Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vị đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin yêu. Trên cương vị đứng đầu Nhà nước, Người đã giao phó cho đồng chí nhiều trọng trách, thuộc nhiều lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, vào những thời điểm trọng đại có tính bước ngoặt của đất nước với sự tin cậy đặc biệt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hội nghị Quân chính
toàn quân lần thứ nhất (1960)
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914, trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tên Nguyễn Chí Thanh lần đầu tiên xuất hiện tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào (8-1945). Tại Hội nghị, khi công bố danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có tên Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Nguyễn Vịnh quay sang hỏi đồng chí Võ Nguyễn Giáp: “Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế?”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời “Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy”. Nguyễn Vịnh vô cùng ngỡ ngàng và sung sướng. Từ thời điểm đó, tên Nguyễn Chí Thanh đã trở thành một phần lịch sử của quân đội ta, của cách mạng Việt Nam1. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Vịnh đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Bác khen là người có chí lớn, hoạt động cách mạng hiệu quả ngay cả trong nhà tù đế quốc.
Từ khi gặp Bác, được sự quan tâm, dìu dắt của Đảng và Bác, cộng với đức tính kiên cường, ý chí tự học, tự rèn luyện thường xuyên, đồng chí đã trưởng thành nhanh chóng, được Đảng, Bác Hồ tin cậy, giao phó nhiều trọng trách quan trọng.
Không phụ lòng tin của Đảng, của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã không ngừng phấn đấu, đạt được những thành tích to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1947, mặt trận Huế bị vỡ, tình hình vô cùng khó khăn. Ngày 25-3-1947, trên cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp đặc biệt ngay sát địch. Sau khi đọc thư của Bác Hồ Gửi các đồng chí Trung Bộ, đồng chí đã liên hệ với tình hình địa phương, nghiêm khắc tự phê bình và phê bình, rút ra những bài học sâu sắc. Trên cơ sở phân tích những lời phê bình của Bác, cũng như vận dụng sáng tạo tư tưởng chiến tranh nhân dân của Người, đồng chí khẳng định: “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân”. Những phân tích sâu sắc, thực tế của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã góp phần quan trọng tạo tiền đề cho Tỉnh ủy Thừa Thiên ra Nghị quyết nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo: “Phải nhanh chóng chuyển sang tiến công địch,… phát động chiến tranh du kích, phá tan chính sách bình định của địch”, đưa phong trào kháng chiến vùng sau lưng địch của Bình Trị Thiên vượt qua những khó khăn hiểm nghèo, từng bước tiến lên. Tiếp đó, trên cương vị mới là Bí thư Phân khu Bình Trị Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã vận dụng một cách đúng đắn và kịp thời đường lối chiến tranh nhân dân, phát động chiến dịch phá tề, phát triển dân quân du kích, đưa phong trào của Bình Trị Thiên vươn lên hòa nhập với phong trào của cả nước. Ghi nhận những đóng góp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong phát triển chiến tranh du kích, gây dựng phong trào, Bác Hồ đã phong tặng đồng chí danh hiệu “Vị tướng du kích”2.
Đánh giá đúng năng lực làm việc của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, cũng như vai trò của công tác Đảng, công tác chính trị trong kháng chiến, năm 1950, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ đã điều đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào quân đội làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Tổng Quân ủy. Quyết định cử một lãnh đạo phân khu có nhiều thành tích chiến đấu, song chưa được đào tạo một cách bài bản về lý luận chính trị - quân sự đảm đương công việc “quán xuyến” vấn đề chính trị của toàn quân đang trong thời kỳ ác liệt, là một quyết định táo bạo song cũng vô cùng đúng đắn, thể hiện sự nhìn nhận tài tình và nghệ thuật sử dụng người tài của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau một thời gian đảm nhận cương vị mới, sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, với tinh thần cống hiến hết mình, làm việc quá sức, đồng chí Nguyễn Chí Thanh mắc bệnh phổi. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch khuyên đồng chí nên nghỉ và đề nghị Bộ Chính trị ra quyết định buộc đồng chí chấp hành. Đồng chí đã gửi báo cáo xin chấp hành nhưng vì công việc đang bộn bề, đề nghị Trung ương cho phép làm xong một vài việc rồi sẽ đi nghỉ dưỡng. Vừa gửi thư đề nghị hôm trước, hôm sau Bác Hồ đột ngột đến thăm gia đình đồng chí. Ân cần hỏi thăm sức khỏe đồng chí và không chờ câu trả lời, Bác bảo luôn “Bộ Chính trị đã quyết định rồi, chú sắp xếp đi nghỉ thôi” và Người khuyên “Ngày xưa Bác cũng bị bệnh phổi, nhưng kiên trì chữa thì khỏi”. Nghe những lời động viên chân tình của Bác, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vô cùng xúc động và chấp hành nghỉ việc đi chữa bệnh3. Sự quan tâm của Bác Hồ đối với sức khỏe của đồng chí vẫn luôn thường trực trong suốt thời gian sau đó. Đồng chí Nguyễn Nổng, người bảo vệ đồng chí kể lại, có lần Bác Hồ được Chủ tịch Kim Nhật Thành tặng bốn chai sâm đặc biệt. Thấy đồng chí Nguyễn Chí Thanh yếu, Bác tặng đồng chí hai chai4. Không chỉ quan tâm tới đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Người còn rất quan tâm đến gia đình đồng chí. Khi biết tin vợ đồng chí Nguyễn Chí Thanh chuẩn bị sinh con, Người đã tặng đồng chí một đồng tiền bằng vàng để gửi về cho cháu bé mới sinh.
Xúc động trước tấm lòng yêu thương của Bác, đồng chí Nguyễn Chí Thanh càng nỗ lực cố gắng, đem hết tâm lực cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy triển khai nghiêm túc các tư tưởng chỉ đạo của Đảng, của Bác nhằm tăng cường sức chiến đấu của quân đội ta. Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có công rất lớn trong việc củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội ta, xây dựng nền nếp công tác chính trị, nâng cao nhanh chóng sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân, thường xuyên chăm lo giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ngày một phát triển.
Ngày 31-8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 36-SL, phong quân hàm cấp tướng cho 16 sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, theo sắc lệnh này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phong hàm cấp Đại tướng, vị đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cả hai đại tướng đầu tiên này đều được đặc cách phong vượt cấp. Điều đó thể hiện sự tin cậy của Đảng, của Bác Hồ cũng như tài năng và những đóng góp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh với lực lượng vũ trang nhân dân.
Cuối năm 1960, do yêu cầu của công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng giao làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Từ một vị tướng phụ trách về tư tưởng, chính trị của quân đội chuyển sang lãnh đạo, chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, trực tiếp gắn với đời sống, sự đói no của hàng chục triệu người không phải là một điều đơn giản, quyết định chọn lựa người gánh vác trọng trách này cũng là một vấn đề rất lớn của Đảng, của Bác. Đánh giá được đầy đủ những khó khăn của công tác mới, năng lực khơi dậy phong trào của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ngày được phân công nhiệm vụ mới, Bác Hồ mời đồng chí đến gặp Người. Bác bảo: Phong trào mỗi nhóm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi5. Lời căn dặn của Bác không những củng cố niềm tin, động viên ý chí quyết tâm của Đại tướng, mà cao hơn còn chứa đựng cả phương pháp quý báu mà Bác truyền đạt cho Đại tướng trong công tác gây dựng phong trào cần phải nêu gương điển hình.
Ghi nhớ lời căn dặn của Bác, đồng chí đã trực tiếp về hợp tác xã Đại Phong thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình để tổng kết kinh nghiệm, rút ra những bài học của hợp tác xã và chi bộ Đại Phong. Theo đề nghị của đồng chí, Đảng ta phát động phong trào thi đua với hợp tác xã Đại Phong. Phong trào bắt đầu được phát động và phát triển mạnh sau khi bài báo Một hợp tác xã gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân dân, ngày 11-1-1961. Từ đây, phong trào “gió Đại Phong” đã tạo nên một luồng gió mới trên đồng ruộng Việt Nam trong những năm tháng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần to lớn vào việc xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến.
Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang say sưa trên mặt trận nông nghiệp thì Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ đối với nước ta. Theo sự chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, đồng chí được gọi trở lại quân đội và được Bộ Chính trị cử vào Nam trực tiếp chỉ đạo kháng chiến. Nhớ những lời căn dặn của Bác, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhanh chóng đúc rút những bài học kinh nghiệm từ những trận thắng Mỹ đầu tiên, báo cáo gấp ra miền Bắc. Sau mấy năm lăn lộn ở chiến trường và tìm ra được chìa khóa để đánh thắng Mỹ, đầu năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được triệu tập ra Hà Nội để chuẩn bị cho bước phát triển mới của cuộc kháng chiến. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (6-1967), đồng chí đã báo cáo một cách toàn diện tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Báo cáo sâu sắc, mang tính thực tiễn cao của Đại tướng đã góp phần quan trọng để Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những chỉ đạo chiến lược phù hợp với tình hình mới của miền Nam.
Ngày 5-7-1967, trước khi trở lại chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ mời cơm chiều với Người cũng là để tiễn đồng chí lên đường ra trận vào ngày hôm sau6. Chia tay Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bác tiễn Đại tướng ra tận giàn nho và đứng lại hồi lâu với đồng chí. Bác dặn đồng chí phải chú ý giữ gìn sức khỏe, hỏi thăm các con của Đại tướng đang sơ tán về Mỹ Đức (Hà Nội), tình hình công tác của chị Cúc, vợ Đại tướng. Sự lưu luyến của Bác và Đại tướng sau bữa cơm chiều đó đã nói lên rất nhiều tình cảm, sự quan tâm của Bác đối với Đại tướng cũng như sự quý trọng của Đại tướng đối với Người.
Khoảng thời gian Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhiều, song Người đã đặt nơi Đại tướng một niềm tin lớn cùng với sự quan tâm sâu sắc. Đáp lại niềm tin yêu của Bác, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nỗ lực phấn đấu hết mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Những tình cảm, sự tin cậy của Đảng, của Bác Hồ dành cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng ý chí, tài năng, nỗ lực phấn đấu của đồng chí đã tạo ra cho Quân đội nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam “một chiến sĩ cộng sản kiên cường”, “một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài ba của quân đội”.
TS. Chu Đức Tính
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
***
1, 2, 6. Thượng tướng Phùng Thế Tài: Vị đại tướng được Bác Hồ đặt tên, báo An ninh thế giới, số 828, ngày 4-2-2009.
3. Nguyệt Tú: Chuyện tình yêu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, in trong sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.418.
4. Trung tá Nguyễn Nổng: Những kỷ niệm sâu sắc, in trong sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.389.
5. Đại tá Lê Hải Triều: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Cuộc đời và sự nghiệp, in trong sách Những nhà cách mạng xuất sắc của cách mạng Việt Nam, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007, t.1, tr.528.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực