Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước
Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, từ đó phong trào Thi đua ái quốc chính thức được bắt đầu, trở thành một phong trào cách mạng rộng lớn, góp phần quan trọng đưa “kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước
Thi đua tăng cường đoàn kết, đoàn kết đẩy mạnh thi đua
Thi đua, dù cá nhân hay tập thể; dù các dân tộc đa số hay thiểu số; dù lương hay giáo; già trẻ hay gái trai; dù công, nông hay binh, sĩ…, tất cả đều nhằm vào một mục đích: diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm. Chính mục đích đó là chất keo liên kết mọi giai tầng xã hội. Trước kia, ai lo việc nấy, nhất là giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Giữa các hạng người cảm tình chưa được thân mật. Nhưng nhờ có thi đua và qua thi đua mà mọi người cảm thấy cần nhau hơn, gần gũi nhau hơn, không thể thiếu được nhau trong công cuộc cách mạng. Chẳng hạn, muốn bộ đội đủ ăn, đủ mặc, đủ vũ khí, đánh mạnh, thắng nhiều, thì trí thức thi đua phát minh sáng chế, nông dân thi đua sản xuất nhiều lúa gạo, công nhân thi đua sản xuất nhiều súng đạn. Ngược lại, trong lúc thi đua diệt giặc lập công, thì bộ đội luôn nhớ đến đồng bào, ra sức diệt nhiều giặc cho đồng bào làm ăn yên ổn. Thi đua tăng cường đoàn kết còn thể hiện ở chỗ một tấm gương sáng trong thi đua sẽ lôi cuốn nhiều người trong dòng chảy của cả dân tộc, tạo nên tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.
Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất
Thi đua là mọi người, mọi nhà, mọi ngành gắng phát triển tài năng, sáng kiến của mình, làm nhanh, làm tốt, làm đẹp nhằm tăng năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu, diệt được nhiều giặc. Đó là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Bởi vì yêu nước là làm cho nước mau hòa bình, thống nhất, độc lập, giàu mạnh. Mà càng thi đua thì năng suất càng cao, kết quả là lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng. Ta sẽ diệt giặc gấp nhiều lần, thắng lợi gấp nhiều lần. Kết quả là kháng chiến sẽ thắng lợi, kiến quốc sẽ thành công và đi đến dân giàu, nước mạnh. Một người cho mình là yêu nước thì phải thi đua. Bởi vì chỉ có qua thi đua - với kết quả cụ thể - thì mới bộc lộ và ngày càng bộc lộ tinh thần yêu nước. Tinh thần yêu nước phải được thực hành vào công việc kháng chiến, kiến quốc. Và như vậy thì rõ ràng là những người thi đua tức là những người yêu nước nhất.
Thi đua cải tạo con người
Nếu lao động là hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra các loại sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội thì thi đua được hiểu là một loại lao động ở một cung bậc khác, cao hơn, tức là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực ra làm, nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt nhất trong chiến đấu, sản xuất, công tác, học tập. Và nếu lao động là vẻ vang, sáng tạo ra xã hội, thì thi đua càng vẻ vang, càng sáng tạo xã hội. Bởi vì, càng thi đua thì càng phải tìm tòi, học hỏi, cầu tiến bộ. Do sáng kiến và kinh nghiệm trong thi đua mà lao động chân tay thì nâng cao trình độ kỹ thuật; lao động trí óc thì gần gũi, giúp đỡ, cộng tác và học hỏi lao động chân tay. Như vậy, phong trào thi đua làm cho công nông binh trí thức hóa, và trí thức thì lao động hóa. Đó chính là một mặt quan trọng của ý nghĩa thi đua cải tạo con người. Mặt khác, đã là chiến sĩ thi đua thì họ là những người giàu tinh thần trách nhiệm, tận trung với nước, tận hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Vì vậy, phong trào thi đua càng sâu rộng, càng có nhiều con người tốt, tạo đà cho sự phát triển của xã hội, của cách mạng. Có thể nói, những người thi đua là những người đạo đức nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Anh hùng, chiến sĩ thi đua đã là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý. Họ không sợ khó nhọc, ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, chứ không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tỵ về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những người anh em chung quanh mình, họ giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi”1.
Thi đua ích nước, lợi nhà, được lợi, được danh
Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, các địa phương thi đua. Tất cả công, nông, bộ đội, du kích, dân quân, viên chức, văn nghệ sĩ, nhà giáo dục, đồng bào tư sản, địa chủ, các xã, khu ủy, tỉnh ủy, cán bộ của hội... thi đua. Cá nhân với cá nhân, đoàn thể với đoàn thể, cơ quan với cơ quan, các địa phương, các đơn vị bộ đội thi đua với nhau, tóm lại cả nước thi đua. Và thi đua về mọi mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa...
Thi đua như vậy sẽ lợi nhà, vì thi đua sẽ làm cho năng suất gấp hai, gấp ba. Thi đua như vậy sẽ ích nước. Bởi vì ngoài phần thóc nộp cho Chính phủ, phần thóc ăn, phần thóc thừa bán cho Chính phủ. Chính phủ mua thóc để nuôi cán bộ, bộ đội, làm các việc ích chung. Tăng gia nhiều, thừa thóc nhiều, thì bán thóc cho Chính phủ càng nhiều hơn. Nếu tăng gia nhiều nhất trong địa phương, thì còn được Chính phủ khen thưởng. “Thế là đã được lợi, lại được danh”2.
Thi đua là phải làm cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ
Bản chất thi đua trước hết là làm ra nhiều sản phẩm. Chỉ có làm nhiều mới đủ dùng, phục vụ tốt cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Nhiều nhưng phải nhanh. Đi đường ai cũng muốn mau tới đích. Làm cách mạng cũng muốn mau đạt tới thắng lợi cuối cùng. Và ta có điều kiện làm nhanh, vì nhân dân lao động đã trở thành người chủ. Khả năng tiềm tàng trong nhân dân là vô tận. Nhanh là hết sức quan trọng, nhưng phải hiểu đúng thế nào là nhanh và bằng cách nào để nhanh. Nhanh không phải chỉ gắng sức lên từng lúc, từng đợt. Nhanh là phải tiến bước không ngừng và bước sau bao giờ cũng phải dài hơn, vững hơn bước trước. Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng. Muốn nhanh thì trước hết phải tiêu diệt tư tưởng bảo thủ, rụt rè trong từng người. Phải không ngừng cải tiến công tác. Và lúc nào cũng phải làm bước trước chuẩn bị bước sau, làm hôm nay chuẩn bị ngày mai.
Làm nhiều, làm nhanh cốt tăng nhanh mức sống của nhân dân lao động, tăng nhanh tích lũy để xây dựng công nghiệp, mở mang kinh tế. Cho nên nhiều, nhanh lại phải đi đôi với tốt. Nếu chỉ nhiều, nhanh mà không nghĩ đến tốt, thì kết quả cuối cùng vẫn không nhiều, nhanh. Chẳng hạn, một nhà máy, nếu xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, có thể dùng được 50 năm. Nhưng nếu xây dựng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, thì chỉ vài chục năm sau, nhà máy sẽ xuống cấp, không an toàn. Như vậy, khác nào bỏ vốn xây dựng một nhà máy mà chỉ được một nửa nhà máy. Trong công tác xây dựng cơ bản cũng như trong việc sản xuất máy móc, dụng cụ, hàng tiêu dùng, nhiều, nhanh và tốt luôn gắn bó với nhau như vậy. Nếu vì muốn có nhiều “thành tích” hoặc muốn được hưởng mức công cao nên làm bừa, làm ẩu thì rất có hại. Hại cho sản xuất, hại cho xây dựng kinh tế chung, hại cho đời sống nhân dân.
Thông thường, nhiều thì khó nhanh, nhanh thì khó tốt, tốt thì khó rẻ. Nhưng đó chỉ là khi người lao động còn phải bán mình như một món hàng để kiếm sống. Còn “đối với chúng ta, những người lao động đang làm chủ và xây dựng cuộc sống mới, thì nhiều, nhanh, tốt, rẻ lại gắn bó với nhau như da với thịt”3. Nếu làm nhiều, làm nhanh, làm tốt nhưng lại không rẻ - nghĩa là phải dùng quá nhiều sức người, sức của - thì rốt cuộc vẫn không đạt được mục đích tăng nhanh mức sống của nhân dân và tăng nhanh tích lũy để mở mang kinh tế. Tăng năng suất là tiết kiệm sức người, sức của, thời gian trong sản xuất và xây dựng. Đó là cách làm vừa nhanh vừa rẻ. Lại còn phải tính toán chi ly trong việc dùng nguyên liệu, vật liệu. Tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, quy đến cùng là tiết kiệm vốn. Ngoài ra, tiết kiệm vốn còn một cách nữa là làm cho vốn “quay vòng nhanh”.
Tóm lại, thi đua tăng năng suất lao động, tiết kiệm vốn, tiết kiệm nguyên vật liệu, không ngừng giảm giá thành, mà còn dôi ra một số khá lớn sức người, sức của để sản xuất thêm nhiều hàng hóa, xây dựng thêm nhiều xí nghiệp mới, thế là đã nhiều, nhanh lại rẻ. Và do rẻ, nên càng nhiều, càng nhanh. Cho nên: “Làm nhanh mà không tốt/ Có gì là vẻ vang?/ Đã là người làm chủ/ Tính toán phải đàng hoàng/ Nhiều, nhanh, tốt, rẻ rõ ràng/ Lợi dân, lợi nước đôi đàng vẹn đôi”4.
Đẩy mạnh thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sáu mươi lăm năm đã trôi qua, mặc dù bối cảnh đất nước và thế giới đã có nhiều đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Trong phong trào thi đua yêu nước hiện nay, nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên là giáo dục tinh thần dân tộc chân chính và lòng yêu nước cho mọi người. Tinh thần đó phải ăn sâu, bén rễ vào từng người, từng nhà, từng ngành, từng địa phương, thấm vào suy nghĩ và hành động hằng ngày vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Triết lý thi đua yêu nước Hồ Chí Minh phải được coi là lẽ sống của mỗi “con Lạc cháu Hồng”.
Chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thi đua yêu nước phải được thể hiện cụ thể ở các nội dung “suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị”. Đặc biệt thể hiện ở phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu là yêu nước. Và những người yêu nước là những người quyết tâm thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu nhất. Đây không phải là việc làm nhất thời mà phải thường xuyên, tiến dần dần, tiến mãi mãi. Việc học tập phải biến thành những việc làm, hành động thiết thực, cụ thể. Thi đua yêu nước không phải là ganh đua, không phải chạy theo thành tích. Thi đua trong nền kinh tế thị trường có thể là cuộc cạnh tranh quyết liệt, lành mạnh chứa đựng nội dung trí tuệ, đạo đức và cách làm việc khoa học của doanh nhân. Ai, doanh nghiệp nào không đáp ứng được đòi hỏi của kinh tế thị trường thì phải bị đào thải.
Kế hoạch, nội dung thi đua phải cụ thể, rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, đúng mực. Thi đua phải lâu dài, rộng khắp, và tiến mãi theo tinh thần Hồ Chí Minh “những ngày kỷ niệm là những đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua”. Bình chọn các danh hiệu thi đua. Phải chọn được những người xứng đáng, tiên phong trong tư tưởng và hành động. Họ phải thật sự là những ngọn cờ để mọi người ngưỡng mộ, “tâm phục, khẩu phục”, có tác dụng động viên, lôi cuốn, thúc đẩy. Làm trái lại là phản tác dụng.
PGS. TS. BÙI ĐÌNH PHONG
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
1, 2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Tồn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H Nội, 2011, t.11, tr.497; t.9, tr.467; t.12, tr.514; t.12, tr.513.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực