Các biện pháp phòng, chống tham nhũng của một số nước trên thế giới

Ngày đăng: 18/06/2012 - 08:06

Nỗ lực chống tham nhũng của Nga

Trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế, tham nhũng ở Nga có cơ hội phát triển nhanh cả về quy mô lẫn số lượng, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Đặc điểm của tham nhũng ở Nga là sự cấu kết, ăn chia chặt chẽ giữa nhiều quan chức chính quyền chóp bu đã tư sản hóa với giới tài phiệt và các đầu sỏ maphia. Các giới này có tiềm lực kinh tế cực lớn, thao túng cả đời sống kinh tế, chính trị đất nước.

bienphap.jpg

Mặt khác, tham nhũng ở Nga gắn với quá trình phân rã Liên Xô (cũ), tư nhân hóa tài sản nhà nước và bán rẻ tài nguyên. Các nhóm tham nhũng, chỉ trong một thời gian ngắn, đã nắm các huyết mạch kinh tế của đất nước. Tham nhũng nghiêm trọng đến mức mà nó được xác định là “ngành kinh doanh hiệu quả nhất”. Tệ nạn này đã phát triển tới mức đáng sợ. Theo đánh giá thì “xu hướng tham nhũng” ở Nga là “ăn” vụ nào, “đậm” vụ đó; trong đó, đấu thầu xây dựng, hải quan, an ninh, cảnh sát, kiểm sát là những lĩnh vực nổi tiếng về số lượng vụ tham nhũng. Tham ô, hối lộ như những con mọt gặm nhấm bộ máy chính quyền, đã thâm nhập vào khu vực hành chính và nền kinh tế Nga ở mọi cấp độ.

Từ khi lên nắm chức lãnh đạo cao nhất nước Nga vào ngày 31-12-1999, Tổng thống V. Putin luôn xem chống tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm làm trong sạch bộ máy công chức và xã hội. Các biện pháp chống tham nhũng được V. Putin đưa ra bao gồm:

Thành lập Hội đồng Chống tham nhũng

Cơ quan này trực thuộc Tổng thống và do Thủ tướng đứng đầu. Hội đồng gồm có hai ủy ban trực thuộc: Ủy ban Chống tham nhũng và  Ủy ban Đạo đức công vụ (hay còn gọi là Ủy ban Giải quyết các xung đột lợi ích). Thành viên của Hội đồng gồm các quan chức đứng đầu các cơ quan quan trọng của nhà nước như: Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, Chánh án Tòa Trọng tài, Chánh án Tòa Hiến pháp, Chánh án Tòa tối cao. Chức năng chủ yếu của Hội đồng là hỗ trợ Tổng thống xác định những phương hướng ưu tiên của chính sách nhà nước trong lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng và thực hiện chính sách này.

Tiến hành chống tham nhũng có trọng tâm, trọng điểm

Để khẳng định quyết tâm chống tham nhũng, Chính phủ Nga đã đồng loạt tổ chức kiểm tra một số ngành trọng điểm của chính quyền bị dư luận cho là có tham nhũng như: hải quan, kiểm sát, xây dựng, an ninh, thuế. Quan chức các ngành này cũng bị nằm trong tầm ngắm của các cơ quan chống tham nhũng.

Đồng thời, chính quyền Nga tập trung đánh mạnh vào các vụ án tham nhũng kinh tế lớn, nhất là giới tài phiệt lạm dụng sức mạnh tài chính để can thiệp vào chính trị, qua đó phá vỡ sự cấu kết “chiến lược” giữa giới quan chức cấp cao với giới đầu sỏ tài phiệt và maphia nhằm làm giảm sức mạnh và sự nguy hiểm của chúng. Thông qua các vụ án kinh tế lớn để tìm ra các quan chức cao cấp đứng đằng sau bảo kê cho các tổ chức này. Ví dụ như vụ Khơdơkhốpxki, Brezin...

Thay đổi nhân sự để chống tham nhũng

Để cuộc chiến chống tham nhũng hiệu quả và trị được tận gốc rễ của nó, Chính phủ Nga cho rằng, trước hết phải tập trung vào cải cách bộ máy nhân sự ở Trung ương. Với phương châm “thay trước, xét tội sau”, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Nga, nhiều vị trí quan trọng trong các lĩnh vực, các ngành hay xảy ra tham nhũng đã bị thay thế. Ví dụ tại FSB, 3 tướng cấp cục bị thay là: Colesnhicov, Plotnhicov (là 2 Phó Giám đốc Cục điều tra Bảo vệ Hiến pháp), và Fomenco (Cục trưởng Cục Chống buôn lậu). Tại Bộ Nội vụ, 6 cán bộ cấp cục tại cơ quan điều tra, cảnh sát giao thông, bộ phận theo dõi các vụ án nghiêm trọng bị thay. Tại Viện Kiểm sát, Viện phó Thanh tra thứ nhất và một loạt cán bộ kiểm sát các tỉnh đã bị thay. Còn tại Cục Hải quan, cả Giám đốc, 2 Phó Giám đốc Hải quan liên bang đều bị thay.

Kiên quyết trừng trị những kẻ tham nhũng

Thực hiện chiến dịch “bàn tay sắt” trong cuộc chiến với nạn tham nhũng, Chính phủ Nga đã xử lý kiên quyết nhiều quan chức lạm dụng chức quyền trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là các quan chức ở Trung ương, nhất là trong bộ máy hành pháp. Chiến dịch chống “tội phạm đeo quân hàm” với hàng loạt sĩ quan, trong đó có hai người mang quân hàm cấp tướng bị truy tố, sau đó lãnh án tù; việc cách chức Viện trưởng Viện Công tố Liên bang Vladimir Ustinov do dính vào tham nhũng; việc 4 thành viên Hội đồng liên bang bị miễn nhiệm... đã thể hiện quyết tâm không có vùng cấm nào trong chiến dịch chống tham nhũng ở Nga.

Nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền Nga đã góp phần đáng kể vào ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nga hiện nay đang là nước tăng trưởng kinh tế khá cao, nhiều món nợ cũ, kể cả nợ lương đã được trả, uy tín của chính quyền lên cao. Tuy tham nhũng ở Nga vẫn còn nặng nề, nhưng thành công của chính quyền là đã chỉ rõ được tham nhũng nằm ở đâu, trong tay ai, những thách thức gì và đang kiềm chế có hiệu quả.

Hàn Quốc với việc xây dựng một Chính phủ minh bạch

Hàn Quốc trước đây được biết đến là một đất nước bị nạn tham nhũng thống trị và hoành hành, trong đó nổi lên là sự cấu kết, thông đồng giữa các chính khách và các tập đoàn kinh tế lớn. Cùng với tham nhũng chính trị, tham nhũng hành chính xảy ra cũng rất nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực phải xin phép và cấp phép như: xây dựng, thuế, y tế, phòng cháy chữa cháy, thực thi pháp luật...

Nhận thức rõ hậu quả của nạn tham nhũng, từ đầu năm 2000 trở lại đây, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung mọi nỗ lực cho cuộc chiến chống tham nhũng và đã thu được những kết quả rất khả quan, cải thiện được hình ảnh về một Chính phủ minh bạch, tin cậy và hiệu quả. Phương hướng chống tham nhũng của Hàn Quốc là: nhấn mạnh các biện pháp phòng ngừa hơn là các biện pháp đối phó; thực hiện cách tiếp cận toàn diện và hệ thống trong việc đối phó với nạn tham nhũng; ưu tiên những chương trình chống tham nhũng có tính khả thi và hiệu quả.

Xây dựng và cải cách các thể chế về phòng, chống tham nhũng

Hàn Quốc đã xây dựng một hệ thống “thiên la địa võng” để phòng, chống tham nhũng. Điều này được thể hiện ở việc xây dựng các thiết chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau với đầy đủ thẩm quyền và sức mạnh của nó. Các tổ chức này đều thuộc cơ quan hành pháp và có bộ phận chuyên trách chống tham nhũng - đó là Văn phòng Tổng thống, Văn phòng Thủ tướng, Viện Kiểm toán và thanh tra, Ủy ban Giám sát tài chính, Ủy ban Chống tham nhũng, Ủy ban Giải quyết khiếu nại, Cục Thuế quốc gia, Cơ quan Cảnh sát điều tra...

Bên cạnh bộ máy chống tham nhũng của cơ quan hành pháp, các cơ quan khác cũng có vai trò to lớn trong đấu tranh chống tham nhũng - đó là Quốc hội, hệ thống tòa án, Ủy ban Bầu cử quốc gia, Hiệp hội Công dân và các cơ quan thông tin đại chúng.

Để tạo cơ sở khách quan cho cuộc chiến chống tham nhũng, Hàn Quốc đã tiến hành sửa đổi và hoàn thiện hệ thống luật pháp về chống tham nhũng. Những đạo luật này được xây dựng nhằm ngăn chặn tham nhũng bằng phương thức thể chế hóa chế độ hành chính công khai và minh bạch thông qua các thủ tục hợp lý và hủy bỏ những quy định hành chính không cần thiết. Bên cạnh đó, hệ thống các quy định tạo điều kiện cho việc kiểm tra và tham gia của đoàn thể xã hội vào hoạt động của chính quyền địa phương cũng được ban hành.

 Xây dựng đội ngũ công chức có đạo đức và chuyên nghiệp

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, Hàn Quốc áp dụng chế độ thi tuyển công chức hết sức nghiêm ngặt. Việc đề bạt, bổ nhiệm hay thuyên chuyển cán bộ được tiến hành qua nhiều khâu, đảm bảo tính công khai, dân chủ và khoa học. Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy được đề cập ở mức cao nhất. Để công chức yên tâm cống hiến, làm việc, Chính phủ đã không ngừng thực hiện cải cách tiền lương, tạo điều kiện nâng lương cho cán bộ, công chức nhà nước và tăng cường các chế độ đãi ngộ để họ yên tâm công tác.

Ngoài việc phải tuyệt đối tôn trọng luật pháp, các cán bộ, công chức còn phải tuân thủ Bộ quy tắc đạo đức công vụ. Bộ quy tắc này yêu cầu tất cả công chức Hàn Quốc phải tuân thủ những quy định cơ bản như: thực thi trách nhiệm công bằng, nghiêm minh; không được lợi dụng vị trí công tác hoặc khai thác thông tin để vụ lợi; cấm mua chuộc vì công việc cá nhân; không được sử dụng tài sản công để phục vụ các mục đích cá nhân; không được nhận tiền hoặc hiện vật với giá trị vượt quá các mức quy định; không được tham gia vào các cuộc vui chơi, giải trí xa xỉ...

Nhờ thực hiện tốt chính sách trên, Hàn Quốc đã xây dựng được một bộ máy quản lý hiệu quả với một đội ngũ công chức có đạo đức và chuyên nghiệp.

phientoa

Phiên tòa xét xử tội phạm tham nhũng ở tỉnh Phúc Kiến tháng 11-2010

Nâng cao nhận thức của công chúng về chống tham nhũng

Điều này được Chính phủ thực hiện một cách thường xuyên, liên tục thông qua các hoạt động sau:

- Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy ở hệ thống trường học nhằm làm cho học sinh ý thức được nguyên nhân, hậu quả của việc tham nhũng và giáo dục ý thức lên án tham nhũng ngay từ khi còn nhỏ.

- Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thành lập trung tâm thông tin về tham nhũng và lập quỹ chống tham nhũng, tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn công chúng về chống tham nhũng.

- Thường xuyên tiến hành các cuộc điều tra dư luận xã hội về tham nhũng nhằm phân tích, đánh giá thực trạng tham nhũng, thái độ của người dân đối với bộ máy công quyền cũng như hiệu quả của các chương trình chống tham nhũng đang được áp dụng.

- Phát huy vai trò của các tổ chức phi chính phủ vào cuộc chiến chống tham nhũng thông qua việc tạo điều kiện cho sự kiểm tra và tham gia của các đoàn thể xã hội vào hoạt động của chính quyền địa phương. 

Khuyến khích việc phát hiện và trừng trị kẻ tham nhũng

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện tham nhũng, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho người dân, làm tốt công tác tiếp nhận và xử lý các thông tin liên quan đến tham nhũng, bảo vệ những người tố cáo các hành vi tham nhũng, có chế độ khen thưởng xứng đáng đối với những người đấu tranh với tham nhũng, kiểm soát chặt chẽ việc làm của các công chức sau khi từ chức hoặc bị sa thải và thực hiện quyền yêu cầu thanh tra của người dân. Những việc làm này đã phát huy tính tích cực và chủ động của người dân, tạo thành một phong trào xã hội phát hiện và tố cáo các hành vi tham nhũng.

Khi những hành vi tham nhũng được điều tra làm rõ, những hình phạt nghiêm khắc đối với quan chức tham nhũng cũng được áp dụng, bất kể đó là ai, dù là chính khách hay công chức thường. Kết quả xử lý được công khai để nhân dân giám sát. Chính điều này đã tạo cho cuộc chiến chống tham nhũng được tiến hành mạnh mẽ và rộng khắp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính bộ máy nhà nước

Đây là một nội dung quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: thuế, xây dựng, nhà ở, nhà hàng và giải trí, quản lý môi trường, lĩnh vực pháp chế... Các biện pháp mà Hàn Quốc tập trung thực hiện là: minh bạch thủ tục hành chính, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận được các nguồn thông tin, cải cách quá trình ra quyết định, đơn giản hóa bộ máy quản lý, cải cách hệ thống mua sắm công, xây dựng chính phủ điện tử, mở rộng các hình thức khiếu nại, tố cáo của công dân... Mục đích chính của cải cách hành chính là ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh của công chức đối với dân, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa công chức với công dân và doanh nghiệp, do vậy mà cơ hội cho tham nhũng cũng được giảm dần.

Trung Quốc từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Để kiềm chế nạn tham nhũng đang có nguy cơ đe dọa trực tiếp chế độ, những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt biện pháp mạnh nhằm trừng trị những kẻ tham nhũng, kể cả các vụ liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ. Những nỗ lực này đã đem lại cho Trung Quốc những thành công bước đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đầy khó khăn, thử thách và phía trước vẫn còn quá nhiều chông gai, gian khổ.

Sở dĩ có được những thành công như vậy là do Trung Quốc đã kiên trì triển khai chiến lược chống tham nhũng một cách tương đối bài bản, hành động có chủ thuyết, mang đậm truyền thống và bản sắc chính trị Trung Hoa. Đó là chủ trương thực hành “đức trị” song hành với “pháp trị”; theo đó, để chống tham nhũng một cách có hiệu quả, nếu chỉ theo luật pháp thì chưa đủ mà phải cả trên cơ sở đức trị. Ở đây, đức trị là sự thuyết phục, giáo dục, còn pháp trị thể hiện quyền uy và cưỡng chế. 

Trên cơ sở chiến lược đó, Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp chống tham nhũng chủ yếu như sau:

Giáo dục tư tưởng chính trị và tác phong liêm chính trong toàn Đảng

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Trung Quốc vẫn coi việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên là nội dung quan trọng nhất, bởi theo họ, “giáo dục đạo đức là hàng đầu, tu dưỡng bản thân là cơ bản”. Trung Quốc cho rằng, muốn chống tham nhũng hiệu quả, trước hết phải làm tốt công tác giáo dục tư tưởng trên một số phương diện sau:

- Giáo dục lý luận để nâng cao nhận thức về bản chất trong sáng của Đảng cũng như phẩm chất đạo đức, tác phong liêm chính, từ đó hướng hành động của mình theo tiêu chí đúng đắn, ngăn chặn các hiện tượng tham nhũng, suy thoái đạo đức.

- Giáo dục kỷ luật và pháp luật nhằm tạo được thói quen tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. 

- Giáo dục tinh thần phấn đấu gian khổ, tập trung chủ yếu vào giáo dục tác phong sống giản dị, lành mạnh, đồng cam cộng khổ với nhân dân của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo có chức quyền, có điều kiện tham ô, nhận hối lộ.

Kiện toàn hệ thống văn bản quy định tác phong liêm chính 

Nhiều năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn chú trọng xây dựng hệ thống các văn bản quy định tác phong liêm chính trong các cấp Đảng, chính quyền nhằm ngăn chặn và xử lý có hiệu quả tệ tham nhũng.

Xây dựng chế độ giám sát quyền lực

Nhận thức rõ quyền lực nếu không bị kiểm soát chặt chẽ thì tất yếu sẽ dẫn đến tham nhũng, vì thế, giám sát quyền lực là một trong ba nội dung phòng, chống tham nhũng quan trọng được Trung Quốc hết sức coi trọng và thực hiện dưới nhiều hình thức: 1. Chế độ giám sát của Đại hội đại biểu nhân dân, 2. Chế độ giám sát trong nội bộ Đảng, 3. Chế độ giám sát của Hội nghị Hiệp thương chính trị (Chính hiệp), 4. Chế độ giám sát hành chính, 5. Giám sát xã hội. Trong các hình thức giám sát trên, Trung Quốc đặc biệt coi trọng phương thức giám sát quyền lực trong nội bộ Đảng và giám sát hành chính.

Kiên quyết, đúng pháp luật và có trọng điểm

Chống tham nhũng phải bắt đầu từ trên xuống dưới. Muốn trị tận gốc hiện tượng tham nhũng, cần phải bắt đầu từ lãnh đạo cấp trên, từ các cơ quan, các tổ chức có quyền hoạch định, thực thi và kiểm soát chính sách, có quyền điều phối nguồn lực và tài chính, vì rằng, đó chính là các cơ quan và cá nhân đại diện cho quyền lực của Đảng và Nhà nước, là khâu gần với các hành vi tham nhũng hơn cả. Một khi các cơ quan công quyền và đội ngũ lãnh đạo trong các tổ chức Đảng và Chính phủ đều trong sạch thì khả năng xảy ra tham nhũng càng ít. Mặt khác, nếu xử lý kịp thời và nghiêm minh hành vi tham nhũng của cán bộ lãnh đạo cấp cao thì các vụ án tham nhũng sẽ được diệt trừ tận gốc.

Đồng thời với việc triển khai rộng rãi phong trào phát hiện, xử lý tham nhũng tại các ban ngành, địa phương, Chính phủ Trung Quốc đã khoanh vùng các vụ việc nghiêm trọng, có diện liên đới rộng và ảnh hưởng trực tiếp đến thành quả của công cuộc cải cách mở cửa.

Kinh tế là lĩnh vực có nhiều vụ án tham nhũng trọng điểm được Trung Quốc tập trung xử lý, bởi các vụ án kinh tế vừa làm thất thoát khối lượng tài sản lớn, vừa liên quan đến nhiều đối tượng phạm tội. Việc tập trung xử lý các vụ tham nhũng quy mô lớn, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, hậu quả nghiêm trọng có tác dụng ngăn chặn hậu quả xấu đến toàn xã hội, đồng thời hạn chế mức độ lây lan, liên đới của tình trạng tham nhũng.

 

Chú thích

- Lược trích từ cuốn sách Nhận diện tham nhũng và các giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay (PGS. TSKH. Phan Xuân Sơn và ThS. Phạm Thế Lực đồng chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

- Các tiêu đề của bài viết do BBT đặt.

 

 

bienphap.jpg
Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả