Bảo đảm đạn tên lửa cho chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" bảo vệ thủ đô Hà Nội

Ngày đăng: 21/12/2012 - 14:12

Trước những thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ xâm lược trên cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam, ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon chính thức thông qua kế hoạch tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng nhằm phá hủy tiềm lực kinh tế quốc phòng của miền Bắc, làm suy giảm tối đa sự chi viện của miền Bắc cho các chiến trường, gây sức ép về chính trị, quân sự và tâm lý buộc Chính phủ ta phải nối lại đàm phán ở Pari và chấp nhận các điều kiện có lợi cho Mỹ.

tu-ve-ha noi

Tự vệ thành phố Hà Nội sát cánh cùng Bộ đội pháo cao xạ chiến đấu năm 1972

Nhận rõ thái độ của chính quyền Mỹ, ngay từ trước tháng 11-1972, Quân ủy Trung ương, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã kịp thời tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu đánh B52. Những vấn đề về bảo đảm vũ khí khí tài, cách đánh của tiểu đoàn tên lửa đều được trao đổi kỹ.

19 giờ 40 phút ngày 18-12-1972, đế quốc Mỹ huy động nhiều tốp máy bay ồ ạt trút bom xuống Thủ đô Hà Nội vào các sân bay Nội Bài, Gia Lâm, Hòa Lạc, các khu vực: Đông Anh, Yên Viên, Đức Giang, cơ sở phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam... Các ngày sau đó, hàng trăm lượt máy bay tiếp tục đánh phá nội, ngoại thành Hà Nội. Đặc biệt, đêm 26-12, địch sử dụng 105 lần chiếc B52 và 110 lần máy bay chiến thuật đánh ồ ạt, liên tục đồng thời từ nhiều hướng và đánh tập trung một đợt vào nhiều mục tiêu trên cả ba khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Đây là trận lớn nhất của trận tập kích đường không chiến lược của địch. Cả Thủ đô Hà Nội rung chuyển do bom địch.

Ngay từ đợt tập kích đầu tiên, mặc dù B52 được các máy bay tiêm kích hộ tống, lại được hệ thống nhiễu điện tử dày đặc phủ kín đội hình, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các khí tài, lực lượng tên lửa phòng không của ta đã vạch nhiễu, tìm đúng máy bay địch để tiêu diệt. Tên lửa cùng các cỡ đạn của quân dân bắn lên, bầu trời Hà Nội sáng rực. Chiếc máy bay B52 đầu tiên trúng đạn tên lửa bốc cháy rơi xuống xã Định Công, Thanh Trì. Người dân Hà Nội bất chấp nguy hiểm chạy ra khỏi hầm trú ẩn, reo mừng mỗi khi B52 bốc cháy và rơi tại chỗ.

Cuộc chiến đấu quyết liệt, liên tục trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân dân ta đánh thắng giòn giã, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111. Riêng lực lượng phòng không Hà Nội lập công đầu, bắn rơi 25 máy bay B52, phần lớn rơi tại chỗ. Thất bại đau đớn trong cuộc tập kích máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng cùng với những thất bại ở chiến trường đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Đến 7 giờ sáng ngày 30-12-1972, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyến bố ngừng ném bom và đề nghị nối lại Hội nghị Pari.

Góp phần rất lớn vào thắng lợi trên, công tác bảo đảm đạn tên lửa cho chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” thực sự là một hoạt động toàn diện sớm được triển khai chuẩn bị. Quân chủng xác định lực lượng chủ yếu nhất đánh B52 là tên lửa để đi sâu vào nghiên cứu dùng tên lửa đánh B52. Ngày 22-11-1972, Trung đoàn 263 đã bắn rơi 2 máy bay B52, tạo lòng tin cho toàn Quân chủng, từ đó hoàn chỉnh phương án đánh B52. Bên cạnh đó là chuẩn bị bảo đảm trang bị, từ cải tiến rađa, triển khai tên lửa tăng lực lượng chiến đấu, tăng năng suất lắp ráp, kiểm tra sửa chữa, bảo đảm trang bị cho mỗi tiểu đoàn luôn sẵn có cơ số đạn đang lắp ráp. Quân chủng tiến hành tổ chức hội nghị các tiểu đoàn kỹ thuật1 bảo đảm đạn cho đánh lớn, tổ chức sửa chữa lưu động và đôn đốc các công trường sửa chữa đạn.

Quân chủng cũng quyết định điều công trường sửa chữa đạn về Tiểu đoàn 80 Trung đoàn 257 để tăng cho tiểu đoàn thêm một dây chuyền lắp ráp. Đồng chí Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật được phân công đặc trách bảo đảm đạn tên lửa. Một đoàn gồm nhiều thợ giỏi cùng 2 xe sửa chữa đạn sẵn sàng chi viện cho các cơ sở. Các đội sửa chữa lưu động của các xưởng A34, A35, A37, A31 cùng các xe sửa chữa luôn ở tư thế sẵn sàng lên đường xuống các đơn vị hỏa lực và kỹ thuật để sửa chữa, khắc phục hư hỏng. Xưởng A34 nghiên cứu sản xuất thành công hàng trăm chốt cánh đạn chuyển cho A31 để kịp thời sửa chữa đạn tên lửa cho các đơn vị. Cùng với việc khẩn trương đẩy nhanh tốc độ lắp ráp đạn, việc phân định rõ và hợp lý các tuyến đường cho xe chở đạn đến các đơn vị hỏa lực cũng được xem xét cụ thể theo phương châm chống ùn tắc, hành trình ngắn nhất. Song song với lắp ráp đạn tại chỗ, Bộ tư lệnh Quân chủng còn điều đạn tên lửa từ Hải Phòng lên, từ Quân khu 4 ra và từ Lạng Sơn về cho Hà Nội.

Do sự viện trợ của nước bạn cho ta về đạn tên lửa (SAM2) thời gian này có phần hạn chế nên ta phải tận dụng số lượng đạn còn lại sau cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968), trong số này nhiều viên đã được lắp ráp và nạp nhiên liệu sẵn sàng chiến đấu nhưng đã hết thời hạn sử dụng. Với những viên đạn này, việc tăng hạn sử dụng hết sức phức tạp, trong khi chúng ta chưa có kinh nghiệm. Nhưng trước yêu cầu cấp bách của chiến dịch, với tinh thần lao động, chiến đấu đầy thông minh, sáng tạo, cán bộ kỹ thuật ta đã dựa vào tài liệu có sẵn, nghiên cứu thực hiện thành công “quy trình” tăng hạn sử dụng cho đạn. Cụ thể là làm ngược lại quá trình lắp ráp: trước hết là lấy nhiên liệu ra, rửa sạch các khoang chứa, sấy thật khô, rồi dùng thiết bị đặc biệt kiểm tra độ chịu đựng áp suất cao của từng khoang, tiếp theo là tháo rời tầng đuôi, đầu đạn, cánh lái, xếp gọn vào thùng, xong cặp chì lại. Bằng cách đó, có thể kéo dài tuổi thọ cho toàn bộ số đạn còn lại thêm được 48 tháng.

Với mọi biện pháp chuẩn bị tích cực, trước ngày 15-12-1972, Quân chủng đã bảo đảm cho Hà Nội có 2,2 cơ số đạn tên lửa.

Trong những ngày đêm diễn ra chiến dịch, nhu cầu tiêu thụ đạn tên lửa rất lớn, có tiểu đoàn hỏa lực ở Hà Nội trên bệ phóng không còn đạn. Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Quân chủng phải tìm mọi cách giải quyết đủ đạn cho các tiểu đoàn tên lửa và quyết định “tên lửa chỉ được dành để đánh B52”. Bộ tư lệnh Quân chủng lệnh cho các đơn vị tên lửa phải “hết sức tiết kiệm đạn”, yêu cầu các tiểu đoàn hỏa lực phải tính toán kỹ phần tử, bảo đảm viên đạn bắn trúng máy bay địch mới được hạ lệnh phóng.

Chấp hành chỉ lệnh của trên, các tiểu đoàn kỹ thuật trong điều kiện đóng quân ở nhiều địa điểm cách xa nhau nên phải gấp rút đẩy nhanh tốc độ lắp ráp. Việc tiến hành lắp ráp đòi hỏi phải bảo đảm đúng quy trình. Khi tiếp nhận đạn tên lửa viện trợ, các viên đạn đều ở trạng thái tháo rời từng bộ phận và được bảo quản trong thùng kín. Trước khi chuyển đến các tiểu đoàn hỏa lực, các viên đạn này được lắp ráp lại, kiểm tra hệ thống điện và vô tuyến điện, nạp nhiên liệu. Trước nhu cầu rất cao về đạn tên lửa cho chiến đấu, để rút ngắn thời gian lắp ráp một viên đạn tên lửa, Đại đội trưởng Dương Quang Châu cùng anh em trong tiểu đoàn nghiên cứu đưa ra sáng kiến lắp ráp đạn ngay trên xe kéo và hợp lý hóa một số quy trình kỹ thuật. Kết quả là năng suất lắp ráp đạn một ngày đêm tăng lên gấp đôi. Cục Kỹ thuật Quân chủng tăng cường lực lượng kỹ thuật cho các tiểu đoàn kỹ thuật bảo đảm cho mỗi tiểu đoàn đủ 2 dây chuyền lắp ráp, thậm chí có tiểu đoàn được tăng cường 3 đến 4 dây chuyền và tổ chức lắp ráp kiểm tra đạn liên tục 24 giờ trong ngày. Các tiểu đoàn kỹ thuật còn cải tiến quy trình lắp ráp, giảm bớt thời gian thao tác ở một số công đoạn, nên mỗi dây chuyền sản xuất tăng từ 8 viên đạn theo quy định lên 16 viên, 20 viên rồi đến 24 viên một ngày đêm.

Để bảo đảm đạn nhanh chóng, kịp thời, lái xe chở đạn trực sẵn ở các bãi lắp ráp, được viên nào tranh thủ vượt đạn bom đưa về đơn vị. Đạn về tới nơi, lập tức được nạp ngay vào bệ phóng, sẵn sàng chờ lệnh tìm, diệt B52. Do làm việc ngày đêm, cường độ làm việc căng thẳng, nhiều cán bộ, nhân viên của các tiểu đoàn kỹ thuật người gầy rộc đi vì mỏi mệt và thiếu ngủ. Để bảo đảm sức khỏe cho anh em, hậu cần Quân chủng nhanh chóng cung cấp thêm đường sữa, thịt hộp, lương khô, thuốc bổ… xuống tận nơi cho cán bộ, chiến sĩ. Nhờ những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật, các đơn vị hỏa lực kịp thời có đủ đạn để đánh B52.

Tại các tiểu đoàn hỏa lực, lệnh tiết kiệm đạn tên lửa được thực hiện rất nghiêm, nhưng việc đánh máy bay B52 lại rất hiệu quả. Rạng sáng ngày 21-12, khi từng tốp B52 đang nối tiếp nhau xuất hiện thì trên bệ phóng tên lửa của Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261) chỉ còn 2 viên đạn. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt hạ quyết tâm “mỗi viên đạn là một siêu pháo đài bay”. Chỉ trong vòng 5 phút, đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn phóng 2 tên lửa diệt 2 chiếc B52 (1 chiếc rơi tại chỗ). Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn H57) có 3 trận đánh xuất sắc: 4 giờ 30 phút ngày 19-12, Tiểu đoàn phóng 2 viên đạn, diệt 1 chiếc B52 rơi ở xã Tân Hưng (Thanh Oai). Cũng bằng 2 viên đạn, 20 giờ 34 phút ngày 20, Tiểu đoàn diệt thêm 1 chiếc B52 nữa rơi ở Vạn Thắng (Ba Vì). Đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, Tiểu đoàn phóng tiếp 2 viên đạn cuối cùng, thêm một B52 nữa rơi xuống thị xã Phúc Yên. Tiểu đoàn 72 (Trung đoàn H85) mới được điều lên tăng cường cho Hà Nội, đêm 27-12, bằng 2 phát đạn đã buộc một “siêu pháo đài bay” nằm phơi mình giữa làng hoa Ngọc Hà, cách quảng trường Ba Đình khoảng 600m. Năm 1973, Đại tá Xolorep, chuyên gia phòng không nước bạn từng nói: “Việt Nam nghèo nên phải đánh theo cách của con nhà nghèo, nhưng Việt Nam vẫn thắng, bởi vì các bạn Việt Nam rất thông minh, rất sáng tạo”2.

Thành công lớn của công tác bảo đảm đạn tên lửa cho chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” thắng lợi là do lực lượng kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân đã chắt lọc kinh nghiệm tích lũy được trong cả quá trình xây dựng và tác chiến của mình, tập trung chuẩn bị trước và trong thời gian chiến dịch để sáng tạo ra cách đánh, khai thác khả năng vũ khí trang bị kỹ thuật sẵn có để bảo đảm đủ cho chiến dịch.

 

Thượng tá, TS. NGÔ NHẬT DƯƠNG

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

 

1. Đối với các trung đoàn tên lửa phòng không, trong biên chế có các tiểu đoàn hỏa lực, tiểu đoàn sản xuất đạn (lắp ráp, sửa chữa) còn gọi là tiểu đoàn kỹ thuật. Trong chiến đấu, tiểu đoàn kỹ thuật có nhiệm vụ cung cấp đủ đạn đúng cod, phách bảo đảm kỹ thuật đạn cho các tiểu đoàn hỏa lực.

2. Lưu Trọng Lân: “Điện Biên Phủ trên không” chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 862.

 

Bình luận