Ước vọng quy tụ trí tuệ khoa học Việt Nam của Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Ngày đăng: 13/09/2013 - 16:09

Tôi có may mắn được làm việc dưới sự dìu dắt trực tiếp của Viện sĩ Trần Đại Nghĩa suốt một thời gian dài, kể từ khi gặp ông lần đầu năm 1967 cho đến khi ông rời Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh. Cảm nhận sâu sắc nhất của tôi về vị anh hùng huyền thoại Trần Đại Nghĩa là quy tụ được trí tuệ khoa học cả nước để lãnh đạo thành công việc xây dựng nền khoa học Việt Nam.

Tran Dai Nghia 3

Năm 1967 là thời kỳ chiến tranh đang diễn ra ác liệt ở cả hai miền đất nước ta. Với những chiến công oanh liệt của quân dân ta trên cả hai miền, đánh thắng chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam và đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, Bộ Chính trị nhận định rằng, Mỹ sẽ buộc phải sớm xuống thang chiến tranh và chấm dứt ném bom miền Bắc. Với nhận định đó, Chính phủ chủ trương soạn thảo kế hoạch phát triển khoa học - kỹ thuật miền Bắc nước ta sau khi chấm dứt chiến tranh phá hoại của Mỹ và cử Đoàn đại biểu khoa học - kỹ thuật Việt Nam sang Mátxcơva nghiên cứu kinh nghiệm phát triển khoa học - kỹ thuật của Liên Xô. Vào thời kỳ đó, đồng thời với trọng trách của ông trong Bộ Quốc phòng, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa còn được Chính phủ giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Ông dẫn đầu Đoàn đại biểu. Phó trưởng Đoàn là đồng chí Trần Quỳnh, Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban. Tôi có may mắn được Ủy ban huy động tham gia đoàn đại biểu và bắt đầu được Giáo sư Trần Đại Nghĩa trực tiếp dìu dắt từ những ngày đó.

Tại lần họp đầu tiên của Đoàn, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cho biết, Bộ Chính trị và Chính phủ đã chủ trương ưu tiên đầu tư xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh các cơ quan nghiên cứu khoa học - kỹ thuật nước ta ngay sau khi Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc, và nhiệm vụ của đoàn là tiếp thu các ý kiến tư vấn của các nhà khoa học Liên Xô để soạn thảo kế hoạch xây dựng hệ thống đó, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể để thực hiện kế hoạch sau khi được Chính phủ phê duyệt.

Trong các buổi hội đàm với lãnh đạo Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Liên Xô, đồng chí Trần Đại Nghĩa và đồng chí Trần Quỳnh đã hỏi và được trả lời chi tiết về cơ chế quản lý khoa học và kỹ thuật ở cấp nhà nước của Liên Xô, về các điều kiện bắt buộc phải có khi trình Chính phủ quyết định thành lập một viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô hoặc trực thuộc một Bộ trong Chính phủ. Sau các buổi hội đàm chung của hai đoàn, Đoàn đại biểu ViệtNamđược chia thành các nhóm đến thăm các cơ sở nghiên cứu của một số ngành để nghiên cứu kinh nghiệm của các ngành đó. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa và đồng chí Trần Quỳnh rất quan tâm đến cơ chế hoạt động đặc biệt của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và cùng tham gia nhóm đại biểu đến thăm Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Đoàn đại biểu khoa học - kỹ thuật Việt Nam được Viện sĩ Mstislav Keldysh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, giới thiệu cặn kẽ về cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động rất đặc biệt của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, khác hẳn cơ chế hoạt động của các cơ quan khoa học - kỹ thuật khác. Theo Điều lệ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã được Xôviết tối cao Liên Xô phê chuẩn, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô là cơ quan khoa học cao nhất của Liên bang Xôviết, được Chính phủ cấp ngân sách và có quyền tự chủ hoàn toàn trong mọi hoạt động khoa học. Cơ chế lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô là cơ chế lãnh đạo tập thể, dựa trên cơ sở các nghị quyết của Viện Hàn lâm được biểu quyết bằng bỏ phiếu kín tại các Hội nghị toàn thể của Viện Hàn lâm (chỉ có các Viện sĩ chính thức được quyền bỏ phiếu, các Viện sĩ thông tấn được phát biểu ý kiến nhưng không tham gia biểu quyết). Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô được bầu bằng bỏ phiếu kín tại các Hội nghị toàn thể của Viện Hàn lâm.

Các thành viên Viện Hàn lâm thuộc mỗi ngành khoa học hợp thành một Ban Khoa học và bầu ra Chủ tịch Ban Khoa học. Mỗi Ban Khoa học có nhiệm vụ lãnh đạo hoạt động của một ngành khoa học trên phạm vi toàn Liên bang Xôviết. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng thư ký Viện Hàn lâm cùng với Chủ tịch tất cả các Ban Khoa học hợp thành Đoàn Chủ tịch của Viện Hàn lâm. Trên cơ sở các nghị quyết của các Hội nghị toàn thể Viện Hàn lâm, Đoàn Chủ tịch lãnh đạo hoạt động của Viện Hàn lâm trong thời gian giữa hai Hội nghị toàn thể. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng thư ký điều hành công việc thường xuyên của Viện Hàn lâm.

Viện sĩ Trần Đại Nghĩa và đồng chí Trần Quỳnh đều hết sức tâm đắc với cơ chế lãnh đạo tập thể nền khoa học của một quốc gia. Khi Đoàn về nước, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã báo cáo đầy đủ với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Trần Quỳnh báo cáo đầy đủ với Ban Bí thư. Sau đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước khẩn trương xúc tiến việc thành lập các đơn vị nghiên cứu khoa học tự nhiên trực thuộc Ủy ban để chuẩn bị cho sự thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.

Ngay sau khi miền Nam vừa được hoàn toàn giải phóng, ngày 2-5-1975, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ thị cho Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước gửi lên Chính phủ Tờ trình về việc thành lập một cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc Chính phủ trên cơ sở các đơn vị nghiên cứu khoa học của Ủy ban được tách ra. Xét thấy tiềm lực của cơ quan nghiên cứu khoa học đó còn nhỏ bé, chưa xứng đáng được gọi là Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Ủy ban đã soạn thảo và gửi lên Chính phủ Tờ trình về việc thành lập Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia, trực thuộc Chính phủ trên cơ sở các đơn vị nghiên cứu khoa học được tách ra từ Ủy ban. Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia có sứ mạng là tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học ViệtNam. Với niềm tin tưởng rằng, cơ quan khoa học trực thuộc Chính phủ sắp được thành lập sẽ lớn mạnh nhanh chóng và một ngày không xa sẽ xứng đáng là Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đặt tên cho cơ quan này là Viện Khoa học Việt Nam, và nói rằng, khi có đủ điều kiện sẽ thêm vào tên Viện hai từ "Hàn lâm". Để đẩy nhanh quá trình xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam do Chính phủ giao. Tôi cũng được lãnh đạo Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước phân công chuyển biên chế về Viện Khoa học ViệtNamđể giúp việc ông.

Sau khi thành lập xong bộ máy quản lý của Viện Khoa học Việt Nam, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa giao nhiệm vụ cho tôi thăm dò ý kiến của giới khoa học trong nước và giới thiệu với ông những nhà khoa học có uy tín nhất trong từng ngành khoa học để ông mời tham gia Hội đồng khoa học Viện Khoa học Việt Nam. Để tập dượt cơ chế lãnh đạo tập thể của Viện Hàn lâm Khoa học, Viện Khoa học Việt Nam tổ chức hoạt động của các thành viên Hội đồng Khoa học Viện Khoa học Việt Nam tương tự như hoạt động của các thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa trực tiếp nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Khoa học. Trước khi quyết định các vấn đề lớn về hoạt động khoa học của Viện, lãnh đạo Viện tổ chức thảo luận về vấn đề đó trong Hội đồng Khoa học và chuyển nghị quyết của Hội đồng Khoa học thành Quyết định của lãnh đạo Viện. Hội đồng Khoa học Viện được phân ra thành các Hội đồng Khoa học ngành, mỗi Hội đồng Khoa học ngành lãnh đạo tập thể các hoạt động khoa học của một ngành khoa học. Ngoài 6 ngành khoa học cơ bản là toán học và tin học, cơ học, vật lý học, hóa học, sinh học, các khoa học trái đất (bao gồm cả khoa học biển) còn có ngành khoa học kỹ thuật bao gồm một số lĩnh vực có liên hệ rất mật thiết với khoa học cơ bản (như kỹ thuật nhiệt đới, kỹ thuật năng lượng) cho nên còn có thêm Hội đồng khoa học ngành khoa học kỹ thuật.

Nếu trong cơ cấu bộ máy lãnh đạo của Viện Khoa học Việt Nam có Đoàn Chủ tịch thì Chủ tịch các Hội đồng Khoa học ngành sẽ là các ủy viên của Đoàn Chủ tịch, nhưng trong Nghị định của Chính phủ về việc thành lập Viện Khoa học Việt Nam lại không ghi có Đoàn Chủ tịch. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng Khoa học các ngành, lãnh đạo Viện đã có sáng kiến đề nghị Chính phủ bổ nhiệm tất cả các Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành làm Phó Viện trưởng. Đề nghị đó đã được Chính phủ chấp nhận. Như vậy, từ năm 1977, Viện Khoa học Việt Nam có một cơ cấu tổ chức bảo đảm thực hiện việc lãnh đạo tập thể các hoạt động khoa học với bộ máy lãnh đạo gồm Viện trưởng và 9 Phó Viện trưởng, trong đó có 7 Phó Viện trưởng là Chủ tịch Hội đồng khoa học của 7 ngành.

Với ước vọng quy tụ trí tuệ khoa học cả nước để thực hiện việc lãnh đạo tập thể các hoạt động khoa học của Viện Khoa học Việt Nam, tập dượt việc lãnh đạo tập thể nền khoa học Việt Nam theo cơ chế Viện Hàn lâm Khoa học trong tương lai, Viện Khoa học Việt Nam đã tổ chức rất thành công mô hình Viện Hàn lâm Khoa học khi chưa có điều kiện bầu ra các Viện sĩ. Sau này, khi Viện Khoa học Việt Nam được Chính phủ giao thêm nhiệm vụ nghiên cứu một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên và được mở rộng thành Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, cơ chế Viện Hàn lâm Khoa học chưa có Viện sĩ từ thời kỳ Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam vẫn được thực hiện. Nhờ quy tụ được trí tuệ khoa học của giới khoa học trong nước để lãnh đạo tập thể các hoạt động khoa học theo ước vọng của Trần Đại Nghĩa, Viện Khoa học Việt Nam trước đây và Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia sau này đã tập trung được lực lượng để hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền khoa học công nghệ của đất nước.

 

Viện sĩ NGUYỄN VĂN HIỆU

(Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)


Bình luận