Trong pháp luật tố tụng hình sự, chế định chứng cứ có vai trò, vị trí rất quan trọng. Việc áp dụng và thực hiện đúng chế định này sẽ bảo đảm các cơ quan tư pháp trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử được khách quan, chính xác không để lọt tội phạm, không làm oan, sai đối với người vô tội. Đồng thời là yếu tố bảo đảm công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu để góp phần hiểu rõ những vấn đề về lý luận và thực tiễn xung quanh chế định này là rất cần thiết trong nghiên cứu khoc học pháp lý cũng như việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự của nước ta.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin lý luận về mặt pháp lý của chế định này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật tái bản cuốn sách: Chế định chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Sách chuyên khảo), do TS. Trần Quang Tiệp biên soạn.
Nội dung cuốn sách gồm tám chương:
Chương I: Khái niệm, chứng cứ và các loại chứng cứ
Chương II: Khái niệm nguồn chứng cứ và các loại nguồn chứng cứ
Chương III: Đối tượng chứng minh và nghĩa vụ chứng minh trong vụ án hình sự
Chương IV: Quá trình chứng minh trong vụ án hình sự
Chương V: Thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong vụ án hình sự
Chương VI: Thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ từ lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo
Chương VII: Thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ từ lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án
Chương VIII: Thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ từ vật chứng, kết luận giám định, biên bản về hoạt động điều tra, xét xử, các tài liệu, hiện vật khác trong vụ án.