Bên anh
Trần Thanh Phan
Đầu năm 1968, đồng chí Lê Đức Thọ (anh Sáu), Uỷ viên Bộ Chính trị vào R làm Phó Bí thư Trung ương Cục. Lúc này anh Sáu không khoẻ, chưa thích nghi ngay được với môi trường khí hậu, thời tiết ở rừng rậm, nước độc. Thư ký của anh cho tôi biết anh Sáu là người rất yêu thơ. Ở Hà Nội, sau những giờ làm việc, lúc giải trí hay nghỉ ngơi, anh Sáu thường tìm đọc, hoặc nghe ngâm thơ trên đài và thỉnh thoảng làm thơ. Mỗi lần chăm sóc sức khoẻ cho anh, bác sĩ đều mở cátsét đã ghi sẵn những giọng ngâm thơ anh ưa thích, vặn nhỏ vừa đủ để anh nghe, vì đó cũng là một trong những cách trị liệu góp phần làm giảm bệnh mất ngủ thường xuyên của anh.
Đồng chí Lê Đức Thọ tại lớp học Đảng dân chính ở Mỹ An,
Đồng Tháp Mười, năm 1949
Vốn biết tôi đã cùng công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng năm 1955, thư ký của anh nhờ tôi tìm giúp những bài thơ hay nói về miền Nam để phục vụ anh Sáu giải trí và chữa bệnh.
Một tuần sau, vào buổi tối, tôi được gọi sang gặp anh Sáu. Tôi chưa kịp chào thưa thì anh đã bảo những bài thơ tôi gửi cho anh, anh đọc, nghe, ngâm gần hết. Anh nói những bài thơ của một số tác giả như Bảo Định Giang, Lê Anh Xuân, Viễn Phương, Hoài Vũ... nói chung là tốt về nội dung và ý thơ, rồi đột nhiên anh hỏi tôi có thích, có yêu thơ không? Tôi thưa với anh rằng, vì yêu thơ nên từ hồi còn là học sinh đến khi tham gia kháng chiến, tôi thường sưu tầm, ghi chép lại những bài thơ mà tôi tâm đắc. Thời gian ở Văn phòng Trung ương Cục, thỉnh thoảng cao hứng, tôi cũng có làm một số bài nhưng chỉ để tự sự và lưu niệm cho riêng mình hoặc trao đổi thân mật với bạn bè yêu thơ. Vừa dứt lời, thấy bác sĩ đến, tôi định ra về, thì anh bảo tôi nán lại vài phút và dặn dò, động viên tôi giúp việc cho anh Bường thật tốt. Anh Bường là một đồng chí chân chất, là một lãnh đạo hoạt động lâu năm được Trung ương tin yêu, đồng chí quý mến, được làm việc, tiếp cận với anh, tôi sẽ học tập được nhiều điều, nhiều kinh nghiệm để rèn luyện bản thân và áp dụng trong công tác.
Được tin anh Sáu trở ra Hà Nội chuẩn bị đi Pháp trên cương vị Cố vấn đặc biệt của phái đoàn ta tại Hội nghị Pari, tôi sang chào tạm biệt anh. Anh lại gợi chuyện về thơ, bảo tôi nếu có những bài thơ hay trong Nam thì nhớ gửi ra cho anh. Anh nhờ anh Tư Thắng, Ban An ninh R, lúc ấy cũng có mặt, chụp anh và tôi một kiểu ảnh. Thư tôi gửi ra Bắc cho gia đình thì nhờ anh Bảo chuyển hộ. Có dịp thuận tiện, anh sẽ đến thăm gia đình tôi.
Một sáng ở R, đọc tin tức được biết "ông Lê Đức Thọ" và phái đoàn ta đã đến Pháp dự Hội nghị Pari, tôi vội viết vài dòng thơ tựa đề Nhớ anh gửi ra Bắc cho anh. Lúc đồng chí Mai Chí Thọ đi họp ở Trung ương trở về, anh Sáu có nhắn lời thăm tôi, cho biết đã nhận được các bài thơ tôi gửi cho anh và gửi tặng tôi một chiếc đồng hồ Liên Xô mà mãi đến nay tôi còn trân trọng giữ gìn như một bảo vật quý giá cho riêng mình. Năm 1974, tôi được ra Bắc trị bệnh và không quên mang theo nhiều bài thơ của các tác giả tên tuổi ở miền Nam theo lời dặn của anh khi tạm biệt anh ở R năm xưa. Biết tôi vừa ra Bắc, anh Sáu cho Ban Thống nhất đón tôi đến gặp anh tại nhà riêng. Một sáng mùa thu Hà Nội, lần này đến thăm và trước khi chào tạm biệt anh Sáu ra về, trong tôi vẫn còn lâng lâng lắng đọng kỷ niệm năm xưa ở R như khi đến thăm chào trước khi anh trở lại miền Bắc:
Giữa rừng bát ngát mênh mông
Bên anh vẫn sưởi ấm lòng kính yêu.
Vâng! Dù nay anh đã đi xa, mãi mãi vẫn "bên anh".
Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;
Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực