Bồi đắp văn hóa qua việc giảng dạy tác phẩm dân gian

Ngày đăng: 24/07/2014 - 10:07

GS, TS. Lê Chí Quế - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Văn học, ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, nói về việc bồi đắp vốn văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Boi dap vhoaGS, TS. Lê Chí Quế


Đặt tác phẩm truyền thống trong bối cảnh ra đời

Trong đời sống văn hóa của dân tộc thời kì nào cũng vậy, có những lúc thịnh, suy khác nhau, nhưng nhìn chung, nước ta có một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Vốn văn hóa truyền thống không những không bị mất đi mà còn ngày càng trở nên đa dạng, phong phú bởi sự hiện diện và bồi đắp thêm bởi nhiều yếu tố văn hóa mới. Không thể phủ nhận rằng, từ khi chữ viết ra đời, gắn với đó là nền văn học viết, những giá trị văn hóa của con người đã chính thức được lưu giữ một cách tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, văn học dân gian lại có tác động mạnh mẽ hơn cả trong việc bồi đắp tư tưởng con người, ngay từ khi còn là đứa trẻ trong nôi. Nói đến văn học dân gian, không thể không nhắc tới những câu ca dao, dân ca, đồng dao, truyện cổ tích... giống như một mạch chảy, giá trị của những sáng tác này đã được lưu giữ và phổ biến trong mọi thời đại.

Thời gian gần đây có nhiều ý kiến lên tiếng về việc nên hay không nên sửa lại một số truyện cổ tích vì băn khoăn về tính nhân văn trong đó. Trước tiên, một tác phẩm văn học dân gian hãy đặt nó vào bối cảnh dân gian, vào cái nền văn hóa - đạo đức truyền thống mà xét. Bởi nó ra đời từ quần chúng nhân dân. Một tác phẩm văn học truyền khẩu thì không thể tìm đâu ra được "văn bản gốc” và định danh tác giả được. Tác phẩm dân gian nhiều khi không phải do một người sáng tác; có thể do một nhóm người, nhiều nhóm người "đồng tác giả”. Tác phẩm có thể được ra đời qua nhiều năm, mỗi người góp thêm một ít, qua năm tháng dày thêm. Cũng như các loại hình văn học dân gian khác, truyện dân gian được hình thành từ trong quần chúng nhân dân lao động, phản ánh các mặt đời sống xã hội, là tiếng nói của đại đa số quần chúng, phản ánh nguyện vọng của quần chúng. Do vậy, việc tôn trọng với văn bản gốc, tôn trọng cái kết quen thuộc từ trước tới nay, đó chính là sự tôn trọng vốn văn hóa truyền thống mà cha ông đã lưu lại trong các tác phẩm này. Tôi cũng không đồng tình với nhìn nhận áp đặt của một số nhà soạn sách trong thời gian qua, khi họ cho rằng: một số tác phẩm văn học dân gian chứa đựng những yếu tố thô, hoặc cổ súy con người làm điều xấu... Khi nhìn nhận vấn đề, cần đặt nó vào trong cái tổng thể để xác định giá trị và hiểu hơn về vốn văn hóa của thời đại lúc đó.

"Chế” tác phẩm, đừng lạ hóa với văn hóa truyền thống

Tuy nhiên, thái độ ứng xử với vốn văn hóa truyền thống thực tế hiện đang bị mặt trái của cơ chế thị trường bào mòn và làm cho lệch lạc. Như trên đã nói, văn học dân gian do không được ghi chép cụ thể, nên tồn tại nhiều dị bản. Việc sửa đổi một tác phẩm có thể là hay, hoặc không hay, nhưng tuyệt đối không được đi ngược lại với tư tưởng và vai trò giáo dục của tác phẩm. Phải thừa nhận rằng, trong từng hoàn cảnh, người dân đã rất sáng tạo, khi vận dụng tứ ca dao, dân ca dân gian để sáng tạo nên những câu mới mang tính mục đích rõ rệt. Điển hình từ câu "Cháy nhà ra mặt chuột”, hiện biến thành "Cháy nhà ra tham nhũng”, "cháy nhà ra thất nghiệp”... thuộc loại vô thưởng vô phạt, hoặc mang tính giải trí... Tuy nhiên, có kiểu "chế” như thời gian vừa qua đối với tập 6 thuộc bộ sách "Đồng dao dành cho trẻ mầm non” với nhiều câu ca không lành mạnh và ảnh hưởng xấu tới tính giáo dục của sách. Loại hình nghệ thuật nào cũng vậy. Chức năng giải trí luôn song hành với giáo dục. Giới tự nhiên thì có chọn lọc tự nhiên, còn trong xã hội loài người, tính thanh lọc, "gạn đục, khơi trong” càng rõ rệt và mạnh mẽ.

Số lượng câu ca dao, tục ngữ lưu truyền rất nhiều. Những câu hay sẽ trường tồn với thời gian, những câu không hay hoặc độc hại thì sẽ không được được tiếp nhận hoặc bị đào thải. Bản thân những người nghiên cứu thì phải đọc hết, đọc để thấy được cái tốt, cái xấu để lựa chọn và đưa đến cho độc giả. Năm ngoái, tôi cũng được báo chí hỏi ý kiến về vấn đề nên hay không nên việc đưa một số nội dung trong bộ sách vào giảng dạy cho trẻ. Tôi đã phản đối ngay những suy nghĩ có thể đưa bộ sách vào giảng dạy với mục đích giải trí, bởi tâm hồn của trẻ không thể đem so sánh với người lớn, và càng không thể ví như nhà nghiên cứu. Bởi vậy, việc lựa chọn nội dung gì nên và không nên đưa vào là rất quan trọng. Tôi luôn ủng hộ việc giới thiệu và cho trẻ đọc thật nhiều các sáng tác dân gian, bởi giống như một nguồn nước mát, chính văn học dân gian là yếu tố góp phần bồi đắp tâm hồn cho trẻ ngay từ thuở đầu đời. Thực tế cũng đã minh chứng, trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục với lời ru của bà, của mẹ sẽ giúp đứa trẻ biết yêu thương và thân thiện hơn. Ở một góc độ nào đó, việc bồi dưỡng văn hóa dân tộc được tác động trực tiếp và thường xuyên nhất, chính là những tháng ngày trẻ ngồi trên ghế nhà trường. Dưới góc độ của một nhà giáo, tôi cho rằng, người dạy trẻ cần phải hiểu rõ, nắm chắc vấn để để đủ sức lý giải đúng cho trẻ về những tác phẩm của văn học của dân gian. Nhưng trên cả, đó chính là hiểu về vốn văn hóa của dân gian gắn với từng thời điểm, qua đó để giải thích cho trẻ, chứ không phải là áp đặt những cái nhìn mới, lệch lạc vào tác phẩm.

Vũ Trần (ghi)

(Theo Đại Đoàn Kết)



 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả