Báo chí - Một “binh chủng” quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền hiện nay

Ngày đăng: 20/06/2014 - 08:06

NDK 8467Đến nay người ta đã không còn nghi ngờ về quyền lực của thông tin - truyền thông trong xã hội hiện đại. Không chỉ là một phần không thể thiếu của đời sống xã hội mà trong các cuộc tranh chấp, xung đột đã và đang diễn ra hiện nay, cùng với thực lực quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật, thông tin -  truyền thông được coi như là một vũ khí lợi hại của các bên đối địch. Bên cạnh cuộc chiến của các loại vũ khí trên chiến trường, là cuộc chiến của lực lượng thông tin - truyền thông. Cuộc chiến này là sự đối đầu giữa kỹ thuật - công nghệ, giữa chiến lược, chiến thuật, sự thông minh, nhạy bén, sắc sảo của các bên tham chiến.

Thông tin - truyền thông không tạo ra những vụ nổ thật trên chiến trường nhưng những “vụ nổ” nó tạo ra trong dư luận, trong tâm thức mọi người hoàn toàn có thể thay đổi thế giới.

Ở Việt Nam, từ buổi đầu cách mạng giải phóng dân tộc, báo chí đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các học trò của Người sử dụng như một vũ khí sắc bén chống lại chế độ cai trị thực dân đế quốc.

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, báo chí - truyền thông cũng là lực lượng đi đầu, nêu gương cổ vũ cái tốt, đấu tranh bài trừ cái xấu.

Khi Tổ quốc lâm nguy, báo chí - truyền thông gióng lên hồi chuông cảnh báo, nêu những tư liệu chứng minh, truyền những thông điệp kêu gọi và giương cao ngọn cờ chính nghĩa.

Từ ngày 2-5-2014 đến nay, Biển Đông lại dậy sóng vì những hành động ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan hải dương - 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của ViệtNam. Báo chí - truyền thông Việt Nam lại một lần nữa đi tiên phong trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chủ đề “Đấu tranh, đẩy đuổi giàn khoan 981” luôn thường trực trên các trang nhất báo giấy, trên “top” các báo mạng, trên “giờ vàng” các kênh truyền hình trong những ngày qua… Các tầng lớp nhân dân cũng dõi theo từng diễn biến nhỏ của sự biến (cả trên biển và đất liền) được báo chí - truyền thông phản ánh. Câu chuyện biển Đông cũng đã được đưa lên nhiều diễn đàn (cả thật và ảo), thu hút được sự quan tâm rộng lớn trong xã hội.

Chưa có số thống kê đầy đủ về số lượng các bài viết, bài nói, trả lời phỏng vấn về sự gây hấn của Trung Quốc trên các báo, đài đã phát trong thời gian qua, nhưng có thể thấy nổi lên những nét lớn sau:    

Bám sát diễn biến, kịp thời phản ánh

Yếu tố quan trọng nhất để làm nên chiến thắng trong lĩnh vực thông tin chính là tốc độ - sự kịp thời. Trong sự kiện giàn khoan hải dương - 981, các phương tiện truyền thông đã kịp thời bám sát các diễn biến mới nhất để đưa thông tin đến với độc - khán - thính giả. Để có được điều đó đã có sự “hợp đồng binh chủng” chặt chẽ và nhịp nhàng giữa báo chí - truyền thông và các cơ quan hữu trách (Bộ Ngoại giao, Tổng cục Cảnh sát biển, Tổng cục Nghề cá…). Các phóng viên của nhiều báo, đài trong nước, phóng viên người Việt ở nước ngoài và nhiều phóng viên quốc tế đã được tạo điều kiện đi theo tàu của các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam để trực tiếp chứng kiến và phản ánh sự việc. Những hình ảnh, bài viết sống động từ chân giàn khoan trái phép đã có sức thuyết phục công luận về sự ngang ngược của Trung Quốc. Điều đó cũng đưa ra lời cảnh báo với những nước láng giềng có quyền lợi liên quan trực tiếp và cho cả thế giới về những nguy cơ tiềm ẩn về một lối ứng xử thô bạo, bất chấp luật pháp quốc tế của những kẻ vẫn đang lòe bịp thế giới về thiện chí của mình.

Công bố nhiều tư liệu lịch sử quan trọng

Đây cũng là lĩnh vực được nhiều báo, đài chú trọng để nêu bật những căn cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên vùng biển đang bị Trung Quốc cố tình biến thành “vùng tranh chấp”. Các báo, đài khi tìm và công bố hệ thống tư liệu phong phú về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã chứng minh những sự: Đầu tiên - Lâu dài -  Liên tục - Xác thực và Đúng công pháp quốc tế trong việc thực thi chủ quyền của Việt Nam. Đây là những căn cứ để chúng ta nêu cao chính nghĩa và phản bác những luận điểm phi lý nhằm “tung hỏa mù” cho dư luận của những kẻ bồi bút.

Kho tư liệu được các phương tiện thông tin - truyền thông công bố không chỉ nằm ở Việt Nam mà còn ở nhiều cơ quan lưu trữ tại các quốc gia trên thế giới cũng thừa nhận về nhiều mặt qua thời gian lâu dài của quốc tế với những vấn đề thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam. Gần đây nhất (ngày 13-5, tại Hà Nội) là việc công bố tập Atlas của nhà địa lý nổi danh Phillippe Vandermaelen xuất bản năm 1827 ở Hà Lan càng làm dày thêm cơ sở lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên cả Biển Đông.

Bình luận kịp thời và sâu sắc 

Trong khi sự việc hạ đặt giàn khoan trái phép còn đang diễn tiến, nhiều báo, đài đã kịp thời đăng tải ý kiến của các chuyên gia, những nhà nghiên cứu có tên tuổi và đã có quá trình theo dõi tình hình địa - chính trị - kinh tế khu vực Đông Nam Á và châu Á lâu năm cả trong và ngoài nước. Nhiều ý kiến sắc sảo chứng tỏ tầm nhìn và logic chặt chẽ của những chuyên gia hàng đầu về Việt Nam trên thế giới đã cho công luận cái nhìn toàn diện hơn về những biến động gần nhất ở Biển Đông và mưu đồ lâu dài của nhà cầm quyền Trung Quốc. Những bình luận này có tính định hướng quan trọng với dư luận thế giới nói chung và trong nước nói riêng, góp phần tham khảo cho những ứng xử ở tầm vĩ mô cũng như với mỗi cá nhân.

Nêu những thông điệp hòa bình, đoàn kết, tránh kích động

Trong lúc tình hình đang diễn biến căng thẳng, đã có những sự kích động, lợi dụng sự kiện giàn khoan hải dương - 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam để gây rối trong đất liền, chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước trong hòa bình của chúng ta. Việc thể hiện lòng yêu nước là rất đáng quý, nhưng những hành động lợi dụng lòng yêu nước để kích động gây rối là điều cần nhìn nhận rõ ràng và loại trừ. Các phương tiện thông tin - truyền thông đã làm tốt công tác này, góp sức cùng với các cơ quan thực thi luật pháp ổn định tình hình. Dù rằng “kẻ thù buộc ta ôm cây súng” như lời một bài hát cách đây 35 năm nhưng khát vọng hòa bình, ổn định và phát triển của nhân dân Việt Nam không hề thay đổi. Những tiếng nói của nhân dân đồng lòng với Chính phủ bảo vệ chủ quyền đất nước đã được các phương tiện thông tin - truyền thông nêu khá đậm trong thời gian qua càng làm sáng rõ điều đó.

Qua việc tuyên truyền đa diện, với tần suất và dung lượng lớn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, các báo, đài cùng góp phần đoàn kết dân tộc, tăng sức mạnh để bảo vệ chủ quyền. Đặc biệt, các báo, đài của người Việt ở nước ngoài, sau chuyến đi thực tế trên quần đảo Trường Sa được Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức từ ngày 19 đến ngày 27-4-2014, đã có nhiều bài nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc để chung tay bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. 

*

Nền báo chí, thông tin - truyền thông không rời xa mục tiêu phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Với “đề tài nóng” hôm nay là cuộc đấu tranh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, báo chí - truyền thông đang không ngừng góp sức. Con đường đấu tranh của chúng ta chưa thể kết thúc mà còn kéo dài do những mưu đồ đen tối của nhà cầm quyền Trung Quốc. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta vẫn đang tiếp tục và báo chí - truyền thông vẫn cập nhật tình hình từng giờ. Việc tuyên truyền nêu cao chính nghĩa của chúng ta đòi hỏi cả nền báo chí - truyền thông đến từng phóng viên kiên trì, tỉnh táo và cương quyết. Những “điểm nhấn” thành công đã có trong thời gian qua cần được làm đậm thêm, mở rộng hơn.

TS. Ngô Vương Anh

Báo Nhân dân


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả