Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5: Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, giữ ổn định môi trường đầu tư trong nước

Ngày đăng: 30/05/2014 - 14:05

Ngày 29-5-2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam.

1CP hop

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Đức Tám (TTXVN)

Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ tập trung bàn các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam tác động nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội; bàn các giải pháp ổn định tình hình các DN, sớm để người lao động trở lại làm việc sau biểu tình vừa qua tại một số địa phương, cũng như giữ ổn định môi trường đầu tư trong nước. Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho biết, Bộ liên tục cử các đoàn công tác xuống các địa phương để cùng với địa phương, DN ổn định tình hình. Ðể hỗ trợ các DN bị thiệt hại, Bộ đã làm việc với 15 DN bảo hiểm và tái bảo hiểm, theo đó các DN bảo hiểm này trước mắt đã ứng chi bảo hiểm khoảng 100 tỷ đồng cho các DN bị thiệt hại. Bộ cũng hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách, cũng như cùng với UBND các tỉnh tích cực khôi phục hồ sơ cho các DN; chỉ đạo các ngành, cơ quan chức năng giải quyết nhanh gọn các lô hàng nhập khẩu đối với các DN. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ðặng Ngọc Tùng kiến nghị, Chính phủ cần tạo thêm điều kiện để ngư dân kiên cường bám biển, bám ngư trường; tổ chức các tàu dịch vụ hậu cần để hỗ trợ ngư dân.

Các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh đều cho rằng, các ngành sản xuất cần chủ động tìm đủ nguyên phụ liệu từ những nguồn khác. Ðây cũng là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường. Ðiều đó đặt ra cần mở rộng thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các bộ, ngành như Bộ Công thương lưu ý một số mặt hàng chính như xăng dầu; tăng cường kiểm tra dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia. Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị: Nên rà soát từng ngành trong việc sử dụng nguyên, vật liệu, từ đó có kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Phiên họp Chính phủ lần này cũng nghe và thảo luận Tờ trình Nghị định của Chính phủ về một số chính sách và giải pháp phát triển thủy sản đến năm 2020...

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị chung sức phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra cho năm 2014, nhất là bảo đảm mức tăng trưởng GDP như đã đề ra. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, phát huy các mặt tích cực, khắc phục mọi hạn chế, yếu kém để nỗ lực đạt các mục tiêu đã đề ra.

Ðối với vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, xâm phạm vùng biển nước ta, Thủ tướng khẳng định, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Ðảng, Nhà nước Việt Nam-Trung Quốc. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị luôn chỉ đạo kịp thời, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế đồng bộ trên các mặt ngoại giao, thực địa và tuyên truyền. Qua đó, thể hiện rõ thiện chí của Việt Nam mong muốn hòa bình, xử lý vấn đề bằng hòa bình, luật pháp quốc tế. Việc này có sự đồng thuận rất cao trong toàn Ðảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị. Bạn bè quốc tế cũng lên tiếng ủng hộ rộng rãi chính nghĩa của Việt Nam. Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, chúng ta kiên quyết đấu tranh với phía Trung Quốc, đồng thời, nỗ lực không để việc này ảnh hưởng các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Chúng ta cũng quyết liệt giúp DN bị thiệt hại vừa qua với thái độ chân thành để họ sớm khôi phục sản xuất. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm sự việc vừa qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình bằng biện pháp hòa bình với các giải pháp gồm: sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo; đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam; đấu tranh bằng dư luận, thông tin trung thực cho nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hành vi xâm phạm của Trung Quốc cũng như các biện pháp đấu tranh hòa bình của Việt Nam, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành vi trên của Trung Quốc. Thủ tướng cũng khẳng định: Nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình, lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình.

Thủ tướng chỉ đạo, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để dư luận thấy được sự sai trái của Trung Quốc, Việt Nam là chính nghĩa. Ðiều quan trọng là đưa tuyên truyền này tới được người dân Trung Quốc để họ hiểu rõ hành vi xâm phạm của Trung Quốc. Về vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc, Thủ tướng khẳng định: Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng, là hai nước láng giềng có kinh tế đang phát triển, cho nên hợp tác nói trên là hoàn toàn tự nhiên trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Ðồng thời, Việt Nam đang triển khai tái cơ cấu nền kinh tế, mở rộng thị trường, đàm phán tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác mới. Việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với tất cả các đối tác trên thế giới nhằm giảm rủi ro, lệ thuộc của Việt Nam vào một thị trường nhất định, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và năm tháng qua, Thủ tướng khẳng định, tuy có bị tác động nhất định do sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, nhưng tác động này chưa phải là lớn. Tình hình nói chung chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý một số hạn chế, yếu kém của nền kinh tế. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; quyết liệt tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; tích cực tiến hành sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN.

Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung tăng tổng cầu, cố gắng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong những tháng mùa khô. Ngành ngân hàng tập trung xử lý nợ xấu; tăng chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào nông dân, ngư dân, DN vừa và nhỏ; kiểm soát tốt thị trường vàng, ngoại tệ và chứng khoán, không để xảy ra biến động. Ðối với giá sữa phải kiên quyết thực hiện hiệu quả việc áp giá trần sữa cho trẻ em, cái gì chưa phù hợp phải điều chỉnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái...

Hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá vỏ thép

Chiều 29-5, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 5 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên.

Nói rõ thêm về Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có hỗ trợ đánh bắt xa bờ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cho biết, các thành viên Chính phủ đều thống nhất về quan điểm cần sớm ban hành chính sách này. Chúng ta đã có chính sách cho vay ưu đãi để phát triển tàu đánh bắt xa bờ, nhất là tàu vỏ thép. Thời gian qua tuy có vốn nhưng cơ chế chưa bảo đảm. Với nghị định mới, lãi suất cho vay sẽ là 3%/năm và thời gian cho vay kéo dài mười năm. Người đi vay có thể thế chấp thân tàu, có bảo hiểm. Khi có rủi ro do khách quan thì Nhà nước có chính sách đặc biệt để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Kiên quyết thực hiện nghiêm áp trần giá sữa

Ðại diện Bộ Tài chính cho biết, ngày 20-5, Bộ đã ban hành quy định áp giá trần 25 mặt hàng sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi căn cứ vào kết quả kiểm tra năm DN từ ngày 10-3 đến 10-4. Sau đó, có hiện tượng DN đã lách luật đối với năm mặt hàng nhằm thoát khỏi quy định áp giá trần 25 mặt hàng. Bộ Tài chính đã phát hiện việc này và yêu cầu các DN nói trên phải giải trình. Việc thực hiện bắt đầu từ ngày 1-6, nếu DN, đơn vị đó cố tình vi phạm thì Bộ Tài chính sẽ cùng với các cơ quan chức năng xử lý để bảo vệ quyền lợi hợp lý của 10 triệu trẻ em dưới sáu tuổi.

Bảo đảm an toàn cho DN và người lao động

Ðại diện Bộ Công an cho biết: sau sự việc công nhân biểu tình tại một số địa phương thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công an đã họp chỉ đạo rút kinh nghiệm với công an các địa phương. Theo đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ theo luật pháp, phát động quần chúng đồng tình với chủ trương của Ðảng, Nhà nước, không nghe xúi giục của kẻ xấu; tăng cường lực lượng bảo vệ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, bảo đảm cho các DN và công nhân yên tâm lao động sản xuất.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 15-5, tổng thu NSNN ước đạt 326,14 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% dự toán năm. Năm tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 15,4%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 56,86 tỷ USD, tăng 9,6%; xuất siêu khoảng 1,65 tỷ USD, bằng 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 0,4%; tổng vốn FDI ước đạt 5,51%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước.

P.V

Theo Nhân Dân



Bình luận