Cách mạng tháng Mười soi đường cho cuộc đấu tranh vì một xã hội tốt đẹp hơn

Ngày đăng: 17/11/2013 - 09:11

Cách đây 96 năm (7-11-1917 - 7-11-2013), loài người đã chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại - một cuộc cách mạng Mười ngày rung chuyển thế giới (Giôn Rít), mở ra một thời đại mới trên con đường đi lên của nhân loại. Đó là sự bùng nổ và thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Gần một thế kỷ đã trôi qua với biết bao biến đổi, nhưng ý nghĩa và âm hưởng của cuộc cách mạng này vẫn trường tồn, mãi mãi không đổi thay trong hàng triệu hàng triệu người có lương tri trên thế giới. Họ hướng về Cách mạng Tháng Mười với sự trân trọng, lòng biết ơn và vẫn tìm thấy ở đó “tinh thần cách mạng và ánh sáng soi đường cho cuộc đấu tranh vì một xã hội tốt đẹp hơn.


Lenin1917

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

 

1. Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã đưa nước Nga bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên nhân dân lao động Nga và các dân tộc không phải Nga từ thân phận người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước và vận mệnh của mình, “từ vương quốc tất yếu sang vương quốc tự do”. Lần đầu tiên trên thế giới, một xã hội mới xuất hiện - xã hội xã hội chủ nghĩa, trong đó không có cảnh người bóc lột người, mọi người sống bình đẳng, cùng nhau mưu cầu hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cách mạng Tháng Mười đã dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người”2 .

 

Khác với nhiều cuộc cách mạng trên thế giới, Cách mạng Tháng Mười không chỉ làm thay đổi nước Nga và có ý nghĩa đối với nhân dân Liên Xô, mà nó còn mang tầm quốc tế sâu sắc.

 

2. Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã gửi và thực thi một thông điệp hòa bình tới nhân dân thế giới. Ngay trong giờ phút quyết định của cuộc khởi nghĩa với cuộc tấn công cung điện Mùa Đông, Đại hội Xôviết toàn Nga lần thứ hai đã khai mạc trong Điện Xmônnưi (ngày 25-10 theo lịch Nga), thông qua “Sắc lệnh hòa bình”, coi chiến tranh là “một tội ác lớn nhất đối với nhân loại”, đòi các nước đế quốc nhanh chóng chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất và tuyên bố với chính phủ các nước sẵn sàng ký ngay một bản hòa ước với những điều kiện công bằng cho tất cả các dân tộc, một hòa ước không có thôn tính và không có bồi thường. Những đề nghị hòa bình của Chính phủ Xôviết đã giành được sự cảm tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới. Nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới, đang quằn quại dưới ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, “nằm mơ nước Nga”, với sự tin tưởng sâu sắc.

Liên bang Xôviết ra đời là thành quả tất yếu của Cách mạng Tháng Mười. Không có Cách mạng Tháng Mười sẽ không có Liên Xô vĩ đại. Liên Xô đã tạo ra những thành tựu lớn lao của chủ nghĩa xã hội, như: xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, một nền quân sự tiên tiến và khoa học phát triển, v.v.. Nhưng thành tựu chủ yếu nhất là đã tạo ra một thế hệ con người Xôviết. Chính những con người này đã tạo nên sức mạnh Xôviết chiến thắng oanh liệt chủ nghĩa phát xít, cứu nhân loại khỏi thảm họa diệt chủng, trong khi hầu hết các nước tư bản dân chủ châu Âu đã buông tay đầu hàng. Với vai trò là lực lượng đi đầu, lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến tranh chống phát xít, cùng với sự hy sinh lớn lao của mình3, đất nước của Cách mạng Tháng Mười đã làm giảm đi sự hy sinh mất mát của các dân tộc khác trên thế giới và mở ra khả năng sớm chấm dứt chiến tranh để đi tới hòa bình.

 

Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới tiến trình lịch sử và cục diện thế giới. Nước Nga Xôviết, sau đó là Liên Xô ra đời đã làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là một chế độ xã hội duy nhất bao trùm thế giới nữa. Một chế độ xã hội mới xuất hiện - chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, đối lập với chế độ tư bản chủ nghĩa. Chế độ xã hội này ngày càng lớn mạnh, nhất là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với sự ra đời của một loạt các nước xã hội chủ nghĩa hợp thành hệ thống mà Liên Xô là trụ cột, trở thành “thành trì” của hòa bình thế giới, có ảnh hưởng tích cực, to lớn đối với tiến trình giữ gìn hòa bình, an ninh ở châu Âu và thế giới. Đánh giá vai trò của Liên Xô đối với sự ổn định của thế giới, Tổng thống V. Putin đã khẳng định rằng, trong thời kỳ Liên Xô, sự tồn tại của chế độ này cùng với sức mạnh hạt nhân của mình chính là một nhân tố để ổn định sức mạnh trên toàn thế giới4. Hơn nữa, là một trong năm ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên Xô đã đóng vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy tổ chức này ban hành và thực thi một số nghị quyết tiến bộ liên quan đến hòa bình và an ninh thế giới, giải trừ quân bị, hạn chế chế tạo vũ khí hạt nhân.

 

3. Cách mạng Tháng Mười bùng nổ và thắng lợi ngay trong nước Nga tư bản chủ nghĩa nằm vắt ngang giữa hai châu lục Âu và Á, đã cổ vũ cho phong trào đấu tranh  chống áp bức, bóc lột, giành tự do của giai cấp vô sản và nhân dân lao động. Do hệ quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất, lại được cổ vũ và chỉ lối của Cách mạng Tháng Mười, từ năm 1918 đến 1923, ở châu Âu đã bùng lên một phong trào đấu tranh mới, làm rung động nền thống trị của giai cấp tư sản ở nhiều nước.

 

Cách mạng Tháng Mười không chỉ cổ vũ cho phong trào công nhân ở các nước tư bản mà nó đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

 

Cách mạng Tháng Mười không những đã thức tỉnh và cổ vũ mạnh mẽ ý chí đấu tranh mà còn chỉ ra con đường đúng đắn đi tới thắng lợi cuối cùng và triệt để của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trước Cách mạng Tháng Mười, con đường đấu tranh thoát khỏi ách thực dân, phong kiến của nhân dân Á - Phi - Mỹ Latinh dường như “trong đêm tối, không có đường ra”. Cách mạng Tháng Mười bùng nổ và thắng lợi đã “mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử…”5. Đối với nhiều dân tộc “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”6. Sau Cách mạng Tháng Mười, một xu hướng mới đã xuất hiện trong phong trào giải phóng dân tộc - xu hướng vô sản - xu hướng đi theo ngọn cờ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin với nhận thức mới: Phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới, tính tất yếu của sự kết hợp chặt chẽ giữa phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân.

 

Cách mạng Tháng Mười đã giải phóng các dân tộc bị áp bức trong đế quốc Nga trước kia khỏi sự nô dịch của chế độ Nga hoàng - “nhà tù của các dân tộc”, nêu một tấm gương sáng cho các dân tộc đang bị đế quốc nô dịch. Những nhà yêu nước chân chính trong nhiều nước thuộc địa đã đón nhận ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, dùng ánh sáng đó để soi tỏ con đường cứu nước, cứu nhà… Đó là con đường cứu nước, giải phóng dân tộc kết hợp với giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân.

 

Tác động, ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười không chỉ bó hẹp trong phong trào cách mạng thuộc địa theo khuynh hướng vô sản, mà nó bao trùm cả con đường cứu nước theo khuynh hướng tư sản. Nhà cách mạng theo khuynh hướng tư sản nổi tiếng của Inđônêxia Sukarno đã khẳng định rằng: “Cuộc Cách mạng Tháng Mười chỉ ra cho nhân dân châu Á sự cổ vũ mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh giành độc lập”7. Một chính khách nổi tiếng khác của phong trào dân tộc tư sản Ấn Độ là Jawaharlal Nehru cũng nhấn mạnh rằng: “Tương lai hoàn toàn có thể hy vọng ở nước Xôviết rộng lớn. Sự thực là như thế, tôi hoàn toàn tin như thế… Nền văn minh này sẽ chiến thắng trên nhiều nước, sẽ kết thúc chiến tranh và xung đột do chủ nghĩa đế quốc đem lại”8.

 

Việc lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo xu hướng nào - vô sản hay tư sản - là tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, xã hội, tố chất của mỗi dân tộc; tùy thuộc vào môi trường và quan hệ quốc tế. Nhưng dù xu hướng nào thì Cách mạng Tháng Mười vẫn được xem là một tác nhân lớn lao, có vai trò cổ vũ, thức tỉnh, lôi kéo hàng trăm triệu người vào cuộc đấu tranh giải phóng. Cuộc cách mạng này luôn được coi là một nhân tố khách quan cực kỳ quan trọng, tạo nên bước chuyển biến mới về chất trong phong trào giải phóng dân tộc về nội dung, đường lối và con đường phát triển.

 

Khi nêu giá trị lớn lao của cuộc cách mạng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”9.

 

 

 

4. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã đập tan ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản hòa quyện vào ách nô dịch của chế độ phong kiến trong đế quốc Nga - một đế quốc khổng lồ không có truyền thống dân chủ về chính trị, với ba phần tư dân số mù chữ, đưa lại chính quyền cho người lao động.

 

Cuộc Cách mạng Tháng Mười đã biến nước Nga từ chỗ là “nhà tù của các dân tộc” thời Sa hoàng trở thành một nhà nước liên bang thống nhất của hơn 120 dân tộc được xây dựng trên cơ sở tư tưởng và chính sách của Lênin: tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác giúp đỡ nhau xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới. Thời Lênin, trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, các dân tộc trên đất nước Xôviết sống bình đẳng, đoàn kết nhờ chính phủ thực hiện đúng đắn chính sách dân tộc. Nhưng từ thời Xtalin trở đi, những sai lầm kéo dài trong chính sách dân tộc của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Xôviết là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự tan rã của một liên bang dân tộc thống nhất được coi là mẫu mực của thời Lênin. Phải chăng thực hiện đúng những giáo huấn của Lênin, “Phải chăng nếu biết trân trọng bài học của Cách mạng Tháng Mười về vấn đề dân tộc, tạo lập được sự bình đẳng về quyền lợi và tình hữu nghị anh em giữa các dân tộc, trước hết là sự bình đẳng về kinh tế, thì đã có thể tránh khỏi được sự khủng hoảng dân tộc và cảnh nồi da nấu thịt giữa các dân tộc, sắc tộc như chúng ta đã thấy ở một số nước”10.

 

5. Tiến bộ xã hội là một nhu cầu của tất cả các dân tộc. Đối với các nước Á, Phi và Mỹ Latinh, sau khi giành được độc lập về chính trị, các nước này đều bắt tay vào công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, v.v.. Đó là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, đưa đất nước từng bước đi lên xã hội hiện đại. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế - xã hội, lịch sử và văn hóa, mỗi dân tộc sẽ chọn một con đường đi riêng phù hợp với hoàn cảnh của mình. Nhiều nước đã lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, xem chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là tiến bộ xã hội cao nhất, là mục tiêu, là cái đích cần phải đi tới.

 

Trong suy nghĩ của hàng triệu người trên thế giới, chủ nghĩa xã hội có sức hấp dẫn lớn lao. “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là một ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”11. Mặc dù trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân những nước này phải trải qua những bước thăng trầm, nhưng vẫn kiên định với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và sự lựa chọn của mình. Từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, đảng, chính phủ và nhân dân các nước này đã rút ra cho mình nhiều bài học quý, nhanh chóng khắc phục những thiếu sót, sai lầm, thực hiện cải cách, đổi mới đất nước, mở cửa nền kinh tế, hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong sự đổi mới ấy, “Chính sách kinh tế mới” (NEP) của Lênin vẫn mang ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn to lớn, trước hết là đối với các nước xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự thành công của Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác trong quá trình đổi mới đất nước đang là những ví dụ sinh động, khẳng định sự trường tồn của tư tưởng Cách mạng Tháng Mười và lý tưởng của chủ nghĩa xã hội.

 

Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã bùng nổ và thắng lợi cách ngày nay ngót một thế kỷ, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên - nước Nga Xôviết/Liên Xô - sinh ra từ Cách mạng Tháng Mười không còn nữa, nhưng những người chân chính và có lương tri trên trái đất vẫn trân trọng thành quả và ý nghĩa của cuộc cách mạng vĩ đại này, nuối tiếc nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, tiếp thu những bài học từ Cách mạng Tháng Mười và từ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô để xây dựng đất nước mình. Đối với họ, “Liên Xô tan rã là bi kịch lớn”12 không chỉ đối với người dân Xôviết, mà cả với chính họ.

 

Thành tựu của Cách mạng Tháng Mười và những đóng góp của Liên Xô đối với nhân loại là rất to lớn. Do đó, như Tổng thống Nga V. Putin đã khẳng định: “Ai không nuối tiếc sự ra đi của Liên bang Xôviết là không có trái tim”13.

 

GS. TS. ĐỖ THANH BÌNH

 

Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội

 

 *****

 

1. Đặng Xuân Kỳ: Cách mạng Tháng Mười mãi mãi soi sáng con đường đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, con đường giải phóng của toàn thể nhân loại, Tạp chí Thông tin lý luận, số 11-1992.

 

2, 5, 9, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.387-388, 388, 387, 390.

 

3. Gần 27 triệu người Liên Xô hy sinh trong chiến tranh, chiếm 16,2 % dân số đất nước vào năm 1939.

 

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 30.

 

7. Sukarno: The October Revolution and the Awakening of the Asean peoples, Jakarta, 1961, p.2.

 

8. Jawaharlal Nehru: Before and after Independence. A Collection of the most important and soul stirring speeches delivered by Nehru, New Delhi, p.102.

 

10. Kuleshốp: Tổ quốc ta (một sự thử nghiệm về lịch sử chính trị), Nxb. Terra, Mátxcơva, 1991, t.1, tr.30 (bản dịch).

 

4, 12, 13. Trả lời phỏng vấn Báo Komsomon và Báo Chân lý của Tổng thống V. Putin, tháng 2-2004.

 

 

 

 

 

Bình luận