Cành hoa đào “táo”

Ngày đăng: 20/01/2012 - 09:01

Tuyết trắng mới tinh khôi như trải chăn bông gòn đắp cho Sofia mùa đông. Những bông hoa tuyết lạnh xinh xinh như được tạc vào kính cửa sổ. Thấp thoáng qua lớp kính đóng băng, những bông hoa tuyết mong manh gợi cho người Hà Nội xa xứ liên tưởng đến loài hoa Tết trân quý. Đó là loài bạch đào trinh trắng như tiên sa.

hoa-dao


 Cảm xúc ngày Tết

Dù là dân chơi đào sành điệu phố Hàng Lược xưa, dễ gì trong đời được có một lần gặp duyên sở hữu nàng tiên đào cao sang trong ngày xuân mới? Đã lại sắp Tết ta, giữa thủ đô của xứ sở hoa hồng, lòng người khắc khoải thèm nhớ một cành đào Tết. Dù chỉ là một cành bích đào thường thường trên vai những chị bán hoa rong vỉa hè Hà Nội thôi, sao mà khó đến vậy? Những ai đã từng ở châu Âu chắc không thể nào quên sức sống mùa xuân bừng bừng nảy lên từ những nhành lộc non, tràn trề nhựa sống như người con gái châu Âu sớm dậy thì. Lớp tuyết trắng gốc cây tan chưa lộ hết mảng đất đen, trên cành cây mầm nụ hoa đã nứt ra e ấp. Từ độ tháng 4, cây cối châu Âu đua nhau trổ bông, ong bướm dập dìu thụ phấn cùng hoa, trước khi cành cây kín lá. Ra hoa trước khi kết lá, người Việt ta nhờ đặc tính này của cây cỏ châu Âu, cũng có được “cành đào” chơi Xuân.

Nhắm trước một cành táo mỡ màng sai quả trong vườn nhà một người bạn Bungary ở ngoại ô Sofia từ hồi mùa hè, tôi âm thầm chuẩn bị cho mình cành đào Tết Việt Nam. Những năm xa xưa, hồi người Việt ta còn đi xuất khẩu lao động ở Nga và Đông Âu, cành đào Tết  thường được những bàn tay người thợ Việt Nam khéo léo tạo nên từ giấy mầu và cành cây khô. Hì hục tập trung nhau cắt cắt, dán dán trước cả tuần trong những ngày nghỉ ca, đây cũng là một cách cho những người con xa xứ nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương. Bức ảnh Tết chụp bên cành đào tự chế gửi về quê nhà cho bố mẹ, thay lời cẩn cáo “dù có đi xa chúng con vẫn không quên gốc rễ cội nguồn, không xao lãng lễ nghi giáo lý của dân tộc Việt ”.

Rồi những năm sau đó, không biết ai đã phát minh ra cách chặt cành mận, cành đào, cành táo, cành lê về cắm cho nở hoa trong nhà ngày Tết. Nghe nói, nhờ tục xuất hành hái lộc đêm giao thừa của người Việt ta bên này mà thành. Có lẽ ai đó hái được cành cây ăn quả táo, đào, lê, mận… về nhà, cắm chơi vào bình nước, đôi ba tuần sau tự nhiên thấy cành cây trổ hoa bắt mắt. Nhờ chút “hữu duyên” đó, người Việt xa xứ sáng tạo ra “cành đào” tươi.

Sáng tạo cành đào “táo” đón Tết

Trong các loại hoa của các cây ăn quả, hoa táo là có vẻ giống hoa đào nhất và cũng dễ kiếm nhất trên các nẻo đường cây trái xum xuê. Trải qua mấy mươi năm ở xứ tuyết, các thế hệ người Việt dần dần đúc rút cho mình kinh nghiệm tạo một cành đào “táo”.

Người Việt xa xứ cũng ướm chọn thời gian trước Tết chặt cành giống người dân trồng đào Nhật Tân chọn ngày tuốt lá đào. Rồi cũng đốt gốc cho cành táo chịu chút nhọc nhằn đắng cay, khác chi cành đào Nhật Tân chịu nỗi đau đốt gốc, để dâng đời cánh hoa Tết bền lâu.

Lúc cành trổ nụ đơm hoa, cũng phải chăm sóc kỹ khi nào thêm vào bình hoa tý nước nóng để thúc, lúc tý nước lạnh để hãm. Phẩm mầu hòa vào nước cắm cành cũng vậy. Phải chọn loại phẩm mầu hồng thật đỏ, thật tươi theo nhựa cây truyền lên qua cành chính, cành phụ, nhuộm đều cho cánh hoa táo trắng.

Ở đâu, nghề chơi cũng lắm công phu. Chơi đào nơi xứ tuyết kỹ lưỡng, tỉ mẩn khác chi ông đồ già Hà Nội phố chơi hoa thủy tiên. Đêm giao thừa tha hương, hồn hoa bích đào ngấm từ chủ nhà, đượm trong cánh hoa táo nhuộm đều, khẽ tỏa hương say những tâm hồn người Việt nơi đất khách.

Những năm gần đây, hãng Hàng không quốc gia Việt Nam mở đường bay thẳng tới nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Hình ảnh hành khách Việt nâng niu cành đào hồng thắm ấm cả mùa đông xứ tuyết, không còn là lạ trong mắt nhân viên hải quan nước bạn.

 Dám “chơi” cả một cành hoa lớn mang từ nơi xa vạn dặm cho một ngày Tết dân tộc, bè bạn quốc tế nhìn ta cũng thêm đôi ba phần nể nang. Đã đi vào dĩ vãng xa xưa cái thời thập thò giấu giếm mấy cái làn cói, dăm chiếc áo phông cành mai, nhớn nhác nhìn ngang, nhìn ngửa khi qua cửa khẩu sân bay quốc tế. Giờ đây, cùng với nét văn hóa Việt, cành đào Nhật Tân hiên ngang trên tay hành khách Việt theo những chuyến bay Vietnam Airlines đổ bộ vào Moscow, Berlin, Paris… và nhiều nơi khác trên thế giới.

Sofia - nơi không có đường bay thẳng của Hàng không quốc gia Việt Nam là một thiệt thòi không nhỏ. Bố con tôi không thể có được một cành đào Việt Nam thứ thiệt dâng lên bàn thờ tổ tiên. Chắc các cụ bề trên tiên tổ cũng cảm tấm lòng thành lượng thứ.

Tết Nguyên đán, với tấm lòng hướng về Tổ quốc, được tự tay gây một cành đào “táo” trong nhà cũng là một niềm vui hạnh phúc. Hạnh phúc được đem khoe với bạn bè quốc tế một thú chơi tao nhã, một nét văn hóa đẹp trong kho tàng đầy ắp những nét truyền thống của ngày Tết Nguyên đán.

Từ trong tiềm thức, cành hoa đào “táo” của tôi sẽ vẫn hòa quyện cùng nhịp sóng trên những dòng sông hoa đào đủ sắc hồng rực rỡ dập dờn dưới sắc xuân, chảy tràn trên những con phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Lược, Hàng Mã… nơi quê cha đất tổ.

CHÍ DŨNG

(Việt kiều Bungary)

Bình luận