Bóc lột là một hiện tượng kinh tế - xã hội mang tính lịch sử, đồng thời cũng là vấn đề khiến con người gặp nhiều khó khăn nhất trong cách nhìn nhận và ứng xử. Cuộc tranh luận về khái niệm bóc lột, các hình thức biểu hiện, chủ trương có cho phép tồn tại bóc lột trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hay không, đảng viên có được làm kinh tế tư bản tư nhân hay không… dường như luôn tạo ra những luồng ý kiến khác nhau bởi đây là những vấn đề hết sức phức tạp và rất nhạy cảm.
Bóc lột được hiểu là hành vi chiếm đoạt thành quả lao động của người khác bằng cách dựa vào quyền tư hữu về tư liệu sản xuất hoặc vào quyền hành, địa vị. Trên cơ sở nhìn nhận hiện tượng bóc lột và các quan hệ bóc lột dưới ánh sáng của tư duy lý luận mới, cuốn sách Bóc lột - Cách nhìn và ứng xử của tập thể các nhà nghiên cứu công tác tại Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự do Đại tá, PGS.TS. Lại Ngọc Hải làm chủ biên, đã coi bóc lột là hiện tượng kinh tế còn có vai trò nhất định đối với sự phát triển lực lượng sản xuất và phát triển kinh tế thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Cuốn sách không chỉ đề cập bản chất của bóc lột, những điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội làm nảy sinh bóc lột và chế độ người bóc lột người, các hình thức bóc lột trong lịch sử, mà còn đi sâu phân tích, đưa ra những tiêu chí, phương pháp luận trong cách nhìn nhận vấn đề bóc lột trên cả ba mặt: sở hữu tư liệu sản xuất, sử dụng lao động làm thuê, phân phối kết quả sản xuất.
Việc nghiên cứu vấn đề bóc lột, cũng như việc xem xét cách con người ứng xử với các quan hệ bóc lột, theo các tác giả, cần phải bắt đầu từ những nhận thức về chính hiện tượng kinh tế - xã hội này gắn với những điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội mà nó tồn tại. Với mục đích và nội dung như vậy, cuốn sách cho chúng ta có một cách nhìn khách quan, toàn diện, đúng đắn và đầy đủ về bóc lột.
Sách gồm 266 trang, giá 33.000đ.
GIAO LINH