Pháp luật không chỉ là công cụ để Nhà nước duy trì trật tự xã hội mà còn để kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển của quốc gia. Theo nghĩa đó, pháp luật cần được xây dựng và dự kiến xây dựng với tầm nhìn chiến lược để không chỉ phù hợp với các yêu cầu hiện tại mà còn với bối cảnh tương lai của đất nước. Chiến lược phát triển pháp luật cần được coi trọng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của quốc gia. Hiện nay, Đảng ta đang tiến hành xây dựng Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 là chiến lược thành tố. Xây dựng Chiến lược phát triển pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần phải dựa vào những nền tảng lý luận và thực tiễn như thế nào là vấn đề cần được làm sáng tỏ.
Sau chặng đường hơn một phần ba thế kỷ đổi mới kể từ năm 1986, hệ thống pháp luật Việt Nam đã không ngừng được xây dựng và hoàn thiện. Đến nay, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật khá đầy đủ và đồng bộ trên hầu hết các lĩnh vực, đủ để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho quản lý nhà nước cũng như môi trường, hành lang pháp lý dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật, đặc biệt là tính thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định và tính khả thi chưa cao, chưa đạt đến tầm của một hệ thống pháp luật phục vụ kiến triển. Với mục tiêu xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt tạo phát Nam hiện đại, một nước Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, hệ thống pháp luật cho tương lai cần phải được xây dựng triển.
Cuốn sách chuyên khảo Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Những vấn đề lý luận và thực tiễn do GS. TS. Võ Khánh Vinh chủ biên, được biên soạn trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045: Lý luận và thực tiễn” do Học viện Khoa học xã hội, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức vào tháng 11/2021.
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần: Phần 1 tập trung luận giải những các đề lý luận về Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2005 và những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng chiến lược. Phần 2, tập trung bàn luận về những vấn đề liên quan đến xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực công như: hoàn thiện Luật Hiến pháp, pháp luật về dân chủ ở cơ sở đến cải cách tư pháp và hệ thống tư pháp. Phần 3, tập trung bàn luận về những vấn đề liên quan đến xây dựng, hoàn thiện và phát triển pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực luật tư như: pháp luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật sở hữu trí tuệ… trước những biến đổi của thế giới nói chung và đất nước nói riêng.
Qua cuốn sách có thể thấy thực trạng quy định pháp luật và thực hiện pháp luật công và pháp luật tư rất đa dạng, thời gian qua hệ thống pháp luật đã có những bước phát triển vượt bậc theo các xu hướng chung của quốc tế. Tuy nhiên, thực trạng quy định pháp luật và thực hiện pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, các giải pháp chiến lược nhằm phát triển luật công và luật tư của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được các tác giả cụ thể hóa trong từng lĩnh vực.
Với những ý tưởng độc đáo, những luận cứ khoa học rất thuyết phục, cuốn sách đem đến cái nhìn tổng thể và sinh động hơn về định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là tài liệu tham khảo thiết thực cho các nhà hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật, gợi mở các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong tương lai.