Tác giả: Nguyễn Trường Giang (chủ biên)
Số trang: 356 trang
Giá tiền: 58.00đ
Nguồn nước ở các hệ thống sông quốc tế nằm trên lãnh thổ nước ta, trong đó có sông Hồng và sông Mê Công, bị đe dọa cả về số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và xác định cơ sở pháp lý quốc tế để bảo vệ nguồn nước sông Hồng và sông Mê Công, có một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nhằm mục đích cung cấp cho bạn đọc những thông tin tham khảo về vấn đề bảo vệ nguồn nước của Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Cơ sở pháp lý bảo vệ nguồn nước quốc tế của Việt Nam. Cuốn sách là công trình nghiên cứu pháp luật quốc tế và thực tiễn quốc tế nhằm đưa ra những cơ sở pháp lý quốc tế bảo vệ nguồn nước quốc tế của nước ta.
Cuốn sách gồm 3 chương:
Chương I: Nguồn nước quốc tế của Việt Nam và cơ sở pháp lý bảo vệ nguồn nước quốc tế của Việt Nam, phân tích thực trạng và các thách thức đối với nguồn nước quốc tế của Việt Nam, trong đó có các hệ thống sông quốc tế lớn nhất của nước ta. Đồng thời nêu ra một số biện pháp mà chúng ta cần tiến hành để bảo vệ nguồn nước của mình, trong đó có việc xác định cơ sở pháp lý quốc tế có thể vận dụng để bảo vệ nguồn nước quốc tế của Việt Nam.
Chương II: Cơ sở pháp lý bảo vệ nguồn nước sông Mê Công ở Việt Nam, giới thiệu, phân tích các nguyên tắc và quy định cụ thể được ghi nhận trong Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công năm 1995 và các văn bản thủ tục kỹ thuật thực thi Hiệp định kèm theo, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất bảo vệ nguồn nước từ hạ lưu sông Mê Công chảy vào lãnh thổ Việt Nam, đồng thời nêu một số biện pháp củng cố cơ sở pháp lý quốc tế bảo vệ nguồn nước này.
Chương III: Cơ sở pháp lý bảo vệ nguồn nước quốc tế của Việt Nam chưa được điều ước quốc tế hoàn chỉnh, nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại và những nguyên tắc của Luật về sử dụng các nguồn nước quốc tế đã được ghi nhận, áp dụng rộng rãi trong các điều ước quốc tế và trong thực tiễn quốc tế, đã trở thành các tập quán quốc tế - là cơ sở pháp lý duy nhất mà Việt Nam có thể vận dụng để bảo vệ các nguồn nước quốc tế chảy qua lãnh thổ của mình chưa được các điều ước quốc tế điều chỉnh.
B. Thu