Bảo đảm kỹ thuật góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công

Ngày đăng: 29/01/2013 - 11:01

Trước tình hình chuyển biến ngày càng có lợi cho ta, sau thắng lợi đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của Mỹ trong các mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương tập trung lực lượng tiến công đồng loạt, bất ngờ vào các đô thị, hướng trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và sử dụng chủ lực kìm chế, thu hút địch ở các chiến trường rừng núi (Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ)... Cùng với việc nâng cao khả năng tác chiến của bộ đội chủ lực, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng tập trung chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Để chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho cuộc Tổng tiến công, Quân ủy Trung ương quyết định đẩy mạnh việc vận tải cơ giới trên tuyến chi viện chiến lược, kéo dài thêm cung vận tải ô tô vào đến Chà Văn chuyển hàng cho Khu 5, đồng thời tăng thêm lực lượng cao xạ, công binh, thông tin, bổ sung thêm xe vận tải cho Đoàn 559 lên đến 5.372 xe, số đơn vị vận tải tăng lên 5 tiểu đoàn. Đoàn 559 thành lập 9 binh trạm, xây dựng 2.959km đường ô tô chính, 445km đường trục phụ, 882km đường trục ngang, 576km đường vòng tránh, 450km đường vào kho. Toàn tuyến bước vào kế hoạch vận tải mùa khô 1967-1968 với khối lượng trên giao là 61.000 tấn, tăng gấp hai lần so với mùa khô 1966-1967.

 Bao dam ky thuat gop phan quan trong

Dân công Chợ Gạo (Mỹ Tho) tải đạn phục vụ chiến trường trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu.

Trên chiến trường Nam Bộ, Trung ương Cục quyết định giải thể Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định để thành lập các phân khu. Mỗi phân khu đều tổ chức Phòng Hậu cần có nhiệm vụ bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật, đạn dược cho các lực lượng vũ trang chiến đấu trên địa bàn. Đảng ủy Cục Hậu cần Miền động viên cao độ toàn bộ lực lượng, phương tiện để tập kết vũ khí trang bị đến các địa điểm, bảo đảm thời gian cho các đơn vị theo kế hoạch đã định và chỉ đạo các đoàn hậu cần tích cực tiếp nhận, vận chuyển vũ khí về những địa điểm quy định, để dự trữ. Hậu cần Miền thành lập 8 đại đội vận tải cơ giới với 139 xe ô tô, 10 tiểu đoàn và 10 đại đội vận tải thồ với 4.412 xe đạp, 8 đại đội công binh làm đường. Tại miền Đông Nam Bộ, ta đã xây dựng được 500km đường vận tải cơ giới, 280km đường thồ xe đạp và 350km luồng vận tải đường sông. Tuyến tải 50 giao cho Phân khu 1 được 300 tấn, Phân khu 5: 105 tấn, Đoàn 83: 144 tấn; Tuyến tải 60 giao cho Phân khu 5: 142 tấn, thị xã Biên Hòa: 212 tấn, Sư đoàn 5: 41,5 tấn, tỉnh Bà Rịa: 25 tấn, Đoàn 81: 11,5 tấn; Tuyến tải 70 giao Phân khu 5: 98 tấn, Trung đoàn miền Đông: 21 tấn và để tại kho Đoàn 50: 155 tấn, kho Đoàn 82: 103 tấn. Số lượng vũ khí trên đã bảo đảm biên chế trang bị cho mỗi sư đoàn có 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm, mỗi trung đoàn có 18 khẩu B41, các đại đội có 9 khẩu B40; mỗi tỉnh được trang bị 70 khẩu B40, các tiểu đoàn tỉnh được trang bị phổ biến là ĐKZ 75, cối 82mm, trọng liên 12,7mm. Hậu cần các phân khu, đặc biệt là Phân khu 6 bí mật đưa vũ khí vào cất giấu ở 25 địa điểm trong nội đô Sài Gòn - Gia Định; riêng đơn vị A10 đã đưa vào nội thành 450kg thuốc nổ, 150 súng K54, AK, 3 khẩu cối 81mm và 1 khẩu ĐKZ với 90 quả đạn bằng 20 chuyến xe bò. Đến trước ngày nổ súng, Bộ tư lệnh Miền và các đoàn hậu cần đã huy động 1.080 người tham gia phục vụ chiến đấu và chuẩn bị được 5.079 tấn vũ khí, đạn dược; các LLVT được bổ sung 50.000 súng bộ binh, nhiều súng chống tăng B40, B41, đạn cối 120mm, đạn hỏa tiễn ĐKB, H12.

Trên chiến trường Khu 5, lực lượng kỹ thuật tiến hành bảo đảm trang bị mới cho Trung đoàn 557 pháo hỏa tiễn ĐKB, Trung đoàn Đặc công 401 độc lập… Lực lượng vận tải hành lang cùng lực lượng vận tải các đơn vị trực tiếp nhận vũ khí đạn tại tuyến chiến lược đưa thẳng về đơn vị. Các mặt trận, địa phương, đơn vị đều có hệ thống kho dự trữ, vũ khí đạn, hệ thống xưởng quân giới sản xuất, sửa chữa vũ khí... Từ các binh trạm hậu cần triển khai trên các địa bàn trước đây, hậu cần chiến trường Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, các trung đoàn chủ lực tại các địa phương tổ chức tiếp nhận, lập các kho dự trữ vũ khí đạn dược chuẩn bị cho các hướng đánh vào các thị xã, thị trấn. Ở chiến trường Trị - Thiên, được Đoàn 559 trực tiếp chi viện, hậu cần Quân khu 5 đã tổ chức tiếp nhận hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược và lập các kho dự trữ ở A Sầu, A Túc, Động Cô Tiên... bảo đảm trang bị cho các đơn vị tham gia chiến đấu (riêng ở Huế trang bị được 8 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn ĐKB, 3 tiểu đoàn đặc công và các đơn vị khác).

Ngoài ra, lực lượng kỹ thuật còn tiến hành bảo đảm tốt vũ khí, đạn dược cho bộ đội mở chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh, chiến dịch Lộc Ninh - Đường 13, bảo đảm cho Sư đoàn 2 mở chiến dịch Quế Sơn. Đặc biệt, Tổng cục Hậu cần tiền phương, Đoàn 559 thực hiện bảo đảm cho chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh được 6.800 tấn vũ khí, đạn dược và các loại vật chất trang bị khác.

Đêm Giao thừa Tết Mậu Thân (đêm 30 rạng ngày 31-1-1968) quân và dân miền Nam bất ngờ, đồng loạt tiến công kết hợp với nổi dậy ở 4 thành phố (trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định và Huế), 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn; tập trung đánh vào nội thành và các cơ quan đầu não, các căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng lớn, nhiều sở chỉ huy cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn của địch... Trong quá trình chiến đấu, lực lượng bảo đảm kỹ thuật dựa vào nhân dân, theo sát các đơn vị chiến đấu tổ chức tiếp tế vũ khí, đạn dược, nhất là lực lượng đặc công, biệt động chiến đấu nhiều ngày trong thành phố, thị xã.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một đóng góp quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu cho các lực lượng vũ trang giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, buộc Mỹ phải chấp thuận đàm phán với ta ở hội nghị Pa-ri… Đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm về tổ chức, bảo đảm kỹ thuật cho các chiến dịch sau này.

NGÔ NHẬT DƯƠNG

Theo QĐND online


Bình luận