúp cho M. France giữ được lời hứa trước Quốc hội và nhân dân Pháp là lập lại hòa bình trong vòng 1 tháng (BBS)”13. Tác giả Nguyễn Phúc Luân - trong công trình Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945-1975), xuất bản năm 2000 đã từng cho rằng Hiệp định Giơnevơ được ký kết đêm ngày 20, rạng sáng ngày 21/7/1954 thì đến năm 2005, khi xuất bản công trình Ngoại giao Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử, ông cũng đã sửa lại rằng: “Sau những cuộc thương lượng, mặc cả gay go phức tạp, sáng ngày 21 tháng 7, Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Đông Dương được ký kết”14.

Cùng quan điểm này, trong lời giới thiệu cuốn sách Hiệp định Giơnevơ: 50 năm nhìn lại của Bộ Ngoại giao, xuất bản năm 2015 viết: “Ngày 21 tháng Bảy 1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký tại thành phố Giơnevơ, Liên bang Thụy Sĩ, đã chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương”15. Tiếp đó, năm 2016, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xuất bản bộ sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam, trong Tập 1 (1946-1960) của bộ sách này cũng viết: “Hiệp định Giơnevơ ngày 21/7/1954 đánh dấu thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ”16. Trong bài viết “Từ ngày 8/5 đến 21/7/1954: Hội nghị Giơnevơ” đăng trên trang thông tin của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tác giả Phương Anh viết: “Từ ngày 24/6 đến ngày 20/7/1954, phái đoàn Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán trực tiếp để giải quyết các vấn đề cụ thể, xoay quanh các vấn đề: quyền tham gia hội nghị của các đại biểu Chính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Campuchia; chọn vĩ tuyến để khẳng định giới tuyến quân sự tạm thời và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất Việt Nam. Ngày 21/7/1954, các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết. Bản tuyên bố cuối cùng về lập lại hòa bình ở Đông Dương được các nước tham gia hội nghị cam kết chính thức chấp nhận. Đại diện Chính phủ Mỹ ra tuyên bố riêng thừa nhận Hiệp định”17.

Năm 2018, bộ sách Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam do Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn, khi đề cập vấn đề Hiệp định Giơnevơ, các tác giả của bộ sách cũng cho rằng, Hiệp định được ký vào ngày 21/7/1954. Trong Quyển 2 (1945-1954), Tập 1 (1930-1954) của bộ sách viết: “Trải qua 75 ngày, với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, ngày 21/7/1954 các văn bản của Hội nghị Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết”, đồng thời lý giải thêm rằng: “Các Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào và Campuchia đều được ký ngày 21/7, nhưng thời gian được ghi ở cuối các hiệp định là ký lúc 24 giờ ngày 20/7/1954, để giúp cho Thủ tướng Pháp M. Phrăngxơ giữ được lời hứa với Quốc hội và nhân dân Pháp là lập lại hòa bình trong vòng một tháng”18.

Trong bài viết “Hội nghị Geneva 1954: Ý nghĩa và những bài học lịch sử” đăng trên báo Thế giới & Việt Nam ngày 20/7/2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng viết: “Cách đây đúng 65 năm, vào ngày 21/7/1954, Hội nghị Geneva về Đông Dương kết thúc, cùng với đó, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam đã được ký kết, đánh dấu một mốc son quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Đây cũng là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, là thành quả của “trận đánh” lớn đầu tiên trên vũ đài quốc tế của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”19.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn có những ý kiến khác nhau về ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả bài viết này, thông tin Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào ngày 21/7/1954 có độ tin cậy cao hơn, bởi việc ghi lùi 1 ngày để giữ thể diện cho Thủ tướng Pháp lúc đó là việc có thật. Trong Báo cáo của đồng chí Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Giơnevơ về tình hình Hội nghị trong các ngày từ 18 đến 20/7/1954 có đoạn viết: “Trước khi khai hội buổi chiều, đồng chí Môlôtốp đã chủ động yên ủi Măngđét Phrăngxơ, bảo rằng chúng ta vẫn thành thật giúp đỡ ông ấy giải quyết xong việc đình chiến vào ngày 20/7”20. Thông tin về sự kiện này được nhắc tới trong cuốn Lịch sử Việt Nam, Tập 11 (từ năm 1951 đến năm 1954) như sau: “Đặc biệt trong bài diễn văn ngày 8 tháng 6, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov đã dùng tài liệu của Việt Nam đả kích rất mạnh chính sách hiếu chiến của Chính phủ Pháp Bidault. Ngày 19 tháng 6, Chính phủ Mendès France lên cầm quyền và ngay hôm sau, Chính phủ mới hứa với Quốc hội Pháp trong vòng một tháng (tính đến ngày 20 tháng 7) sẽ giải quyết xong vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây chính là sự kiện quan trọng góp phần phá vỡ bế tắc, thúc đẩy đàm phán tiến triển”21. Trong Tập 1 Ngoại giao Việt Nam (1945-1975) cuốn 50 năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995, tác giả Lưu Văn Lợi nói rõ hơn rằng: “Tại chính quốc, ngày 12 tháng 6, Chính phủ Laniel phải từ chức, ngày 20 tháng 6 Pierre Mendès France lên thay với lời hứa trong vòng 1 tháng sẽ lập lại hòa bình ở Đông Dương nếu không sẽ từ chức”22. Thiết nghĩ, những thông tin đó là đáng tin cậy và xác thực, việc ghi ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ trong các công trình nghiên cứu về Hội nghị này cần phải được đính chính lại một cách chuẩn xác và đúng với sự thật lịch sử đã diễn ra. 

1. PGS.TS. Đinh Quang Hải (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam phổ thông, Tập 7 (từ năm 1945 đến năm 1954), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 535.

2. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính tri: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 212.

3. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 140.

4, 8. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946-1975, Tập 5 (1953 - 9/1954), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 854, 861.

5. Xem bài “Diễn biến Hội nghị và nội dung chính Hiệp định Geneva”, Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 16/7/2014 (https://vov.vn/chinh-tri/dien-bien-hoi-nghi-va-noi-dung-chinh-hiep-dinh-geneva-339249.vov).

6. Đình Phương: “Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 26/01/2018 (http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/su-kien-va-nhan-chung/hiep-dinh-gionevo-nam-1954-ve-dinh-chi-chien-tranh-lap-lai-hoa-binh-dong-duong-3369). 
7, 22. Lưu Văn Lợi: 50 năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995, Tập 1: Ngoại giao Việt Nam (1945-1975), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 188, 182

9. Nguyễn Phúc Luân: Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.145.

10, 21. Nguyễn Văn Nhật (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam, Tập 11 (từ năm 1951 đến năm 1954), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2017, tr. 438, 436.

11, 12. PGS.TS. Đinh Quang Hải (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam phổ thông, Tập 7 (từ năm 1945 đến năm 1954), Sđd, tr. 531.

13. Nguyễn Đình Bin (Chủ biên): Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 157.

14. Nguyễn Phúc Luân: Ngoại giao Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 17.

15. Bộ Ngoại giao: Hiệp định Giơnevơ: 50 năm nhìn lại, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 7.

16. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt NamLịch sử Quốc hội Việt Nam, Tập 1 (1946-1960), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 153.

17. Phương Anh: “Từ ngày 8-5 đến 21-7-1954: Hội nghị Giơnevơ”, trang thông tin của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ngày 05/5/2016 (http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3097/19190/tu-ngay-8-5-djen-21-7-1954-hoi-nghi-gionevo.html).

18. Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Quyển 2 (1945-1954), Tập 1 (1930-1954) , Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 474.

19. Phạm Bình Minh: “Hội nghị Geneva 1954: Ý nghĩa và những bài học lịch sử”, báo Thế giới & Việt Nam(https://baoquocte.vn/hoi-nghi-geneva-1954-y-nghia-va-nhung-bai-hoc-lich-su-97910.html). 

20. Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơnevơ - Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 579.

TS. Phạm Minh Thế

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả