Báo chí cần chủ động đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội

Ngày đăng: 16/01/2014 - 14:01

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí phải chủ động đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền nhằm góp phần tích cực vào nhiệm vụ chung của công tác tuyên giáo, tạo sự đồng thuận trong tư tưởng, thống nhất trong hành động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới đất nước.

dinh the Huynh

 Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TH)

Chiều 14-1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Báo chí đã thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ chính trị của mình

Năm 2013 - năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, công tác báo chí triển khai trong điều kiện vừa có những thuận lợi rất cơ bản từ những thành tựu to lớn, toàn diện của công cuộc đổi mới đất nước, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những thách thức gay gắt hơn dự báo. Thêm vào đó, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng mặt trái của các phương tiện truyền thông trên Internet chống phá ta quyết liệt về tư tưởng, lý luận, văn hóa. Tất cả những điều đó đã tác động nhiều mặt, sâu sắc đến đời sống tinh thần xã hội, đặt công tác tư tưởng nói chung, công tác báo chí nói riêng trước nhiều khó khăn, thách thức, những tình huống mới, phức tạp. 

Trong bối cảnh vừa nêu, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên định đường lối đổi mới theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đoàn kết, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; chăm lo xây dựng hệ thống chính trị; mở rộng hoạt động đối ngoại. Nhờ đó, kết thúc năm 2013, kinh tế tăng trưởng 5,42%; lạm phát kiềm chế ở mức 6,6%, an sinh xã hội được bảo đảm. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã nhất trí rất cao thông qua Hiến pháp mới, Luật đất đai sửa đổi. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong thành tích chung đó, những người làm báo, các cơ quan báo chí nước ta đã có những đóng góp quan trọng, nổi bật. Đó là:

Thứ nhất, báo chí tập trung tuyên truyền các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội... Tuyên truyền  có hiệu quả các sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước.

Thứ hai, nhận thức rõ ý nghĩa trọng đại của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và Luật đất đai sửa đổi, ngay từ đầu năm, các cơ quan chỉ đạo, cơ quan báo chí đã sớm xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhiệm vụ này một cách bài bản, khoa học và tích cực triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm chính trị cao. Báo chí đã phản ánh, chuyển tải nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; khẳng định quá trình sửa đổi Hiến pháp được thực hiện dân chủ, nghiêm túc, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong xã hội; Hiến pháp thể hiện ý chí, nguyện vọng và kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.

Ngay sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua, nhiều cơ quan báo chí đã chủ động, khẩn trương tuyên truyền việc thực thi Hiến pháp. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ này, báo chí đã đồng thời nêu bật thành tựu to lớn về nhân quyền ở nước ta; phê phán, đấu tranh với các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ, lợi dụng góp ý xây dựng Hiến pháp để vu khống, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều cơ quan báo chí có những bài viết, chương trình phát thanh, truyền hình giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tính chất nguy hiểm và cảnh giác với “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ ba, việc tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cổ vũ, biểu dương điển hình tiên tiến, các phong trào thi đua yêu nước có bước chuyển biến tích cực. Báo chí bám sát hơn thực tiễn triển khai Nghị quyết và Chỉ thị; chú trọng hơn việc phản ánh các bài học kinh nghiệm cụ thể, thiết thực và cổ vũ, biểu dương các điển hình thực hiện nghiêm túc, có kết quả; phát hiện, phản ảnh những vấn đề cần quan tâm trong quá trình triển khai, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan liên quan nắm bắt thông tin để có chỉ đạo, định hướng, xử lý kịp thời, phù hợp. Các cơ quan báo chí, các nhà báo cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ đã tích cực tham gia Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần quan trọng vào kết quả của giải thưởng này.

Thứ tư, báo chí tiếp tục tuyên truyền, khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; nâng cao ý thức và trách nhiệm của đảng viên, nhân dân, bảo vệ quyền lợi của đất nước của dân tộc, đất nước; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước và chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Thứ năm, nhiều cơ quan báo chí và nhà báo tiếp tục nêu cao bản lĩnh, trách nhiệm, phát huy vai trò tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, thói vô trách nhiệm; góp phần xây dựng Đảng, bộ máy Nhà nước, niềm tin của nhân dân đối với chế độ và sự nghiệp đổi mới. 

Thứ sáu, phần lớn các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện nghiêm túc định hướng chính trị tư tưởng trong nội dung thông tin, đồng thời, trăn trở, đổi mới mô hình hoạt động phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, nhiều cơ quan báo chí vừa thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, vừa có nguồn thu chính đáng bảo đảm đời sống cán bộ, tăng cường điều kiện làm việc và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Thứ bảy, năm 2013 ghi nhận sự chuyển biến tích cực, rõ nét hơn của công tác lãnh đạo, quản lý báo chí. Rút kinh nghiệm nghiêm túc và sâu sắc những bài học trước đây cũng như quán triệt phương châm đã xác định, chúng ta đã thực sự chủ động hơn trong chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin. Hầu hết các sự kiện quan trọng, nhạy cảm, kể các các sự kiện, tình huống phức tạp, đều được thông tin chủ động, kịp thời, khách quan, chuẩn xác, đáp ứng nhu cầu thông tin chính đáng của công chúng, định hướng dư luận xã hội, tránh được những thông tin sai sự thật, tin đồn với động cơ, mục đích xấu. Cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về hoạt động báo chí, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động tốt hơn, góp phần khắc phục sơ hở, lỏng lẻo trong công tác quản lý. Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm hơn đến công tác Hội, nhất là giáo dục đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, bảo vệ hoạt động tác nghiệp của nhà báo; xây dựng các đề án nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia và Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Vì nền báo chí cách mạng chân chính, vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót đáng quan tâm của báo chí như tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, thiên về khai thác mặt trái, giật gân, hình ảnh phản cảm nhằm câu khách vì mục tiêu kinh tế gia tăng đáng báo động ở một số đơn vị báo chí, nhất là trong các ấn phẩm phụ, số chuyên đề, chương trình truyền hình giải trí, trang thông tin điện tử tổng hợp. Vẫn còn một số cơ quan báo chí buông lỏng quy trình tác nghiệp, thiếu nhạy bén trong xử lý các tình huống; thông tin sai sự thật, thậm chí, có thông tin sai sót ở mức nghiêm trọng, không thể khắc phục hậu quả… Những hạn chế, thiếu sót đó tác động tiêu cực đến việc xây dựng, củng cố nền tảng tinh thần xã hội, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, thẩm mỹ cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ; ảnh hưởng đến uy tín nền báo chí cách mạng; làm công chúng bức xúc, những người làm báo chân chính cảm thấy bị tổn thương.

Tham luận tại Hội nghị, đồng chí Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam đã đề cập những vấn đề đạo đức, tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của người làm báo nói chung, lãnh đạo cơ quan báo chí nói riêng. Đồng chí cũng đưa ra kiến nghị, là tăng cường vai trò của lãnh đạo cơ quan báo chí trong việc quản lý con người, giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên. Hội nhà báo Việt Nam cũng đề nghị Nhà nước có các cơ chế ưu đãi hơn nữa đối với hoạt động báo chí để báo chí sống được bằng nghề, chặn đúng kẽ hở cho việc vi phạm đạo đức.

Đề cập đến vai trò của báo chí chính thống, đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng chính sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thông tin ngày càng trở nên phong phú, đa dạng và nhiều chiều đã và đang thách thức vai trò của báo chí chính thống cũng như cơ quan quản lý báo chí và cung cấp thông tin. Báo chí chính thống phải tự đổi mới mình để cạnh tranh thông tin trên mạng với sự nhanh nhạy, kịp thời; khai thác tối đa vị thế chính trị - xã hội của mình để tiếp cận nhanh nhất các nguồn thông tin chính thống. Nếu các cơ quan báo chí không làm tốt vai trò của mình, mạng xã hội sẽ dần chiếm lĩnh vị trí của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí hãy cùng nhau làm tốt sứ mệnh của mình và hãy để mạng xã hội là cánh tay nối dài, chia sẻ thông tin của các cơ quan báo chí đến với nhiều người. Làm được điều này cũng đồng nghĩa với việc báo chí chuyên nghiệp tiếp tục làm chủ diễn đàn, định hướng dư luận và đấu tranh có hiệu quả với các thông tin xuyên tạc, có dụng ý xấu của các thế lực thù địch.

Nhà báo Bùi Hồng Phúc - Đài Truyền hình Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội. Để thông điệp trong các đợt thông tin tuyên truyền quan trọng có sức thuyết phục cao, mỗi phóng sự, mỗi chương trình cần tìm ra các chi tiết, các nhân vật, câu chuyện cụ thể minh họa cho lập luận. Bên cạnh yếu tố lời bình, hình ảnh cũng có tác động lớn tới hiệu quả tuyên truyền. Trong công tác tuyên truyền của các chương trình truyền hình chính luận, cũng cần quan tâm tới chỉ số rating - số khán giả theo dõi một chương trình truyền hình - để biết được thông điệp của mình đến với bao nhiêu người nghe, người xem.

Hội nghị cũng thảo luận về kinh nghiệm tuyên truyền biển đảo; công tác đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”; tăng cường nâng cao chất lượng hiệu quả thông tin để định hướng dư luận xã hội, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, thực hiện quy hoạch tổng thể báo chí; khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, bất cập, lãng phí trong lĩnh vực báo chí.

Các ý kiến, tham luận thống nhất khẳng định cần có nhận thức sâu sắc và có giải pháp khắc phục cụ thể, thiết thực để nền báo chí thực sự là nền báo chí cách mạng chân chính, vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Chủ động đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền

Hội nghị cũng đã bàn, thống nhất các giải pháp cơ bản nhằm triển khai những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 và các năm tiếp theo; kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng một số vấn đề quan tâm về cơ chế, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ… nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động báo chí trong tình hình mới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đinh Thế  Huynh đã biểu dương những kết quả đáng ghi nhận của báo chí trong năm 2013; nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí năm 2014.

Đồng chí Đinh Thế Huynh lưu ý các cơ quan báo chí phải chủ động đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền nhằm góp phần tích cực vào nhiệm vụ chung của công tác tuyên giáo là tạo sự đồng thuận trong tư tưởng, thống nhất trong hành động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Để thực hiện được tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và những người làm báo cần quan tâm, thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:

Một là, cần nhận thức sâu sắc những nét mới của đời sống truyền thông hiện đại để đổi mới tư duy về công tác báo chí theo hướng thích ứng với môi trường thông tin mở. Tiếp tục đề cao và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, quản lý và triển khai hoạt động báo chí.

Hai là, phải quyết liệt chấn chỉnh, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách; xử lý nghiêm những cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, nhất là các ấn phẩm phụ, số chuyên đề, chương trình giải trí, trang thông tin điện tử không thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích, hạ thấp chất lượng văn hóa của báo chí.

Ba là, tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí để đội ngũ này thực sự vững về chính trị, về chuyên môn, về đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, các cơ quan lãnh đạo, quản lý, chủ quản và lãnh đạo cơ quan báo chí cần gần gũi, sâu sát, động viên, khích lệ, biểu dương kịp thời những nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, đồng thời, thấu hiểu, chia sẻ và có biện pháp giải quyết thỏa đáng những vướng mắc, trăn trở, tâm tư, khó khăn của những người làm báo. Chỉ có như thế, chúng ta mới xây dựng được đội ngũ những nhà báo gắn bó, tâm huyết với nghề nghiệp, sẵn sàng cống hiến hết mình.

Nam Hải

(Theo tuyengiao.vn)

Tính đến tháng 12-2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí in. So với năm trước, số lượng cơ quan báo chí in tăng 25 cơ quan, chủ yếu là các tạp chí nghiên cứu khoa học chuyên ngành của các viện nghiên cứu, trường đại học; giảm 2 cơ quan báo chí và giảm 5 ấn phẩm. Các cơ quan báo chí in có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong phương thức vận hành hoạt động tòa soạn, trong đó có nhiều cơ quan báo chí ra báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử. Xu hướng một cơ quan báo chí có nhiều loại hình, nhiều phương tiện báo chí là nhu cầu khách quan trong xu thế hội tụ công nghệ như hiện nay.

Có 92 báo, tạp chí điện tử. Trong đó, có 72 báo, tạp chí điện tử của các cơ quan báo chí in và 20 báo, tạp chí điện tử độc lập. Số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí là 265  trang.

Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình, trong đó số lượng các kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá tại Việt Nam là 179 kênh. Ngoài hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền phát triển mạnh bằng nhiều loại công nghệ truyền dẫn: cáp, vệ tinh, số mặt đất và công nghệ IPTV.

Có 1 hãng thông tấn quốc gia, là ngân hàng thông tin đối nội, đối ngoại, chủ quản nhiều bản tin, báo, tạp chí, kênh truyền hình thông tấn.

Về nguồn nhân lực trong các cơ quan báo chí, nếu trong năm 2005 chỉ có 25.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí thì đến năm 2009, đã tăng lên 31.000 người, mức tăng trung bình hằng năm khoảng 6,5%. Đến nay, số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 350.000 người, trong đó có gần 17.000 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí được cấp thẻ hành nghề. Phần lớn, số người làm việc trong lĩnh vực báo chí đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Năm 2013, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là khoảng 91% và trên đại học là 49%.

Hầu hết đội ngũ nhà báo đều có trình độ chính trị từ trung cấp trở lên, trong đó, cử nhân chính trị chiếm khoảng 5% và cao cấp chính trị là 3%. Số lượng đội ngũ làm báo được đào tạo chính trị tăng khoảng 14%/năm.

 

 

 

Bình luận