Chiến dịch Thượng Lào qua lăng kính của các nhà quân sự và báo chí phương Tây

Ngày đăng: 17/05/2013 - 08:05

Thắng lợi của liên quân Việt - Lào trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1953 là một biểu hiện sinh động của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt - Lào, mở ra một cục diện mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ba nước Đông Dương. Sáu mươi năm đã trôi qua nhưng sự kiện lịch sử này vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Dai-tuong-VNG-044

Chiến dịch Thượng Lào là chiến dịch tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng tại chỗ Lào, diễn ra từ ngày 8-4 đến ngày 3-5-1953 trên ba hướng: Sầm Nưa (hướng chính) gồm 3 đại đoàn, đường 7 (1 đại đoàn) và Luông Prabăng (1 trung đoàn) nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, xây dựng vùng giải phóng, phát triển cách mạng Lào.

Kể từ khi chiến dịch kết thúc đến nay, nhiều tướng lĩnh, chính khách Pháp - Mỹ, nhiều học giả, ký giả phương Tây đã có rất nhiều công trình, bài viết về chiến dịch quan trọng này. Có người viết để thanh minh cho mình và trút trách nhiệm cho người khác. Có người viết nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ của độc giả. Nhưng cũng có người rất nghiêm túc, khách quan trong khi nghiên cứu, trình bày. Dù xuất phát từ những mục đích khác nhau, tất cả đều phải công nhận sự thất bại thảm hại của quân đội Pháp và thắng lợi to lớn của liên quân Việt - Lào.

Trước khi Chiến dịch Thượng Lào xảy ra, trong các cuộc họp của Quốc hội và Chính phủ Pháp, nhiều nghị sĩ đã chất vấn Thủ tướng Rơnê Mayê về vấn đề Đông Dương và tỏ ra lo lắng, thất vọng. Bộ trưởng Chiến tranh Pháp đã nghiêm túc cảnh báo nguy cơ đe dọa đến an ninh của Pháp ở Hà Nội. Báo chí Pháp, kể cả báo chí phái hữu, đều kịch liệt phản đối chính sách theo đuổi chiến tranh mù quáng của Chính phủ Pháp và vạch ra tác hại của nó. Tờ Người quan sát, số ra ngày 10-2-1953 viết: “… binh lính Pháp không thể chiến đấu được nữa, họ đã bị kiệt sức trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Đó là một sự thật”. Tờ Combat (Chiến đấu), số ra ngày 14-1-1953 còn quyết liệt hơn: “Chính phủ Rơnê Mayê phải lựa chọn trước tình hình chính trị tại Pháp và Đông Dương. Đó chính là một sự đầu hàng”.

Mặc dù được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, song những người trực tiếp chỉ huy tại Sầm Nưa và giới quân sự ở Pháp đều thực sự lo ngại cho số phận của quân đội Pháp ở đây. Qua nghiên cứu tình hình, Salăng phán đoán: Đứng trước một đối thủ lớn mạnh và điêu luyện, ba tiểu đoàn Pháp và ngụy Lào sẽ khó tránh khỏi bị tiêu diệt hoặc tan rã, nếu đối phương nhằm hướng Sầm Nưa để mở chiến dịch tiến công. Cùng quan điểm với tướng Salăng, tướng Gioăng cũng nói: “Mất Thượng Lào sẽ có những tác hại không thể tính hết được về mặt chính trị”1.

Chỉ mấy ngày sau khi chiến dịch mở màn, nhận được cấp báo của viên Trung tá Manpơlát - chỉ huy phân khu Sầm Nưa, tướng Salăng thấy rằng nếu để ba tiểu đoàn cố thủ Sầm Nưa trước ưu thế áp đảo của đối phương thì chẳng khác nào lấy trứng chọi đá và thất bại là không tránh khỏi. Vì vậy, ngay trong đêm 12-4, ông ta quyết định rút quân khỏi Sầm Nưa về phía nam.

Nhận thấy tình huống chiến dịch đã thay đổi, Bộ chỉ huy liên quân Việt - Lào quyết định truy kích, tổ chức những đơn vị gọn nhẹ, nhanh chóng đuổi theo tiêu diệt địch, không cho chúng chạy thoát về Cánh Đồng Chum. Trước sức tiến công mạnh mẽ của liên quân Việt - Lào, địch chống cự yếu ớt và nhanh chóng tan rã. Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội mất liên lạc với Manpơlát, chỉ còn cách theo dõi đội hình đang rút chạy về phía Cánh Đồng Chum bằng máy bay. Đến ngày 3-5-1953, Chiến dịch Thượng Lào kết thúc, làm cho hệ thống bố trí quân Pháp - Việt (ngụy) co lại nghiêm trọng. Trên chiến trường Bắc Đông Dương, lực lượng cơ động của Pháp bị căng mỏng và phân tán, buộc địch phải làm nhiệm vụ đóng giữ những vị trí chiến lược. Kế hoạch nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược của Đờ Lát, được Salăng dốc sức thực hiện, đến đây coi như đã thất bại.

Tin tức của chiến dịch được các phóng viên nhanh chóng chuyển tải về Pháp, Mỹ và các nước phương Tây. Phóng viên người Pháp Luyxiêng Bôda gửi một bức điện cho báo Nước Pháp buổi chiều bình luận: “Chúng ta phòng ngự đơn thuần sẽ khiến cho đối phương tràn khắp rừng núi, từ sông Hồng đến Mê Kông. Tình trạng này khiến chúng ta còn bị hao người, tốn của trong khi rút lui. Những thiệt hại này so với những trận đánh lớn có kém gì đâu”.

Các nhà quân sự, sách báo Pháp và phương Tây đã đưa ra nhiều bình luận về nguyên nhân dẫn đến thất bại của quân Pháp ở Thượng Lào. Giới quân sự của Pháp ở Đông Dương cũng như chính quốc đều có nhận xét rằng, Việt Minh có một bộ máy chỉ đạo chiến tranh hoàn chỉnh. “Về tổ chức cơ quan quân sự, ông Giáp có một Bộ tham mưu đúng với chức năng của nó” và “Bộ tư lệnh đối phương quan tâm đặc biệt đến việc bố trí các đợt nghỉ ngơi và củng cố bộ đội. Họ chú trọng đi sâu vào chất lượng để không ngừng tạo nên sức mạnh và hiệu quả chiến đấu”2. Sự lớn mạnh nhanh chóng của liên quân Việt - Lào cũng được đối phương nhìn nhận. Trong cuốn Lời thú nhận muộn mằn, tác giả Marcel Bigeard, tướng 3 sao của quân đội Pháp, người nhiều năm tham chiến ở Đông Dương, với cương vị chỉ huy Tiểu đoàn dù số 6 khi Chiến dịch Thượng Lào của liên quân Việt - Lào sắp diễn ra đã bày tỏ: “Tướng Giáp vẫn cứ vững vàng ở vị trí của ông ta, sắp sửa tiếp tục đánh bại các vị tướng của chúng tôi trước khi có trận truy kích”3.

Ngoài những bản báo cáo gửi Bộ Quốc phòng và Chính phủ Pháp ở thời điểm này, tướng Salăng đã có những đánh giá về lực lượng của đối phương (Việt Minh và quân đội Pathét Lào - TG) đầy lo lắng. Trong cuốn hồi ký Việt Minh - địch thủ của tôi, mô tả quân đội Việt Minh vào đầu năm 1953, ông viết: “Đối thủ đã tăng gấp ba lần sức mạnh hỏa lực và số lượng các đơn vị chính quy”, “Quân đội Việt Minh là một bộ đội lục quân tuyệt vời… một công cụ chiến đấu không có gì có thể so sánh được… một đối thủ đáng sợ”. Không chỉ là nỗi lo lắng, trong bản nghiên cứu quân sự hồi tháng 3-1953, ông ta nêu rõ: “Ta rất khó loại trừ Việt Minh vì trong vài tháng nay, lực lượng của họ phát triển một cách đáng kể. Vấn đề đặt ra rất nghiêm trọng cho chúng ta trong cục diện sắp tới” và “Có thể Việt Minh xuất phát từ những căn cứ chiếm được trong năm 1952 mà nhờ đó đã ở gần mục tiêu hơn, sẽ tiếp tục tiến về phía thượng Mê Kông. Khả năng ấy sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm trực tiếp đến chúng ta”4.

Các tướng lĩnh Pháp đã lỗi cho nhau và đổ cho quân số không được bổ sung, chỉ được huấn luyện ở vùng đồng bằng chứ không có kinh nghiệm chiến đấu ở vùng rừng núi. Trong một bức thư gửi Bộ trưởng các quan hệ với các quốc gia liên kết, Salăng đã biện minh rằng: “Những sự kiện tháng 4, tháng 5 vừa qua… sự yếu kém về vận tải bằng không lực đã ngăn cản việc thực hiện, trước sự tấn công vừa rồi của Việt Minh”5. Trả lời phỏng vấn một số báo Pháp, tướng Salăng công nhận rằng: “Sau chiến dịch mùa Xuân năm 1953, Việt Minh đã kiểm soát gần hết… quân chủ lực của họ lại càng mạnh mẽ, đầy khí thế hơn bao giờ hết vì chiến dịch vừa qua chưa làm họ sứt mẻ gì nhiều”. Tướng Gioăng và Bộ Tham mưu Pháp cũng có nhận định tương tự tướng Salăng: “Hình như ưu thế thuộc về ông Giáp, tuy ông ấy không có không quân, cơ giới. Ưu thế đó thật là điều đáng kể trong so sánh lực lượng” và “Trong khi quân chủ lực của đối phương hoàn toàn cơ động trên các chiến trường thì khoảng 85% chủ lực của Pháp - Việt (ngụy) phải giam chân trong các vùng tạm chiếm để đối phó với chiến tranh du kích, lực lượng cơ động chiến lược trong tay Bộ chỉ huy Pháp chỉ còn trên dưới 15%”6.

Không phải Chính phủ Pháp và giới quân sự không có kế hoạch bảo vệ Lào bởi họ đã xác định: “Không bảo vệ Thượng Lào tức là chấp nhận một thảm họa chung trong vòng vài tháng tới” và “Xét về mặt chính trị, quyết định không bảo vệ Lào cũng là một điều rất nghiêm trọng”. Nhưng rồi thực tế thiếu quân, khan hiếm về tài chính, trang bị, sự thay thế chỉ huy liên tiếp, tinh thần binh lính mệt mỏi, mất sức chiến đấu đã làm cho quân đội Pháp không còn khả năng thực hiện.

Nhiều tài mật được giải mã đã chỉ rõ sự yếu kém về lĩnh vực tình báo của phía Pháp. Báo cáo của Bộ Tham mưu Pháp tại Hà Nội ngày 2-2-1953, chỉ rõ: “Chúng ta ngày càng có cơ sở là Việt Minh có khả năng tiến quân trong mùa xuân ở Thượng Lào. Khả năng lực lượng sẽ được phối hợp với Pathét Lào một cách nhịp nhàng để mở cuộc tiến công vào hướng chủ yếu”7. Dựa vào tin tức tình báo các nhà quân sự Pháp cũng lờ mờ phán đoán được kế hoạch ta chuẩn bị phối hợp với bạn Lào để mở chiến dịch. Nhưng cụ thể hướng tiến công chính và binh lực ta bố trí thế nào thì họ không thể biết được. Vì vậy, họ lo sợ và luôn bị động. Chỉ đến khi chiến dịch kết thúc, phía Pháp mới phần nào có được những thông tin ít ỏi về các cuộc chuyển quân của chủ lực ta, do giải mã được một số tài liệu mà chúng có được. Đúng như tướng Nava sau này thú nhận: “Chỉ cần Việt Minh thay đổi mật mã là chúng ta thiếu tin tức, ít nhất cũng một thời gian”8. Báo cáo của Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương số 675/FO/TS tháng 5-1953 cũng nêu rõ: “Ta không có điều kiện đánh giá đúng đắn lực lượng quân địch. Tình trạng thiếu tin tức tình báo về địch ngược lại hẳn với tình trạng tiết lộ bí mật phổ biến trong chúng ta là một trong những nhân tố tai hại nhất của cuộc chiến tranh này. Kẻ địch nắm rất chắc mọi ý đồ của chúng ta và giữ bí mật gần như tuyệt đối về các ý đồ của họ”.

Một nguyên nhân nữa đưa đến thất bại của Pháp tại Thượng Lào chính là phía Pháp không có Bộ chỉ huy thống nhất, trang bị thiếu thốn, tinh thần chiến đấu của binh lính thấp. Trong báo cáo gửi về Chính phủ Pháp ngày 25-2-1953, tướng Salăng đã viết: “Tổng số quân Pháp làm nòng cốt bị giảm, khối quân cơ động không hề thay đổi. Vì vậy, khoảng cách giữa hai bên ngày càng rõ rệt và ta ở vào thế ngày càng yếu kém hơn”9.

Mặc dầu còn có những chỗ lờ mờ và lúng túng, tướng Salăng và giới quân sự Pháp cũng muốn cố gắng nói lên một sự thật: Ở vào thời điểm đó, Chính phủ Pháp không xác định được rõ ràng mục đích chiến tranh, nội các khủng hoảng liên tiếp, tướng lĩnh và chỉ huy bị thay đổi, xáo trộn liên tục trong thời gian từ cuối năm 1952 đến đầu năm 1953. Tướng Nava, trong Hồi ký của mình đã nói ra sự thật: “Thế của họ (Việt Minh - TG) ngày càng được cải thiện, cả về chính trị và quân sự. Bấy giờ họ có thể hy vọng là sẽ thắng trận”.

Báo Lơphigarô, báo Nhân đạo, ra tháng 4 và tháng 5-1953 còn nhấn mạnh rằng: Quân dân ViệtNamvà quân đội Pathét Lào có mục đích chiến đấu rõ ràng, đường lối kháng chiến nhất quán và tinh thần chiến đấu cao. Điều đó dẫn đến những bất lợi về quân sự cho Pháp, và cũng là một nguyên nhân dẫn đến thất bại thảm hại trong Chiến dịch Thượng Lào.

Còn báo Mỹ Diễn đàn Thông tin quốc tế, báo Pháp Paris Paress, báo Thế giới, đăng tải trong các ngày 14, 15, 16 tháng 5-1953 có chung nhận định rằng: Trong lúc đối phương đang trên đà phát triển không ngừng thì quân viễn chinh Pháp không được tăng cường với nhịp độ mà các vị tổng tư lệnh đã đề nghị. Chính quốc không thỏa mãn yêu cầu của các vị đó, trước hết vì lý do tài chính. Và rồi họ thốt ra rằng: Chúng ta có sức mạnh hơn hẳn địch là máy bay, pháo binh và cơ giới nhưng các binh chủng này cũng có nhược điểm là nặng nề, không phù hợp với chiến trường Đông Dương. Bộ binh Pháp đã có một thời kỳ chế ngự hẳn đối phương song hiện nay thì rõ ràng kém họ. Bởi vậy, thất bại của chiến dịch đã được các tướng lĩnh Pháp nhận định từ khi sắp xảy ra chiến dịch.

Đánh giá thấp đối phương cũng là một nguyên nhân dẫn đến thất bại của Pháp tại Thượng Lào. Tướng Salăng, trong một tài liệu nghiên cứu về những chiến dịch ở vùng thượng du đã viết: “Việt Minh không thể nào sử dụng vũ khí nặng ở đó được vì gặp phải những khó khăn về vận chuyển”10. Nhưng thực tế đã chứng minh hoàn toàn ngược lại với những gì mà các tướng lĩnh Pháp đã toan tính.

Chiến thắng Thượng Lào đã lùi xa hơn nửa thế kỷ và đã có biết bao sách báo đề cập đến trên nhiều bình diện và góc độ khác nhau, trong đó có không ít tác phẩm được viết ra từ chính những nhân vật chóp bu trong Chính phủ và quân đội Pháp đã từng chỉ đạo, chỉ huy cuộc chiến ở Việt Nam. Lời thú nhận của họ tuy có muộn mằn song nó đã giúp cho chúng ta có cái nhìn ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn về ý nghĩa, tầm vóc cũng như nguyên nhân của thắng lợi của chiến dịch quan trọng này.

 

Trung tá, TS. Trương Mai Hương

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

___________

1, 4. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Pháp từ 1952-1954, lưu Thông tấn xã ViệtNam.

2, 6. Dẫn theo Trần Trọng Trung: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.405, 404.

3. Marcel Bigeard: Lời thú nhận muộn mằn, Ngô Bình Lâm và Phạm Xuân Phương dịch, Nxb. Hà Nội, 2004, tr.159.

5. Jules Roy: Trận Điện Biên Phủ, Bùi Đình Kế dịch, Viện Lịch sử quân sự ViệtNamxuất bản, Hà Nội, 1994, tr.12.

7, 9. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Pháp, lưu tại Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản ViệtNam.

8. Henri Navarre: Thời điểm của những sự thật (Le temps Des Vérités), Nguyễn Huy Cầu dịch, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.62, 63.

10. H. Navarre: Đông Dương hấp hối, Nxb. Plon,Paris, 1958, tr.196.

 


Bình luận