Không thể nhận (từ) và Có thể nhận (thụ) – đó là hai nội dung tạo nên cuốn sách. Đối với nội dung Không thể nhận, tác giả đưa ra 104 kiểu hối lộ, bao quát các lĩnh vực của đời sống, từ thi cử đến thuế má, từ kiện tụng đến phân chia tài sản, từ hôn nhân, gia đình đến mở hội hát xướng, từ chiều đón ý quan đến xui nguyên giục bị, từ nha dịch đến cai lại... đều được ông phân giải rạch ròi. Phần lớn người đưa hối lộ là dân thường, họ là những nhà nông muốn được nhận ruộng công loại tốt; nông dân hối lộ để xin giảm thuế; hối lộ để xin nhập hộ tịch; hối lộ để xin chia công điền; thợ thuyền, con buôn và hàng xóm hối lộ để xin được miễn sai dịch; binh lính già ốm hối lộ để xin được thải hồi; thường dân bị vu cáo hối lộ cần được thoát nạn; vợ chồng không hòa hợp hối lộ để xin ly dị; gái góa hối lộ để xin đi bước nữa...; còn lại là trường hợp bọn quan lại, hào lý, con cái công thần, đại thần hối lộ để xin được tập ấm ra làm quan hoặc để được phẩm hàm, hay quan lại tham nhũng hối lộ để lấy lòng quan trên. Có khi là hối lộ cho quan khi đi công cán. Có khi là nhận hối lộ của các tỉnh phái người về nộp vật dụng. Có khi là địa phương hối lộ các quan đến thanh tra. Trong 104 kiểu hối lộ không thể nhận ấy, mỗi kiểu đều có dẫn giải, phân tích và dẫn chứng cụ thể, có kiểu tác giả viết dài, có kiểu tác giả viết ngắn. Câu chốt lại của mỗi kiểu đều được nêu như một định đề, chắc nịch, đanh thép: “Thứ hối lộ ấy không thể nhận”. Điệp khúc đó được lặp đi lặp lại, giúp ta nhận ra bản lĩnh và nhân cách Đặng Huy Trứ. Ông cũng tự dặn mình: “Chớ nghĩ rằng ta ngay thẳng, kẻ kia sao lừa dối được ta, ta sáng suốt xét đoán, kẻ kia không thể che giấu được ta. Chỉ sợ lâu ngày ta chẳng khỏi rơi vào mưu mô của họ. Cho nên, những kẻ không có việc gì mà cũng đưa quà biếu, nhất thiết không thể nhận”. Sau khi nêu 104 trường hợp hối lộ không thể nhận, trong phần Tổng luận, Đặng Huy Trứ viết: “Ta đã từng đốt hương thề nguyện đêm ngày giữ gìn có thể không vi phạm 5 điều cấm của thánh nhân. Con cháu ta ra làm quan, có ai phạm thì sẽ là hạng vô sỉ, sống không được vào từ đường, chết không được chầu tổ tiên. Trong họ có người hiền, có kẻ hư đốn, người trong họ phải giữ công tâm, phải kiểm tra, bảo ban nhau. Không thể vì tình cốt nhục mà vì nể, nương nhẹ, làm tổn thương đến gia pháp. Đó là điều ta hằng mong mỏi”. Có thể xem những lời dặn dò đó là một minh triết, một thông điệp của lương tri mà Đặng Huy Trứ trao lại cho đời sau, cho con cháu của mình.
Đối với nội dung Có thể nhận, tác giả chỉ nêu 5 trường hợp. Ở đây tác giả phân tích cụ thể vì sao có thể nhận: trường hợp thứ nhất là lễ tết hằng năm đã thành tục lệ, chỉ dùng tới sản phẩm của địa phương; ba trường hợp tiếp theo là việc tạ ơn khi được giúp đỡ một cách hợp tình, hợp lý và hợp pháp mà thu được món lợi chính đáng, hoặc được tai qua nạn khỏi hoặc được thành tựu trên đường sự nghiệp; trường hợp thứ năm là quà biếu nhân việc vui buồn. Trong phần Tổng luận, ông còn nói thêm: “Con cháu hiền của ta, nếu không mảy may nhận càn như ở 104 trường hợp nói ở trên, mà lại còn có thể nhất thiết khước từ cả 5 trường hợp ở phần sau thì nhân phẩm còn cao hơn ta gấp vạn lần”. Sau mỗi nội dung, tác giả còn kèm theo đề mục Suy rộng ra để bàn thêm về những đức tính, phẩm hạnh không thể thiếu của những người làm quan và những yêu cầu của việc trị gia.
Với những chỉ dẫn rất rõ ràng, Từ thụ yếu quy giúp người làm quan chân chính nhận ra những chiêu thức của kẻ hối lộ đồng thời là những lời nhắc mang tính cảnh tỉnh đối với những người làm quan; những người làm công tác cán bộ cũng có thể tìm thấy ở đây những kinh nghiệm quý báu cho công việc của mình về cần, kiệm, liêm, chính, về cách nhìn người, có được sự dũng cảm cần thiết trong đấu tranh với những tệ nạn chốn công quyền và đặc biệt là có được sự nhạy cảm và tỉnh táo cần thiết trong đánh giá đội ngũ cán bộ với những diễn biến phức tạp trong suy nghĩ và hành động của họ. Dù ra đời cách đây đã hơn một thế kỷ rưỡi, thời đại đã có nhiều đổi thay, song đến nay Từ thụ yếu quy vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa thời sự không chỉ hôm nay mà cho đến tận mai sau.