Biến đổi khí hậu - mối đe dọa toàn cầu
Hiện tượng biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường khắp các châu lục, đe dọa trực tiếp cuộc sống của hàng tỷ người trên trái đất. Giảm thiểu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người, an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cũng như hệ sinh thái đang là vấn đề “nóng” của nhân loại.
Hiện tượng băng tan - một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác… Cùng với sự gia tăng dân số, sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa mạnh mẽ trên toàn cầu, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Hiểm họa rình rập khắp mọi nơi
Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đã tác động đến mọi khu vực trên thế giới và nhiều lĩnh vực của đời sống con người. “Nạn nhân” lớn nhất của biến đổi khí hậu chính là các đại dương. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) mới đây công bố nghiên cứu “Những quan sát trực tiếp về biến đổi khí hậu và sự bền vững của hệ sinh thái biển lớn”, cảnh báo các hiểm họa từ biến đổi khí hậu đối với môi trường sống ở biển và đại dương trên thế giới cũng như nguồn cung hải sản toàn cầu.
Nghiên cứu của UNDP chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa trực tiếp cuộc sống của hàng tỷ người trên trái đất hiện sống phụ thuộc vào nguồn thu nhập hằng năm trị giá 12 nghìn tỷ USD từ các hệ sinh thái biển lớn. Nghiên cứu đã phát hiện những thay đổi lớn và nghiêm trọng trong phân bố nguồn cá và sự suy thoái nghiêm trọng của môi trường sống ven biển do tác động của nước đại dương nóng lên. Phần lớn các đàn cá mòi ở Tây Phi đã di chuyển khỏi các ngư trường truyền thống và hiện trạng này làm Tây Phi mất đi nguồn cung cấp protein quan trọng. Trong khi đó, ở châu Á, an ninh lương thực của hàng triệu người Ấn Độ sống ở ven vịnh Bengan bị đe dọa nghiêm trọng do sản lượng đánh bắt cá bị suy giảm mạnh. Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng mưa tăng làm giảm hàm lượng muối trong nước biển ở vịnh này khiến lượng dinh dưỡng nuôi các nguồn hải sản bị suy giảm.
Các rạn san hô và các loài động vật biển có nguy cơ biến mất do biến đổi khí hậu?
Biến đổi khí hậu đã làm nghiêm trọng hơn nữa vấn đề nước vốn đã hết sức căng thẳng của các quốc đảo Thái Bình Dương. Theo Giám đốc Văn phòng Chương trình Môi trường liên hợp quốc (UNEP) khu vực châu Á - Thái Bình Dương Park Young - woo, thách thức về nguồn nước ngọt mà khu vực đang phải đối mặt thực sự nghiêm trọng. Các quốc đảo Thái Bình Dương không chỉ hạn chế về nguồn lực con người, tài chính và quản lý mà còn bị hạn chế về nguồn nước. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nước mưa, đã đặt các nền kinh tế và cuộc sống của nhân dân các quốc đảo trước nhiều hiểm họa. Gần 10% số ca tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi ở các quốc đảo này bắt nguồn từ các nguyên nhân liên quan đến nước và 90% các ca tử vong còn lại liên quan đến mất vệ sinh. Nghiên cứu của UNDP cũng nhấn mạnh các nguy cơ khác của biến đổi khí hậu bao gồm: nước biển dâng cao, xói mòn bờ biển, tác động tiêu cực của khí thải CO2 làm tăng độ axít ở một số vùng nước trên thế giới.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) cho biết, đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại về vật chất lên đến 100 tỷ USD hằng năm đối với khu vực Mỹ Latinh và Caribê nếu như nhiệt độ trung bình tăng thêm 20C (3,6 độ F) so với thời kỳ tiền công nghiệp. Báo cáo của BID cho biết tuy khu vực chỉ thải ra 11% lượng khí thải toàn cầu gây hiệu ứng nhà kính, nhưng lại là nơi chịu tác động nhiều nhất do vị trí địa lý và sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sự biến mất của các quần thể san hô tại vùng biển Caribê và của một số dòng sông băng ở dãy núi Andes và sự phá hủy tại lưu vực sông Amazon là những minh chứng cụ thể nhất về tác động của biến đổi khí hậu. Đến năm 2050, thiệt hại ròng hằng năm trong xuất khẩu nông nghiệp tại Mỹ Latinh và Caribê do biến đổi khí hậu sẽ là 30-52 tỷ USD và mức thiệt hại này có thể hạn chế những lựa chọn về phát triển và tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như các dịch vụ của các hệ sinh thái trong khu vực.
Nhiều nước châu Á cũng đang trở thành "nạn nhân" của biến đổi khí hậu. Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc (UN HABITAT) vừa cảnh báo, biến đổi khí hậu đã thực sự đe dọa dân cư các đô thị ở châu Á, đặc biệt là người nghèo. Dân cư sống ở các khu vực ven đô dễ bị tổn thương nhất do thiếu kết cấu hạ tầng hiện đại, nguồn nước, các điều kiện vệ sinh so với khu vực nội đô. Theo dự báo của UN HABITAT, vào năm 2020, trong tổng số 4,2 tỷ dân cư đô thị toàn cầu, có 2,2 tỷ người sống ở các đô thị châu Á. Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng hơn các vấn đề đất đai và tái định cư ở châu Á. Vì vậy, các nước châu Á cần khẩn cấp thúc đẩy các chiến lược thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu không chỉ ở nông thôn mà cả ở các đô thị. Các thành phố không bền vững về xã hội đồng nghĩa với không bền vững về môi trường. Nguy cơ dễ bị tổn thương đều liên quan trực tiếp đến số người nghèo ở các đô thị và mức độ họ bị ảnh hưởng trước tác động của biến đổi khí hậu. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, vào năm 2050 sẽ có 1,4 tỷ người Ấn Độ sống trong các khu vực bị tác động của biến đổi khí hậu, trong đó 820 triệu người, chiếm 48% trong tổng số 1,7 tỷ dân của Ấn Độ theo dự báo, sẽ sống trong 6.500 khu định cư ở các đô thị dễ bị tổn thương về khí hậu.
Thách thức lớn với loài người
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hỗ trợ phát triển (DARA) Mêhicô, quá trình nóng lên của trái đất đã cướp đi sinh mạng của 5 triệu người mỗi năm, trong khi nền kinh tế nhiều khí thải cũng làm 4,5 triệu người thiệt mạng do khí thải độc hại làm ô nhiễm môi sinh, gây nhiều bệnh tật. DARA nhấn mạnh, nếu không hành động kịp thời để ngăn chặn quá trình này, thiệt hại vật chất đối với nền kinh tế thế giới trong vài năm tới có thể chiếm đến trên 1,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và tăng gấp đôi vào năm 2030, trong đó các nền kinh tế đang phát triển có thể gánh chịu hậu quả nặng nề hơn với con số dự báo trên 11% GDP vào năm 2030. Riêng với Mêhicô, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại lên tới 318 tỷ USD vào năm 2030 và quốc gia Bắc Trung Mỹ này sẽ là nước thứ ba trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do quá trình này, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Tình trạng biến đổi khí hậu đang đặt ra các thách thức lớn với loài người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Phát biểu tại Hội nghị về biến đổi khí hậu ở Doha (Cata), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng” về tình trạng trái đất nóng lên, đồng thời yêu cầu các nhà đàm phán đang có nhiều tranh cãi cần thể hiện “cam kết chính trị mạnh mẽ” và thỏa hiệp. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết biến đổi khí hậu đang “diễn ra nhanh hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều”. UNDP cũng chỉ ra rằng, hiểm họa đang tăng lên và tác động của biến đổi khí hậu đến các đại dương đòi hỏi thế giới đầu tư khẩn cấp vào nền kinh tế xanh để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời đạt được các mục tiêu phát triển nhưng vẫn bảo đảm sự bền vững của môi trường.
Các chuyên gia Liên hợp quốc nhấn mạnh trách nhiệm đối phó với thách thức, xây dựng xã hội có khả năng ngăn ngừa, làm giảm hoặc phục hồi nhanh trước tác động của biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần thuộc về các chính phủ. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng hiện nay, các nước cần tăng cường nguồn vốn xã hội cho cuộc chiến này thông qua đào tạo nguồn nhân lực tốt, sẵn sàng đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Các chiến lược ngăn ngừa và thích nghi với biến đổi khí hậu cần phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương và được xây dựng dựa trên sự tham gia của các đối tác đa dạng, chia sẻ nền tảng tri thức chung về nguy cơ biến đổi khí hậu và khả năng dễ bị tổn thương của các đô thị. Để chống lại các tác động nguy hại của biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như các chính phủ đã chi hàng trăm tỷ USD mỗi năm cho các chương trình phát triển năng lượng xanh, tài trợ các nước đang và kém phát triển ngăn ngừa, khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu..
Tuy nhiên, số tiền đầu tư nêu trên hiện mới chỉ như “muối bỏ biển” so với nhu cầu thực tế. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 21-1-2013 công bố báo cáo cho thấy, mỗi năm thế giới cần phải chi thêm 700 tỷ USD để tìm kiếm các biện pháp thay thế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, được cho là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, các đợt nắng nóng bất thường và hiện tượng mực nước biển dâng trên toàn cầu. Theo báo cáo, khoản chi thêm 700 tỷ USD mỗi năm là cần thiết để thúc đẩy sử dụng các loại năng lượng mới và mang lại hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn trong các lĩnh vực như: xây dựng, công nghiệp và giao thông vận tải. Một phần trong số tiền này sẽ được dùng để đầu tư phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời...
Cùng với việc điều chỉnh chính sách phát triển, đầu tư tiền bạc, một vấn đề quan trọng nữa là các chính phủ trên toàn cầu cần phải cam kết và thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận về cắt giảm khí thải nhà kính - “thủ phạm” chính gây biến đổi khí hậu. Cuối năm 2012, tại Hội nghị lần thứ 18 Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-18) tại Thủ đô Doha của Cata, các nước đã cam kết gia hạn Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đến năm 2020. Theo nhận định của các nhà quan sát, đây là thắng lợi có tính biểu tượng cho nỗ lực của thế giới trong việc chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, từ cam kết đến hành động còn khoảng cách dài, đòi hỏi Liên hợp quốc, tất cả các chính phủ, người dân trên toàn cầu phải nỗ lực nhiều hơn nữa, mới có thể bảo vệ hành tinh xanh trước những hiểm họa khủng khiếp của biến đổi khí hậu.
Nguyễn Trung
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực