Chân dung những phụ nữ đạt Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013

Ngày đăng: 07/03/2014 - 16:03

Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng lớn, có ý nghĩa quốc tế tôn vinh các tập thể, cá nhân nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị kinh tế - xã hội, được ứng dụng trong thực tiễn. Giải thưởng được trao tặng hàng năm vào dịp 8-3 và 29 năm kể từ khi thành lập (năm 1985) đến nay, Uỷ ban Giải thưởng Kovalevskaia của Việt Nam đã lựa chọn, trao giải thưởng cho 55 tập thể, cá nhân.

PGS. TS. Nguyễn Thị Bích và PGS, TS. Lê Thị Luân là 2 gương mặt nhà khoa học nữ xuất sắc được chọn trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013. PGS. TS. bác sĩ Lê Thị Luân là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vắcxin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế); PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy nguyên là Giám đốc Viện chuyên ngành vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 sẽ được tổ chức vào ngày 8-3-2014, tại Hội trường Bộ Quốc phòng nhân dịp kỷ niệm 104 năm Ngày quốc tế Phụ nữ và 1974 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Nhân dịp này, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng sẽ tặng bằng khen và quà cho 16 nữ tiến sĩ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong năm 2013 và giao lưu với một số nữ sinh viên khối ngành khoa học tự nhiên có thành tích xuất sắc trong học tập…

PG,TS. Lê Thị Luân - nhà khoa học đẩy lùi bệnh tiêu chảy

chan dungPGS, TS. Lê Thị Luân

PGS.TS Lê Thị Luân đã đem niềm đam mê khoa học của mình kính gửi gắm vào kính hiển vi và những vi khuẩn, virut thông thường hay gây bệnh với sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, bàn tay chính xác và cái đầu sáng tạo. 23 năm say mê nghiên cứu, chị đã góp phần vào sự thành công của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước với vai trò là chủ nhiệm và thành viên tham gia.

Công trình sản xuất vắc xin Rota là một trong những công trình khoa học lớn với 16 năm nghiên cứu thực hiện đã đạt kết quả xuất sắc với tính mới, tính khoa học và tính ứng dụng cao trong y học. Kết quả của công trình khoa học này không chỉ tạo được một hệ thống chủng giống virut rota - nguyên liệu quan trọng nhất cho sản xuất vắc xin Rota tại Việt Nam mà nó còn là bước ngoặt trong ngành vắc xin học và chứng minh lần đầu tiên tại nước ta đã sản xuất thành công vắc xin Rota sử dụng hệ thống chủng giống thiết lập trên chủng nội địa với công nghệ cập nhật quốc tế.

Công trình khoa học cấp nhà nước KC.10.03/06 "Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất vắc xin Rota sống, uống, giảm độc lực phòng bệnh tiêu chảy tại Việt Nam" với mục tiêu xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất, vắc xin bảo đảm an toàn hiệu lực với tiêu chuẩn cập nhật quốc tế cho vắc xin Rota tại Việt Nam thành công, được công bố trên tạp chí có uy tín của ngành và quốc tế. Kết quả công trình là bước ngoặt trong ngành vắc xin học, lần đầu tiên tại nước ta đã sản xuất thành công vắc xin rota sử dụng hệ thống chủng giống thiết lập trên chủng nội địa với công nghệ cập nhật quốc tế.

Công trình khoa học cấp nhà nước KC.10.03/06-10 “Đánh giá tính an toàn và tính sinh Miễn dịch của vắc xin Rotavin-M1 sống giảm độc lực phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Việt Nam” thành công, vắc xin Rotavin-M1 đã được cấp phép lưu hành tại và được sản xuất và đưa ra thị trường từ tháng 8-2012.

Qua 16 năm nghiên cứu bệnh Viêm dạ dày ruột cấp tính do virut rota, chị cùng đồng nghiệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, nghiên cứu thành công vắc xin phòng bệnh tiêu chảy tại Việt Nam công nghệ cập nhật quốc tế. Đây là thành công lớn của chị và cộng sự đồng thời cũng là thành tựu to lớn của ngành y học dự phòng nói riêng và ngành y tế nói chung. Thành công này đã khẳng định một lần nữa Việt Nam là nước thứ 2 của châu Á và là một trong 4 nước trên thế giới tự sản xuất được vắc xin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế. Công trình này đã đem lại hiệu quả xã hội và kinh tế rất cao, tại nước ta sẽ giảm 5.300-6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ, và giảm 122.000-140.000 lần trẻ phải nhập viện do virut rota, như vậy sẽ tiết kiệm được 5,3 triệu đô la Mỹ, trong đó 3,1 triêu cho chí phí trực tiếp, 685.000 cho chi phí không thuộc lĩnh vực y tế và 1,5 triệu đô la cho chi phí gián tiếp để điều trị bệnh tiêu chảy do virut rota ở nước ta.

Với những thành tích trên, PGS. TS. Lê Thị Luân được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm và nhiều bằng khen của các bộ, ngành: Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2005; danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; bốn Bằng khen của các Bộ ngành; hai Bằng Lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2006 của Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam...

PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy - 30 năm gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giao thông vận tải

Sinh ra trong một gia đình trí thức, có truyền thống nghiên cứu nên tình yêu nghiên cứu khoa học luôn hiện hữu trong chị từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông đến nay. Cô kỹ sư công nghệ hóa dầu, Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Thị Bích Thủy đã thực hiện niềm đam mê của mình tại phòng Động cơ nhiên liệu, Viện Kỹ thuật Giao thông và đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Và sự trưởng thành của chị gắn liền với công tác nghiên cứu khoa học với chức danh Giám đốc, Trưởng phòng thí nghiệm LAS XD 201, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải.

Hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy luôn say mê nghiên cứu khoa học có nhiều công trình đã được ứng dụng vào thực tiễn. Chị đã chủ trì và tham gia 59 đề tài tiêu chuẩn các cấp, trong đó 47 công trình đã được công bố, trên 10 công trình tiêu biểu được áp dụng thực tiễn và 26 Tiêu chuẩn Việt Nam được ban hành rộng rãi. Tiêu biểu là quy trình sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép tuổi thọ 10 năm và sơn men tuổi thọ lớn hơn 15 năm đã được đưa vào ứng dụng từ năm 1994 đến nay ở cầu Chương Dương, cầu Đuống (Hà Nội), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) và nhiều cầu đường sắt, đường bộ khác. Quy trình công nghệ sản suất sơn men tuổi thọ lớn hơn 15 năm của bà sử dụng nhựa than đá và khoáng mica của Việt Nam để nâng cao khả năng chống thấm và chống ăn mòn của màng sơn, bảo vệ tốt cho kết cấu thép khu vực ăn mòn cao như trong lòng đất, khu vực mớn nước thay đổi của nước biển... đã được xét tặng giải Nhì VIFOTEC năm 2013. Các công trình nghiên cứu của chị không chỉ đóng góp vào sự phát triển khoa học của ngành mà còn tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ phát triển bền vững trong ngành Giao thông vận tải. Cùng với đó, chị là chủ trì và tham gia biên soạn chính 26 TCVN, 810 tiêu chuẩn Ngành và giáo giảng dạy thí nghiệm của Bộ Giao thông vận tải; tham gia thẩm định Tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải.

PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy còn tích cực tham gia công tác đào tạo, giảng dạy cho sinh viên tại trường đại học Bách khoa Hà Nội và để lại nhiều ấn tượng tốt cho những học trò của mình. Chị là một số ít tiến sĩ giảng dạy về môn Công nghệ vật liệu Polyme compozit; thí nghiệm viên và tư vấn giám sát về lĩnh vực sơn phủ bảo vệ, nước trong xây dựng. Chị đã tham gia hướng 03 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ (trong đó hướng dẫn chính 01 NCS), 04 thạc sỹ và trên 30 sinh viên trường địa học Bách Khoa Hà Nội làm tốt nghiệp thành công.

Với những cống hiến của mình, chị được Chính phủ, các bộ ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: hai lần lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành; ba Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ vì có nhiều thành tích đóng góp trong hoạt động khoa học ông nghệ, hai cúp vàng Techmart…

 

Theo hoilhpn.org.vn

Bình luận