Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh liệt sĩ

Ngày đăng: 23/07/2013 - 10:07

Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ người trồng cây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đạo lý đó hình thành ngay từ buổi đầu dựng nước, xuyên suốt chiều dài lịch sử, được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy lên đỉnh cao của thời đại mới. Làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ theo lời dạy của Người chính là cách học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thiết thực nhất.

Chu tich HCM voi ct thuong binh liet si

Quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ

Dân tộc ta vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn và đấu tranh bất khuất. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kháng chiến chống ngoại xâm, nhân dân ta đã không tiếc máu xương, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhiều người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân hoặc hy sinh một phần xương máu của mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Sự hy sinh vì nước, vì dân của các chiến sĩ ta là vô cùng cao quý. Tổ quốc sẽ mãi mãi ghi công, nhân dân sẽ đời đời biết ơn và tưởng nhớ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở nhận thức sâu sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”1.

Từ Thư gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ (12-1945) cho đến Di chúc, hầu như năm nào Người cũng có thư gửi cho anh em thương binh, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ, nhất là vào dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ (27-7). Đồng thời, Người còn có nhiều bài nói, bài viết quan trọng về thương binh, liệt sĩ trong nhiều dịp khác như trong: Thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng (1-1947), Thư gửi các Hội mẹ chiến sĩ Liên khu IV (9-1949), Diễn từ trong buổi lễ đặt vòng hoa ở đài liệt sĩ (31-12-1954), Bài nói tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (5-1-1960)2, v.v.. Những bài viết, bài nói (khoảng trên 50 bài) và nhiều cử chỉ cao đẹp khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng những tình cảm chân thành, sâu sắc dành cho các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Trước hết, Người cho ta một nhận thức ngắn gọn, đầy đủ, chứa đựng những tình cảm sâu sắc nhất về thương binh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt”3. Tình cảm của Bác đậm nét trong từng câu, từng chữ, từng ý, từng lời: “Cách mấy ngày trước, họ là những thanh niên lành mạnh, vui vẻ, oanh liệt. Trải qua những ngày ăn gió nằm sương, những trận mưa bom bão đạn, họ bị tay què chân cụt, họ hóa ra thương binh. Họ đã hy sinh cho ai? Cách mấy ngày trước, bố mẹ họ nhận được tin tức, đang mong cho đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, họ sẽ trở lại quê hương, một nhà đoàn tụ. Ngày nay bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà hóa. Con dại trở nên bồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Họ đã hy sinh cho ai? Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào”4. Họ là những anh hùng đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ sẽ luôn sống với non sông Việt Nam. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên họ.

Để bù đắp một phần mất mát, đau thương của thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”5. Mỗi năm đến “ngày thương binh, tử sĩ” (27-7), nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho đồng bào. Sự giúp đỡ phải bao gồm cả vật chất và tinh thần, trên cơ sở nhận thức “tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh. Mà lòng bác ái của đồng bào cũng không có hạn”6. Vì vậy, sự giúp đỡ là “trước đã giúp đỡ, sau này sẽ sẵn sàng giúp đỡ mãi”7. Công tác thương binh, liệt sĩ phải được nhận thức là nghĩa vụ, trở thành một phong trào sâu rộng, gắn liền với trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể phụ nữ, thanh niên, nhi đồng, các giới và các tầng lớp đồng bào. Đây không phải là việc “làm phúc” theo “thời vụ”, giúp một thời gian, mà phải thực hiện lâu dài. Ngày 27-7-1950, trong Thư gửi Ban tổ chức Trung ương ngày thương binh tử sĩ, Bác viết: “Ngày 27-7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Càng tưởng nhớ đến những con người dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm trọn nhiệm vụ... Năm nay Chính phủ không mở lạc quyên cho ngày ấy. Nhưng tôi mong rằng các đoàn thể văn hóa, công nhân, nông dân, phụ nữ, nhi đồng và các bộ đội hoặc đến an ủi thương binh và gia đình tử sĩ, hoặc viết thư hỏi thăm, ai sẵn quà gì thì biếu quà ấy để tỏ lòng thương mến”8.

Trong công tác thương binh, liệt sĩ, một vấn đề quan trọng đặt ra là phải noi theo gương anh dũng, gương chí công vô tư của thương binh, liệt sĩ. Tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (5-1-1960), Bác nói: “Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”9.

Trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ (1-1947), từ đáy lòng, Bác Hồ tâm sự: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Namlà gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Namlà con cháu của tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”10. Vì vậy, Người không chỉ kêu gọi đồng bào quan tâm tới thương binh, mà chính Người là tấm gương sáng, nói đi đôi với làm, xung phong gương mẫu thực hiện nhiệm vụ đó một cách thiết thực, để toàn dân noi theo một cách tự nguyện. Bắt đầu từ ngày thương binh toàn quốc lần thứ nhất (7-1947), Người đã “xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”11. Từ đó trở đi, nhiều năm tiếp theo, cùng với việc gửi thư với những lời thân ái, trân trọng thăm hỏi ân cần, Người tiếp tục gửi tiền lương và các thứ đồ dùng khác như khăn mặt, quần áo... mà đồng bào các nơi đã biếu Người để góp vào quỹ, làm quà cho anh em thương binh. Đó là những việc làm hợp với đạo lý làm người của người Việt Nam, nên nhanh chóng trở thành phong trào sâu rộng, mang lại những kết quả tốt đẹp trong quần chúng nhân dân.

Là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một lãnh tụ của Đảng và dân tộc, suốt đời đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sau như một, luôn luôn trân trọng tâm linh của con người, một nét văn hóa mang giá trị trường tồn trong đời sống của con dân nước Việt. Hơn một lần, Người nhắc đến bàn thờ linh thiêng của tổ tiên, đến việc thắp hương vào những tiết đầu xuân, đầu thu, đến việc mở hương án, dâng hoa quả đầu mùa. Sâu thẳm tận đáy lòng, mỗi khi đứng trước đài tưởng niệm các liệt sĩ, Bác Hồ lại “kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc... thân ái an ủi các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ”12. Người mong mọi người lập nhiều chiến công làm cho rạng danh đất nước và đền đáp công ơn của các bà mẹ chiến sĩ. Chính Bác là người đặt nền móng cho việc ghi nhận danh hiệu vẻ vang Mẹ ViệtNam anh hùng. Những việc làm đó thật hiếm hoi trong hàng ngũ các lãnh tụ cách mạng quốc tế.

Trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với công tác thương binh, liệt sĩ

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thương binh, liệt sĩ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Mỗi người Việt Nam yêu nước phải biết ơn, thương yêu và giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ, những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Chính điều này sẽ có tác động tích cực trở lại, làm cho mỗi thương binh, “những người tàn nhưng không phế” nhận rõ trách nhiệm, thái độ của mình đối với nhân dân, với đất nước. Bác căn dặn anh em thương binh phải biết ơn sự chăm sóc của đồng bào; phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân; phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật. Chớ bi quan, chán nản, phải luôn luôn cố gắng. Đã là quân nhân cách mạng thì bao giờ cũng phải là chiến sĩ anh dũng. Nghĩa là mọi lúc, mọi nơi, lúc ở trại cũng như lúc ra trại, về sản xuất nông nghiệp hay làm ở công sở, nhà máy... đều phải hăng hái tham gia. Đặc biệt là phải giữ gìn kỷ luật, đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giữa anh em thương, bệnh binh với nhau, giữa thương, bệnh binh với cán bộ, nhân viên ở trại, giữa thương, bệnh binh với đồng bào; giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng.

Là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, một lãnh tụ nặng lòng thương yêu con người, Bác Hồ luôn quý trọng và nâng niu lao động của con người, đặc biệt là lao động của thương binh. Người không bỏ qua bất kỳ một thành tích nào, dù nhỏ, của anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Người có những hình thức biểu dương, khen ngợi, động viên kịp thời những điển hình tốt của thương binh. Bởi vì điều đó “chứng tỏ rằng anh em thương binh và bộ đội đã tiếp tục và phát triển truyền thống anh dũng trong thời kỳ kháng chiến vào trong công cuộc xây dựng hòa bình, và các gia đình liệt sĩ cũng cố gắng để góp phần vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội”13. Bác cũng nhắc các cơ quan, đoàn thể thực hiện chu đáo chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh và liệt sĩ để anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ được ổn định hơn nữa trong công tác và đời sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 44 năm. Thực hiện lời dặn lại của Người trong Di chúc thiêng liêng: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình; đối với các liệt sĩ; đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ, Đảng và Chính phủ đã ra sức thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ với một tinh thần nhân văn và ý thức trách nhiệm cao trên một quy mô rộng lớn. Qua hơn 25 năm đổi mới, chúng ta đã làm được nhiều việc thiết thực hướng về cội nguồn, về cách mạng và kháng chiến, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, đền ơn đáp nghĩa những người có công, như chăm nuôi các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm, v.v..

Việc thực hiện các phong trào quần chúng như “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”... trong sự nghiệp đổi mới chính là sự vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ. Làm tốt những công việc này trong tình hình mới là tỏ lòng tôn kính Bác Hồ, đồng thời thể hiện truyền thống văn hóa và thái độ nhân văn cao cả của dân tộc ViệtNam. Đó cũng chính là một trong những động lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước phồn vinh.

PGS. TS. Bùi Đình Phong

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

1, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr. 401.

2. Từ Đại hội III của Đảng (9-1960) về trước, ngày 6-1 được lấy là ngày thành lập Đảng.

3, 4, 5, 6, 7, 10, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 204, 579-580, 204, 580, 49, 205.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6. tr. 415, 520.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 228

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 495.   

Bình luận