Chiến trường là nơi gặp gỡ
Tôi đã gặp mặt và làm việc với anh Thọ trong những hoàn cảnh thật là đặc biệt.
Lần thứ nhất là tại Sơn La khi chúng tôi và một số đồng chí khác bị địch bắt và bị đày lên nhà tù ở đấy. Lúc đó, tôi còn là một thanh niên vào Đảng chưa được bao lâu nên còn thiếu kinh nghiệm. Tôi nhớ mãi lời anh dặn chỉ bảo cách đối phó với kẻ thù khi đã bị bắt. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là hình ảnh một người cộng sản đầy nhiệt tình, sôi nổi và dễ gần.
Lần thứ hai thấy anh là trong nhà giam Sở Mật thám Hà Nội, khi tôi bị chuyển từ đây về Bắc Ninh để tòa án thực dân phong kiến xét xử và kết án tử hình. Lần này tôi chỉ kịp chào anh và nhận ở anh ánh mắt thông cảm, lo lắng và khuyến khích. Hơn cả những lời nói, ánh mắt ấy bộc lộ tình cảm sâu nặng của những đồng chí chung một lý tưởng.
Lần thứ ba đáng nhớ nhất là lần được trực tiếp cộng tác với anh dài ngày hơn, ở một nơi và một thời điểm mà con người dễ phô bày bản lĩnh và những điểm mạnh, yếu của mình: chiến trường miền Nam lúc sắp diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Như chúng ta đã biết, tháng 1-1975, Bộ Chính trị Đảng ta quyết định thực hiện kế hoạch hai năm giải phóng miền Nam, mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên. Khi chúng tôi đang họp Thường trực Quân uỷ Trung ương để bàn việc thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị thì đồng chí Thọ bất ngờ đến cùng họp. Sau này mới hiểu vì Bộ Chính trị thấy ý định đánh trận đột phá vào Buôn Ma Thuột như gợi ý của đồng chí Lê Duẩn chưa được rõ nét trong kế hoạch tác chiến nên cử đồng chí Thọ đến để khẳng định quyết tâm đánh vào đó. Đồng chí Thọ đã sôi nổi và dứt khoát đặt vấn đề phải mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bằng giải phóng Buôn Ma Thuột. Sau đó, theo đề nghị của đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Thọ, Bộ Chính trị cử tôi cùng đoàn cán bộ vào chiến trường Tây Nguyên để chỉ đạo trực tiếp tại chỗ. Tính cách của anh Sáu là như vậy: tập thể đã quyết định thì phải chấp hành cho bằng được dù khó khăn đến mấy.
Giải phóng Tây Nguyên xong, Bộ Chính trị cân nhắc mọi mặt và thực hiện phương án giải phóng Sài Gòn sớm hơn dự kiến, nghĩa là giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa, rồi ngay trong tháng tư. Một lần nữa, Bộ Chính trị lại cử đồng chí Thọ vào gặp chúng tôi để phổ biến nghị quyết này và bàn việc nắm lấy thời cơ lịch sử này hoàn thành nhiệm vụ trọng đại giải phóng miền Nam.
Chiều ngày 7-4-1975, khi chúng tôi họp với Trung ương Cục và Quân uỷ Miền nghiên cứu tình hình, thảo luận kế hoạch của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng thì đồng chí Thọ đến. Đây là chuyến đi công tác thứ ba vào Nam Bộ của đồng chí trong 30 năm qua kể từ khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ. Qua đó có thể thấy đồng chí là một người năng nổ, xông xáo, kiên nghị, thường được cử đi những nơi quyết định vào những lúc quyết định.
Cùng với các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Phan Văn Đáng, Hai Xô, tôi và Lê Ngọc Hiền..., đồng chí Thọ tới. Đồng chí Thọ phổ biến chỉ thị của Bộ Chính trị và tham gia vào quá trình thảo luận kế hoạch Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, phân tích sâu sắc các vấn đề đặt ra, đi sâu vào các khía cạnh cụ thể và cân nhắc một cách toàn diện. Đó là một quá trình lao động tập thể đầy hào hứng nhưng rất căng thẳng vì tình hình diễn biến mau lẹ, thời cơ xuất hiện rất nhanh. Đặc biệt đồng chí Thọ và đồng chí Phạm Hùng được phân công trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị tiếp quản thành phố Sài Gòn - Gia Định và cùng đồng chí Nguyễn Văn Linh trong việc huy động lực lượng quần chúng, hướng dẫn hình thức nổi dậy, lựa chọn thời điểm thích hợp, phối hợp với tiến công quân sự để từ trong nổi dậy, từ ngoài đánh vào, trong ngoài cùng đánh đạt được yêu cầu táo bạo, bất ngờ, chắc thắng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc một cách huy hoàng, oanh liệt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Cho đến bây giờ, tôi thấy như còn vang vọng những lời phát biểu của đồng chí Lê Đức Thọ trong Hội nghị sơ kết chiến dịch ở Đà Lạt. Đó là sự phân tích sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa và nguyên nhân của thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhất là lời kêu gọi nâng cao cảnh giác, tránh say sưa với thắng lợi của đồng chí mà tiếc thay có nhiều người đã lãng quên.
Những lần gặp gỡ và làm việc với đồng chí Thọ đã càng khẳng định những ấn tượng ban đầu của tôi về đồng chí: một người cộng sản trung kiên, nhiệt tình, năng động, đã quyết là làm bằng được.
Khi viết những dòng hồi ức này, tôi nhớ tới sự băn khoăn, trăn trở của anh về vấn đề đội ngũ kế thừa của cách mạng. Tôi thấy có thể thưa với hương hồn anh rằng: "Xin anh yên tâm, sự nghiệp của Đảng, của Bác Hồ và dân tộc vẫn được đặt trong những bàn tay tin cậy".
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực